Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Con đường Trung Hoa

 

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa tròn 72 tuổi. Khi đánh giá thành tựu của nó phải đặt trong bối cảnh Trung Quốc là nước lớn cả về diện tích và dân số, để xem trình độ phát triển kinh tế và ảnh hưởng chính trị đã tương xứng hay chưa?
Sau khi giành được chính quyền vào tháng 10/1949 thì tháng 2/1950 Mao Trạch Đông đã lập tức sang thăm Liên Xô. Tại đây, Stalin đã “phân công” cho Mao phụ trách phong trào cách mạng ở Châu Á. Có thể nói Mao đã hoạt động khá tích cực cho vào trò này.
Thực tế đã cho thấy, cách mạng vô sản đã thành công tại Bắc Triều tiên, Bắc Việt Nam, Nam Yemen, tiếp theo là Lào, Campuchia và Nam Việt Nam. Đảng Cộng sản suýt nữa giành được chính quyền tại Indonesia, Miến Điện và Nepal.
Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, Mao tỏ ra không phục tùng Khrushchev, đến khi Khrushchev bị lật đổ để Brezhnev lên thì quan hệ Trung Quốc - Liên Xô còn căng thẳng hơn. Cuộc đụng độ đẫm máu vào đầu năm 1969 đã làm Mao cay cú và từ đó có câu nói nổi tiếng “kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta” với việc xoay trục sang phe Mỹ.
Mao chết, người do Mao dựng lên là Hoa Quốc Phong đã thua trong trận chiến quyền lực với Đặng Tiểu Bình. Đặng tiến hành “bốn hiện đại” với sự giúp đỡ về vốn và kỹ thuật của Mỹ, kinh tế Trung Quốc có sự chuyển mình trở nên lớn mạnh và quan hệ đối ngoại cũng được tăng cường theo.
Nhận thấy Châu Phi là một mỏ tài nguyên nguyên liệu dồi dào, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng sang Châu Phi và đã trở thành “người bạn” của Châu Phi, với những mối quan hệ “đặc biệt” tại Somalia, Zimbabwe và Sudan. Ở Châu Âu, Nam Tư và Romania ly khai với Liên Xô, vốn là những đồng minh thân thiết của Bắc Kinh.
Tính từ cuộc thăm Mỹ năm 1978 của Đặng, thời điểm được coi là cột mốc đánh dấu sự hội nhập hoàn toàn của Trung Quốc với thế giới, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh ngạc về tăng trưởng kinh tế.
Trước hết, một điểm mạnh của Trung Quốc đã được phát huy, đó là dân số đông nhất thế giới, là nguồn nhân công dồi dào, chăm chỉ, giá nhân công rẻ. Dần dần, Trung Quốc trở thành “công xưởng” của thế giới, hàng Tàu không chỉ có ưu thế về giá còn cạnh tranh mạnh ở tốc độ sản xuất, khả năng “nhái” tốt nên sản phẩm phong phú, đa dạng.
Khi được gia nhập WTO vào thập niên 1990s, hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc ngày càng len lỏi đến khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, có thể coi thạng dự thương mại của Trung Quốc đã lên đỉnh và không thể tăng đáng kể như trước được nữa.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng, Trung Quốc đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản. Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc hiện có 65 triệu căn nhà vô chủ với những thành phố ma, những tuyến đường bộ, đường sắt bỏ hoang. Trung Quốc đang đứng trước cuộc khủng hoảng bất động sản với việc đại gia Evergrande sắp đáo hạn giãn nợ vào 23/10 tới, cộng với các nguy cơ từ các đại gia bất động sản khác.
Ưu thế về nhân công đang mất dần. Với chính sách 1 con, giá nhân công của Trung Quốc tăng nhanh và là nước có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó là vấn đề môi trường, tình trạng ô nhiễm gia tăng và vùng Hoa Bắc thiếu nước ngọt trầm trọng. Chỉ đạt tỉ suất sinh 1.3 con /1 phụ nữ như hiện nay, dân số Trung Quốc sẽ giảm còn phân nửa trong 45 năm tới.
Tóm lại, những điều làm nên sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong trên 40 năm qua đã không còn: nhân công rẻ, xuất khẩu và bất động sản.
Trong bối cảnh như vậy, thật khó hiểu, Trung Quốc lại “ngoan ngoãn” tuân thủ các yêu cầu về môi trường trong việc giảm khí thải, tạo thêm một cuộc khủng hoảng năng lượng. Như vậy hai gọng kìm bất động sản và năng lượng đang siết chặt gọng kìm cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Người ta thường nói Covid xóa đi làm lại cho một cuộc chơi mới toàn cầu. Dù ít hay nhiều, Trung Quốc bị coi là bên có lỗi cho việc phán tán bệnh dịch, do đó nguy cơ bị thế giới cô lập hay trừng phạt vẫn là câu chuyện có thật.
Một tử huyệt đáng chú ý của Trung Quốc là vấn đề lãnh đạo. Nửa đầu sang năm, Trung Cộng sẽ tiến hành Đại hội Đảng khi mà Tập Cận Bình đã ngồi đủ 2 nhiệm kỳ. Có thể dự đoán, Tập Cận Bình sẽ phớt lờ thông lệ mà Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tuân thủ để tiếp tục giữ ghế. Điều này sẽ dẫn tới sự bất mãn sâu sắc trong nội bộ đảng cũng như trong dân chúng.
Lịch sử cho thấy, mỗi khi một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị và đặt danh vọng cá nhân lên trên hết sẽ làm kìm hãm sự phát triển của đất nước. Mubarak của Ai Cập, Magabe của Zimbabwe, Suharto của Indonesia...đã từng có thời gian “làm việc tốt”, đoàn kết được mọi người chung sức chung lòng cống hiến cho đất nước nhưng khi họ cố bám víu quyền lực thì đã gặp những cái kết tồi tệ.
Có thể Tập không vĩ đại như Washington hay Mandela mà cũng không bằng chính Đặng Tiểu Bình. Mặc dù không giữ chức vụ gì chính thức, ngoại trừ làm Chủ tịch quân ủy TW trong một thời gian không dài, nhưng họ Đặng vẫn có uy tín bao trùm lên ban lãnh đạo. Về sau, viện lý do tuổi tác và sức khỏe, Đặng tránh xuất hiện và gặp gỡ mọi người để cho các nhà lãnh đạo đương thời làm việc. Có thể coi Đặng là một tấm gương yêu nước Tàu mà Tập không chịu noi theo.
Nhìn rộng ra bàn cờ chính trị thế giới, Trung Cộng chưa có được vị thế cạnh tranh ngang bằng với Mỹ giống như Liên Xô trước đây nên có thể đồ đoán rằng Mỹ không cần đánh sập mà có lẽ chỉ cần ngăn chặn tham vọng của nước này.
Gần đây, Tập bất ngờ tuyên bố muốn thống nhất với Đài Loan bằng “phương pháp hòa bình”. Vậy là “tư tưởng lớn” gặp nhau, Đài Loan cũng từng nói như vậy, chỉ có điều điều kiện tiên quyết của họ là Trung Quốc phải xóa bỏ chế độ cộng sản mà thay bằng chế độ dân chủ đa đảng!
Thế giới này là của Mỹ, với tư cách là cường quốc số 1. Điều mà Mỹ mong muốn là Trung Quốc không sụp đổ vì với 1,4 tỉ người nếu có chuyện gì thì đó là một thảm họa về nhân đạo cũng như về kinh tế, liên lụy đến Mỹ và đồng minh. Trung Quốc cứ giữ cộng sản cũng được, như thế họ sẽ không có cợ hội thống nhất với Đài Loan hay liên kết với các quốc gia Châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Không có liên minh, đồng minh, không một quốc gia nào có thể cạnh tranh được với Mỹ. Dường như Trung Quốc đang đi đúng “quy trình” khi các mối quan hệ mật thiết trên thế giới ngày càng bị mai một, có thể kể đến các diễn biến mới nhất ở Sudan, Bắc Hàn, Phillippines, Đức...
Liên hệ với Việt Nam, Trung Quốc sẽ không thôn tính, nhưng họ muốn Việt Nam suy yếu để thao túng và trục lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét