Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Nhật Bản – Người bạn chân thành, tin cậy

 

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Thưởng, quan hệ Việt – Nhật đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, mối quan hệ có cấp độ cao nhất, ngang bằng với Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Hơn nữa, báo chí “cách mạng” còn coi Nhật Bản là một người bạn “chân thành, tin cậy” của Việt Nam.
Trong quá khứ, Nhật là một trong ba “đế quốc to” mà “ta” đã đánh thắng. Chúng ta có quyền tự hào đánh thắng Nhật, Mỹ, Pháp hoặc gì cũng được nhưng không được phép tự hào đánh thắng Tàu. Từ một đất nước theo đuổi chủ nghĩa phát xít, Nhật Bản đã lột xác trở thành một xã hội tự do, dân chủ, có nền kinh tế tiên tiến. Đối với tâm lý người Việt, những người cuồng Tây, Mỹ, Tàu, Nga, Úc...đều có nhưng có lẽ những người cuồng Nhật là đông nhất.
Cũng là dân mũi tẹt da vàng, người Nhật đã làm cho tất cả phải kinh ngạc khi họ có “đẳng cấp” không kém gì các nước phát triển cao nhất ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Dù dân số và diện tích chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút nhưng quy mô kinh tế của Nhật đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và đất nước 1,4 tỉ dân là Trung Quốc.
Sự thay đổi của Nhật Bản, đó là việc xóa bỏ đêm trường lề thói cũ để tiến mạnh theo hướng hiện đại hóa và Âu hóa được coi là bắt đầu từ năm 1868 với việc chính thức lên ngôi của Nhật hoàng Minh Trị. Nghĩ đến chuyện này, người Việt nên rất nhiều nuối tiếc khi đã bỏ qua những cơ hội trong quá khứ.
Thái tử Cảnh và hoàng tôn Đán là hai hoàng tử châu Á đầu tiên từng được sống và học tập ở châu Âu. Vua Gia Long là người có công thống nhất giang sơn nhưng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi Thái tử Cảnh không may qua đời thì vua đã bỏ qua hoàng tôn Đán để cho Minh Mạng nối ngôi.
Mặc dù mất sớm và bị phế bỏ nhưng hai cha con Cảnh và Đán đều được các quan tướng nhà Nguyễn yêu mến, chứng tỏ họ có rất nhiều tài đức. Đặt giả định một trong hai ông trở thành vua vào năm 1820 (năm Gia Long băng hà) thì Việt Nam đã có thể cải cách và đi trước Nhật Bản 48 năm!
Nếu coi dân chủ có nhiều cấp độ, các nước như Thái Lan, Malaysia có dân chủ ở mức độ thấp; Đài Loan, Hàn Quốc dân chủ nhiều hơn; riêng Nhật Bản thì một mình một chiếu trên đỉnh của Châu Á. Nhật có tam quyền phân lập, Vua giữ vai trò biểu tượng, Chính phủ điều hành trong khi lưỡng viện quốc hội là nơi thực thi quyền làm chủ của người dân qua việc giám sát thực chất đối với hoạt động của chính phủ.
Với một thể chế minh bạch, pháp quyền và hiệu lực là nguyên nhân để Nhật bản đạt được những thành công rực rỡ trong xây dựng kinh tế, kỹ thuật và văn hóa.
Khi sang Việt Nam, tổng thống Biden có nói muốn Việt Nam trở thành một nước hùng mạnh. Điều có chưa đáng tin. Nếu Tập Cận Bình cũng nói như vậy lại càng không thể tin được. Nhưng với Nhật Bản thì khác, trong vài chục năm qua đất nước mặt trời mọc là nước đã cho Việt Nam nhiều nhất qua nguồn vốn ODA không hoàn lại. Nhật cũng là nước thu nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, với 520,000 người và tất nhiên kèm theo đó là nguồn kiều hối lớn từ Nhật.
Đối với Úc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhưng không thể coi nước này là đồng minh mà chỉ có thể là Nhật như đồng minh duy nhất của Úc trong khu vực. Giữa Úc và Nhật có nhiều lý do để đồng cảm, trao đổi dựa trên những nền tảng về hiểu biết và nhân sinh quan.
Nếu Việt Nam và Úc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thì Việt Nam vẫn chưa thể thành đồng minh của Úc. Tuy nhiên điều có ý nghĩa ít nhiều là Úc có nới lỏng chút nào các điều kiện về visa du học và làm việc cho Việt Nam hay không mà thôi.
Nói một cách hình ảnh, Nhật là đàn anh đáng kính phục ở Châu Á khi đã bao bọc không chỉ cho Việt Nam mà còn các nước phát triển chậm hơn ở Đông Nam Á. Đặc biệt, Nhật là nước có thể tin rằng chấp nhận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước có khác biệt về chế độ chính trị.
Điều không khó nhận ra, ”người bạn chân thành tin cậy” Nhật Bản lại là một đối thủ cạnh tranh dữ dội với Trung Quốc. Đó chính là điều khó xử cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét