Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Nghĩ về quãng thời gian 16 năm của Merkel

 


Cuối cùng, Angela Merkel cũng sẽ rời chiếc ghế Thủ tướng Đức sau một thời gian dài kỷ lục so với nguyên thủ quốc gia các nước dân chủ. Một điều trùng hợp, HLV đội tuyển bóng đá Đức Joachim Loew cũng là HLV giữ chức vụ lâu kỷ lục, với trên 15 năm, cũng vừa ra đi mới đây.
Năm 2005, khi Merkel lên ngôi là lúc Ronaldo và Messi còn là những cầu thủ trẻ tiềm năng. Ronaldo mới về Manchester United, khi “thế hệ 92” đang ngự trị với Beckham (mới chuyển đi), Giggs, Schole, Neville...Trong số các cầu thủ trẻ, Rooney thậm chí còn được ưu ái hơn Ronaldo.
Đối với mình, 2005 là năm trọng đại vì là năm con gái đầu lòng của tụi mình ra đời. Còn nước Đức cũng chiếm một vị trí đặc biệt đối với gia đình, bố mình đã từng sống bên đó 10 năm.
Cách đây 16 năm, Tập Cận Bình còn là “phó chủ tịch”, Trung Quốc chưa có Giấc mộng Trung Hoa và hung hăng như bây giờ. Thế giới đã xoay trục sang Indo-Pacific với ý đồ kìm hãm sự trỗi dậy của con quái vật đỏ.
Merkel nhận chức Thủ tướng trong bối cảnh Thủ tướng Schroder tiền nhiệm đang có bất đồng sâu sắc với Tổng thống Bush (con) vì cuộc chiến tại Iraq. Là phụ nữ, Merkel đã dễ dàng làm “mềm hóa” mối quan hệ của Đức với Mỹ. Đây là điều rất quan trọng trong mối quan hệ đồng minh hàng đầu cũng như Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức.
Merkel có hai đời chồng, không con, sinh ra tại Tây Đức nhưng lớn lên tại Đông Đức. Thời cộng sản, Merkel là Tiến sĩ hóa học và dạy Đại học, cô thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh. Cơ hội làm chính trị đã mở ra khi nước Đức thống nhất. Là một con chiên ngoan đạo, Merkel ra nhập đảng Liên minh Thiên chúa giáo (CDU) và dần dần trở thành lãnh tụ của Đảng.
Tuy nhiên, đảng CDU thuộc cánh hữu do Merkel lãnh đạo lần đầu đã thua trong cuộc bầu cử năm 2002 trước đảng Dân chủ xã hội (SPD) thuộc phe tả của Thủ tướng đương nhiệm Schroder. Đến cuộc bầu cử 2005, hai đảng chính này vẫn “hòa”, không bên nào dành được đa số, nhưng sau khi thương thuyết với các đảng phái khác, Merkel đã chính thức trở thành Thủ tướng.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng SPD đã vượt lên trước CDU nhưng cũng không bên nào đủ đa số để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch SPD, ông Scholz đang ở vị thế mạnh để trở thành thủ tướng kế nhiệm Merkel. Đây là kết cục không vui đối với Merkel khi đảng của bà không còn giữ được quyền lãnh đạo đất nước.
Mặc dù vậy, vào lúc Merkel rời chính trường, cũng nên là lúc vinh danh những thành tích của bà. Thời gian Merkel cầm quyền là thời gian Châu Âu và thế giới có nhiều chuyện nhưng dưới sự chèo lái của nữ Thủ tướng đầu tiên sau chiến tranh, nước Đức vẫn phát triển tốt.
Khác với cựu Thủ tướng Schroder bật lại Mỹ về vấn đề Iraq, lập trường của Merkel khá ôn hòa trong các vấn đề quốc tế. Khi Putin quậy tưng ở Ukraine, làm Anh và Pháp rất bất bình nhưng chính Đức lại là nước “trung gian” để cho sự đối đầu dịu nhiệt.
Đức cũng không giống như các cường quốc Mỹ, Anh, Nhật căng thẳng với Trung Quốc, mối quan hệ Đức – Trung vẫn được cho là hữu hảo. Tương tự, Đức cũng ủng hộ hòa đàm với Iran. Đức cũng là nhân tố chủ yếu giữ cho khối EU khỏi tan vỡ sau khi nước Anh ly khai.
Trong bối cảnh kinh tế các nước EU lâm vào khủng hoảng kéo dài, nhưng kinh tế Đức vẫn tỏ ra là một đầu tàu vững vàng. Một trong những động lực làm cho kinh tế Đức phát triển tốt là vấn đề nhân dụng.
Nhiều nước Châu Âu thiếu nhân công trầm trọng do tỉ lệ sinh đẻ giảm sút thì Merkel đã mạnh tay nhận nhiều di dân nước ngoài. Đến nay Đức có đến 21 triệu người Thổ, người Trung Đông và Syria tỵ nạn và hàng trăm ngàn người Việt.
Gần đây, hai đồng minh gần gũi nhất của Đức là Anh và Pháp đã hục hặc với nhau liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với Úc. Nhưng Merkel đã chọn giải pháp "xuất sắc" bằng cách giả câm giả điếc.
16 năm là quãng thời gian dài để mọi người hiểu về thế giới quan và con người của Merkel. Nước Đức không còn là một con diều hâu hiếu chiến đã gây ra hai Đại chiến thế giới mà ngược lại, là một con bồ câu hiền lành, ngơ ngác. Nước Đức của Merkel ngày càng lộ ra chủ nghĩa thực dụng và vụ lợi đến tàn nhẫn.
Trong một thế giới nhiễu nhương, nhiều bất công, bất cập nhưng dường như Merkel cho rằng tất cả những việc đó không liên quan gì đến nước Đức. Vì tiền, nói mỹ miều là vì mối quan hệ thương mại mà Merkel đã sang Trung Quốc tới 13 lần trên cương vị thủ tướng, nhiều hơn bất kỳ một chính khách nào.
Điều một người đứng đầu đất nước cần làm là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, giữa dài hạn và ngắn hạn, giữa lợi ích và lý tưởng. Người ta sẽ nhìn bạn với con mắt khác nếu bạn trọng tài (tiền) hơn là nghĩa, và sẽ có lúc bạn phải trả giá vì sự ngắn nghĩ.
Cũng có thể áp lực cầm lái quá lâu mà Merkel đã trở nên "lú" chăng.
Cử tri Đức cũng phát ra một thông điệp rõ ràng khi “đánh trượt” đảng CDU với số phiếu rất thấp, chỉ có 24%, làm cho cuộc tiễn đưa Merkel không còn hoành tráng như mong đợi.
Ảnh: đôi tay "vô thức"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét