Khi chiến tranh tại Ukraine chưa lắng xuống thì một cuộc chiến khác lại bùng lên dữ dội tại Sudan đã cướp đi khoảng 500 sinh mạng, hàng ngàn người bị thương.
Năm 2021, Bashir, vị tổng thổng cầm quyền trong 30 năm đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, nay thì trong hàng ngũ những người lãnh đạo quân sự lại nảy sinh những bất đồng sâu sắc không thể hòa giải dẫn đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Con người tự cho là một sinh vật thượng đẳng, là loài duy nhất có ngôn ngữ. Có điều họ không biết cách nói chuyện với nhau cho nên đã nghĩ ra đủ thứ vũ khí để tiêu diệt nhau trong những cuộc chiến không không ngừng nghỉ xuyên suốt lịch sử.
Nhiều người không để ý rằng biên giới các nước châu Phi do các nước đế quốc thực dân vẽ ra chứ trước khi người Châu Âu đến đây không hề có những đường biên này. Lục địa đen lúc đó có khoảng vài chục tiểu quốc và hàng trăm vùng cát cứ bởi các hình thái thấp hơn nhà nước gọi là bộ lạc. Để cho gọn sổ sách, các nước đế quốc gom một số tiểu quốc và bộ lạc vào với nhau, hình thành ra trên 50 nước như ngày nay.
Chính vì thế trong mỗi quốc gia có những khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo và chủng tộc. Ở nhiều nước vẫn còn tình trạng phép vua thua lệ làng, các bộ lạc trong các vùng sâu xa vẫn còn duy trì lề thói cai trị kiểu cũ, tiếp tục cha truyền con nối, không chịu tuân theo các chính sách từ trung ương. Nhiều vùng có lực lượng vũ trang chuyên và bán chuyên để sẵn sàng đối đầu với quân đội chính phủ.
Đa số các nhà lãnh đạo Châu Phi xuất thân từ quân đội, tuy nhiên để điều hành chính phủ dân sự thì họ phải xuất ngũ. Như vậy ảnh hưởng trong quân đội bị giảm đi để rồi các tổng thống gặp phải những thách đố từ những người đồng đội cũ của mình, cao trào là những cuộc đảo chính quân sự.
Vấn đề là ngay trong quân đội cũng không có sự đồng nhất vì quân nhân cũng từ dân mà ra và do đó chịu ảnh hưởng của những khác biệt đã nói ở trên. Phải chăng nguyên nhân của nguyên nhân ở đây là những khác biệt về văn hóa vùng miền của các tiểu quốc và bộ lạc có nguồn gốc từ lịch sử?
Ở phương đông, Trung Hoa cổ đại có thể chia ra làm hai thời kỳ chính: tản quyền và tập quyền với dấu mốc vào thời kỳ Tần Thủy Hoàng.
Xưa kia, Trung Hoa rộng lớn có làm khoảng 130-150 “nước” với các sự khác biệt về ngôn ngữ, dòng giống và phong tục tập quán. Thời Xuân Thu, mỗi khi ở nước nào đó sinh biến, như xung đột tranh cướp ngôi vua thì Tề Hoàn công hay Tấn Văn công, những bá chủ có uy quyền đều tập hợp “hội nghị thượng đỉnh” giữa các vua. Trong phó hội, mọi người phân công nhau việc chinh phạt để lập lại trật tự ở nước đang có chuyện.
Trước đó, vua Nghêu nhường ngôi cho vua Thuấn là chọn người hiền tài chứ không đưa con mình lên thay. Thời Xuân Thu Chiến quốc kéo dài khoảng 700 năm, người dân được hưởng thái bình một cách tương đối, đạt nhiều thành tựu về văn hóa và kinh bang tế thế, xuất hiện nhiều học giả lỗi lạc và các tư tưởng mới.
Vệ Ưởng là một học giả đã đề xuất là một lý thuyết cai trị mới, gần giống như chế độ xã hội chủ nghĩa, theo đó mọi thứ đất đai, tài sản đều thuộc sở hữu của vua, mọi quyền lực được tập trung vào vua và vua sử dụng chuyên chế để đàn áp mọi khác biệt.
Lúc đầu, lý thuyết này bị tranh cãi, tuy nhiên vài trăm năm sau đã được Tần Thủy Hoàng đưa ra áp dụng, theo đó có vụ giết học trò, đốt sách để mọi người phải phục tùng học thuyết Vệ Ưởng là duy nhất đúng. Các lãnh chúa không còn được cha truyền con nối mà đều phải do vua bổ nhiệm, chia thành châu, quận huyện.
Thực tế cho thấy, thời kỳ hậu Tần Thủy hoàng mới khởi nguồn nhiều cuộc chiến đẫm máu, khi quyền lực trở nên cực đoan thì cuộc tranh giành quyền lực đã trở nên khốc liệt. Lịch sử đã ghi nhận những cuộc chiến trên quy mô lớn, những cuộc thảm sát, mạng sống con người bị coi như cỏ rác.
Chiến tranh nghĩa là mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, như vậy không hận thù là điều không tưởng. “VC giết bố tôi, tôi căm thù nó” đó là một câu nói đã từng được báo chí Úc ghi lại của một nhân vật có tiếng tăm trong cộng đồng. Giải pháp lý tưởng nhất là làm sao tránh được chiến tranh.
Trở lại vấn đề Sudan, khi Nam Sudan tách ra khỏi Sudan thì có thể coi đó là một bước tiến khi mặt trận phía nam của Sudan đã được yên tiếng súng. Nam Sudan có trên 10 triệu dân, rộng 640,000 km2 (gấp đôi Việt Nam) tách ra thì phần Sudan còn lại vẫn xấp xỉ 2 triệu km2, khá lớn để tách tiếp.
Nếu Nam Sudan đa số dân theo Thiên chúa giáo khác biệt với Sudan đa số theo Hồi giáo thì Darfour, lại khác nhau về chủng tộc, đó là người Darfour thuộc “black Africa”, trong khi phần lớn dân Sudan là người Ả Rập. Kể từ khi có hiệp định đình chiến năm 2010, tiếng súng vẫn tiếp tục vang ở Darfour và “còn nhiều tiềm năng” để loang rộng bất cứ lúc nào. Nên chăng có một quốc gia Darfour về phía tây Sudan, có diện tích nhỏ hơn Nam Sudan một chút nhưng dân số tương đương?
Châu Phi còn rất nhiều vùng cát cứ, theo đó các lãnh chúa địa phương không phục tùng chính quyền trung ương, trong nhiều trường hợp là những cuộc đụng độ quận sự đẫm máu. Nếu quốc tế ủng hộ họ tách ra như những quốc gia mới thì đó là một giải pháp không tồi.
Một ví dụ khác ở châu Phi, tiếng súng đã yên sau khi Eritrea tách khỏi Ethiopia. Trong khi ở châu Âu đã có một loạt quốc gia mới sau quá trình ly khai ở Liên Xô và Nam tư.
Lãnh thổ to hay bé, chẳng qua chỉ để thỏa mãn cuồng vọng bọn thống trị, chẳng mang đến lợi ích gì cho người dân. Nhưng vấn đề ở chỗ người dân lại phải gánh chịu tất cả những mất mát tang thương đau đớn nhất.
Trong trường hợp không thể ra đời các quốc gia mới thì giải pháp “liên bang” cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Một thống đốc tiểu bang tự trị do dân bầu thay vì một tỉnh trưởng lúc nào cũng “sợ” cấp trên có tiếp tục bổ nhiệm hay bãi nhiệm mình.
Nếu thực sự “lấy dân làm gốc” như khẩu hiệu thì điều nên làm làm xóa bỏ tập quyền của các chính phủ, thay vào đó là tản quyền, với những mô hình quản lý nhỏ hơn về lãnh thổ, dễ bề chăm lo quan tâm nhiều hơn đến người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét