Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Bâng khuâng với câu chuyện Cộng đồng chung

 

Chuyến đi thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam đã để lại nhiều nỗi bâng khuâng khó tả trong những ngày năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Trước tiên, khi cụ Tổng Biden vừa rời gót ngọc chẵn 3 tháng thì đến lượt cụ Chủ Tập bén gót vàng. Có lẽ là một kỷ lục guiness vì có lẽ chưa có nước nào trên thế giới được đón nguyên thủ của hai siêu cường đến thăm song phương sát thời gian nhau như vậy. Việt Nam yêu dấu của chúng ta có giá quá ha!
Riêng với Chủ tịch Tập, đây là lần thứ ba đến thăm Việt Nam với tư cách là lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, chưa kể một lần đến thăm khi còn là “thái tử”. Phải chăng ông là người “cuồng Việt”? Thực tế lại trái ngược, quan hệ Việt – Trung xấu đi sau khi Tập lên ngôi với những hành động hung hăng trên biển đông, cụ thể là cho kéo dàn khoan ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cũng như các hoạt động quân sự ở Trường Sa.
Mọi người đều biết chính sách “ẩn mình chờ thời” từ thời Đặng Tiểu Bình đã bị Tập chính thức xóa bỏ khi Trung Quốc đã tỏ rõ những tham vọng lớn trên bàn cờ chính trị thế giới. Ông nói về “giấc mơ Trung Hoa”, các sáng kiến “Vành đai con đường”, “Cộng đồng chung vận mệnh”...
Chữ vận mệnh (destiny) nghe ghê quá, chung vận mệnh nghĩa là sống chết có nhau, vậy còn hơn cả cha con, mẹ con, vợ chồng? Tuy nhiên, trong bản thông cáo chung bằng tiếng Việt sau chuyến đi, chúng ta chỉ thấy chữ “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, mà cụm từ này có ý nghĩa khác hẳn. Hiểu theo nghĩa rộng, tất cả mọi người đều chia sẻ tương lai, kể cả người dưng nước lã không quen biết!
Theo đồn đại, văn bản bằng tiếng Trung vẫn dùng chữ “chung vận mệnh” như ông Tập từng nói, hai đảng cộng sản của hai nước có chung lý tưởng thì đương nhiên phải chung vận mệnh thôi. Mình không biết tiếng Tàu nên không biết có sự nhập nhằng như thế không?
Bỏ qua trò chơi chữ nghĩa, hãy thử xem 36 ký kết giữa hai nước có những nội dung thiết thực gì không? Về vấn đề vành đai con đường, không nhắc đến đường sắt cao tốc hay đường bộ xuyên Bắc Nam mà chỉ là tuyến đường Vân Nam - Hải Phòng. Cái này không có gì mới, đúng ra còn quá cũ vì từ thời Pháp thuộc đã có tuyến đường này.
Đại dự án Vành đai con đường dự kiến mất 8,000 tỉ USD, sau khi tiêu hết 1,000 tỉ USD mà hiệu quả rất thấp, mới đây Trung Quốc đã có điều chỉnh theo hướng tập trung vào các dự án nhỏ lẻ. Nguyên nhân sâu xa hơn, nền kinh tế Trung Quốc đang bị chững lại sau những đổ vỡ trong lĩnh vực bất động sản và không còn nhiều vốn để đầu tư ra bên ngoài.
Đảng CS Trung Quốc luôn phải chứng minh với người dân rằng không cần nhiều dân chủ tự do như các nước Tây phương thì Trung Quốc vẫn phát triển tốt, mang lại đời sống tốt đẹp. Trước đây, “tính ưu việt” đã được thể hiện rất rõ với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-12%. Tỉ lệ ước năm nay 3,5% không phải quá tệ những vẫn là một cái ngưỡng đáng báo động đối với sự tồn vong của chế độ.
Trung Quốc hiểu hơn ai hết, khi bộc lộ tham vọng họ sẽ phải đối mặt với chính sách ”bao vây” của Mỹ và đồng minh, sẽ bị cấm vận về công nghệ và mất dần nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khác với Mỹ, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp nên thị trường nội địa yếu, vì thế không đủ để làm động lực vực dậy nền kinh tế, chưa kể người giàu còn tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Đó là lý do Tập Cận Bình đã phải “muối mặt” sang thăm Mỹ song phương và cầu xin sự hòa dịu. Những động thái và lời lẽ của ông khi sang Việt Nam cũng nhũn nhặn một cách bất thường. Tập rất muốn Việt Nam chấp nhận “Cộng đồng chung vận mệnh”, nhưng rồi chỉ có “Cộng đồng chia sẻ tương lai” cũng không sao.
Có tin phía Trung Quốc muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác đất hiếm, nhằm duy trì sự độc quyền và khống chế nguồn nguyên liệu quan trọng này. Tuy nhiên, trong Thông cáo chung không đề cập, cũng không có ký kết và như vậy Việt Nam đã khước từ sự chung đụng trong việc này.
Giống như Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam cũng đang gặp khó về bất động sản và xuất khẩu, do đó đang rất cần một lối đi bền vững để thoát ra. Trong buổi tiếp tân của hai TBT, hình tượng cây tre uốn lượn khó hiểu đang được bàn ra tán vào, có lẽ là biểu hiện của những “bâng khuâng” giữa hai làn nước mà em chưa biết chọn lối nào.

Nhật Bản – Người bạn chân thành, tin cậy

 

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Thưởng, quan hệ Việt – Nhật đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, mối quan hệ có cấp độ cao nhất, ngang bằng với Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Hơn nữa, báo chí “cách mạng” còn coi Nhật Bản là một người bạn “chân thành, tin cậy” của Việt Nam.
Trong quá khứ, Nhật là một trong ba “đế quốc to” mà “ta” đã đánh thắng. Chúng ta có quyền tự hào đánh thắng Nhật, Mỹ, Pháp hoặc gì cũng được nhưng không được phép tự hào đánh thắng Tàu. Từ một đất nước theo đuổi chủ nghĩa phát xít, Nhật Bản đã lột xác trở thành một xã hội tự do, dân chủ, có nền kinh tế tiên tiến. Đối với tâm lý người Việt, những người cuồng Tây, Mỹ, Tàu, Nga, Úc...đều có nhưng có lẽ những người cuồng Nhật là đông nhất.
Cũng là dân mũi tẹt da vàng, người Nhật đã làm cho tất cả phải kinh ngạc khi họ có “đẳng cấp” không kém gì các nước phát triển cao nhất ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Dù dân số và diện tích chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút nhưng quy mô kinh tế của Nhật đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và đất nước 1,4 tỉ dân là Trung Quốc.
Sự thay đổi của Nhật Bản, đó là việc xóa bỏ đêm trường lề thói cũ để tiến mạnh theo hướng hiện đại hóa và Âu hóa được coi là bắt đầu từ năm 1868 với việc chính thức lên ngôi của Nhật hoàng Minh Trị. Nghĩ đến chuyện này, người Việt nên rất nhiều nuối tiếc khi đã bỏ qua những cơ hội trong quá khứ.
Thái tử Cảnh và hoàng tôn Đán là hai hoàng tử châu Á đầu tiên từng được sống và học tập ở châu Âu. Vua Gia Long là người có công thống nhất giang sơn nhưng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi Thái tử Cảnh không may qua đời thì vua đã bỏ qua hoàng tôn Đán để cho Minh Mạng nối ngôi.
Mặc dù mất sớm và bị phế bỏ nhưng hai cha con Cảnh và Đán đều được các quan tướng nhà Nguyễn yêu mến, chứng tỏ họ có rất nhiều tài đức. Đặt giả định một trong hai ông trở thành vua vào năm 1820 (năm Gia Long băng hà) thì Việt Nam đã có thể cải cách và đi trước Nhật Bản 48 năm!
Nếu coi dân chủ có nhiều cấp độ, các nước như Thái Lan, Malaysia có dân chủ ở mức độ thấp; Đài Loan, Hàn Quốc dân chủ nhiều hơn; riêng Nhật Bản thì một mình một chiếu trên đỉnh của Châu Á. Nhật có tam quyền phân lập, Vua giữ vai trò biểu tượng, Chính phủ điều hành trong khi lưỡng viện quốc hội là nơi thực thi quyền làm chủ của người dân qua việc giám sát thực chất đối với hoạt động của chính phủ.
Với một thể chế minh bạch, pháp quyền và hiệu lực là nguyên nhân để Nhật bản đạt được những thành công rực rỡ trong xây dựng kinh tế, kỹ thuật và văn hóa.
Khi sang Việt Nam, tổng thống Biden có nói muốn Việt Nam trở thành một nước hùng mạnh. Điều có chưa đáng tin. Nếu Tập Cận Bình cũng nói như vậy lại càng không thể tin được. Nhưng với Nhật Bản thì khác, trong vài chục năm qua đất nước mặt trời mọc là nước đã cho Việt Nam nhiều nhất qua nguồn vốn ODA không hoàn lại. Nhật cũng là nước thu nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, với 520,000 người và tất nhiên kèm theo đó là nguồn kiều hối lớn từ Nhật.
Đối với Úc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhưng không thể coi nước này là đồng minh mà chỉ có thể là Nhật như đồng minh duy nhất của Úc trong khu vực. Giữa Úc và Nhật có nhiều lý do để đồng cảm, trao đổi dựa trên những nền tảng về hiểu biết và nhân sinh quan.
Nếu Việt Nam và Úc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thì Việt Nam vẫn chưa thể thành đồng minh của Úc. Tuy nhiên điều có ý nghĩa ít nhiều là Úc có nới lỏng chút nào các điều kiện về visa du học và làm việc cho Việt Nam hay không mà thôi.
Nói một cách hình ảnh, Nhật là đàn anh đáng kính phục ở Châu Á khi đã bao bọc không chỉ cho Việt Nam mà còn các nước phát triển chậm hơn ở Đông Nam Á. Đặc biệt, Nhật là nước có thể tin rằng chấp nhận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước có khác biệt về chế độ chính trị.
Điều không khó nhận ra, ”người bạn chân thành tin cậy” Nhật Bản lại là một đối thủ cạnh tranh dữ dội với Trung Quốc. Đó chính là điều khó xử cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Ba chàng ngự lâm của pháo thủ

 

Sáng sớm nay, một trận đấu điên rồ với 7 bàn thắng đã diễn ra với ba diễn viên chính của Arsenal là ba tân binh của mùa bóng năm nay: Raya, Havertz và Rice. Raya là tội đồ của 2 bàn thắng; Haverts ghi bàn gỡ hòa 3-3; bàn thắng ghi ở những giây cuối cùng của Rice đã mang về thắng lợi đầy kịch tính trước đội bóng mới thăng hạng Luton.
Thật ra, năm nay Pháo thủ phá két hơn 200 triệu bảng (kỷ lục mùa chuyển nhượng) để mang về 4 tân binh, nhưng Timber bị chấn thương nặng ngay từ trận đấu mở đầu nên chỉ còn ba. Chắc chắn đây là sự nâng cấp đáng kể để phục vụ cho tham vọng của Arsenal sau khi vồ hụt chức vô địch.
Ba cầu thủ đang ở độ tuổi sung sức, đều là những tài năng hàng đầu. Raya đã từng là “mơ ước” của Arsenal từ hai mùa bóng trước vì rất phù hợp với triết lý phát triển bóng từ tuyến sau của HLV Arteta, nay mới có điều kiện ra nhập đội.
Thế nhưng TM Ramsdale có quyền tức giận khi những gì thể hiện trên sân của TM người Tây Ban Nha không tốt, nếu không muốn là kém cỏi hơn tuyển thủ Anh quốc. Nhìn dưới góc độ tích cực, nếu không có hai sai lầm của Raya, trận đấu có thể kết thúc với tỉ số 2-1 hoặc 3-1, không cần tìm cơ hội ghi bàn thắng thứ tư. Có bàn thắng quyết định ở thời gian tận cùng như vậy mang lại rất nhiều cảm hứng và hưng phấn tâm lý cho toàn đội.
Dù mới cùng 24 tuổi, Rice và Havertz đều trưởng thành sớm, nên rất dầy dạn kinh nghiệm. Rice đã có trên 200 trận Premier League, Havertz mới chuyển sang Ngoại hạng Anh được hơn 3 năm nhưng cũng đã có trên 100 trận dắt lưng.
Rice là cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử với 105 triệu bảng, được coi là đáng giá đến từng xu khi anh liên tục tỏa sáng từ đầu giải đến nay. Có thể nói không ngoa, “lực điền” Rice là “chén cơm” quan trọng giúp cho Arsenal đang ung dung dẫn đầu bảng xếp hạng, đồng thời kết thúc vòng bảng Champion League với vị trí nhất bảng.
Trong bối cảnh đội trưởng Odegaard và Zinchenko có vấn đề về thể lực nên chưa ổn định thì Rice hiện là nhạc trưởng mới của đội, là người cầm nhịp điệu, thỉnh thoảng còn có những bàn thắng quan trọng như bàn thắng sáng nay.
Havertz là một cầu thủ đa năng, trong thời gian ngắn ngủi anh đã thử sức ở ba vị trí gồm tiền đạo, tiền về tấn công lệch trái và lệch phải. Sau khi chơi đủ ba thể loại thì mọi người mới nhận ra vị trí sở trường của cầu thủ người Đức là tiền vệ lệch phải. Đáng tiếc đây chính là vị trí của Odegaard!
Khi Odegaard nghỉ dưỡng thương, Havertz được trám vào thì anh trở nên tự tin hẳn lên, bắt đầu ghi bàn và kiến tạo cho đồng đội. Niềm tin đã trở lại, Havertz có thể làm được tất cả như sáng nay, đã thể hiện bản lĩnh và sự bình tĩnh tuyệt vời để ghi bàn gỡ hòa 3-3 cho đội nhà.
Theo những gì thể hiện từ đầu giải, Arsenal đã trở thành một đội bóng khác với lối chơi kiểm soát bóng mạnh mẽ từ tuyến dưới, có khả năng chuyển trạng thái nhanh chóng từ phòng ngự sang tấn công bằng các miếng tấn công đa dạng, biến hóa như thời Wenger.
Một trận đấu vất vả ngoài dự đoán trước một đối thủ mới lên hạng, song đây lại là dịp để mọi người chợt nhận ra vai trò của các tân binh theo những ý nghĩa khác nhau.

Thất vọng với TNP 135 và nhạc Việt


Thuy Nga Paris 135 có chủ đề “Trên Ngọn Tình sầu” để vinh danh Nhạc sĩ Từ Công Phụng là cuốn đầu tiên đánh dấu thời kỳ hậu Nguyễn Ngọc Ngạn. Vì thế mọi người chú ý đến các MC mới, đó là Nhạc sĩ Châu Đình An, Quỳnh Giang và Hồng Sâm.
Nhận xét đầu tiên của các khán giả là thất vọng với các MC chắc bởi cái bóng quá lớn của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. NS Châu Đình An đã diễn ở mức tròn vai. Ông cũng cố hài hước nhưng chưa thể có cái duyên như NNN. NS cũng có nhiều câu chuyện để kể nhưng đó cũng là dịp để để mọi người thấy khoảng cách quá xa so với đẳng cấp của NNN.
Với hai MC nữ Quỳnh Giang và Hồng Sâm, đơn giản là chưa đạt. Họ không phải quá trẻ, chắc đã có kinh nghiệm làm MC mà sao vẫn tỏ ra thiếu tự tin và linh hoạt cần thiết. Giá mà Thuy Nga Paris mời các MC nữ giỏi như Thùy Dương hay Quỳnh Châu của Asia cũ thì đâu đến nỗi, nhưng nghe nói sẽ mời lại Kỳ Duyên. Đây cũng thể hiện sự bế tắc khi mà Kỳ Duyên cũng sắp sang tuổi 60.
Dàn ca sĩ chỉ có 16 người, ít hơn các chương trình trước nên mỗi ca sĩ đều phải hát 2-3 bài. Cô Thủy Tô, Giám đốc có nói rằng nhiều ca sĩ đã bỏ Thuy Nga, vì đã “hết duyên” với nhau. Mình không hiểu sao lại như vậy nhưng thực sự khó chịu khi sân khấu dành quá nhiều thời gian cho quảng cáo phát tiền trúng thưởng. Xem ra Trung tâm quá phụ thuộc vào tiền quảng cáo của các nhà tài trợ.
Nhạc Từ Công Phụng có nhiều bài xuất sắc như “Bây giờ tháng mấy”, “Nằm nghe em hát”, “Giữ đời cho nhau”...Dòng nhạc TCP lãng mạn, hơi buồn, câu chữ đẹp.
So sánh là điều khó, nhưng theo ý kiến cá nhân, nhạc TCP chưa đa dạng nồng nàn như nhạc Trần Thiện Thanh, chưa đặc sắc như Lê Uyên Phương và không thể ngút ngàn, đồ sộ như Anh Bằng và Phạm Duy. Tuy nhiên trong hàng ngũ những nhạc sĩ “hàng đầu” thì chỉ có Từ Công Phụng vẫn còn sống, dù đã 81 tuổi và trải qua thời gian điều trị ung thư. Điều bất ngờ là Từ Công Phụng vẫn hát và hát rất có hồn, giọng hát của ông từng không thua kém gì các ca sĩ chuyên nghiệp.
Thất vọng với TNP 135 nhưng vẫn phải nói TNP là Trung tâm duy nhất ở trong và ngoài nước có khả năng thực hiện được một đại nhạc hội hoành tráng, lộng lẫy thu hút cho một khán phòng gần chục ngàn khán giả.
Điều làm mình suy nghĩ là nội dung âm nhạc vẫn chỉ là những bài hát xưa cũ. Nhưng nếu không là những bài đó thì bây giờ có bài mới nào cho ra hồn không?
Trong bối cảnh ngành âm nhạc giải trí phương Tây không ngừng lớn mạnh, thăng hoa lên những đỉnh cao mới, những tài năng kiệt xuất liên tục xuất hiện. Ở châu Á, nhạc Hàn Quốc cũng đang nổi lên thu hút được chú ý. Thấp hơn thì nhạc Philippine hay Thái Lan cũng không ngừng phát triển.
Âm nhạc Việt đang tụt hậu, thiếu vắng sáng tạo và những tác phẩm hay.

Chém gió ngày mưa

 

Mưa thối đất thối cát, mấy anh già không còn chuyện gì để nói.
- Mỗi tuần ông còn làm được mấy cái?
Tuổi này rồi, chuyện đó có gì quan trọng nữa đâu. Ông không quan tâm nhưng tui quan tâm. Đúng là có người coi nhẹ chuyện này, nhưng với nhiều người khác, lại là lẽ sống, là nguồn vui tột cùng!
Ờ, mà ở cái tuổi sắp hết xí quách thì khác, chứ khi trẻ nó chẳng chiếm đến quá nửa tâm trí của ông hay sao?
Có người nói, trong tình yêu, tình dục chiếm đến 50%? Cũng tùy thôi, có thể 70% hoặc 30%, nhưng đúng là nó tùy thuộc vào nhu cầu từng người, từng giai đoạn trong cuộc đời. Cuộc đời ngắn lắm, mỗi người chỉ có hai lít “sữa”, xong sớm thì nghỉ chơi sớm. Đối với phụ nữ có thì, không dùng thì nó cũng expire, vậy sao không mang “thóc” ra mà đãi gà rừng?
Mình không thể khuyên mọi người cứ “thoải mái” vì nó liên quan đến những yếu tố khác nữa như lòng kiêu hãnh hay tư cách đạo đức. Ngay cái vụ demand cao hay thấp cũng phụ thuộc vào lý trí có kiềm chế được con lợn lòng hay không?
Có người phụ nữ cả cuộc đời không bao giờ lên đỉnh, nhưng họ vẫn hạnh phúc khi có một gia đình để thương yêu, nơi bạn được trân trọng và thấu hiểu cho những hy sinh của mình.
Vừa rồi mình có đọc 11 tiêu chí tuyển chồng của một cô hoa hậu: ví dụ như về tài sản, mức lương, nhà to, chiều cao tối thiểu, tuổi tối thiểu và tối đa...mà thấy buồn cười. Đúng là lối suy nghĩ theo kiểu mua bán đổi chác, nghĩa là tôi có sắc đẹp thì tôi có quyền đòi hỏi những thứ có giá trị tương đương.
Bạn sẽ rất xúc động khi nhìn thấy các anh chị tây già lụ khụ vẫn luôn nắm tay nhau, trao cho nhau những cái ôm hôn và nhìn nhau trìu mến. Ở tuổi xế chiều, khi sự hấp dẫn xác thịt không còn, nhưng họ vẫn gắn bó với nhau bởi họ coi nhau là những người bạn.
Trong trường hợp này tình bạn còn cao hơn tình yêu, đó là sự đồng cảm, chia sẻ vui buồn, cùng chí hướng và quan niệm sống... Chỉ đến tuổi nào đó thì bạn mới cảm nhận được sự sâu sắc của tâm đầu ý hợp, nhưng tất nhiên không phải ai cũng có may mắn đó.
Có lẽ tình bạn còn là giải pháp cho các mối quan hệ quan trọng khác như quan hệ cha mẹ - con cái, anh em, đồng nghiệp...Vì nó là tình người và tình yêu thương.
Vậy là ông vẫn chưa trả lời cái vụ “mấy cái”? Ngu gì mà nói!

Đọc sách: A Vietnamese Royal exile in Japan Prince Cường Để (1882-1951)

 

Tác giả sách là PGS Trần Mỹ Vân, Giảng viên ĐH Nam Úc. Mình không được hân hạnh quen biết cô Mỹ Vân, chỉ được tặng sách thông qua một người bạn.
Điều dễ thấy đây là tác giả Việt, viết về nhân vật lịch sử Việt, hướng đến độc giả Việt nhưng sách lại được viết bằng tiếng Anh. Hồi ký “Con Rồng nước Nam” của Bảo Đại được viết bằng tiếng Pháp, do đích thân cựu hoàng hiệu dính bản dịch tiếng Việt. Hồi ký “Viên sỏi trắng” của Trần Lệ Xuân cũng viết bằng tiếng Pháp, tác giả tự dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý.
Tất nhiên có dụng ý, phải chăng trước hết nhằm chọn lọc người đọc. Thứ hai nhằm mục đích có thể kiểm chứng nội dung dễ hơn bằng các tài liệu nước ngoài, do đó khách quan hơn.
Ngoại Kỳ hầu Cường Để là cháu đích tôn 5 đời của vị Vua đầu tiên triều Nguyễn Gia Long, là hậu duệ của 4 đời của Thái tử Cảnh, con trưởng của Vua. Thái tử Cảnh mất sớm, người con thứ hai cũng đã mất nên Hoàng tử thứ ba tên Đảm mới được chọn, tức Minh Mệnh.
Sau khi lên ngôi, Minh Mệnh đưa ra quy định con cháu trực hệ của mình, gọi là Đế hệ mới được quyền lên ngôi Vua; còn con cháu của các anh em bao gồm con cháu của Thái tử Cảnh và hơn 10 người em khác được gọi là Phiên hệ, sẽ không được quyền nối ngôi. Quy định này thực chất nhắm vào dòng trưởng của Thái tử Cảnh, những người có nhiều ảnh hưởng trong các quan tướng.
Sau khi phong trào Cần Vương theo lời kêu gọi chống Pháp của vua Hàm Nghi tan rã, Hàm Nghi bị đi đầy ở Châu Phi, nhà lãnh đạo khởi nghĩa Phan Đình Phùng muốn tìm một nhân vật hoàng gia để làm ngọn cờ mới. Ông đã tìm đến Hàm hóa Hương công Tăng Du, người được thừa hưởng tập tước của dòng Thái tử Cảnh. Tự thấy đã già yếu, Tăng Du đã giới thiệu con trai mình là Cường Để. Tuy nhiên, chưa kịp làm gì thì Phan Đình Phùng đã qua đời.
Cường Để cũng được các tổ chức chống Pháp liên hệ trong chiều hướng tôn vinh làm minh chủ, trong đó có Phan Bội Châu. Bản thân cụ Phan cũng đã tìm hiểu một số hoàng thân khác nhưng rồi qua các buổi đàm đạo thì Phan và Cường Để đã “bén duyên” để hẹn ước nhau cùng làm chuyện lớn.
Quyển sách là một tư liệu quý khi đã theo dấu chân Hoàng thân Cường Để từ lúc bắt đầu đi ra nước ngoài, với những chi tiết đáng kinh ngạc về những cuộc gặp gỡ, viếng thăm nhiều nước đầy hiểm nguy và cũng rất mưu lược.
Phan Bội Châu và cộng sự đã tổ chức chuyến xuất dương bí mật cho Cường Để vào ngày mồng ba Tết Bính Ngọ, lúc đó vị hoàng tử trẻ 24 tuổi, để lại vợ và ba người con thơ, trong đó một đứa còn trong bụng mẹ.
Tháng 2/1906, con thuyền của Cường Để cập bến Hongkong, từ đó đi sang Nhật. Lúc này phong trào Đông Du đã quy tụ được hàng trăm sinh viên sang Nhật du học, đương nhiên họ rất vui mừng khi lãnh tụ mới của phong trào là một hoàng thân thuộc dòng chính thống. Bản thân Cường Để cũng tham gia các khóa học với các đồng hương bằng một cái tên Trung Quốc giả.
Sau một thời gian chuẩn bị, Việt Nam Quang phục Hội chính thức được thành lập vào ngày 19/6/1912 coi như một chính phủ lâm thời với các thành viên lãnh đạo là nhân sĩ trí thức hàng đầu như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thượng Hiền, Đăng Tử Mân, Nguyễn Hải Thần...Cường Để giữ vai trò Tổng Đại biểu (Chủ tịch), còn Phan Bội Châu là Phó Chủ tịch kiêm Ngoại trưởng. Quang Phục Hội có quân đội để hoạt động võ trang và có đồng tiền riêng.
Sau những hoạt động tại Trung Quốc, Singapore và Thái Lan, Cường Để đã về Việt Nam trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 6/1913. Sở dĩ phải liều mình trong sự săn đuổi của giặc Pháp như vậy vì Quang Phục cần thêm nhiều sự ủng hộ từ các thành phần trong nước, trong đó có vấn đề tài chính.
Cũng trong mục đích tìm kiếm đồng minh và sự ủng hộ, Cường Để đã có chuyến đi Châu Âu trong 8 tháng từ tháng 9/1913 đến tháng 4/2014. Tháp tùng hoàng thân là những thanh niên trẻ, thạo ngoại ngữ như Trương Duy Toàn (tiếng Pháp), Đỗ Văn Y (tiếng Đức) và Lâm Tỷ (tiếng Anh).
Chuyến đi bằng tàu thủy xuất phát từ Thượng Hải, tiếp đến Singapore rồi Bangkok. Thành phố Châu Âu đầu tiên mà nhóm cập bến là Naples (miền Nam nước Ý) rồi đi đường bộ đến Berlin. Trong hai tháng ở đây, có tin Cường Để đã gặp thủ tướng Đức Bismarck nhưng thực ra không phải, ông chỉ có các tiếp xúc với các quan chức chính phủ, được tài trợ 1000 Yên nhưng không phải thành công như mong đợi. Ông rời Đức qua Bỉ rồi tới London và ở đó trong hơn năm tháng.
Trở lại Nhật Bản, Cường Để giao du với các chính khách như Inukai Tsuyoshi (người sau này trở thành thủ tướng), Buntaro và Iwane (đại tướng). Những người này có thể coi là những người bạn của Cường Để, đã ủng hộ ông và phong trào rất nhiều về tinh thần và tài chính.
Năm 1925, có kẻ bán thông tin để lấy thưởng cho Pháp khiến Phan Bội Châu bị bắt, bị giam lỏng tại quê nhà. Cường Để tiếp tục làm lãnh tụ của Việt Nam Quang Phục Hội.
Năm 1939, Việt Nam Quang Phục hội được cải tổ thành Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội, chủ yếu hoạt động ở miền Trung với các nhân sĩ tham gia như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Cữ, Lê Toàn...
Năm 1945, Nhật thắng Pháp và tìm người để trao trả độc lập cho Việt Nam và Đông dương. Theo “kế hoạch”, bước 1 Nhật công nhận Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim; bước 2 Cường Để sẽ được mời làm tổng thống Đông Dương và Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Tuy nhiên Nhật đã đầu hàng đồng minh nên lộ trình này bị bỏ dở.
Năm 1949, Bảo Đại hồi hương làm quốc trưởng, Cường Để lúc này đã già yếu, ông dành mọi sự ủng hộ cho Bảo Đại, trước khi sống những năm tháng cuối đời ở nhật Bản.
Cuộc đời Cường Để thọ 69 tuổi thì đã có 45 năm lưu vong ở nước ngoài nhằm đấu tranh vì độc lập cho đất nước. Tên ông đã được đặt cho đường phố ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng không hiểu sao bây giờ không còn nữa.