Sau khi viết Đại sảnh Danh vọng cho các văn sĩ, nhạc sĩ mình tính vinh danh các ca sĩ thì thấy kẹt. Rất khó để đưa ra một danh sách ca sĩ nổi tiếng và đi vào lịch sử.
Bây giờ chỉ xin giới thiệu một trong những ca sĩ mình tính đề cử, đó là Kiều Hưng. Đây là một tên tuổi lớn ở miền bắc, nhưng có thể nhiều người Miền Nam và hải ngoại chưa từng nghe.
Kiều Hưng sinh năm 1937, là con nhà địa chủ tại Hà Đông, đi hát từ năm 17 tuổi.
Kiều Hưng cho rằng vì lý lịch xấu mà anh bị trượt khi thi vào nhạc viện. Nhưng tiếng hát của anh vẫn được mọi người biết đến từ cuối thập niên 1950s.
Năm 1966, Kiều Hưng bất ngờ được đưa vào danh sách đi tu nghiệp tại Liên Xô. Về nước năm 1972, Kiều Hưng đã bứt phá lên như một ca sĩ hàng đầu.
Mình vẫn nhớ được mẹ cho đi xem ca nhạc tại rạp Hồng Hà, canh chợ Hàng Da vào năm 1973. Bé quá chẳng biết gì, chẳng qua ở nhà không có ai trông nên được đi.
Mẹ và các cô bạn mẹ đều rất hâm mộ Kiều Hưng, đích thị ông là ca sĩ số 1 vào thời đó. Bố không để ý lắm đến ca sĩ cũng thừa nhận không ai bằng Kiều Hưng được.
Đến cuối thập niên 1970s, Ngọc Tân (sn 1948) và Tiến Thành (sn 1950) bắt đầu nổi lên nhưng chưa thể nói qua mặt được Kiều Hưng.
Năm 1981 Ngọc Tân vượt biên không thoát, vợ con chết. Khoảng đầu thập niên 1990s, mình được gặp Ngọc Tân khi anh "bí mật" đến Báo Tuổi Trẻ thủ đô. Lúc này Ngọc Tân bắt đầu được đi hát trở lại nhưng sự nghiệp không còn lừng lẫy như trước.
Rồi có tin Ngọc Tân tự tử chết, nhưng không phải, anh bị bệnh và qua đời.
Năm 1983 mẹ mình mổ khối u dạ con và nằm bệnh viện cả tháng. Tình cờ nằm chung phòng với ca sĩ Thanh Hoa (sn 1950). Thanh Hoa kể với mẹ, người ta cứ bảo em phẫu thuật thẩm mỹ, chẳng qua là em biết cách tô vẽ tranh điểm hơn trước thôi. Họ còn nói em là tình nhân của Tiến Thành nữa.
Có lần Tiến Thành ôm đàn vào bệnh viện thăm Thanh Hoa và hát cho các y bác sĩ và bệnh nhân nghe. Vậy mà chỉ sau đó 1 năm, Tiến Thành qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1984.
Mặc dù vắng bóng "đối thủ" nhưng không hiểu sao tiếng hát Kiều Hưng thưa dần rồi biến mất. Sau này mới biết, vì chủ trương trẻ hóa ca sĩ, Kiều Hưng bị Nhà hát ca múa nhạc cho nghỉ việc khi ông vừa bước sang tuổi 50.
Rồi có tin đồn Kiều Hưng đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Nhưng không phải, ông đi theo vợ là ca sĩ Việt Bắc tu nghiệp vào năm 1991. Tuy nhiên khi Liên Xô tan rã, họ sang Đức tỵ nạn.
Năm 2008, Kiều Hưng bị tai biến tưởng chết, mất sáu năm chữa trị, ở tuổi 77, ông bất ngờ trở lại nghiệp sân khấu.
Hồi còn ở Việt Nam là lúc nhạc vàng còn bị cấm nên Kiều Hưng chỉ hát nhạc đỏ. Tuy nhiên, mọi người không thấy Kiều Hưng cổ động cho tiền tuyến, cho quân đội mà ông chủ yếu nổi tiếng với các bài nhạc quê hương.
Chắc chắn đây là thể loại phù hợp với chất giọng của Kiều Hưng, ông vừa có kỹ thuật hoàn hảo sau 6 năm tu nghiệp, đồng thời thể hiện tình cảm bài hát rất tuyệt vời.
Những ca khúc bất hủ không bao giờ quên có thể kể đến Bài ca trên núi, Tình ca Tây Bắc, Bèo dạt mây trội, Rặng trâm bầu...
Khi song ca "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" với Thu Hiền, Kiều Hưng vẫn quá xuất sắc ở tuổi U80. Như lời bài hát, hồ Kẻ Gỗ nằm trong tỉnh Nghệ Tĩnh, khi chưa tách tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét