P1
Thỉnh thoảng cũng làm ra vẻ đọc sách... cho ra dáng, nhưng đọc không vào. May quá tìm được bộ sách 4 quyển về lịch sử nước Úc rất thích thú.
Bà xã mình bảo, chưa bao giờ thấy “ông” chăm đọc đến thế. Ờ 17 năm rồi, từ khi lấy vợ, mới có chuyện đọc sách mấy ngày liền, ngày đi làm, tối về đọc mới ghê!
Dấu tích về con người đã có tại Úc từ 40,000 đến 60,000 năm về trước. Tuy vậy, chó Dingo, một giống chó hoang, có chủng tộc từ Đông Nam Á thì mới xuất hiện tại Úc được 5,000 năm. Kỳ lạ, đảo Tasmania không có Dingo thì lại có hổ Tasmania và Tasmanian devil, còn đại lục Úc có chó thì không có hổ và devil. Vì thế có giả thiết cho rằng, sau khi vào Úc, Dingo đã “xử lý” xong xuôi hai loại thú kia.
Vấn đề nữa là ai mang Dingo vào Úc. Thời cận đại, người Anh vào Úc trước, sau đó đến người Hy Lạp và Ý, kế đến mới có Việt Nam, Ả Rập, Ấn Độ, Trung Quốc. Vậy có thể giả thiết, người thổ dân cũng vào Úc theo nhiều lớp lang, có nhóm 60,000 năm, 40,000 năm... 5,000 năm chẳng hạn. Họ nói 250 ngôn ngữ khác nhau và sống theo kiểu bộ lạc bầy đàn.
Những nhà thám hiểm da trắng đã mô tả người thổ dân như những con người cực kỳ hạnh phúc. Họ không cần trồng trọt, chăn nuôi hay làm lụng gì cả vì thức ăn đã có đầy rẫy ngoài thiên nhiên, chỉ cần săn bắn, hái lượm, ngoài ra là ca hát nhảy múa.
Có bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đã đến đây trước cả người phương Tây. Trong số người da trắng thì người Hòa Lan đến đầy đầu tiên vào thế kỷ 17, sau đó mới đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, và tất nhiên là Anh. Nhưng tất cả chỉ đến bờ Bắc, bờ Tây và bờ Đông của nước Úc, những nơi khá cằn cỗi, ít dân và không tìm được nước ngọt.
Đến năm 1770, Thuyền trưởng James Cooks mới “tình cờ” đến bờ Đông trù phú và đã tường trình một báo cáo gây tiếng vang khắp nước Anh. Từ đó, Chính phủ Anh quyết định đi mở thuộc địa ở mảnh đất này.
Sau 9 tháng lênh đênh trên biển, Hạm đội tàu đầu tiên cập bến Sydney cove vào 26/1/1788, ngày 26/1 chính là quốc khánh nước Úc. Thuở ban đầu đầy dẫy khó khăn, phải lo dựng lều, xây nhà, lo đói ăn, bệnh tật.
Tính vào năm 1795, sau 7 năm định cư, dân số người da trắng khoảng 7,000 người, đặc biệt rất thiếu phụ nữ. Đã có dự án bắt cóc 500 phụ nữ hải đảo nhưng phải bỏ vì lúc đó đang lo thiếu ăn, nên không thể nuôi thêm chừng ấy các cô!
Mình thấy thương cho các ông toàn quyền đầu tiên, đứng mũi chịu sào khi mà các tù nhân thì lười biếng, hay trộm cắp, nổi loạn, binh lính bất tuân phục nữa, mà lại không có sự ủng hộ đầy đủ của chính phủ trong nước.
Do hiểu lầm, Toàn quyền Phillip bị thổ dân đâm một nhát giáo xuyên ngực, không chết nhưng sức khỏe suy giảm trầm trọng và phải xin về nước. Còn Blish, toàn quyền thứ tư khi ban lệnh cấm buôn lậu rượu đã bị quân đội bắt giam. Chính phủ trong nước không hiểu mô tê gì đã cách chức ông và triệu tập về Anh.
Mình mới đọc hết 2 quyển mà chưa thấy có đụng độ lớn nào giữa thổ dân và người da trắng. Nhưng thổ dân đã chết nhiều, khoảng 50-80% dân số khu vực Sydney do bệnh đậu mùa. Người da trắng cũng bị đậu mùa nhưng vì có thuốc nên chết ít.
Tốn kém, mạo hiểm, gian nan nhưng rồi người Anh đã thành công trong việc có một thuộc địa mới. Cùng thời gian, người Trung Quốc mang những tàu buôn lớn không kém sang Châu Âu để kiếm tiền tươi nhanh và nhiều.
Bây giờ nước Úc đã đàng hoàng, to đẹp người Tàu mới thấy thèm thuồng nhưng muộn mất rồi!
Đọc sách Lịch sử nước Úc (P2)
Quyền 3 và quyển 4 của bộ sách nói về nước Úc ở giai đoạn 1820 – 1880. Vào năm 1920, tại Úc mới có 4 khu phố chính của người da trắng, bao gồm Sydney, Parramatta, Hobart và Launceston. Quá trình thành lập mới và mở rộng các khu định cư vẫn tiếp tục và điều này không thể tránh khỏi những va chạm với người bản xứ. Đây cũng chính là điều mình muốn tìm hiểu xem là phản ứng của người Thổ dân ra sao khi họ bị mất những mảnh đất mà họ đã sinh sống từ ngàn năm về trước.
Năm 1820 cũng là năm lên ngôi của vua Minh Mạng, một ông vua có cá tính mạnh mẽ và có tham vọng về lãnh thổ. Lãnh thổ Việt Nam được coi là rộng lớn nhất vào thời đó, giữ vững qua đời Thiệu Trị và Tự Đức. Tự Đức không phải con trưởng nhưng được vua cha đánh giá cao về tài năng và đức độ nên mới truyền ngôi.
Nếu vào thời bình, có lẽ Tự Đức là một ông vua giỏi, nhưng lên ngôi chưa được bao lâu thì đất nước đã bị người Pháp lăm le xâm chiếm vào thập niên 1850s. Giải pháp của triều đình như mọi người đã biết, đó là thà mất đất, mất chủ quyền nhưng phải giữ được ngai vàng.
Người Thổ dân Úc chưa có nhà nước, chưa có vua mà còn khá lạc hậu. Lúc đó tất cả người thổ dân đều ở truồng, vũ khí là những cái giáo dài làm bằng gỗ, mũi giáo cũng không tẩm thuốc độc, lãnh đạo các bộ lạc có thể coi là những người già.
Trong khoảng 40 năm đầu tiên, kể từ thời điểm bắt đầu năm 1788, việc tạo dựng thuộc địa chỉ diễn ra bên bờ đông nước Úc. Tuy nhiên, vì lo ngại các nước khác tranh giành, nhất là Pháp, chính Phủ Anh cho mở thuộc địa tại bờ Tây, bờ Bắc và bờ Nam. Riêng bờ Bắc do khí hậu quá nóng nên đành tạm bỏ cuộc. Kể cả bờ Tây, đồng bằng sông Swan tưởng chừng hứa hẹn nhưng vì đất lẫn quá nhiều cát, rau không lên được chỉ trồng được khoai tây loại nhỏ.
Vào giai đoạn đầu, những người da trắng di cư chủ yếu là tù nhân và người nghèo. Chính phủ Anh thấy không hiệu quả, chi phí nhiều mà lợi ích ít nên quá trình di cư diễn ra rất chậm chạp. Tuy nhiên đến năm1851, vàng được tìm thấy đầu tiên tại vùng núi Blue.
Làm sóng tìm vàng khởi đầu từ Mỹ, nay lan sang Úc, Nam Phi, Canada. Lý do tìm vàng đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nước Úc với tình trạng bùng nổ về dân số. Ngoài người UK, còn có người Đức, người Ấn Độ và đáng chú ý là người Trung Quốc. Lúc cao điểm đã có tới 40,000 người, chiếm đại đa số trong nhóm người không nói tiếng Anh. Nhưng khác biệt văn hóa đã làm cho người Tàu bị kỳ thị và đã có những đạo luật cấm người Trung Quốc. Vì thế đã có 36,000 người Trung Quốc được cho rằng đã rời khỏi Úc sau khi cơn sốt vàng qua đi.
Cơn sốt đào vàng dẫn đến việc các khu vực tìm vàng được mở ra khắp nơi không chỉ bờ đông, nay đã tách riêng Victoria, Tasmania, Queensland, kể cả New Zealand từ NSW mà còn là Nam Úc và Tây Úc.Việc mở rộng các khu định cư đã diễn ra trên quy mô lớn khi dân số tăng từ vài chục ngàn lên đến 1,7 triệu người.
Chính quyền thuộc địa không có chủ trương gây hấn với người thổ dân, mà ngược lại thường kết giao bằng các tặng phẩm đồ sắt, đồ vải hay đồ nhựa. Phía Thổ dân cũng đáp lễ bằng những con cá to hay con thú săn được. Người Thổ dân còn giúp làm hướng dẫn viên trong các chuyến đi xa khảo sát.
Nhưng người Thổ dân bị chết rất nhiều. Ở đảo Tasmania, dân số thổ dân giảm từ 5,000 người xuống còn có 500 (mặc dù nay tăng lên 23,000). Ước tính, ban đầu người Thổ dân có tổng cộng 750,000, ít hơn một chút so với ngày nay.
Khi Pháp đến Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, dân số nước ta đã lên đến khoảng 10 triệu. Đương nhiên, với quy mô và tổ chức xã hội chênh lệch thì cách ứng xử đối với ngoại xâm cũng phải khác nhau. Nhưng vẫn có cái giống, đó là chủ trương của triều đình nhà Nguyễn cũng như các thủ lĩnh bộ lạc thổ dân không hề quyết liệt.
Các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân chỉ chống Pháp khi bị dồn đến đường cùng và đã mất hết quyền lực. Sau đó, các vua Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại đã chấp nhận một sự “bình thường mới” khi hợp tác với người Pháp. Các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của Phan Đình Phùng hay Hoàng Hoa Thám đều nằm ngoài ý định của vua nhà Nguyễn.
Cuộc đụng độ lớn nhất được ghi nhận vào năm 1857 tại Queensand, mang tính tự phát chống lại việc lấn đất, có 500 người thổ dân được cho là bị giết, mặc dù số liệu chính thức ít hơn. Những vụ đụng độ khác có thể coi là nhỏ, do sự thù hằn cá nhân là chính.
Lý do người Thổ dân chết nhiều không phải do chiến tranh mà là dịch bệnh như bệnh đậu mùa, bênh sởi và bệnh cúm. Thêm nữa bị giết bởi các tù nhân nổi loạn bỏ trốn. Kế nữa, một số người thổ dân trộm cắp hoa màu nuôi trồng cũng bị giết. Và do tình trạng thiếu phụ nữ, việc bắt cóc phụ nữ thổ dân cũng gây thương vong cho nam giới.
Điều nhức nhối nhất mà sau này Chính Phủ Úc phải xin lỗi là việc trẻ con thổ dân bị cách ly khỏi cha mẹ vì người da trắng cho rằng cần huấn luyện thổ dân, dậy tiếng Anh, sống theo lối mới từ khi còn nhỏ mà không để ý rằng đó chính là hành động bắt cóc.
Lãnh thổ Úc rất rộng lớn, do đó các khu sinh sống bị tách biệt và khó liên lạc với nhau. Nhiều chuyến thám hiểm xuyên lục địa Bắc – Nam hay Đông – Tây đều thất bại vì khí hậu, địa hình hiểm trở và không tìm được nước ngọt trong lòng lục địa, cho đến khi lạc đà được nhập cảng vào thập niên 1850s.
Lạc đà là loài thú không cần uống nước trong nhiều ngày, điều đó đã giúp ích cho những chuyến thám hiểm kéo dài nhiều tháng cho đến cả năm. Các chính quyền thuộc địa cũng đưa ra các mức thưởng hấp dẫn để khuyến khích những khám phá mới, cho phép tạo dựng bản đồ và thiết lập các đường dây liên lạc trong toàn tiểu lục địa.
Năm 1863 điện được sử dụng lần đầu tiên tại Sydney; điện thoại bắt đầu có từ năm 1878. Ở các nhà máy, công nhân phải làm việc 10-14 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Các trường học cho trẻ em bắt đầu được thiết lập từ năm 1860. Phụ nữ thời đó hầu như dành cả cuộc đời để sinh đẻ và chăm sóc những đứa con với mức trung bình mỗi bà có đến 7 đứa.
Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trở nên ngày càng sung túc với các nhà hát lần lượt ra đời. Bóng đá kiểu Úc có trận đấu đầu tiên vào năm 1858, Melbourne cup lần đầu vào 1861 nhưng cricket mới là môn thể thao được ưa chuộng nhất, đặc biệt là sự tham gia của cả những người thổ dân.
Đọc sách Lịch sử nước Úc (P 3: Quyển 5 và 6 của bộ sách viết về nước Úc giai đoạn 1880-1945)
Vào đầu thập niên 1880s, Úc đã được biết đến như một nơi có dân số khá đông, đã có thể tự đứng vững mà không cần trợ giúp từ “mẫu quốc” Anh.
Theo kiểm kê vào tháng 4/1881, dân số Úc là 2,25 triệu (không tính khoảng 50,000 thổ dân) và lần đầu tiên, số người sinh ra tại Úc đã vượt hơn di dân.
Tuy nhiên, sự phân biệt giàu nghèo rất lớn, trong đó tầng lớp người nghèo vẫn còn phải vật lộn với miếng ăn. Cách ăn uống vẫn gói gọn trong 3 chữ “b”, tức là boring, basic và British. Cách ăn uống vẫn giống như người Anh, nhưng về mặc thì có khác đôi chút, nhất là chiếc đầm của phụ nữ Úc trở nên có dáng điệu rộng thùng thình.
Một số trẻ em đã được cắp sách đến trường khi một số trường công lập đã bắt đầu mở như Sydney Girls và Sydney Boys. Tuy nhiên trẻ em gái thường chỉ học hết tiểu học, lên trung học, các em học những kỹ năng để làm vợ, làm mẹ như nấu ăn, may vá, cách đi đứng ngồi...Các giáo viên vẫn sử dụng biện pháp đánh đòn đối với các học sinh, nam bị đánh vào mông, còn nữ thì bị đánh vào tay.
Về sau, số lượng trẻ em đến trường đông hơn dẫn đến thiếu hụt giáo viên và làm sĩ số lớp học lên đến trên 50 em/lớp (thay vì 25 như hiện nay).
Tính đến trước năm 1945, Úc đã có 3 nhà khoa học được giải thưởng Nobel (về sau có thêm hàng chục người nữa). Úc cũng tham gia Đại hội Olympic từ kỳ đầu tiên vào năm 1896 và ngay kỳ này đã đoạt hai huy chương vàng về điền kinh.
Các lĩnh vực kinh tế đều được phải triển, bao gồm công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, chăn nuôi và trồng trọt. Vào năm 1891, đàn cừu tại Úc lên đến 100 triệu con. Hãng xe hơi Holden mới giải thể gần đây bắt đầu sản xuất ô tô từ năm 1908.
Từ đầu thập niên 1880s, Anh Quốc đã có ý định rút khỏi Úc để các tiểu bang thuộc địa thành lập một quốc gia độc lập. Các thành viên được mời dự bàn thảo cho một quốc gia mới bao gồm cả New Zealand và Fiji. Như mọi người đã biết, hai thành phần này không lựa chọn đứng chung vào liên bang.
Quá trình bàn thảo kéo dài khá lâu, một điều đáng chú ý là Tây Úc luôn chống đối lại việc tham gia vào một nước Úc mới.
Khi phong trào tìm vàng đã lắng xuống tại các tiểu bang miền đông thì đến năm 1885, vàng được tìm thấy ở Tây Úc. Từ đó một làn sóng người từ các tiểu bang đã tràn sang Tây Úc. Chính nhờ vào các lá phiếu của những người dân này mà Tây Úc mới chịu tham gia vào Liên bang với các tiểu bang thuộc địa khác.
Ngày 1/1/1901, Liên bang Úc Đại lợi (Commonwealth of Australia) chính thức ra đời, nhưng đến tháng 9 cùng năm thì mới có quốc kỳ. Năm 1908 thì mới quyết định khu đất thuộc Canberra ngày này sẽ trở thành thủ đô của Liên bang. Sau một giai đoạn xây dựng, đến tận năm 1927, Canberra mới được khai trương để đón các quan chức chính phủ đến làm việc.
Như vậy, trong 26 năm đằng đẵng, không có thủ đô, điều đó cũng tốt và có thủ đô thì cũng chẳng sao. Có thủ đô có nghĩa là ngân sách của người dân đóng thuế phải tốn tiền oằn mình nuôi thêm một bộ máy quan liêu “ăn tục nói phét” mà chẳng biết làm gì.
Úc đã tích cực tham gia vào Thế chiến 1 (1914-1918) với 62,000 binh sĩ tử vong, hơn 150,000 bị thương trong tổng số hơn 400,000 quân nhân. Đây là tổn thất lớn nhất tính theo đầu người so với bất kỳ quốc gia nào, vì lúc đó dân số Úc chỉ vào khoảng 5 triệu người. Tất nhiên, câu hỏi cần đặt ra là tại sao Úc lại phải chịu đựng những đau thương mất mát lớn như vậy?
Những binh sĩ trở về sau chiến tranh không chỉ mang lại vấn đề thất nghiệp mà còn là bệnh cúm Tây Ban Nha đã làm chết từ 50 đến 100 triệu người trên thế giới. Không rõ vì sao lại gọi bệnh này là “cúm Tây Ban Nha” vì có tin bệnh dịch là do vũ khí sinh học của Đức, thậm chí lại có quan điểm cho rằng nó xuất phát từ Trung Quốc.
Trong thời gian bệnh dịch, đã có những quy định gắt gao về giãn cách, đeo khẩu trang, tránh tập trung người ở các nơi công cộng. Úc dính bệnh muộn từ đầu năm 1920, đến đầu năm 1921, không hiểu sao, bệnh dịch ”tự dưng” biến mất.
Trong Thế chiến 2, Úc không gửi quân ra nước ngoài nhiều như Thế chiến 1, nhưng Thủ tướng Menzies đã sang tận Anh để tham dự Nội các Chiến tranh trong 4 tháng. Về nước, ông mới biết mình không còn là Thủ tướng nữa vì đã bị phế truất. Ông thành lập đảng mới để tranh cử và cầm quyền trong 17 năm, chính là Thủ tướng lâu năm nhất trong lịch sử.
Ngoài việc tham gia chiến đấu ở nước ngoài, Úc còn phải lo đối phó với các đòn tấn công của Phát xít Nhật vào Bắc Úc. “Nước xa không cứu được lửa gần”, Úc không cầu cứu được Anh mà đã phải nhờ cậy đến Mỹ trong việc bảo vệ lãnh thổ.
Cuối năm 1941, Mỹ đổ quân vào Úc và đến giữa năm 1943, đội quân lên đến 150,000 người. Số lượng này có thể coi là khá lớn so với dân số Úc lúc đó vào khoảng 7 triệu người và đã làm thay đổi bộ mặt xã hội nước Úc.
Một loạt hàng quán “kiểu Mỹ” đã được mọc lên để phù hợp với lối sống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, Úc là nơi đón nhận hàng loạt tù binh Đức, Ý, Nhật, mà đa số là tù binh Ý, họ đã ở lại để nhận Úc như là một quê hương mới. Đồng thời một làn sóng di dân từ châu Âu, trong đó có nhiều nước không nói tiếng Anh cũng ồ ạt đi vào nước Úc.
Sau chiến tranh, một cục diện mới mở ra là cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa hai phe Mỹ và Liên Xô, trong đó, Úc đương nhiên trở thành đồng minh của Mỹ.
Đọc sách Lịch sử nước Úc (P 4, từ 1945 đến nay)
Trong lời tựa quyển 8, quyển cuối của bộ sách, tác giả cho rằng: "lịch sử hầu như để viết ra điều mà con người cho là quan trọng để nhớ”. Phải chăng lịch sử cũng nhằm để giải thích quá khứ và rút ra bài học cho hiện tại và tương lai?
Hiện nay, Úc tham gia vào một liên minh mới nhằm chống lại Trung quốc, đó là Bộ tứ (Quad) cùng với Mỹ, Nhật và Ấn Độ. Ba nước kia đều là đối thủ của Trung Quốc, còn Úc không cạnh tranh và cũng không xung đột lợi ích với nước này thì vào nhóm làm gì?
Ngược dòng thời gian, Menzies và Howard là hai vị Thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất và có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử nước Úc. Sau năm 1945, Menzies thành lập đảng Tự do (đảng cầm quyền hiện nay) và ra tranh cử với lời hứa, nếu thắng cử sẽ cấm đảng Cộng sản Úc hoạt động. Vào lúc đó, Đảng Cộng sản lên cầm quyền ở Trung Quốc, đồng thời “ba dòng thác” cách mạng với các nhóm cộng sản có vũ trang hoạt động rất mạnh ở Đông Nam Á.
Năm 1949, Menzies thắng cử, năm 1950, Quốc hội Úc thông qua luật cấm Đảng Cộng sản hoạt động. Nhưng Đảng CS khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp và năm 1951, Tòa án hủy bỏ Luật cấm. Menzies không chịu thua và cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1952.
Với sự hậu thuẫn của đảng Lao động đối lập, Đảng CS Úc không bị cấm vì vượt qua cuộc trưng cầu với tỉ lệ sát sao 50.48%. Trong 17 năm làm Thủ tướng, ông Menzies không tổ chức thêm cuộc trưng cầu nào vì Đảng CS sau đó trở nên suy yếu và cuối cùng giải thể vào năm 1991, cùng lúc Liên Xô sụp đổ.
Năm 1954, một vụ lùm xùm xảy ra khi Petrov, một nhà ngoại giao Liên Xô bị bắt do tình nghi hoạt động gián điệp. Năm 1956, Úc tổ chức Đại hội Olympic tại Melbourne cũng là năm Liên Xô đưa quân đội vào Hungaria để đàn áp cuộc nổi dậy đòi tự do của người dân nước này. 40% thành viên của đoàn thể thao Hunggaria đã xin tị nạn chính trị tại Úc.
Vào lúc đó, người dân Úc nghĩ không hay về cộng sản. Nếu chủ nhân biết bạn là đảng viên thì bạn sẽ bị đuổi việc. Đảng Lao động cũng xảy ra mâu thuẫn nội bộ trầm trọng khi những thành phần thân cộng bị loại ra khỏi đảng, làm đảng suy yếu và luôn thua trong các cuộc bầu cử trong 23 năm liên tiếp.
Năm 1956 là năm đầu tiên nước Úc có Tivi, mặc dù đi sau Mỹ và Tây Âu. Sự kiện này đã thay đổi nhiều đến tập quán của người dân, thay vì sinh hoạt ở ngoài vỉa hè thì mọi người dành thời gian ở trong nhà để xem Tivi.
Trung tâm thương mại đầu tiên được khai trương tại Úc vào năm 1957. Điều này cũng tạo ra thói quen mới, thay vì đi chợ búa theo từng món hàng ở các cửa tiệm thì nay mọi có thể vào trong cùng một “nóc nhà” có đủ các loại hàng hóa và dịch vụ đa dạng và phong phú. Đồ ăn nhanh kiểu Úc cũng như của Mỹ như KFC và McDonald cũng nhập cảnh vào Úc, người dân có thêm một cách ăn mới.
Ông Menzies còn ra lệnh cho quân đội Úc tham gia vào hai cuộc chiến lớn là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1965-1972). Đây là thể hiện cam kết của Úc khi tham gia Liên minh quân sự ANZUS (gồm Mỹ, Úc và NZ), sau này được mở rộng thành SEATO với sự tham gia của Anh, Pháp, Pakistan, Thái Lan và Philippines.
Năm 1967, một sự kiện trọng đại đã diễn ra, đó là cuộc trưng cầu dân ý về quyền của người Thổ dân với kết quả 90.77% số phiếu ủng hộ người Thổ dân được cấp tư cách công dân của nước Úc. Cuối cùng, chủ nhân lâu đời nhất của mảnh đất Phương Nam này đã chính thức được cấp quốc tịch. Trên thực tế, người Thổ dân đang được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách trợ cấp của chính phủ như là một sự vinh danh cho bà con người da đen.
Howard, một người thần tượng Menzies và bắt đầu tham gia chính trường khá sớm nhưng đến năm 1996 mới trở thành Thủ tướng. Dấu ấn lớn nhất của ông là đưa vào áp dụng thuế GST, loại thuế thịnh hành tại Mỹ và Châu Âu nhưng từng bị phản đối dữ dội tại Úc. Gần 12 năm cầm quyền của Howard có thể coi là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Úc.
Trong giai đoạn này, một lần nữa Úc tổ chức Đại hội Olympic Sydney 2000, đất nước Kangaroos mặc dù vẫn ít dân đã trở thành một điểm đến được mọi người biết đến trên thế giới. Bộ sách kết thúc vào năm 2010 khi Julia Gillard, thuộc đảng Lao động, trở thành Nữ Thủ tướng đầu tiên của Úc.
Chỉ trong hơn 200 năm, từ một lúc địa gần như bỏ hoang, một nước Úc “lucky country” giàu có, hùng mạnh đã ra đời.
Để đạt được điều này, trước hết nước Úc được xây dựng trên nền tảng một chế độ dân chủ pháp quyền, quyền lực chính trị được giám sát chặt chẽ bởi cơ chế tam quyền phân lập. Về điều hành kinh tế, Úc chủ trương giảm thiểu tối đa chi tiêu cho quân đội và cảnh sát để dồn ngân sách cho các mục tiêu phúc lợi, an sinh xã hội. Tỉ lệ ngân sách dành cho y tế và giáo dục cao hàng đầu thế giới.
Úc cũng chú trọng bảo vệ môi trường sạch đẹp, là nơi có bầu khí quyển trong lành và nguồn nước an toàn nhất. Úc còn có nhiều thành tựu về phát triển văn hóa nghệ thuật, thể thao và khoa học.
Những thế hệ người Úc đi sau đã và đang được huởng thành quả từ bàn tay và khối óc của các thế hệ đi trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét