Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Chợ đồ cũ Sydney


GÓC HỌC TẬP hay STUDY ROOM


Con cái có cần một góc học tập hay một study room không? Mình có một câu chuyện như sau.
Khi mình bắt đầu luyện thi đại học cũng là lúc bố mình lên chức, làm Sếp trưởng trong một cơ quan hàng nghìn cán bộ nhân viên. Từ đó nhà mình rất nhiều khách khứa, lại còn ngồi đến tận khuya.
Ngồi học, mình vẫn vểnh tai nghe chuyện, bởi vì có những câu chuyện cực kỳ hấp dẫn.
Cô A, chú B đều đã có gia đình mà còn thích nhau, đi đâu cũng kè kè bên nhau. Hết giờ, mọi người về hết, hai cô chú cũng giả vờ ra về nhưng rồi quay lại. Theo lời kể, thấy chú B xách nước cho cô A tắm...
Đối với người lớn, không cần kể thêm bởi câu chuyện như thế đã hoàn chỉnh. Nhưng ở tuổi mười bẩy, mình vô cùng thắc mắc, điều gì sẽ xảy ra. Và cứ thế, có ngồi bên bàn học mà tâm trí vẫn không yên.
Theo mình, người học giỏi là người có khả năng tập trung cao hơn người học bình thường. Kỹ năng này không tự có mà phải rèn luyện.
Quý vị có thể bỏ ra bốn mươi ngàn đô mỗi năm để cho con theo học một trường tư nổi tiếng chỉ vì muốn con có một môi trường điều kiện học tốt.
Cách học tốt nhất là học mọi nơi, mọi lúc, không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Không tính thời gian ngủ, thời gian ở trường và ở nhà xấp xỉ bằng nhau. Do vậy bọn trẻ cần một không gian yên tĩnh, riêng tư, không cần chạy lăng xăng đi tìm văn phòng phẩm...làm sao để tâm trạng chúng rơi được vào bài vở với sự tập trung cao.
Mình không cần bàn nhậu. Chừng nào chưa có được study room cho các cháu là mình còn cảm thấy như ngồi trên lửa.

Súng lại nổ ở vùng Sừng châu Phi



Ethiopia ở trong vùng Sừng châu Phi (Horn of Africa), tức Đông Phi đã có những chuyển biến triệt để trong bộ máy lãnh đạo cao cấp vào năm 2018. Ethiopia có nữ tổng thống đầu tiên, bà Sahle Work Zewde, một cựu quan chức Liên hiệp quốc. Thủ tướng trẻ tuổi đầy quyết tâm cải tổ là Abiy Ahmed Ali, một cựu du học sinh Anh quốc. Đặc biệt, 50% trong tổng số 20 bộ trưởng nội các là phụ nữ.
Chính phủ mới đã tiến hành hòa giải dân tộc khi thả hàng loạt tù nhân chính trị, trao thêm quyền tự trị cho các sắc tộc, bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng.Về kinh tế, đó là việc đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa, trong đó có cả hãng Hàng không quốc gia Ethiopia Airlines.
Vậy mà ngày 23/6 vừa qua, một cuộc binh biến đã xảy ra khiến Tham mưu trưởng quân đội Seare Mekonnen, Thống đốc tiểu bang Amhara và hai người nữa bị bắn chết. Chính phủ mô tả sự việc này là một âm mưu đảo chính và cho biết đã bắt giữ một số thành viên cao cấp trong quân đội liên quan.
Khu vực Sừng châu Phi ngày nay là một điểm trũng của châu Phi và toàn thế giới về nghèo nàn và lạc hậu, mặc dù có những trang sử hào hùng trong quá khứ. Với chứng cứ về bộ xương nổi tiếng mang tên Lucy, Sừng châu Phi được coi là cái nôi của nhân loại. Theo giả thiết, người thượng cổ xuất phát từ đây, đi ngược lên phía Bắc khi mà eo biển Bab Mandad hiện nay rộng 20km nhưng trước đây "dính" với lục địa Á Âu, và từ vùng đất Trung Đông, loài người tỏa ra hai hướng chính, sang phía Tây chính là người châu Âu và sang hướng Đông, trở thành người châu Á ngày nay.

Trong khoảng 10 thế kỷ, từ TK thứ nhất đến TK thứ 10, Sừng châu phi là lãnh địa của Vương quốc Aksum, với sự trị vì của dòng họ Solomon. Có những giai đoạn Aksum là một đế quốc hùng mạnh, được coi là một trong 4 thế lực lớn nhất trong lịch sử cùng với La mã, Ba tư và Trung hoa. Sau đó đế quốc Aksum suy yếu, do các thế lực Hồi giáo từ Trung Đông, bên kia biển Hồng Hải tràn sang. Dần dần, Sừng châu Phi bị chia cắt thành 4 nước, trong đó Somalia và Djibouti tách ra và gia nhập thế giới Arab; đến năm 1993, Eritrea tách khỏi Ethiopia. 

Ethiopia vẫn là quốc gia đông nhất ở Sừng châu Phi, với dân số 102 triệu người, chiếm 80% dân số khu vực, đứng thứ nhì châu Phi với nhiều sắc tộc và hai tôn giáo chính là Hồi và và Thiên chúa. Trong thời kỳ các cường quốc châu Âu xâm chiếm châu Phi làm thuộc địa, Ethiopia là quốc gia duy nhất giữ được chủ quyền, chỉ chịu thất thủ một thời gian ngắn bởi Phát xít Ý. Năm 1974, hoàng đế Haile Selassie bị lật đổ, nhưng chính quyền mới lại bị rơi vào một cuộc tranh chấp nội bộ, dẫn đến cái chết mờ ám của lãnh tụ Tafari Benti vào năm 1977.
Kế tục bởi đại tá Mengistu, Ethiopia lâm vào những cuộc nội chiến, thanh trừng và cuộc chiến tàn khốc với Somalia láng giềng. Năm 1991, khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Ethiopia XHCN không còn đứng vững. Chỉ trong 14 năm cầm quyền, Mengistu đã biến Ethiopia từ một đất nước hùng mạnh trong khu vực trở thành quê hương của những đứa trẻ bị đói theo đúng nghĩa đen. Ông còn bị quy kết trách nhiệm cho cái chết của 1,2 đến 2 triệu người Ethiopia và bị tuyên án tử hình vắng mặt nhưng hiện đang tị nạn chính trị tại Zimbabwe.
Lễ tang cố Tham mưu trưởng quân đội Mekonnen được tổ chức trọng thể trong ngày hôm qua.  Ngồi ở hàng ghế đầu, Thủ tướng Abiy đã lau nước mắt bằng chiếc khăn tay màu trắng. Những người dự Lễ phát biểu, đã nói lên lòng tiếc thương với vị Tham mưu trưởng bạc mệnh và bày tỏ sự đoàn kết cùng nhau xây dựng nên một tương lai tốt đẹp cho đất nước Ethiopia.


Nữ hoàng mới của làng banh nỉ thế giới



Liên đoàn quần vợt nữ (WTA) vừa công bố danh tính của cây vợt số 1 thế giới trong bảng xếp hạng mới nhất. Theo đó cây vợt gốc thổ dân Úc Ash Barty, 23 tuổi đã chính thức lên ngôi như là một Nữ hoàng mới.
Barty là một cái tên vừa quen vừa lạ và con đường đến với vinh quang của cô không bằng phẳng với những biến động kinh ngạc.
Thị trấn Ipwich nằm bên bờ sông Bremer, cách thủ phủ Brisbane của tiểu bang Queensland khoảng 40km về phía đông nam. Nhưng vùng đất khá sâu trong đất liền như vậy thường có tỉ lệ người thổ dân cao hơn hẳn mức trung bình.
Cha của Ash là một người mang dòng máu thổ dân còn mẹ là thế hệ đầu tiên trong một gia đình di dân từ Anh quốc. Ông bà Robert và Josie có ba cô con gái, trong đó Ash là út. Cả ba chị em đều ưa thích thể thao, trong khi hai cô chị có thiên hướng netball thì Ash lại chơi tennis từ khi lên bốn.
Ash tỏ ra đặc biệt yêu thích môn bóng quần, sau giờ học, cô bé thường tập luyện bốn giờ mỗi ngày. Cũng như những tài năng trẻ khác, Ash được đi sang châu Âu để tập luyện và thi đấu cọ sát.
Ở cấp bậc vận động viên trẻ, Ash Barty nhanh chóng giành được những thành tích ấn tượng về cả đánh đơn lẫn đánh đôi. Ở tuổi 15, Ash đoạt chức vô địch Wimbledon (junior) và trở thành cây vợt trẻ số 2 thế giới. Thành tích đánh đôi của cô còn ấn tượng hơn khi đạt đến ranking 40 thế giới của người lớn.
Điều bất ngờ đã xảy ra, sau giải Mỹ mở rộng tháng 9/2014, ở tuổi 18, Barty tuyên bố dừng thi đấu quần vợt. Mọi người có thể phỏng đoán nguyên nhân, nhưng một điều dễ thấy là lúc đó Barty chưa lọt được vào hạng 200 đánh đơn và đó là điều làm cô thất vọng.
Trong thời gian nghỉ ngơi, Ash tìm những thú vui khác để quên đi quần vợt. Cô chuyển qua cricket và chơi không tồi ở đẳng cấp chuyên nghiệp, thậm chí còn được cân nhắc để gọi vào đội tuyển nữ của Úc. Có lúc Ash dành thời gian đi câu cá...
Ash Barty chỉ cao 1.66m, đó là một hình thể hết sức bất lợi trong môn quần vợt. Bù lại, tình yêu của Ash đối với môn quần lại tỏ ra vượt trội. Bởi vậy, vào đầu mùa bóng năm 2016, những người hâm mộ hết sức vui sướng khi thấy Barty xách vợt trở lại.
Trong thể thao, khi bạn bị gián đoạn một thời gian dài thì việc trở lại không bao giờ dễ dàng. Vì khi cơ thể chưa kịp àm quen với nhịp độ tập luyện và thi đấu thì rất dễ gặp rủi ro chấn thương, và nó đã xảy ra. Vì vậy mùa bóng nỉ 2016 của Barty cũng đi qua không như ý muốn.
Sang năm 2017 thì khác, Barty lọt vào vòng 3 của một giải Grand Slam là Giải Úc mở rộng vào đầu năm 2017. Ngay sau đó là danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp ở giải Malaysian Open. Đến giữa năm 2017, Barty giành chiến thắng đầu tiên trước một cây vợt top ten, đó là Venus Williams (hạng 9). Barty kết thúc mùa giải 2017 ở một thứ hạng đầy bất ngờ: 17.
Đà tiến bộ của Barty được củng cố vững chắc trong mùa 2018 với thứ hạng 15 đơn nữ. Về đánh đôi, Barty đoạt chức vô địch đầu tiên tại một giải Grand Slam khi vô địch US open 2018 và được xếp hạng 5 về đánh đôi.
Điều phải đến đã đến một cách dữ dội, Barty đã đoạt chức vô địch đơn nữ tại giải Pháp mở rộng. Đặc biệt hơn, sau đó hai tuần, máy tính đã tính cho cô số điểm để vượt qua đối thủ Osaka, trở thành cây vợt số 1 thế giới, một thành tích mà người Úc phải chờ đợi sau 43 năm!
Với danh hiệu Đại sứ Thổ dân của quần vợt Úc, Barty đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là khuyến khích trẻ em Thổ dân đến với môn thể thao này.
Barty cũng thấp bé nhẹ cân giống như Hingis, cây vợt nữ vang bóng một thời. Hingis cũng từ bỏ quần vợt khá sớm, đến khi quay lại thì không thể tìm được phong độ cũ. Có nghi án cho rằng Hingis quá ham mê tình dục, thay người yêu như thay áo nên đã ảnh hưởng đến phong độ. Còn Barty bỏ quần vợt còn sớm hơn (khi 18 tuổi) để khi quay lại thì lại đạt nhưng thành tích chói lọi.
Kokkinakis, một bạn đội nhận xét: lối chơi của Ash rất khác với số đông các cô gái. Khi lên lưới, mọi người thường tìm cách đánh bóng mạnh và nhanh thì Ash có khả năng cắt bóng khéo léo, điều khiển bóng tốt hơn và cô rất ưa dùng mưu mẹo để làm các đối thủ bất ngờ.
Ngoài khả năng lên lưới tốt, điều kỳ lạ ở chỗ Ash còn có trái giao banh mạnh, điều ít gặp đối với các cây vợt “lùn”. Lối chơi này rất hợp với sân cỏ và mặt sân này cũng là sở trường của cô.
Là cây vợt hạt giống số 1 của giải Wimbledon trên sân cỏ   , khởi tranh từ 1/7 tới, đương nhiên, Ash Barty là ứng viên lớn nhất cho chức vô địch của giải.


Danh sách xin tị nạn vào Úc cao nhất thế giới



Tất cả những người tị nạn đều của một câu chuyện riêng đẫm lệ và vấn nạn này đang ngày càng trở nên nhức nhối trên bình diện toàn cầu.
Số liệu của UNHCR công bố ngày 20/6 cho thấy tính đến cuối năm 2018, có 60.000 người đã nộp đơn xin tị nạn và đang chờ Chính phủ Úc phê duyệt, trong khi đến cuối năm 2016 con số này chỉ là gần 30.000 người.
Sự tăng mạnh này là kết quả của việc số người đến Úc bằng thị thực du lịch hợp pháp và sau đó xin nộp đơn xin ở lại. Có 81.000 người ở diện này trong 4 năm qua, trong đó những người đến từ Việt Nam được coi là có số lượng đứng hàng thứ tư, sau Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Khoảng 90% đơn tị nạn bị từ chối, trong số này đã tính cả những người xin tị nạn được cấp thị thực bắc cầu, cho phép họ được làm việc trong thời gian sinh sống tại Úc.
Số người sống tại Australia thông qua thị thực bắc cầu này đã tăng từ 107.000 lên 230.000 người trong thời gian 2014-2019. Trong năm tài chính 2017-2018, số lượng người được cấp quy chế tị nạn chỉ có 1 425 người.
Như vậy, nước Úc là điểm đến mong muốn của 1,7% người xin tị nạn trên thế giới, nhưng chỉ trở thành "nhà" đối với 0,1% số người tị nạn.
Tổng trưởng di trú Úc David Coleman nhận xét  số đơn xin tị nạn gia tăng không đồng nghĩa với việc có nhiều người tị nạn hơn.


Lần thứ hai vuốt râu hùm, nhưng ai sẽ phải trả giá



Câu chuyện về cái “trôn” (drone), hay là chuyện “dang dở” giữa Mỹ và Iran đang ngày càng trở nên hào hứng. Nội vụ câu chuyện, hôm thứ năm, “người cũ” Iran đã cả gan bắn rơi “trôn” Mẽo. Trong phen bẽ bàng, Mỹ không dám thừa nhận đó là sự thật, đến khi chấp nhận thì lại cho rằng Iran “bắn nhầm”.
Phản ứng của thị trường, giá vàng cứ thế lên vun vút theo chiều thẳng đứng. Bởi vì cái drone hiện đại bậc nhất, mã hiệu RQ-4 Global Hawk, trị giá 220 triệu ông Franklin, có khả năng bay cao đến bốn chục cây số, lại tàng hình, mà sao “bỗng dưng” rớt. Quả thiệt, nếu Iran dám chơi quả này thì có gì khác hơn chuyện vuốt râu hùm.
Mọi người có thể nhớ lại năm 1979, gọi là “năm bản lề” giống như năm nay 2019, vì nó nằm ngay trước kỳ bầu cử tổng thống. Chính sách “bồ câu” của tổng thống lúc đó Carter đã chịu nhiều chỉ trích khi để “ba dòng thác Cách mạng” đổ xuống khắp nơi: Campuchia, Afganistan, Nicaragoa, Zimbabwe...
Những biến cố đó, dù sao có thể đổ lỗi cho “thác” hoặc do hậu thuẫn của thành trì Liên xô, nhưng một sự kiện chấn động, đánh thẳng vào niềm kiêu hãnh nước Mỹ, vào ngày 4/11/1979, Iran đã bắt giam toàn bộ Đại sứ và nhân viên đại sứ quán Mỹ tại thủ đôTehran.
Như để trả thù, Mỹ đã ngầm khuyến khích Iraq tấn công Iran, gây ra một cuộc chiến hao người tốn của trong tám năm. Trong cuộc chiến này, Iran khá đơn độc vì chỉ có một đồng minh chí cốt là Lybia của Gaddafi. Có lẽ để giảm nhiệt, Iran đã “tự nguyện” trao trả toàn bộ con tin ngoại giao Mỹ, nhưng ông Carter đã thất cử chỉ sau một nhiệm kỳ trước Reagan.
Husain nghĩ mình có công nên đã tự thưởng bằng cách đưa quân “giải phóng” Kuwait và sáp nhập nước láng giềng giàu có này vào lãnh thổ Iraq năm 1990. Người ta cho rằng có sự hiểu nhầm ở đây, khi Mỹ và đồng minh không chấp nhận điều này. Với hai cuộc chiến vùng Vịnh vào các năm 1991 và 2003, số phận của Hussain đã bị định đoạt.
Quan hệ Mỹ và Iran có những lúc không ổn nhưng đã dần trở nên bình thường, nhất là sau Thỏa thuận của Iran với nhóm 5+1 về vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng khi Trump lên, ông đã quay ngược chính sách của người tiền nhiệm, xé bỏ Thỏa thuận, áp đặt cấm vận, làm quan hệ hai nước trở nên hết sức căng thẳng.
Đêm qua, có tin Trump ra lệnh tấn công Iran, nhưng đã rút lại quyết định chỉ trước khi khai hỏa mười phút. Lý giải điều này khá khôi hài, Trump hỏi về tổn thất sinh mạng thì một tướng trả lời rằng khoảng 150 người và ông đã lệnh dừng tấn công! Lại có tin các nhà lập pháp của cả hai chính đảng khuyên tổng thống không gây chiến tranh, mà chỉ làm điều đó nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Điều này cũng phản ánh sự lúng túng của Nhà trắng về vấn đề Iran, làm mất uy tín ông Trump giống như với Carter trước đây và chắc chắn nó sẽ trở thành một đề tài cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “cái nảy sảy cái ung”. Liệu Iran có một lần nữa làm lật nhào một tổng thống đương nhiệm ?



SCANDAL BUNG BÉT, WORLD CUP ĐI VỀ ĐÂU



Vừa qua, huyền thoại Michel Platini, cựu Chủ tịch liên đoàn bóng đá Châu Âu UEFA đã bị bắt bởi cảnh sát Pháp quốc. Ông đã bị giam giữ qua đêm để phục vụ điều tra và đã được tại ngoại vào trưa hôm sau, theo giờ địa phương.
Mọi người đều biết, Platini là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá của hành tinh. Cáo buộc ông “đút túi” một triệu rưởi USD để “bẻ cong” lá phiếu đã làm buồn lòng những người hâm mộ ông, và là một cú sốc thực sự. Điều đó còn cho thấy, cạm bẫy quyền tiền có thể nhấn chìm bất kỳ ai.
Qatar, nước giành phần thắng trong việc đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới đang bế tắc trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao từ hai năm nay với các nước láng giềng. Theo đó Saudi, Bahrain, UAE và Ai Cập đã cắt đút quan hệ ngoại giao với “người anh em”, đồng thời phong tỏa các tuyến đường giao thông thủy bộ, hàng không.
Dân số Qatar chỉ có 2,5 triệu, nếu không “nhờ” các nước láng giềng thì sẽ không có đủ khán giả để xem 60 trận đấu của 32 quốc gia. Bên cạnh đó là tai tiếng chết người khi hàng loạt công nhân ngoại quốc đã bỏ mạng do điều kiện thi công các sân vận động một cách gấp rút và thiếu an toàn gây ra.
Để giành World cup bằng mọi giá, Qatar đã chơi một “cú lừa thế kỷ” khi hứa sẽ trang bị máy lạnh cho các sân vận động khi mà mùa hè ở đây lên đến trên 50 độ. Cuối cùng, họ đã buộc phải nuốt lời vì ý đồ đó không khả thi về mặt kỹ thuật. Bởi vậy, Liên đoàn bóng đã thế giới FIFA  đã đưa ra phương án lùi giải sang tháng 11 và 12, nhưng điều này càng khó thực hiện vì nó làm đảo lộn mọi sinh hoạt của môn bóng tròn đã thành truyền thống từ hàng trăm năm nay.
Nay giọt nước đã tràn ly. Với những cáo buộc với có nhiều bằng chứng, các quan chức bóng đá đã ăn tiền để bỏ phiếu cho Qatar thì điều phải đến sẽ đến, Qatar không còn chính danh để tổ chức World cup vào năm 2022.
Một câu hỏi đang được đặt ra mà sẽ sớm phải quyết định là nước nào sẽ thay thế Qatar ? FIFA đã họp khẩn trong ngày hôm nay về chuyện này và theo những tin tức rò rỉ thì danh sách năm quốc gia đã được tiết lộ đó là Anh, Mỹ, Tây Ban nha, Argentina và Hà Lan.
Thoạt nhìn, danh sách này hơi vô lý vì theo “dự kiến cũ” của chính sách xoay tua giữa các châu lục thì WC 2022 phải được dành cho khu vực châu Á- Thái bình dương. Các ứng viên đã dự tranh là Qatar, liên danh Nhật – Hàn và Úc.
Nếu loại Qatar thì Nhật – Hàn hoặc Úc phải được chọn. Tuy nhiên không rõ các nước này còn mong muốn đăng cai hay không và quan trọng hơn dường như họ chưa sẵn sàng để tiếp nhận một cách đột ngột như vậy khi mà thời gian chuẩn bị chỉ còn chưa đầy ba năm.
Nhật, Hàn hay Úc chỉ là những “chú lùn” của bóng đá thế giới nên nếu bảo chưa sẵn sàng thì trước hết là do khán giả của họ chưa đủ đam mê và cũng chưa có đủ sân vận động tiêu chuẩn theo đòi hỏi cao cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Thực sự, đăng cai một kỳ WC là điều nhiều nước “tránh” bởi ngoại trừ Mỹ, ai làm cũng đều bị lỗ nặng, chi phí quá lớn và không biết cách thu sao cho đủ. Nhưng Mỹ đã được trao WC 2026, nếu Mỹ làm WC 2022 thì lại phải tìm cách “nhả” WC 2026 cho nước khác, nên cũng phiền.
Trong khi đó, Anh, Tây Ban Nha, Argentina và Hà Lan đều là những cường quốc bóng đá và có đủ kinh nghiệm và trình độ dẫn dắt cho bộ môn này. Nhưng nếu là Anh, Tây Ban Nha hay Hà Lan thì cũng không hay ở chỗ WC vừa tổ chức tại Nga, thuộc châu Âu 2018 rồi. Có lẽ vì thế mới có thêm phương án Argentina.
Sau khi được thả, Platini đã phủ nhận các cáo buộc tham nhũng nhưng thừa nhận đã bị hỏi về vấn đề Qatar đăng cai WC 2022 và mô tả điều đó là “đau đớn”. Cũng nên nhắc lại, một loạt các quan chức cao cấp nhất FIFA đã từng bị bắt để phục vụ điều tra. Riêng Chủ tịch FIFA Blatter đã bị buộc phải rời bỏ chức vụ.

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Những chiếc lá cuối cùng


THÂM NHƯ TÀU


Mình quen biết sơ sơ một anh Tàu. Gặp nhau vài lần đến sáng hôm qua mới có dịp chuyện trò.

Mình và S (tạm gọi là đồng chí S) đều đến đúng giờ. Chưa nói năng gì, S. đã ôm điện thoại nấu cháo mười phút. Xong, hắn xin lỗi vì có bố gọi từ Trung Quốc.

Tự dưng, S hỏi giá nhà sẽ lên hay xuống? Chưa trả lời thì hắn nói bố tao và cả vợ tao cứ giục tao mua nhà vì sợ giá lên.

Mình bảo chắc sẽ lên. Hắn hỏi tại sao, thì mình bảo thời oan qua xuống nhiều rồi thì giờ chắc lên chút đỉnh. Giá xuống có một nguyên nhân là đa số nghĩ đảng Lao động sẽ thắng cử, sẽ bỏ negative gearing, nhưng not happen. Giá lên để bù cho lý do không có này.

Giá cả quyết định bởi quan hệ cung cầu, đó là bản chất. Nhưng lại biểu hiện ra ngoài bằng các tác động tâm lý.

Anh Tàu có vẻ đồng ý với mình và nói thêm, tao đi ra shopping thấy vắng hơn trước, chứng tỏ sức mua giảm. Lãi suất Úc hiện thấp nhất trong lịch sử dù không có khủng hoảng, chứng tỏ nền kinh tế đang rất yếu.

Buổi chiều, nhắc đến S trong một câu chuyện khác, bạn mình bảo thằng S này không thích mua nhà, chỉ thích chứng khoán. Bố bảo hay vợ bảo cũng không nghe.

Chẳng biết đồng chí S thắng hay thua thì cũng khen ngợi hắn dám có chính kiến riêng sâu sắc. Mình cũng được cởi bỏ thành kiến với người Tàu là chỉ biết lao vào bất động sản mà bỏ qua các kênh đầu tư khác. 


Đầu tư chứng khoán, trong hầu hết các trường hợp sẽ thu được cổ tức; trong khi bất động sản, theo quy định vay 80% của ngân hàng thì chẳng được gì mà còn lỗ. Không hiểu sao, ít người để ý điều này.

ĐỒ CŨ LÊN NGÔI


Trong hai mươi lăm năm qua, mình được chứng kiến các loại đồ cũ ngày càng được ưu chuộng và được sử dụng nhiều hơn ở Úc. Đập vào mắt là khu Marrickville cũng vừa mới mở thêm mấy cửa hàng bán đồ cũ.

Hồi mới qua Úc, mình mang đĩa nhạc CD từ trong nước để buôn bán. Tuổi trẻ bồng bột, đây là một lỗi lầm mà mình đã phải trả giá vì những đĩa này là copy bất hợp pháp. Giá thành hàng rất thấp nên mình đi tìm các của hàng đồ cũ để bỏ mối. Đó là những cửa tiệm cầm đồ (pawn shop, tức money lent). Những người cầm tiền thì mang đồ đã dùng rồi của mình đến cầm, có thể là đồ điện tử, nhạc cụ, quần áo...với phân lời khoảng 10%/tháng. Sau thông thường 3 tháng mà không đến chuộc thì người chủ tiệm có quyền bán ra ngoài. Ngày nay, tiệm cầm đồ mang tên cashconverters còn triển khai dịch vụ này trên mạng.

Loại tiệm lưu thông đồ cũ mà không phải cầm đồ là các Opshop (Op viết tắt của cơ hội oppotunity), là các cửa hàng bán đồ từ thiện. Các tổ chức từ thiện lớn có thể kể đến Salvos, Vinnies, Red Cross...Các tổ chức kể trên có mạng lưới quyên góp đồ, có thể qua các thùng sắt đặt ở các bãi đậu xe hoặc bố trí xe đi thu nhận và họ cũng có nguồn nhân lực không phải trả lương để thực hiện bán hàng. Đương nhiên, giá cả ở các cửa hàng này rẻ và số tiền bán được, sau khi trừ chi phí sẽ được nộp vào quỹ thiện nguyện.

Khi mình tìm được các chợ Haymarket và Flemington thì mình nảy ra ý nghĩ phải mở rộng bán hàng đĩa CD của mình. Đây là loại hình chợ Trời (trash and treasure markets, thường gọi là chợ cuối tuần) với một không gian rộng lớn và lượng khách hàng đông đảo. Ngày này, mô hình này dễ thấy có mặt khắp mọi nơi: Surry Hills, Glebe, Campsie, Bankstown, Riverwood, Ingleburn, Liverpool, North Sydney, Blacktown...Nghe nói ở Melbourne còn có nhiều chợ hơn cả Sydney.

Thứ bẩy vừa rồi, lần đầu qua Surry Hills, mình mê mẩn với các bức tranh và các bức tượng cũ. Quả thật các sản phẩm ngày xưa được làm một cách cầu kỳ, tinh tế vô cùng. Những đĩa nhạc CD cũ không hề rẻ, có cái bán $7 hoặc $8, trong khi đồ nhái mới tinh chỉ có $2-3. Chắc là những đĩa nhạc quý hiếm như vậy không thể download trên mạng được.

Các chợ không giống nhau mà mỗi cái có một thế mạnh riêng, ngoài quần áo "sida", sách, đồ gia dụng, đồ bếp, đồ làm vườn, thượng vàng hạ cám... thì một số nơi còn mạnh về các đồ thủ công mỹ nghệ như ở Blacktown hay cây cảnh ở Bankstown. Có nơi đã thoát khỏi mô hình cuối tuần mà trở thành những địa điểm bán hàng 4-5 ngày mỗi tuần như ở Haymarket hay The Rock. Rồi tần suất cũng tăng lên, thay vì chủ nhật hàng tuần thì đã tiến lên cả hai ngày thứ bẩy và chủ nhật như Campsie. Hoặc họp từ theo tháng trở thành hàng tuần.

Những chơ thật xa, vùng nông thôn thì tần suất họp chợ vẫn thưa thớt, giống như chợ phiên ở các vùng miền xa của Việt Nam, theo đó mỗi tháng chỉ 1 lần chẳng hạn, tính theo lịch ngày âm, trong khi chợ của Úc luôn luôn vào cuối tuần.

Các chợ cuối tuần thường tổ chức phục vụ ăn uống, có nơi còn có cả ban nhạc sống. Trong khung cảnh Trời cao gió mát, dưới tán lá cây, nhưng khúc nhạc đồng quê có thể đưa quý khách tận hưởng những giờ phút ngây ngất khi vừa thưởng thức món thịt nướng, vừa xem trình diễn ca hát.

Chi phí cho một bàn bán hàng thường khoảng $40-50, phải đăng ký trước hoặc không cần, nhưng phải luôn đi thật sớm, từ 5 giờ sáng để lấy chỗ và chuẩn bị hàng. Các gian hàng cũng thu dọn khá sớm, khoảng 3-4 giờ chiều, hôm nào thời tiết xấu thậm chí còn sớm hơn. Thực ra, việc bán hàng như thế này cũng chẳng có lợi tức bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi. Một số du học sinh Việt Nam và các nước mà chăm chỉ, chịu dậy sớm vào cuối tuần cũng đã và đang tham gia vào loại hình này.

Nói đến bán hàng đồ cũ, không thể quên được loại hình “garage sale”. Ở đây, khi chuyển nhà thì người ta bán bớt hoặc bán hết các đồ cũ đi. Mọi người có thể thấy những mảnh giấy viết vội vàng được dán ở các đầu nút đường sá; trước cửa nhà thì có một tấm biển “Garage sale”, nếu chua thêm một dòng: “Everything must go” cho thấy mức độ hối hả càng cao. Lúc đầu mình cũng thắc mắc sao họ không thể viết chữ nghĩa cho nắn nót đôi chút? Nhưng lại nghĩ, nó không cần thiết, có thể do “truyền thống” hoặc cố tình cẩu thả như vậy để người mua cảm nhận được sự ngổn ngang và hối hả mỗi khi dọn nhà!

Mua ở những nơi như thế này dễ bắt gặp những loại đồ rất rẻ gần như cho không, kể cả Tivi, tủ lạnh, máy giặt. Nhưng vì đây là đồ của một gia đình nên nó không dồi dào, phong phú và người mua phải tự lo phương tiện chuyên chở. Người Úc có xu hướng dùng các đồ nội thất gọn nhẹ, nên các sản phẩm IKEA rất phù hợp và được ưu chuộng. Ngặt nỗi đồ IKEA mà tháo ra thì không lắp lại được nữa, vì nó sẽ bị vỡ hết mộng và ốc vít, chỉ còn cách phải khuân cả cụm thôi. Các tờ báo miễn phí của địa phương đều có đăng tải danh sách các địa chỉ garage sale cho mỗi tuần.

Thị trường đồ cũ còn rất nhộn nhịp trên mạng, nối tiếng nhất là ebay và gumtree, cũng như mọi người còn có thể liên kết qua các mạng xã hội. Lợi điểm của việc mua bán trên mạng không chỉ giá tốt mà internet cho phép tìm được những loại hàng, đặc biệt là các bộ phận đồ điện tử, lỗi mốt và không còn sản xuất và vì thế có thể coi là hiếm có khó tìm.

Người dân Úc ngày càng ưu thích đồ cũ, có lẽ vì vật giá lên cao quá, trong khi thu nhập có giới hạn ? Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Rất nhiều người muốn cung cấp, cho đi những đồ không dùng nữa, họ cũng không cần bán, với mục đích từ thiện, giúp đỡ cho những người nghèo.

Nhìn ở góc độ bao trùm hơn thì việc dùng đồ cũ là một cách giữ gìn và bảo vệ môi trường. Chúng ta sản xuất vô lối chính là sự lãng phí tài nguyên, dùng rồi lại xả rác sẽ gây ô nhiễm. Vì thế, dùng đồ cũ có thể coi là một việc làm tốt.