Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021
Con đường Trung Hoa
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa tròn 72 tuổi. Khi đánh giá thành tựu của nó phải đặt trong bối cảnh Trung Quốc là nước lớn cả về diện tích và dân số, để xem trình độ phát triển kinh tế và ảnh hưởng chính trị đã tương xứng hay chưa?
Sau khi giành được chính quyền vào tháng 10/1949 thì tháng 2/1950 Mao Trạch Đông đã lập tức sang thăm Liên Xô. Tại đây, Stalin đã “phân công” cho Mao phụ trách phong trào cách mạng ở Châu Á. Có thể nói Mao đã hoạt động khá tích cực cho vào trò này.
Thực tế đã cho thấy, cách mạng vô sản đã thành công tại Bắc Triều tiên, Bắc Việt Nam, Nam Yemen, tiếp theo là Lào, Campuchia và Nam Việt Nam. Đảng Cộng sản suýt nữa giành được chính quyền tại Indonesia, Miến Điện và Nepal.
Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, Mao tỏ ra không phục tùng Khrushchev, đến khi Khrushchev bị lật đổ để Brezhnev lên thì quan hệ Trung Quốc - Liên Xô còn căng thẳng hơn. Cuộc đụng độ đẫm máu vào đầu năm 1969 đã làm Mao cay cú và từ đó có câu nói nổi tiếng “kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta” với việc xoay trục sang phe Mỹ.
Mao chết, người do Mao dựng lên là Hoa Quốc Phong đã thua trong trận chiến quyền lực với Đặng Tiểu Bình. Đặng tiến hành “bốn hiện đại” với sự giúp đỡ về vốn và kỹ thuật của Mỹ, kinh tế Trung Quốc có sự chuyển mình trở nên lớn mạnh và quan hệ đối ngoại cũng được tăng cường theo.
Nhận thấy Châu Phi là một mỏ tài nguyên nguyên liệu dồi dào, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng sang Châu Phi và đã trở thành “người bạn” của Châu Phi, với những mối quan hệ “đặc biệt” tại Somalia, Zimbabwe và Sudan. Ở Châu Âu, Nam Tư và Romania ly khai với Liên Xô, vốn là những đồng minh thân thiết của Bắc Kinh.
Tính từ cuộc thăm Mỹ năm 1978 của Đặng, thời điểm được coi là cột mốc đánh dấu sự hội nhập hoàn toàn của Trung Quốc với thế giới, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh ngạc về tăng trưởng kinh tế.
Trước hết, một điểm mạnh của Trung Quốc đã được phát huy, đó là dân số đông nhất thế giới, là nguồn nhân công dồi dào, chăm chỉ, giá nhân công rẻ. Dần dần, Trung Quốc trở thành “công xưởng” của thế giới, hàng Tàu không chỉ có ưu thế về giá còn cạnh tranh mạnh ở tốc độ sản xuất, khả năng “nhái” tốt nên sản phẩm phong phú, đa dạng.
Khi được gia nhập WTO vào thập niên 1990s, hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc ngày càng len lỏi đến khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, có thể coi thạng dự thương mại của Trung Quốc đã lên đỉnh và không thể tăng đáng kể như trước được nữa.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng, Trung Quốc đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản. Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc hiện có 65 triệu căn nhà vô chủ với những thành phố ma, những tuyến đường bộ, đường sắt bỏ hoang. Trung Quốc đang đứng trước cuộc khủng hoảng bất động sản với việc đại gia Evergrande sắp đáo hạn giãn nợ vào 23/10 tới, cộng với các nguy cơ từ các đại gia bất động sản khác.
Ưu thế về nhân công đang mất dần. Với chính sách 1 con, giá nhân công của Trung Quốc tăng nhanh và là nước có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó là vấn đề môi trường, tình trạng ô nhiễm gia tăng và vùng Hoa Bắc thiếu nước ngọt trầm trọng. Chỉ đạt tỉ suất sinh 1.3 con /1 phụ nữ như hiện nay, dân số Trung Quốc sẽ giảm còn phân nửa trong 45 năm tới.
Tóm lại, những điều làm nên sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong trên 40 năm qua đã không còn: nhân công rẻ, xuất khẩu và bất động sản.
Trong bối cảnh như vậy, thật khó hiểu, Trung Quốc lại “ngoan ngoãn” tuân thủ các yêu cầu về môi trường trong việc giảm khí thải, tạo thêm một cuộc khủng hoảng năng lượng. Như vậy hai gọng kìm bất động sản và năng lượng đang siết chặt gọng kìm cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Người ta thường nói Covid xóa đi làm lại cho một cuộc chơi mới toàn cầu. Dù ít hay nhiều, Trung Quốc bị coi là bên có lỗi cho việc phán tán bệnh dịch, do đó nguy cơ bị thế giới cô lập hay trừng phạt vẫn là câu chuyện có thật.
Một tử huyệt đáng chú ý của Trung Quốc là vấn đề lãnh đạo. Nửa đầu sang năm, Trung Cộng sẽ tiến hành Đại hội Đảng khi mà Tập Cận Bình đã ngồi đủ 2 nhiệm kỳ. Có thể dự đoán, Tập Cận Bình sẽ phớt lờ thông lệ mà Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tuân thủ để tiếp tục giữ ghế. Điều này sẽ dẫn tới sự bất mãn sâu sắc trong nội bộ đảng cũng như trong dân chúng.
Lịch sử cho thấy, mỗi khi một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị và đặt danh vọng cá nhân lên trên hết sẽ làm kìm hãm sự phát triển của đất nước. Mubarak của Ai Cập, Magabe của Zimbabwe, Suharto của Indonesia...đã từng có thời gian “làm việc tốt”, đoàn kết được mọi người chung sức chung lòng cống hiến cho đất nước nhưng khi họ cố bám víu quyền lực thì đã gặp những cái kết tồi tệ.
Có thể Tập không vĩ đại như Washington hay Mandela mà cũng không bằng chính Đặng Tiểu Bình. Mặc dù không giữ chức vụ gì chính thức, ngoại trừ làm Chủ tịch quân ủy TW trong một thời gian không dài, nhưng họ Đặng vẫn có uy tín bao trùm lên ban lãnh đạo. Về sau, viện lý do tuổi tác và sức khỏe, Đặng tránh xuất hiện và gặp gỡ mọi người để cho các nhà lãnh đạo đương thời làm việc. Có thể coi Đặng là một tấm gương yêu nước Tàu mà Tập không chịu noi theo.
Nhìn rộng ra bàn cờ chính trị thế giới, Trung Cộng chưa có được vị thế cạnh tranh ngang bằng với Mỹ giống như Liên Xô trước đây nên có thể đồ đoán rằng Mỹ không cần đánh sập mà có lẽ chỉ cần ngăn chặn tham vọng của nước này.
Gần đây, Tập bất ngờ tuyên bố muốn thống nhất với Đài Loan bằng “phương pháp hòa bình”. Vậy là “tư tưởng lớn” gặp nhau, Đài Loan cũng từng nói như vậy, chỉ có điều điều kiện tiên quyết của họ là Trung Quốc phải xóa bỏ chế độ cộng sản mà thay bằng chế độ dân chủ đa đảng!
Thế giới này là của Mỹ, với tư cách là cường quốc số 1. Điều mà Mỹ mong muốn là Trung Quốc không sụp đổ vì với 1,4 tỉ người nếu có chuyện gì thì đó là một thảm họa về nhân đạo cũng như về kinh tế, liên lụy đến Mỹ và đồng minh. Trung Quốc cứ giữ cộng sản cũng được, như thế họ sẽ không có cợ hội thống nhất với Đài Loan hay liên kết với các quốc gia Châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Không có liên minh, đồng minh, không một quốc gia nào có thể cạnh tranh được với Mỹ. Dường như Trung Quốc đang đi đúng “quy trình” khi các mối quan hệ mật thiết trên thế giới ngày càng bị mai một, có thể kể đến các diễn biến mới nhất ở Sudan, Bắc Hàn, Phillippines, Đức...
Liên hệ với Việt Nam, Trung Quốc sẽ không thôn tính, nhưng họ muốn Việt Nam suy yếu để thao túng và trục lợi.
Bao giờ Chích chòe lên ngôi?
CLB Newcastle United vừa có chủ nhân mới, đó là hoàng gia Saudi Arabia, biến đội bóng này trở thành CLB bóng đá có năng lực tài chính mạnh nhất thế giới. Trước đây, Real Madrid, Barcelona, Manchester United được coi là giàu nhất, hiện tại là Manchester city và PSG, đến giờ tới lượt Newcastle.
Newcastle United nằm ở Đông Bắc nước Anh, có tiền thân là Newcastle East End, thành lập năm 1881. Đến năm 1896, hai đội Newcastle East End và Newcastlle West End sáp nhập, lấy tên mới là Newcastle United. Sân vận động của đội là St James’s Park có sức chứa khá lớn 52,500 chỗ, vốn là sân của Newcastle West. Biệt danh của đội là “Chích chòe” (The Magpies).
Chích chòe từng 4 lần vô địch Anh Quốc vào các năm 1905, 1907, 1909 và 1927. Trong kỷ nguyên Premier League (từ năm 1992 đến nay), đội hai lần hạng nhì (1995-1996 và 1996-1997), một lần hạng ba (1993-1994). Các cầu thủ tài danh từng thi đấu cho NEW Utd có thể kể đến Keegan, Gascoigne, Shearer.
Tuy nhiên, những năm gần đây NEW Utd không còn được coi là một đội mạnh, nhiều lần vận lộn để trụ hạng. Mùa giải năm ngoái, nhờ có sự tỏa sáng của cầu thủ đi mượn từ Arsenal là Willock, ghi 7 bàn liên tiếp trong 7 trận cuối đội mới được an toàn. Năm nay, tình thế đang nguy ngập khi đội đang xếp ở hạng 19/20 và chưa hề nếm mùi chiến thắng sau 7 trận đầu tiên.
Cho dù trí tưởng tưởng có phong phú đến mấy thì cũng không thể mơ NEW Utd vô địch mùa giải năm nay. Như thường lệ, chức vô địch Premier League là chuyện nội bộ của “big six”. Có điều lạ, Tottenham chưa hề vô địch, trong khi Blackburn và Leicester đã từng nhưng các con gà trống (biệt danh của Tottenham) vẫn được đánh giá cao hơn vì khả năng tài chính và trị giá đội hình trên thị trường chuyển nhượng.
Căn cứ vào đội hình và phong độ, giới cá độ đánh giá cao cơ hội (theo thứ tự cơ hội) của Man city, Chelsea và Liverpool. Man Utd đứng thứ tư về tỉ lệ cá độ cũng như thứ hạng nhưng thật ra không hơn gì lắm so với Arsenal đang xếp hạng 11, bởi vì Man Uted chưa đấu trận nào trong nhóm big six, còn Arsenal đã đấu 3/7 trận mà chỉ chênh nhau 4 điểm.
Trở lại với NEW Utd, với chủ nhân mới có túi tiền không đáy, đội không ngần ngại đề ra các mục tiêu tham vọng. Thật ra làn sóng các tỉ phú nước ngoài mua các đội bóng lớn của Châu Âu bắt đầu từ năm 2003 khi Abramovich mua Chelsea. Gần như ngay lập tức Chelsea đã lên ngôi và vô địch nước Anh liền mấy mùa.
Những thương vụ nổi đình đám tiếp theo có thể kể đến hoàng gia UAE mua Man city năm 2008 và hoàng gia Qatar mua PSG năm 2011. Vẫn công thức đổi tiền lấy danh hiệu, Man city cũng nhanh chóng thay da đổi thịt, còn PSG vô địch nước Pháp 8 năm liền.
Nhưng Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) đã vào cuộc với quy định về công bằng tài chính và do đó NEW Utd không thể mua cầu thủ ồ ạt như trước, nói cách khác, “từ từ khoai mới nhừ” chứ không nhanh được.
Mỗi khi đổi chủ, các đội bóng có một cơ sở tài chính mới, một dự án mới và ắt phải có nhân sự mới. Các HLV trưởng đều phải ra đi để thay bằng những gương mặt mới. Tuy nhiên, các HLV có tên tuổi không muốn tiếp thu các đội dở chừng, do đó có thể cho rằng HLV đương nhiệm Bruce sẽ an toàn đến hết mùa giải.
Kỳ chuyển nhượng đông đang tới gần, NEW Utd chắn chắn sẽ bổ sung đội hình. Hiện tại cầu thủ được coi là đắt giá nhất của đội là Willock cũng chỉ có giá 21 triệu bảng. Theo tin mới nhất, chữ ký đầu tiên sắp tới sẽ là Ramsey, một cựu cầu thủ khác của Arsenal. Đây cũng là điều hợp lý vì Ramsey đang không hạnh phúc ở Seria A trong màu áo Juventus và muốn trở lại Premier League. Mức lương của Ramsey 400,000 Euro/tuần khá cao, từng là trở ngại, nhưng nay với NEW Utd thì không có vấn đề gì, trong khi đội đang cần cầu thủ có đẳng cấp và kinh nghiệm như Ramsey.
Thực ra hoàng gia Saudi muốn mua Man Uted nhưng không thành nên đành bằng lòng với NEW Utd. Mọi người cho rằng, một cục diện mới của Ngoại hạng Anh sẽ hình thành từ mùa giải sang năm, đó là big 7, thậm chí big 5. Ông chủ của Arsenal và Tottenham cũng giàu nhưng keo, làm cho hai đội này trên thực tế không còn khả năng lên đỉnh. Như vậy Chích chòe sẽ gia nhập với 4 đội hàng đầu để trở thành 5 đội cạnh tranh cho một danh hiệu vô địch nước Anh.
Cuộc chiến Oman
Nhân dịp đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Oman trên sân vận động mang tên Sultan Qaboos tại thủ đô Muscat, mình góp vui bằng bức ảnh chụp năm 2006 trong bảo tàng Oman, bên cạnh chiếc xe chống đạn mà vua Qaboos, người ở ngôi 50 năm (1970-2020) đã sử dụng trong cuộc nội chiến Oman.
Chiến tranh Oman thường được dùng với thuật ngữ Dhofa rebellion là cuộc nổi loạn của tỉnh tự trị Dhofa kéo dài trên chục niên (1963-1976).
Ba dòng thác cách mạng đã đổ đến thế giới Ả Rập kể từ cuối thập niên 1950s với việc Ai Cập và Syria có xu hướng XHCN, ngả dần sang phe cộng sản. Năm 1962, cách mạng thành công ở Nam Yemen, chế độ phong kiến bị xóa bỏ, nước CHDCND Yemen ra đời.
Với sự yểm trợ trực tiếp của Nam Yemen láng giềng, du kích quân cộng sản, tức Mặt trận giải phóng Dhofa ra đời với mục tiêu giải phóng Oman, đưa cả nước tiến lên CNXH. Du kích Dhofa còn nhận viện trợ to lớn về vũ khí, hậu cần và huấn luyện của Liên Xô và Trung Quốc.
Dhofa chỉ là một trong 10 tỉnh của Oman nhưng lại có diện tích chiếm đến 1/3 toàn quốc. Địa hình của Oman cũng khác biệt, chủ yếu là núi và cao nguyên trong khi phần kia chủ yếu là sa mạc. Thủ phủ Salalah là một thành phố trên cao nguyên, có khí hậu mát mẻ quanh năm, không nóng nực như các thành phố khác trong 6 nước vùng Vịnh.
Phiến quân cộng sản ngày càng lớn mạnh, trong khi quân chính phủ túng thế, rơi vào tình thế hiểm nghèo. Cực chẳng đã, tháng 7/1970, Thái tử Qaboos, lúc đó 30 tuổi đã làm một cuộc đảo chính cung đình lật đổ vua cha Said.
Qaboos đã tốt nghiệp trường quân sự tại Anh năm 1964, sau khi lên ngôi, ông phong cho chú ruột Tariq làm Thủ tướng rồi thân chinh đi chiến trường phía Nam. Với sự đề nghị của Qaboos, Iran dưới thời vua Pahlevi đã gửi quân sang giúp cũng như sự trợ chiến của Anh và UAE.
Dần dần quân chính phủ đã kiểm soát được tình hình. Bước ngoặt đã xảy ra khi chính thể Mao Trạch Đông đặt quan hệ với triều đình Pahlevi và theo đề nghị của Iran, Trung Quốc hoàn toàn cắt đứt sự ủng hộ từ năm 1972 đối với nhóm du kích Dhofa. Cuộc chiến đã kết thúc trên thực tế nhưng đến năm 1976 thì các bên mới chính thức thừa nhận.
Trờ về Muscat, Qaboos thu lại chức Thủ tướng của Tariq để tự kiêm nhiệm đến khi qua đời. Con trai Tariq là Asaat được trọng dụng, trở thành một chỉ huy cao cấp trong quân đội, rồi đệ nhất phó thủ tướng. Qaboos không có vợ con và anh em ruột, đã để di chúc nhường ngôi cho Haitham, em cùng cha khác mẹ với Asaad, cùng sinh năm 1954 nhưng kém tháng.
Vua Haitham được coi là học hành bài bản hơn, tốt nghiệp Đại học và trên Đại học tại Anh, từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng văn hóa. Đáng chú ý ông còn từng là Chủ tịch liên đoàn bóng đá Oman và rất đam mê bóng đá.
Thuở ban đầu đi học của Kelly
Hôm nay Kelly tròn 16 tuổi. Cũng ngộ, cho đến khi vào lớp 1, Kelly chuyển trường đến 5 lần ở 4 quốc gia khác nhau.
Đúng 18 tháng 1 ngày, mẹ đẻ em bé nên chỉ sau 1-2 tuần Bi Kelly đã phải đi học.
Nhà trẻ quốc tế bên Dubai mình không nhớ tên, đa số các con người Ấn, Philippines, người Tàu hồi đó còn ít.
Trường có xe mini bus đưa đón, bé lũn cũn bước lên xe, nhìn thương quá, mình dành thời gian đưa đón con.
Được 3 tháng đã thôi học để về Việt Nam. Bi học trường Koala trong 6 tháng. Chưa đầy 2 tuổi rưỡi đã phải học hai trường với hai ngôn ngữ Anh và Việt, Bi bị rối loạn ngôn ngữ, không nói được. Vợ chồng mình cảm thấy lo.
Sang Ai Cập, Bi vào trường Irish, một trường xịn nhất Cairo. Tự dưng Bi nói được và nói luôn cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Bị học ở đây gần 3 năm, thời gian sau có thêm Sissy theo chị tới trường.
Ở trường vừa chơi vừa học, còn ở nhà mẹ cháu kèm thêm tiếng Anh, Si thì không chịu cho mẹ dạy, chỉ phá quấy.
Được cái sáng dạ, 5 tuổi Bi đã đọc thông viết chút chút, máy tính thì biết dùng internet, email từ khi 3 tuổi.
Kỳ cuối, Bi tham gia diễn kịch ở lớp. Cô giáo phát cho một tập giấy in lời thoại của vở kịch, Bi học thuộc lòng không chỉ vai diễn của mình mà còn vai diễn của các bạn.
Bi và Si còn quay về trường Koala ở Hà Nội học 3 tháng rồi mới sang Úc.
Bi học Kindy ở trường Clemton Park cũng chỉ hơn nửa năm. Cô Buyer nhận xét con đạt loại top của lớp. Hết Kindy, Bi lên lớp 1 ở Earlwood. Bi không muốn chuyển trường, nhưng con rất ngoan và hiền, nên đã nghe lời bố mẹ.
Tiểu bang NSW có Thủ hiến mới
Dominic Perrottet đã trở thành Thủ hiến trẻ nhất trong lịch sử NSW khi mới 39 tuổi. Anh là con thứ ba trong số 12 người con, là con trai lớn nhất trong 3 con trai của John Perrottet, 67 tuổi, một nhân viên Ngân hàng thế giới (WB), hiện đang làm việc tại Mỹ. Dominic “mới có” 6 con, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục đẻ thêm. “Gia đình lớn” là một truyền thống của người Úc, khi mà từ thế kỷ 19, bên Anh quốc đã bắt đầu ít con thì Úc vẫn tiếp tục “sòn sòn”.
Tốt nghiệp Luật sư từ ĐH Sydney giống như cựu thủ tướng Howard, Dominic đến với chính trị khá sớm khi 28 tuổi đã trúng cử vào chiếc ghế Dân biểu tiểu bang. Anh trở thành phó lãnh tụ đảng Tự do từ năm 2017.
Khi Gladys tuyên bố từ chức vì bị Ủy ban độc lập về tham nhũng (ICAC) điều tra, phó thủ lãnh đảng sẽ mặc nhiên trở thành lãnh tụ nếu không có người thách thức. Tuy nhiên, Stokes, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch đã nhanh chóng “tuyên chiến”, vì thế phải tổ chức bầu cử trong nội bộ đảng.
Trong cuộc bầu cử sáng nay, D. Perrottet đã thắng tuyệt đối với số phiếu 39-5, chính thức trở thành thủ lãnh đảng tự do cầm quyền và đương nhiên trở thành Thủ hiến NSW.
Với sự ủng hộ của Perrottet, Ayres, 40 tuổi được bầu làm phó lãnh tụ. Ayres được coi là người “ít học”, anh không học Đại học, hiện là Bộ trưởng Nhân dụng, Đầu tư, Du lịch và miền Tây Sydney. Đáng chú ý, vợ của Ayres là Payne, nay đã 58 tuổi hiện là Bộ trưởng Ngoại giao của Liên bang Úc.
Thủ tướng Morrison nói rằng, trước cuối năm nay, nếu kết luận của ICAC đối với cựu Thủ hiến Gladys Berejiklian, 51 tuổi là vô tội thì cô sẽ được hoan nghênh tham gia chính trường Liên bang. Trong trường hợp này, chiếc ghế có lẽ phù hợp với Gladys nhất là “bà ngoại” trưởng, một khi Payne về hưu.
Trở lại NSW, Perrottet tuyên bố sẽ không có cải tổ Nội các cho đến hết mùa hè. Điều đó có nghĩa là các Bộ trưởng đều giữ nguyên công việc, kể cả Stokes, người vừa thách thức quyền lãnh đạo của Perrottet.
Trong chính phủ Liên đảng, ngoài đảng Tự do còn có đảng Quốc gia. Thủ lĩnh đảng Quốc gia Barilano đồng thời là Phó Thủ hiến cũng đã tuyên bố từ chức. Việc bầu người thay ông Barilano sẽ diễn ra vào ngày mai.
Là người ủng hộ doanh nghiệp và không thích lockdown nên có “tin đồn” thủ hiến mới sẽ dỡ bỏ giãn cách sớm hơn lộ trình, cụ thể sẽ bỏ ngay từ thứ sáu thay vì thứ hai tới. Khi được hỏi về điều này, Perrottet còn “ỡm ờ”: sẽ quyết định sau cuộc họp nội các chiều nay.
Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021
Kiều Hưng - Một giọng ca bất hủ
Sau khi viết Đại sảnh Danh vọng cho các văn sĩ, nhạc sĩ mình tính vinh danh các ca sĩ thì thấy kẹt. Rất khó để đưa ra một danh sách ca sĩ nổi tiếng và đi vào lịch sử.
Bây giờ chỉ xin giới thiệu một trong những ca sĩ mình tính đề cử, đó là Kiều Hưng. Đây là một tên tuổi lớn ở miền bắc, nhưng có thể nhiều người Miền Nam và hải ngoại chưa từng nghe.
Kiều Hưng sinh năm 1937, là con nhà địa chủ tại Hà Đông, đi hát từ năm 17 tuổi.
Kiều Hưng cho rằng vì lý lịch xấu mà anh bị trượt khi thi vào nhạc viện. Nhưng tiếng hát của anh vẫn được mọi người biết đến từ cuối thập niên 1950s.
Năm 1966, Kiều Hưng bất ngờ được đưa vào danh sách đi tu nghiệp tại Liên Xô. Về nước năm 1972, Kiều Hưng đã bứt phá lên như một ca sĩ hàng đầu.
Mình vẫn nhớ được mẹ cho đi xem ca nhạc tại rạp Hồng Hà, canh chợ Hàng Da vào năm 1973. Bé quá chẳng biết gì, chẳng qua ở nhà không có ai trông nên được đi.
Mẹ và các cô bạn mẹ đều rất hâm mộ Kiều Hưng, đích thị ông là ca sĩ số 1 vào thời đó. Bố không để ý lắm đến ca sĩ cũng thừa nhận không ai bằng Kiều Hưng được.
Đến cuối thập niên 1970s, Ngọc Tân (sn 1948) và Tiến Thành (sn 1950) bắt đầu nổi lên nhưng chưa thể nói qua mặt được Kiều Hưng.
Năm 1981 Ngọc Tân vượt biên không thoát, vợ con chết. Khoảng đầu thập niên 1990s, mình được gặp Ngọc Tân khi anh "bí mật" đến Báo Tuổi Trẻ thủ đô. Lúc này Ngọc Tân bắt đầu được đi hát trở lại nhưng sự nghiệp không còn lừng lẫy như trước.
Rồi có tin Ngọc Tân tự tử chết, nhưng không phải, anh bị bệnh và qua đời.
Năm 1983 mẹ mình mổ khối u dạ con và nằm bệnh viện cả tháng. Tình cờ nằm chung phòng với ca sĩ Thanh Hoa (sn 1950). Thanh Hoa kể với mẹ, người ta cứ bảo em phẫu thuật thẩm mỹ, chẳng qua là em biết cách tô vẽ tranh điểm hơn trước thôi. Họ còn nói em là tình nhân của Tiến Thành nữa.
Có lần Tiến Thành ôm đàn vào bệnh viện thăm Thanh Hoa và hát cho các y bác sĩ và bệnh nhân nghe. Vậy mà chỉ sau đó 1 năm, Tiến Thành qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1984.
Mặc dù vắng bóng "đối thủ" nhưng không hiểu sao tiếng hát Kiều Hưng thưa dần rồi biến mất. Sau này mới biết, vì chủ trương trẻ hóa ca sĩ, Kiều Hưng bị Nhà hát ca múa nhạc cho nghỉ việc khi ông vừa bước sang tuổi 50.
Rồi có tin đồn Kiều Hưng đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Nhưng không phải, ông đi theo vợ là ca sĩ Việt Bắc tu nghiệp vào năm 1991. Tuy nhiên khi Liên Xô tan rã, họ sang Đức tỵ nạn.
Năm 2008, Kiều Hưng bị tai biến tưởng chết, mất sáu năm chữa trị, ở tuổi 77, ông bất ngờ trở lại nghiệp sân khấu.
Hồi còn ở Việt Nam là lúc nhạc vàng còn bị cấm nên Kiều Hưng chỉ hát nhạc đỏ. Tuy nhiên, mọi người không thấy Kiều Hưng cổ động cho tiền tuyến, cho quân đội mà ông chủ yếu nổi tiếng với các bài nhạc quê hương.
Chắc chắn đây là thể loại phù hợp với chất giọng của Kiều Hưng, ông vừa có kỹ thuật hoàn hảo sau 6 năm tu nghiệp, đồng thời thể hiện tình cảm bài hát rất tuyệt vời.
Những ca khúc bất hủ không bao giờ quên có thể kể đến Bài ca trên núi, Tình ca Tây Bắc, Bèo dạt mây trội, Rặng trâm bầu...
Khi song ca "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" với Thu Hiền, Kiều Hưng vẫn quá xuất sắc ở tuổi U80. Như lời bài hát, hồ Kẻ Gỗ nằm trong tỉnh Nghệ Tĩnh, khi chưa tách tỉnh.
Nghĩ về quãng thời gian 16 năm của Merkel
Cuối cùng, Angela Merkel cũng sẽ rời chiếc ghế Thủ tướng Đức sau một thời gian dài kỷ lục so với nguyên thủ quốc gia các nước dân chủ. Một điều trùng hợp, HLV đội tuyển bóng đá Đức Joachim Loew cũng là HLV giữ chức vụ lâu kỷ lục, với trên 15 năm, cũng vừa ra đi mới đây.
Năm 2005, khi Merkel lên ngôi là lúc Ronaldo và Messi còn là những cầu thủ trẻ tiềm năng. Ronaldo mới về Manchester United, khi “thế hệ 92” đang ngự trị với Beckham (mới chuyển đi), Giggs, Schole, Neville...Trong số các cầu thủ trẻ, Rooney thậm chí còn được ưu ái hơn Ronaldo.
Đối với mình, 2005 là năm trọng đại vì là năm con gái đầu lòng của tụi mình ra đời. Còn nước Đức cũng chiếm một vị trí đặc biệt đối với gia đình, bố mình đã từng sống bên đó 10 năm.
Cách đây 16 năm, Tập Cận Bình còn là “phó chủ tịch”, Trung Quốc chưa có Giấc mộng Trung Hoa và hung hăng như bây giờ. Thế giới đã xoay trục sang Indo-Pacific với ý đồ kìm hãm sự trỗi dậy của con quái vật đỏ.
Merkel nhận chức Thủ tướng trong bối cảnh Thủ tướng Schroder tiền nhiệm đang có bất đồng sâu sắc với Tổng thống Bush (con) vì cuộc chiến tại Iraq. Là phụ nữ, Merkel đã dễ dàng làm “mềm hóa” mối quan hệ của Đức với Mỹ. Đây là điều rất quan trọng trong mối quan hệ đồng minh hàng đầu cũng như Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức.
Merkel có hai đời chồng, không con, sinh ra tại Tây Đức nhưng lớn lên tại Đông Đức. Thời cộng sản, Merkel là Tiến sĩ hóa học và dạy Đại học, cô thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh. Cơ hội làm chính trị đã mở ra khi nước Đức thống nhất. Là một con chiên ngoan đạo, Merkel ra nhập đảng Liên minh Thiên chúa giáo (CDU) và dần dần trở thành lãnh tụ của Đảng.
Tuy nhiên, đảng CDU thuộc cánh hữu do Merkel lãnh đạo lần đầu đã thua trong cuộc bầu cử năm 2002 trước đảng Dân chủ xã hội (SPD) thuộc phe tả của Thủ tướng đương nhiệm Schroder. Đến cuộc bầu cử 2005, hai đảng chính này vẫn “hòa”, không bên nào dành được đa số, nhưng sau khi thương thuyết với các đảng phái khác, Merkel đã chính thức trở thành Thủ tướng.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng SPD đã vượt lên trước CDU nhưng cũng không bên nào đủ đa số để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch SPD, ông Scholz đang ở vị thế mạnh để trở thành thủ tướng kế nhiệm Merkel. Đây là kết cục không vui đối với Merkel khi đảng của bà không còn giữ được quyền lãnh đạo đất nước.
Mặc dù vậy, vào lúc Merkel rời chính trường, cũng nên là lúc vinh danh những thành tích của bà. Thời gian Merkel cầm quyền là thời gian Châu Âu và thế giới có nhiều chuyện nhưng dưới sự chèo lái của nữ Thủ tướng đầu tiên sau chiến tranh, nước Đức vẫn phát triển tốt.
Khác với cựu Thủ tướng Schroder bật lại Mỹ về vấn đề Iraq, lập trường của Merkel khá ôn hòa trong các vấn đề quốc tế. Khi Putin quậy tưng ở Ukraine, làm Anh và Pháp rất bất bình nhưng chính Đức lại là nước “trung gian” để cho sự đối đầu dịu nhiệt.
Đức cũng không giống như các cường quốc Mỹ, Anh, Nhật căng thẳng với Trung Quốc, mối quan hệ Đức – Trung vẫn được cho là hữu hảo. Tương tự, Đức cũng ủng hộ hòa đàm với Iran. Đức cũng là nhân tố chủ yếu giữ cho khối EU khỏi tan vỡ sau khi nước Anh ly khai.
Trong bối cảnh kinh tế các nước EU lâm vào khủng hoảng kéo dài, nhưng kinh tế Đức vẫn tỏ ra là một đầu tàu vững vàng. Một trong những động lực làm cho kinh tế Đức phát triển tốt là vấn đề nhân dụng.
Nhiều nước Châu Âu thiếu nhân công trầm trọng do tỉ lệ sinh đẻ giảm sút thì Merkel đã mạnh tay nhận nhiều di dân nước ngoài. Đến nay Đức có đến 21 triệu người Thổ, người Trung Đông và Syria tỵ nạn và hàng trăm ngàn người Việt.
Gần đây, hai đồng minh gần gũi nhất của Đức là Anh và Pháp đã hục hặc với nhau liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với Úc. Nhưng Merkel đã chọn giải pháp "xuất sắc" bằng cách giả câm giả điếc.
16 năm là quãng thời gian dài để mọi người hiểu về thế giới quan và con người của Merkel. Nước Đức không còn là một con diều hâu hiếu chiến đã gây ra hai Đại chiến thế giới mà ngược lại, là một con bồ câu hiền lành, ngơ ngác. Nước Đức của Merkel ngày càng lộ ra chủ nghĩa thực dụng và vụ lợi đến tàn nhẫn.
Trong một thế giới nhiễu nhương, nhiều bất công, bất cập nhưng dường như Merkel cho rằng tất cả những việc đó không liên quan gì đến nước Đức. Vì tiền, nói mỹ miều là vì mối quan hệ thương mại mà Merkel đã sang Trung Quốc tới 13 lần trên cương vị thủ tướng, nhiều hơn bất kỳ một chính khách nào.
Điều một người đứng đầu đất nước cần làm là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, giữa dài hạn và ngắn hạn, giữa lợi ích và lý tưởng. Người ta sẽ nhìn bạn với con mắt khác nếu bạn trọng tài (tiền) hơn là nghĩa, và sẽ có lúc bạn phải trả giá vì sự ngắn nghĩ.
Cũng có thể áp lực cầm lái quá lâu mà Merkel đã trở nên "lú" chăng.
Cử tri Đức cũng phát ra một thông điệp rõ ràng khi “đánh trượt” đảng CDU với số phiếu rất thấp, chỉ có 24%, làm cho cuộc tiễn đưa Merkel không còn hoành tráng như mong đợi.
Ảnh: đôi tay "vô thức"
Tâm sự: hai phần của cuộc đời
Nếu mỗi cuộc đời có hai phần: phần đi lên và phần ở phía bên kia đỉnh dốc thì mình đã ở vào phần “bên kia” rồi. Đây là lúc có thể bình tĩnh đôi chút để nhìn lại cả cuộc đời thăng trầm một cách kỳ lạ.
Tuổi trẻ nhiệt huyết là tuổi tìm mọi cách để khẳng định cái tôi, giành giật mọi thứ để tỏ ra bằng người, hơn người. Hồi nhỏ, chắc nhiều bạn ao ước được hút một điếu thuốc lá để có cảm giác trở thành người lớn. Nhưng khi hút rồi, thì thấy cũng bình thường thôi, không có gì ghê gớm cả.
Tất nhiên, không chỉ là điếu thuốc lá, bạn còn có rất nhiều ước mơ khác nữa. Riêng mình, năm 17 tuổi mình thi đại học được 21.5 điểm, thiếu nửa điểm để đi nước ngoài nên rất cay cú. Thú thật, mong muốn trả thù đời, được ra ngoại quốc ám ảnh mình cả một thời gian rất dài.
Mỗi người đều có một lý do riêng tư để hung hãn và làm những điều điên rồ. Tuổi trẻ trâu thì có gì để mất, có gì để sợ đâu.
Mình tin rằng cuộc sống có sự đền bù qua lại, như người ta thường nói “trẻ không chơi thì già đổ đốn”. Chắc chắn, chưa được chơi thì còn thèm khát, còn đã chùn chân mỏi gối thì thông thường có điểm dừng.
...và đến một lúc nào đó, bạn đạt được sự tự do về tài chính, hoặc chí ít có của ăn của để, bạn xứng đáng được thư giãn đôi chút để sống chậm và hưởng những thành quả lao động trong quá khứ. Dường như bạn sẽ tỉnh giấc, không còn quá nôn nóng tham lam, bạn nghĩ tới việc hạ cánh và để lại di sản gì cho đời.
Mình từng nói với các con gái, người tốt là người có đóng góp, cống hiến cho xã hội. Đóng góp gì? Nói cụ thể là tiền thuế đi. Bạn có dám “ngạo nghễ” mà khai với con cái rằng bạn luôn luôn làm việc chăm chỉ và thường xuyên đóng thuế?
Theo ý kiến cá nhân, một cái cống hiến còn quan trọng hơn cả đóng thuế, đó là việc nuôi dạy con trở thành người có ích cho xã hội. Những ai là người trong cuộc sẽ hiểu công việc này khó khăn biết dường nào.
Bạn là người Việt Nam mà sống trong môi trường quê hương mới, bạn sẽ dạy con theo kiểu gì? Kiểu Việt, kiểu Úc hay nửa nọ nửa kia? Đây thực sự là một cuộc đấu tranh của Đông và Tây, cái cũ và cái mới, giữa cảm tính và lý trí.
Cuộc sống không dừng lại mà là một cuộc chuyển hóa. Mình có thể chuyển từ dại dột này sang dại dột khác, từ cách sống bản năng bất chấp sang buông bỏ nhường nhịn, từ ngu si bất tận sang khôn ngoan chút xíu.
Chẳng có ai sinh ra là mặc nhiên xấu hay mặc nhiên tốt, cuộc sống vận động và nhào nặn trong mỗi môi trường hoàn cảnh khác nhau. Mình cũng tin rằng con người có khả năng tự hoàn thiện để trở thành một phiên bản tốt hơn, tử tế hơn.
Chuyện đôi ta chỉ có thế thôi sao?
Bén duyên chưa đầy hai năm, “chuyện tình” Arteta – Arsenal đang rơi vào một giai đoạn đầy sóng gió. Trong giải Premier League, Arsenal đang đứng thứ 13, một vị trí “kinh hoàng” đối với các cổ động viên và đây là lý do chiếc ghế của Arteta đang lung lay dữ dội.
Kết thúc mùa giải 2020-2021, dưới sự dìu dắt của Arteta, một lần nữa Arsenal lại xếp thứ 8. Trong kỳ nguyên Premier League và “tiền Wenger”, Arsenal đã từng xếp hạng 10 và 12 và ngay lập tức HLV bị tống khứ.
Trước viễn cảnh sa sút, giới chủ Arsenal đã dốc hầu bao chưa từng thấy mang về một lúc 6 cầu thủ mới, trị giá trên 150 triệu bảng. Đáng chú ý cả 6 cầu thủ này đều thuộc U23, tức thuộc dạng “tiềm năng’. Cũng dễ hiểu, các cầu thủ đã khẳng định được tài năng, có tiếng tăm không muốn cộng tác với một HLV mới vào nghề như Arteta.
Trên thực tế, HLV mới thường rất khó làm việc với các cầu thủ đã thành danh. Chúng ta thấy các công thần của Arsenal đã dần dần mất phong độ như Ozil, Laca, Auba, Berellin, Leno. Đó chính là nguyên nhân mà thành tích của đội cứ trượt dài. Đối với việc đầu tư vào các cầu thủ trẻ luôn là vấn đề hai mặt, có thể tài năng sẽ nảy nở, phát triển hoặc là không.
Vào mùa giải mới, Arsenal thua liền ba trận đầu tiên, rồi gượng dậy một chút với hai trận thắng. Rất may các tân binh trẻ tuổi đã tỏ ra hòa nhập khá nhanh, ngoại trừ Odegaard đã chơi nửa giải năm ngoái theo dạng cho mượn thì các cầu thủ mới như Tavares 20 tuổi, Lokonga 21 tuổi và Tomiyasu 22 tuổi đều đã chơi tốt. Thủ môn Ramsdale 23 tuổi đã đánh bật Leno trong vị trí người gác đền số 1.
Riêng cầu thủ đắt giá nhất White thì lại có vấn đề có lẽ vì áp lực tâm lý về chi phí chuyển nhượng lên đến 50 triệu bảng. 50 triệu bảng, bằng mức PSG mua David Luiz từ Chelsea trước đây, có thể coi là bom tấn. Khi David Luiz ra đi, Ban huấn luyện vẫn muốn duy trì một phương án tấn công vì White có khả năng chuyền bóng dài chính xác như cựu danh tài người Brazil. Tuy nhiên, những quả chuyền dài của White cho thấy chưa sắc xảo, trong khi anh lại có một điểm yếu về tranh chấp bóng bổng do hạn chế về chiều cao. Rất may, cầu thủ Nhật Tomiyasu lại có chiều cao tốt, có thể bổ sung hỗ trợ cho White từ cánh phải.
Một bước đột phá về chiến thuật có thể nhận thấy là Arsenal quay trở lại chơi với 1 tiền vệ phòng ngự duy nhất giống như dưới thời Wenger. Vốn là tiền vệ tấn công, nhưng Arteta từng được Wenger kéo xuống đá phòng ngự như một chiếc “mỏ neo” và anh đã chơi khá tốt trong nhiệm vụ thu hồi bóng và “phát bài” bằng những đường chuyền chính xác. Khi Arteta giải nghệ, vị trí này được đưa cho Wilshere, Elneny và Xhaka nhưng đã chơi không tốt.
Wenger ra đi, Emery chuyển sang chơi cặp tiền vệ phòng ngự với mục đích tăng quân số cho phòng ngự. Nhưng Emery vẫn thất bại vì đội vẫn thủng lưới nhiều, lối chơi hai tiền vệ trung tâm được Arteta giữ cho đến hai trận đấu gần nhất. Cầu thủ đảm nhiệm vị trí tiền vệ thấp nhất hiện nay là Partey có thể coi là khá lý tưởng. Anh này có tấm thân hình hộ pháp, hơn hẳn Arteta trước đây, có khả năng giữ bóng và ban chuyền đáng tin cậy.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu Arsenal mơ vào top 4 có thể coi là ...”ngáo”. Mục tiêu thực tế chỉ có thể là top 7 để có suất dự Europa, muốn vậy cũng phải đánh bật một trong ba đội Leicester, Tottenham và Westham, cũng không hề dễ dàng. Nếu không đạt được mục tiêu khiêm tốn này thì Arteta chẳng còn lý do gì để giữ ghế.
Nói thế không có nghĩa Arteta an toàn cho đến hết mùa giải. Thời điểm mà giới chủ ưa sa thải HLV còn là các kỳ nghỉ thi đấu quốc tế dành cho đội tuyển quốc gia. Từ nay đến hết giải còn 4 kỳ nghỉ nữa và nên nhớ rằng, Wenger đến với đội vào kỳ nghỉ đầu tháng 10 và Arteta nắm đội vào đầu tháng 12.
Trận đấu đêm mai Arsenal – Tottenham là một trong những trận quyết định vì nó không chỉ cạnh tranh trực tiếp mà còn có yếu tố lịch sử với “gã hàng xóm”.
Khi Fullham xuống hạng và Brenford lên hạng, thủ đô London vẫn có 6 đội ở hạng danh dự nước Anh, chia ra 4 hướng của thành phố, riêng Arsenal và Tottenham cùng nằm ở phía Bắc. Để đánh giá thành công hay thất bại, ngoài các tiêu chí chung, fan của Arsenal còn quan tâm đến việc xếp trên hay xếp dưới Tottenham?!
Tottenham thắng 3 trận đầu rồi thua 2 trận tiếp theo, Arsenal thì ngược lại. Nay được đấu trên sân nhà, được giới cá độ đánh giá cao hơn, nếu Arsenal thắng thì hai bên sẽ hòa điểm, tiếp tục cuộc đua. Nếu thua thì Arsenal gặp bất lợi lớn và nhiều khả năng Arteta đứt gánh giữa đường.
Quả thật, Arteta mà không trụ được thì cũng khó tìm người thay thế. Hiện chỉ có 1 HLV đẳng cấp đang thất nghiệp là Conte nhưng ông đã tỏ ý từ chối như đã từng không chịu nhận Tottenham hồi đầu giải vì chỉ muốn nắm đội có thể cạnh tranh chức vô địch, nghĩa là cả Arsenal lẫn Tottenham đều không ở vị thế đó.
Trao thân gửi phận cho một ông bầu vô danh thiếu tầm vóc thì Arsenal sẽ vẫn tiếp tục lụi tàn. Không phải tại mình “mê” Wenger, nhưng có lẽ phương án khả dĩ nhất là quay lại với ông già 71 tuổi này.
Điều còn thiếu để Úc trở thành cường quốc
Chỉ một ngày sau khi ba nước Mỹ, Anh, Úc công bố Liên minh chiến lược AUKUS cho phép Úc đóng 8 chiếc tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide thì Trung Quốc đã có một động thái đầy bất ngờ: đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP)! CPTPP có 11 thành viên, trong đó Úc và Nhật là hai nước đang đối đầu với Trung Quốc và đều có quyền phủ quyết tư cách thành viên của nước này. Dó đó cơ hội gia nhập gần như không có và đây được coi là hành động xoa dịu căng thẳng của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Biden đã lập tức đáp lễ hành động này trong phát biểu tại Đại hộ đồng Liên hợp quốc rằng Mỹ không theo đuổi chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Mọi người đều biết, tiếp theo việc rút quân khỏi Afghanistan thì việc xác lập liên minh mới này nằm trong chiến lược xoay trục Châu Á Thái bình dương của Mỹ.
Những diễn biến này đã đúng với tiên đoán của Trần Huỳnh Duy Thức, theo đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm hạ nhiệt bởi sự nhân nhượng của Trung Quốc.
Truyền thống lịch sử từ thế kỷ 19 đã lặp lại ở đây: mỗi khi bị các cường quốc Phương Tây o ép thì triều đình nhà Thanh lại lùi bước, đó là cắt đất cầu hòa (Macao, Hongkong), chấp nhận mở cửa buôn bán (nha phiến), về truyền giáo. Nhưng đối với Việt Nam lại vẫn tỏ ra trịch thượng khi “dám” phong tước An Nam quốc vương cho vua nhà Nguyễn. Điều này chỉ chấm dứt khi quân Tàu đụng độ với quân Pháp, tất nhiên là bị thua.
Hải quân là yếu điểm của Trung Quốc từ xa xưa, ngược lại nhờ giỏi đi biển và mạnh về hải quân mà nước Anh và các nước Phương Tây đã tung hoành ngang dọc khắp thế giới. Ngày nay tương quan lực lượng về hải quân của Trung Quốc cũng thua xa Mỹ nhưng Trung Quốc đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách. AUKUS đã phán ánh một thế cờ mới, theo đó Úc được ủy nhiệm “canh giữ hòa bình” cho vùng biển Tây Thái bình dương, trong đó có biển Đông của Việt Nam.
Thủ tướng Úc Morrison khẳng định Úc không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sẽ rất vô lý nếu tàu ngầm được đóng có chức năng sử dụng hạt nhân mà lại không được trang bị. Mỹ đã từng chia sẻ bí mật hạt nhân với Anh thì nay dùng tiền lệ đó với Úc.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Úc lại hăng hái “vác tù và” như vậy? Điều này cũng có yếu tố lịch sử, Úc là nước tổn thất nhân mạng lớn nhất trong Đại chiến thế giới I, một cuộc chiến ở rất xa và dường như chẳng liên quan, tính theo đầu người vì dân Úc thời đó chỉ có 5 triệu người. Đến Đại chiến II, Úc đã được trả nghĩa khi Mỹ giương cái ô quân sự bảo vệ Úc trước sự tấn công của Phát xít Nhật.
Những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc đã và đang ve vãn các đảo quốc Thái Bình dương, nơi được coi là sân sau của Úc và rõ ràng đã đe dọa vị thế và vấn đề an ninh của Úc. Chính vì thế đã có ý kiến từ năm 2009 rằng Úc cần gia tăng sức mạnh quân sự và không loại trừ việc thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Úc có lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên rừng vàng biển bạc, nằm trong G20 những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khoa học kỹ thật phát triển, chẳng thế mà có hàng trăm ngàn du học sinh quốc tế theo học đại học và sau đại học. Úc thừa sức chế tạo vaccine Covid nhưng do có các đồng minh cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng tốt nên không cần làm.
Điều mà Úc còn thiếu để trở thành cường quốc là dân số còn nhỏ. Vấn đề này khó ở chỗ người dân Úc không muốn gia tăng dân số nhiều. Trước đây, một lần cựu Thủ tướng Rudd lên Tivi trực tiếp, khi MC nói đến viễn cảnh Úc có 36 triệu dân thì Rudd buột miệng “that’s good”. Câu nói đó đã bị báo chí đập tơi bời.
Thời thế bây giờ đã khác. Thủ tướng Canada Trudeau vừa tái cử bằng Chương trình trình nhập cư được mở rộng lên đến trên 400,000 người /năm trong ba năm tới. Để so sánh, chỉ tiêu của Úc chỉ có 160,000 /năm mà đã không đạt, chủ yếu vì lý do khách quan Covid.
Điều mà chúng ta có thể tiên đoán là Úc sẽ gấp rút mở rộng diện nhập cư để phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng và xứng đáng là một cường quốc năm châu.
Hiện tượng lịch sử: Có Vua thì không có nội chiến
Sau năm 1945, một loạt triều đại phong kiến bị xóa sổ trên thế giới. Nhưng đồng thời cũng có thể ghi nhận, hầu hết các nước xóa bỏ Vua đều xẩy ra nội chiến. Ngược lại, những nơi nào còn giữ được ngôi báu thì đất nước đó thường yên ổn, hòa bình thống nhất và thịnh vượng.
Tại Việt Nam, vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Trong Hồi ký “Con Rồng nước Nam”, Bảo Đạo đã thừa nhận đó là quyết định "thiếu thông tin”. Thực sự đó là sai lầm lớn, trên thực tế đã nhấn chìm sự nghiệp chính trị của cá nhân ông, làm ông mất đi sự ủng hộ của những người yêu nước, tôn trọng truyền thống dân tộc. Hơn nữa, nó còn gián tiếp đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu nhất trên thế giới, tính từ sau Đại chiến.
Tại Châu Âu, sau Đại chiến cũng là lúc phong trào phản phong lên cao, với việc ra đời một loạt các nước XHCN. Riêng tại Hy Lạp, một nước thuộc Đông Âu và chủng tộc Slaver đã xảy ra cuộc nội chiến đến năm 1949 mới ngã ngũ. Tuy nhiên, sự bất ổn chưa dừng lại, nhiều cuộc đảo chính và bạo lực đã diễn ra trong thời gian 1965-1974 ờ nước này.
Tại Hungaria 1956 và Tiệp Khắc 1968 cũng xảy ra những tranh chấp chính trị khốc liệt dẫn đến các can thiệp quân sự của Liên Xô.
Trong khi đó, tại các nước có Vua hoặc nữ hoàng, thịnh vượng và giàu có tiếp tục được vun trồng, đó là Na uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Anh Quốc. Riêng Tây Ban Nha tái lập chế độ quân chủ từ năm 1975.
Chế độ quân chủ của vua Fabruk ở Ai Cập kết thúc vào năm 1952. Tất cả các đời tổng thống sau đó đều “có chuyện” Naguib bị phế truất và cầm tù, Nasser chết đột tử ở tuổi 52, Sadat bị ám sát, Mubarak bị lật đổ và cầm tù; Mosri bị lật đổ, cầm tù và chết trong tù. Còn tổng thống đương nhiệm Sisi thì chưa rõ cái kết sẽ ra sao.
Trong các nước thế giới Ả Rập khác, chế độ quân chủ sụp đổ tại Iraq vào năm 1958, tại Yemen năm 1962, tại Lybia năm 1969. Mọi người đều đã biết các quốc gia này hiện trạng lanh tanh bành ra sao. Ở chiều ngược lại, chế độ quân chủ vẫn đang hiện hữu tại Jordan, Morocco, Sau đi và 5 nước vùng Vịnh khác. Nhưng nơi này đang tạm coi là ổn định và giàu có.
Sau năm 1945, Châu Phi da đen (black Africa) chỉ còn hai nước quân chủ đó là Ethiopia và Swaziland, mà tên mới là Eswatini.
Năm 1974, hoàng đế Haile Selassie bị lật đổ, Ethiopia dường như ngay lập tức sa vào chiến tranh và nội chiến tàn khốc cho đến khi lãnh thổ bị chia cắt, một quốc gia mới Eritrea đã ra đời vào năm 1993. Trong khi đó, tiểu quốc Swaziland tuy nghèo nhưng không hề có nội chiến.
Tại Thái bình dương xa xôi, đảo quốc Samoa xóa bỏ chế độ phong kiến vào năm 1962 nhưng vua Tanumafili được giữ chức quốc trưởng cho đến khi chết. Đây là một nghĩa cử rất tuyệt vời của người Samoa đối với vị vua của mình.
Châu Á còn khá nhiều nước còn Vua, đó là Nhật Bản, Butan, Malaysia, Bruney, Thái Lan, Campuchia và các vị vua này đã đóng vai trò rất tốt cho việc giữ gìn sự ổn định và phồn vinh. Ví dụ, các vị tướng Thái đã nhiều lần coi trời bằng vung, nhiều lần làm đảo chính lật đổ chính phủ nhưng đều chịu quỳ gối khi yết kiến vua.
Tại Trung Quốc, hoàng đế cuối cùng là Phổ Nghi thoái vị năm 1945 cũng là lúc cuộc nội chiến đẫm máu diễn ra giữa phe Tưởng và phe Mao kết thúc vào năm 1949 với việc thành lập nước CHND Trung Hoa. Nhưng máu của người Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ dưới sự cai trị tàn bạo của Mao Trạch Đông. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thể thống nhất Đài Loan, thể chế cũ của Trung Hoa dân quốc.
Còn Campuchia, Xihanuk bị phế truất năm 1972 cùng lúc với cuộc nội chiến giữa phe Lonon và phe Mao ít của Polpot diệt chủng. Campuchia chỉ trở nên yên ổn khi Xihanuk hồi hương và chế độ quân chủ được khôi phục.
Sự việc ở Afghanistan nữa, từ khi vua Khan bị đảo chính năm 1974, nước này chưa bao giờ yên tiếng súng!
Bài viết này không có ý định đúc rút ra “lý luận” rằng chế độ phong kiến là ưu việt hay có những lợi ích nào. Tuy nhiên qua những hiện tượng thực tế, có thể rút ra một số cảm nghĩ.
- Vua chúa là sản phẩm của lịch sử lâu đời, là tượng trưng cho truyền thống dân tộc và tự hào dân tộc. Đó là một chỗ dựa tinh thần chung cho tất cả mọi người dân, một cái đich để hướng đến.
- Mọi người trong cùng một đất nước rất cần những giá trị chung, tôn ti trật tự chung để gìn giữ. Khi lật nhào phong kiến, rất nhiều quy ước đã được vun đắp trong hàng ngàn năm bị phá vỡ.
- Không ai có thể để đủ tư cách để đứng ngoài, đúng hơn là đứng trên các đảng phái, phe nhóm như vua hay nữ hoàng. Tư thế này rất quan trọng khi cần thiết giải quyết sự đụng độ giữa họ với nhau. Đây chính là vai trò kết nối, đoàn kết của vua hay nữ hoàng.
- Lý Thường Kiệt từng viết “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, cho thấy quan niệm xưa đã đồng nhất giữa vua với đất nước, yêu nước là yêu vua. Việc hạ nhục, phỉ báng Vua (tội nặng theo Luật pháp Thái) là điều không nên vì vô hình chung, nó chống lại truyền thống và sự đoàn kết.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)