Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Lại chuyện đi hay ở


Hằng năm, cứ vào dịp tên người đoạt Vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia được xướng lên thì dân cư mạng lại có dịp bàn tán về việc đi hay ở. Cụ thể, được đi Úc thì có nên ở lại hay không?
Tất nhiên rồi, đó là chuyện cá nhân của người ta, mà mỗi người có một ý muốn, ý thích riêng. Gạt bỏ cảm tính là điều khó, nhưng mình cũng thử đi vào phân tích các lợi, cái hại về công việc và cuộc sống.
Cháu lớn nhà mình đã bước vào tuổi quan tâm đến “triết lý”. Cháu hỏi bố nhìn nhận sự vật hiện tượng ra sao thì mình trả lời: tất cả mọi thứ không đứng yên và đều chuyển động, đều đang thay đổi.
Khi qua Úc cách đây 26 năm, mình thấy nhu cầu gửi tiền về Việt Nam mới là chính, bây giờ thì ngược lại, mặc dù phí gửi tiền sang Úc lên đến 3% mà người ta vẫn gửi ầm ầm. Hồi đó kiếm tiền ở Úc dễ hơn ở Việt Nam, còn bây giờ, mọi người ở Việt Nam giàu quá, còn bên này làm bao nhiều tiêu bấy nhiêu.
Có ai đặt câu hỏi, khi nào gió xoay chiều, kiếm tiền ở Úc lại dễ hơn Việt Nam? Theo phỏng đoán của mình ngày ấy không còn xa.
Trong cơn đại dịch, Chính phủ Úc chi hàng trăm tỉ cho trợ cấp cho doanh nghiệp và cá nhân. Hết 6 tháng gia hạn thêm 6 tháng nữa. Sáu tháng “lần thứ hai” chưa bắt đầu thì đã nói luôn sẽ kéo dài “nếu cần thiết”. Tiền đâu mà chơi dữ như vậy?
Khi khủng hoảng, mối bận tâm lớn nhất của các chính phủ là vấn đề việc làm. Có việc làm sẽ giải quyết được tất cả, thiếu việc làm, đội quân thất nghiệp tràn ra đường trộm cắp, đĩ điếm thì bao nhiều tiền đắp vào cũng không đủ. Trợ cấp là cách tốt nhất để giữ cho việc dòng tiền tiếp tục xoay vòng, các doanh nghiệp bán được hàng, giữ được sản xuất kinh doanh, không bị phá sản, người lao động giữ được việc làm.
Ai cũng biết, không thể cứu trợ mãi mãi và đâu là điểm dừng? Để trả lời câu hỏi này thì lại phải nhìn vào “bức tranh lớn” mới được.
Hồi trước, “thiên hạ chia đôi” giữa Liên Xô và Mỹ. Trung Quốc ngả sang phe Mỹ đã làm Liên Xô sụp đổ. Trung Quốc lớn mạnh, đe dọa vị thế của Mỹ thì đây là lúc quan hệ Mỹ - Trung chuyển từ hợp tác sang đối đầu.
Sau bầu cử, gần như chắc chắn Mỹ sẽ kêu gọi đồng minh chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Riêng với Úc, trị giá xuất khẩu với Trung Quốc còn lớn hơn nhập khẩu bởi vì Trung Quốc nhập hơn 100 tỉ USD quặng sắt hằng năm.
Hãy còn quá sớm để nói ai sẽ thắng trong cuộc chiến Mỹ Trung và kinh tế Úc sẽ đi lên hay đi xuống như một hệ lụy. Tuy nhiên, riêng về lĩnh vực việc làm, một khi chuyển sản xuất về nước, các nước như Mỹ, Úc sẽ bùng nổ nhu cầu lao động.
Ngay trong lĩnh vực khai khoáng để bán sang Trung Quốc, với 100,000 nhân công thì người Úc chỉ chiếm 1%, và lợi nhuận cũng chỉ yếu chảy vào túi giới tài phiệt. Do đó, khi quan hệ với Trung Quốc đổ bể, nhìn chung người lao động Úc không bị thiệt.
Có thể tin rằng, triển vọng việc làm tại Úc là sáng sủa trong thời gian tới,đặc biệt Úc sẽ khôi phục lại một loạt lĩnh vực sản xuất, cả công nghiệp nặng lẫn công nghiệp nhẹ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh nhập khẩu.
Quay sang Việt Nam, từng là nước “anh em” với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Khi quan hệ Xô Trung tan vỡ, chỉ còn chọn một, Việt Nam đã chọn Liên Xô.
Ngày nay, giữa Trung và Mỹ, nếu chọn Trung, Việt Nam sẽ mất mối lợi hàng trăm tỉ USD xuất khẩu hằng năm sang Mỹ và đồng minh. Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỉ trọng rất lớn trong GDP và cũng chiếm hầu hết về việc làm. Gần đây, Samsung mở nhà máy bên Ấn Độ và có tin sẽ giảm khoảng một nửa sản lượng tại Việt Nam.
Nếu chọn Mỹ thì phải đối đầu với Trung Quốc và nguy cơ xung đột quân sự rất cao, cũng như trước đây. Chuyện vừa xẩy ra, Đại sứ quán Mỹ ban hành bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa. Động thái “mập mờ” này cho thấy Trường Sa là một vị trí nóng hổi cho các hành động quân sự. Bên cạnh đó là căng thẳng biên giới sẽ đi kèm, nếu có chuyện chẳng lành. Nên nhớ rằng, kinh tế Việt Nam chỉ bùng nổ sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam đã “thăng” liên tục 20-30 năm qua, nên nếu đến lúc “trầm” thì cũng là chuyện bình thường. Với dân số đông, khi kinh tế đi xuống, vấn đề việc làm sẽ trở nên gay gắt.
Có lần mình nói chuyện với một bác vượt biên, được kể về một hành trình nguy hiểm, có thể chết vì cướp biển và bão tố. Khi lên bờ và sang Úc với hai bàn tay trắng, cũng gian nan không kém. Bác cho biết, lý do chính để làm những việc đó là vì tương lai “mấy đứa con”.
Nếu bạn còn độc thân, sẽ có lúc sẽ lập gia đình và có những đứa con như đa số mọi người. Định cư Úc liệu có tốt hơn cho con cái bạn không, thôi, tạm dừng ở đây để tránh những bình phẩm thiếu khách quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét