Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Điều còn thiếu để Úc trở thành cường quốc

 

Chỉ một ngày sau khi ba nước Mỹ, Anh, Úc công bố Liên minh chiến lược AUKUS cho phép Úc đóng 8 chiếc tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide thì Trung Quốc đã có một động thái đầy bất ngờ: đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP)! CPTPP có 11 thành viên, trong đó Úc và Nhật là hai nước đang đối đầu với Trung Quốc và đều có quyền phủ quyết tư cách thành viên của nước này. Dó đó cơ hội gia nhập gần như không có và đây được coi là hành động xoa dịu căng thẳng của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Biden đã lập tức đáp lễ hành động này trong phát biểu tại Đại hộ đồng Liên hợp quốc rằng Mỹ không theo đuổi chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Mọi người đều biết, tiếp theo việc rút quân khỏi Afghanistan thì việc xác lập liên minh mới này nằm trong chiến lược xoay trục Châu Á Thái bình dương của Mỹ.
Những diễn biến này đã đúng với tiên đoán của Trần Huỳnh Duy Thức, theo đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm hạ nhiệt bởi sự nhân nhượng của Trung Quốc.
Truyền thống lịch sử từ thế kỷ 19 đã lặp lại ở đây: mỗi khi bị các cường quốc Phương Tây o ép thì triều đình nhà Thanh lại lùi bước, đó là cắt đất cầu hòa (Macao, Hongkong), chấp nhận mở cửa buôn bán (nha phiến), về truyền giáo. Nhưng đối với Việt Nam lại vẫn tỏ ra trịch thượng khi “dám” phong tước An Nam quốc vương cho vua nhà Nguyễn. Điều này chỉ chấm dứt khi quân Tàu đụng độ với quân Pháp, tất nhiên là bị thua.
Hải quân là yếu điểm của Trung Quốc từ xa xưa, ngược lại nhờ giỏi đi biển và mạnh về hải quân mà nước Anh và các nước Phương Tây đã tung hoành ngang dọc khắp thế giới. Ngày nay tương quan lực lượng về hải quân của Trung Quốc cũng thua xa Mỹ nhưng Trung Quốc đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách. AUKUS đã phán ánh một thế cờ mới, theo đó Úc được ủy nhiệm “canh giữ hòa bình” cho vùng biển Tây Thái bình dương, trong đó có biển Đông của Việt Nam.
Thủ tướng Úc Morrison khẳng định Úc không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sẽ rất vô lý nếu tàu ngầm được đóng có chức năng sử dụng hạt nhân mà lại không được trang bị. Mỹ đã từng chia sẻ bí mật hạt nhân với Anh thì nay dùng tiền lệ đó với Úc.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Úc lại hăng hái “vác tù và” như vậy? Điều này cũng có yếu tố lịch sử, Úc là nước tổn thất nhân mạng lớn nhất trong Đại chiến thế giới I, một cuộc chiến ở rất xa và dường như chẳng liên quan, tính theo đầu người vì dân Úc thời đó chỉ có 5 triệu người. Đến Đại chiến II, Úc đã được trả nghĩa khi Mỹ giương cái ô quân sự bảo vệ Úc trước sự tấn công của Phát xít Nhật.
Những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc đã và đang ve vãn các đảo quốc Thái Bình dương, nơi được coi là sân sau của Úc và rõ ràng đã đe dọa vị thế và vấn đề an ninh của Úc. Chính vì thế đã có ý kiến từ năm 2009 rằng Úc cần gia tăng sức mạnh quân sự và không loại trừ việc thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Úc có lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên rừng vàng biển bạc, nằm trong G20 những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khoa học kỹ thật phát triển, chẳng thế mà có hàng trăm ngàn du học sinh quốc tế theo học đại học và sau đại học. Úc thừa sức chế tạo vaccine Covid nhưng do có các đồng minh cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng tốt nên không cần làm.
Điều mà Úc còn thiếu để trở thành cường quốc là dân số còn nhỏ. Vấn đề này khó ở chỗ người dân Úc không muốn gia tăng dân số nhiều. Trước đây, một lần cựu Thủ tướng Rudd lên Tivi trực tiếp, khi MC nói đến viễn cảnh Úc có 36 triệu dân thì Rudd buột miệng “that’s good”. Câu nói đó đã bị báo chí đập tơi bời.
Thời thế bây giờ đã khác. Thủ tướng Canada Trudeau vừa tái cử bằng Chương trình trình nhập cư được mở rộng lên đến trên 400,000 người /năm trong ba năm tới. Để so sánh, chỉ tiêu của Úc chỉ có 160,000 /năm mà đã không đạt, chủ yếu vì lý do khách quan Covid.
Điều mà chúng ta có thể tiên đoán là Úc sẽ gấp rút mở rộng diện nhập cư để phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng và xứng đáng là một cường quốc năm châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét