Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Đọc sách: A Vietnamese Royal exile in Japan Prince Cường Để (1882-1951)

 

Tác giả sách là PGS Trần Mỹ Vân, Giảng viên ĐH Nam Úc. Mình không được hân hạnh quen biết cô Mỹ Vân, chỉ được tặng sách thông qua một người bạn.
Điều dễ thấy đây là tác giả Việt, viết về nhân vật lịch sử Việt, hướng đến độc giả Việt nhưng sách lại được viết bằng tiếng Anh. Hồi ký “Con Rồng nước Nam” của Bảo Đại được viết bằng tiếng Pháp, do đích thân cựu hoàng hiệu dính bản dịch tiếng Việt. Hồi ký “Viên sỏi trắng” của Trần Lệ Xuân cũng viết bằng tiếng Pháp, tác giả tự dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý.
Tất nhiên có dụng ý, phải chăng trước hết nhằm chọn lọc người đọc. Thứ hai nhằm mục đích có thể kiểm chứng nội dung dễ hơn bằng các tài liệu nước ngoài, do đó khách quan hơn.
Ngoại Kỳ hầu Cường Để là cháu đích tôn 5 đời của vị Vua đầu tiên triều Nguyễn Gia Long, là hậu duệ của 4 đời của Thái tử Cảnh, con trưởng của Vua. Thái tử Cảnh mất sớm, người con thứ hai cũng đã mất nên Hoàng tử thứ ba tên Đảm mới được chọn, tức Minh Mệnh.
Sau khi lên ngôi, Minh Mệnh đưa ra quy định con cháu trực hệ của mình, gọi là Đế hệ mới được quyền lên ngôi Vua; còn con cháu của các anh em bao gồm con cháu của Thái tử Cảnh và hơn 10 người em khác được gọi là Phiên hệ, sẽ không được quyền nối ngôi. Quy định này thực chất nhắm vào dòng trưởng của Thái tử Cảnh, những người có nhiều ảnh hưởng trong các quan tướng.
Sau khi phong trào Cần Vương theo lời kêu gọi chống Pháp của vua Hàm Nghi tan rã, Hàm Nghi bị đi đầy ở Châu Phi, nhà lãnh đạo khởi nghĩa Phan Đình Phùng muốn tìm một nhân vật hoàng gia để làm ngọn cờ mới. Ông đã tìm đến Hàm hóa Hương công Tăng Du, người được thừa hưởng tập tước của dòng Thái tử Cảnh. Tự thấy đã già yếu, Tăng Du đã giới thiệu con trai mình là Cường Để. Tuy nhiên, chưa kịp làm gì thì Phan Đình Phùng đã qua đời.
Cường Để cũng được các tổ chức chống Pháp liên hệ trong chiều hướng tôn vinh làm minh chủ, trong đó có Phan Bội Châu. Bản thân cụ Phan cũng đã tìm hiểu một số hoàng thân khác nhưng rồi qua các buổi đàm đạo thì Phan và Cường Để đã “bén duyên” để hẹn ước nhau cùng làm chuyện lớn.
Quyển sách là một tư liệu quý khi đã theo dấu chân Hoàng thân Cường Để từ lúc bắt đầu đi ra nước ngoài, với những chi tiết đáng kinh ngạc về những cuộc gặp gỡ, viếng thăm nhiều nước đầy hiểm nguy và cũng rất mưu lược.
Phan Bội Châu và cộng sự đã tổ chức chuyến xuất dương bí mật cho Cường Để vào ngày mồng ba Tết Bính Ngọ, lúc đó vị hoàng tử trẻ 24 tuổi, để lại vợ và ba người con thơ, trong đó một đứa còn trong bụng mẹ.
Tháng 2/1906, con thuyền của Cường Để cập bến Hongkong, từ đó đi sang Nhật. Lúc này phong trào Đông Du đã quy tụ được hàng trăm sinh viên sang Nhật du học, đương nhiên họ rất vui mừng khi lãnh tụ mới của phong trào là một hoàng thân thuộc dòng chính thống. Bản thân Cường Để cũng tham gia các khóa học với các đồng hương bằng một cái tên Trung Quốc giả.
Sau một thời gian chuẩn bị, Việt Nam Quang phục Hội chính thức được thành lập vào ngày 19/6/1912 coi như một chính phủ lâm thời với các thành viên lãnh đạo là nhân sĩ trí thức hàng đầu như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thượng Hiền, Đăng Tử Mân, Nguyễn Hải Thần...Cường Để giữ vai trò Tổng Đại biểu (Chủ tịch), còn Phan Bội Châu là Phó Chủ tịch kiêm Ngoại trưởng. Quang Phục Hội có quân đội để hoạt động võ trang và có đồng tiền riêng.
Sau những hoạt động tại Trung Quốc, Singapore và Thái Lan, Cường Để đã về Việt Nam trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 6/1913. Sở dĩ phải liều mình trong sự săn đuổi của giặc Pháp như vậy vì Quang Phục cần thêm nhiều sự ủng hộ từ các thành phần trong nước, trong đó có vấn đề tài chính.
Cũng trong mục đích tìm kiếm đồng minh và sự ủng hộ, Cường Để đã có chuyến đi Châu Âu trong 8 tháng từ tháng 9/1913 đến tháng 4/2014. Tháp tùng hoàng thân là những thanh niên trẻ, thạo ngoại ngữ như Trương Duy Toàn (tiếng Pháp), Đỗ Văn Y (tiếng Đức) và Lâm Tỷ (tiếng Anh).
Chuyến đi bằng tàu thủy xuất phát từ Thượng Hải, tiếp đến Singapore rồi Bangkok. Thành phố Châu Âu đầu tiên mà nhóm cập bến là Naples (miền Nam nước Ý) rồi đi đường bộ đến Berlin. Trong hai tháng ở đây, có tin Cường Để đã gặp thủ tướng Đức Bismarck nhưng thực ra không phải, ông chỉ có các tiếp xúc với các quan chức chính phủ, được tài trợ 1000 Yên nhưng không phải thành công như mong đợi. Ông rời Đức qua Bỉ rồi tới London và ở đó trong hơn năm tháng.
Trở lại Nhật Bản, Cường Để giao du với các chính khách như Inukai Tsuyoshi (người sau này trở thành thủ tướng), Buntaro và Iwane (đại tướng). Những người này có thể coi là những người bạn của Cường Để, đã ủng hộ ông và phong trào rất nhiều về tinh thần và tài chính.
Năm 1925, có kẻ bán thông tin để lấy thưởng cho Pháp khiến Phan Bội Châu bị bắt, bị giam lỏng tại quê nhà. Cường Để tiếp tục làm lãnh tụ của Việt Nam Quang Phục Hội.
Năm 1939, Việt Nam Quang Phục hội được cải tổ thành Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội, chủ yếu hoạt động ở miền Trung với các nhân sĩ tham gia như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Cữ, Lê Toàn...
Năm 1945, Nhật thắng Pháp và tìm người để trao trả độc lập cho Việt Nam và Đông dương. Theo “kế hoạch”, bước 1 Nhật công nhận Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim; bước 2 Cường Để sẽ được mời làm tổng thống Đông Dương và Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Tuy nhiên Nhật đã đầu hàng đồng minh nên lộ trình này bị bỏ dở.
Năm 1949, Bảo Đại hồi hương làm quốc trưởng, Cường Để lúc này đã già yếu, ông dành mọi sự ủng hộ cho Bảo Đại, trước khi sống những năm tháng cuối đời ở nhật Bản.
Cuộc đời Cường Để thọ 69 tuổi thì đã có 45 năm lưu vong ở nước ngoài nhằm đấu tranh vì độc lập cho đất nước. Tên ông đã được đặt cho đường phố ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng không hiểu sao bây giờ không còn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét