Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Cuộc chiến Oman


Nhân dịp đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Oman trên sân vận động mang tên Sultan Qaboos tại thủ đô Muscat, mình góp vui bằng bức ảnh chụp năm 2006 trong bảo tàng Oman, bên cạnh chiếc xe chống đạn mà vua Qaboos, người ở ngôi 50 năm (1970-2020) đã sử dụng trong cuộc nội chiến Oman.
Chiến tranh Oman thường được dùng với thuật ngữ Dhofa rebellion là cuộc nổi loạn của tỉnh tự trị Dhofa kéo dài trên chục niên (1963-1976).
Ba dòng thác cách mạng đã đổ đến thế giới Ả Rập kể từ cuối thập niên 1950s với việc Ai Cập và Syria có xu hướng XHCN, ngả dần sang phe cộng sản. Năm 1962, cách mạng thành công ở Nam Yemen, chế độ phong kiến bị xóa bỏ, nước CHDCND Yemen ra đời.
Với sự yểm trợ trực tiếp của Nam Yemen láng giềng, du kích quân cộng sản, tức Mặt trận giải phóng Dhofa ra đời với mục tiêu giải phóng Oman, đưa cả nước tiến lên CNXH. Du kích Dhofa còn nhận viện trợ to lớn về vũ khí, hậu cần và huấn luyện của Liên Xô và Trung Quốc.
Dhofa chỉ là một trong 10 tỉnh của Oman nhưng lại có diện tích chiếm đến 1/3 toàn quốc. Địa hình của Oman cũng khác biệt, chủ yếu là núi và cao nguyên trong khi phần kia chủ yếu là sa mạc. Thủ phủ Salalah là một thành phố trên cao nguyên, có khí hậu mát mẻ quanh năm, không nóng nực như các thành phố khác trong 6 nước vùng Vịnh.
Phiến quân cộng sản ngày càng lớn mạnh, trong khi quân chính phủ túng thế, rơi vào tình thế hiểm nghèo. Cực chẳng đã, tháng 7/1970, Thái tử Qaboos, lúc đó 30 tuổi đã làm một cuộc đảo chính cung đình lật đổ vua cha Said.
Qaboos đã tốt nghiệp trường quân sự tại Anh năm 1964, sau khi lên ngôi, ông phong cho chú ruột Tariq làm Thủ tướng rồi thân chinh đi chiến trường phía Nam. Với sự đề nghị của Qaboos, Iran dưới thời vua Pahlevi đã gửi quân sang giúp cũng như sự trợ chiến của Anh và UAE.
Dần dần quân chính phủ đã kiểm soát được tình hình. Bước ngoặt đã xảy ra khi chính thể Mao Trạch Đông đặt quan hệ với triều đình Pahlevi và theo đề nghị của Iran, Trung Quốc hoàn toàn cắt đứt sự ủng hộ từ năm 1972 đối với nhóm du kích Dhofa. Cuộc chiến đã kết thúc trên thực tế nhưng đến năm 1976 thì các bên mới chính thức thừa nhận.
Trờ về Muscat, Qaboos thu lại chức Thủ tướng của Tariq để tự kiêm nhiệm đến khi qua đời. Con trai Tariq là Asaat được trọng dụng, trở thành một chỉ huy cao cấp trong quân đội, rồi đệ nhất phó thủ tướng. Qaboos không có vợ con và anh em ruột, đã để di chúc nhường ngôi cho Haitham, em cùng cha khác mẹ với Asaad, cùng sinh năm 1954 nhưng kém tháng.
Vua Haitham được coi là học hành bài bản hơn, tốt nghiệp Đại học và trên Đại học tại Anh, từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng văn hóa. Đáng chú ý ông còn từng là Chủ tịch liên đoàn bóng đá Oman và rất đam mê bóng đá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét