Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019
ĐỒ CŨ LÊN NGÔI
Trong hai mươi lăm năm qua, mình được chứng kiến các loại đồ cũ ngày càng được ưu chuộng và được sử dụng nhiều hơn ở Úc. Đập vào mắt là khu Marrickville cũng vừa mới mở thêm mấy cửa hàng bán đồ cũ.
Hồi mới qua Úc, mình mang đĩa nhạc CD từ trong nước để buôn bán. Tuổi trẻ bồng bột, đây là một lỗi lầm mà mình đã phải trả giá vì những đĩa này là copy bất hợp pháp. Giá thành hàng rất thấp nên mình đi tìm các của hàng đồ cũ để bỏ mối. Đó là những cửa tiệm cầm đồ (pawn shop, tức money lent). Những người cầm tiền thì mang đồ đã dùng rồi của mình đến cầm, có thể là đồ điện tử, nhạc cụ, quần áo...với phân lời khoảng 10%/tháng. Sau thông thường 3 tháng mà không đến chuộc thì người chủ tiệm có quyền bán ra ngoài. Ngày nay, tiệm cầm đồ mang tên cashconverters còn triển khai dịch vụ này trên mạng.
Loại tiệm lưu thông đồ cũ mà không phải cầm đồ là các Opshop (Op viết tắt của cơ hội oppotunity), là các cửa hàng bán đồ từ thiện. Các tổ chức từ thiện lớn có thể kể đến Salvos, Vinnies, Red Cross...Các tổ chức kể trên có mạng lưới quyên góp đồ, có thể qua các thùng sắt đặt ở các bãi đậu xe hoặc bố trí xe đi thu nhận và họ cũng có nguồn nhân lực không phải trả lương để thực hiện bán hàng. Đương nhiên, giá cả ở các cửa hàng này rẻ và số tiền bán được, sau khi trừ chi phí sẽ được nộp vào quỹ thiện nguyện.
Khi mình tìm được các chợ Haymarket và Flemington thì mình nảy ra ý nghĩ phải mở rộng bán hàng đĩa CD của mình. Đây là loại hình chợ Trời (trash and treasure markets, thường gọi là chợ cuối tuần) với một không gian rộng lớn và lượng khách hàng đông đảo. Ngày này, mô hình này dễ thấy có mặt khắp mọi nơi: Surry Hills, Glebe, Campsie, Bankstown, Riverwood, Ingleburn, Liverpool, North Sydney, Blacktown...Nghe nói ở Melbourne còn có nhiều chợ hơn cả Sydney.
Thứ bẩy vừa rồi, lần đầu qua Surry Hills, mình mê mẩn với các bức tranh và các bức tượng cũ. Quả thật các sản phẩm ngày xưa được làm một cách cầu kỳ, tinh tế vô cùng. Những đĩa nhạc CD cũ không hề rẻ, có cái bán $7 hoặc $8, trong khi đồ nhái mới tinh chỉ có $2-3. Chắc là những đĩa nhạc quý hiếm như vậy không thể download trên mạng được.
Các chợ không giống nhau mà mỗi cái có một thế mạnh riêng, ngoài quần áo "sida", sách, đồ gia dụng, đồ bếp, đồ làm vườn, thượng vàng hạ cám... thì một số nơi còn mạnh về các đồ thủ công mỹ nghệ như ở Blacktown hay cây cảnh ở Bankstown. Có nơi đã thoát khỏi mô hình cuối tuần mà trở thành những địa điểm bán hàng 4-5 ngày mỗi tuần như ở Haymarket hay The Rock. Rồi tần suất cũng tăng lên, thay vì chủ nhật hàng tuần thì đã tiến lên cả hai ngày thứ bẩy và chủ nhật như Campsie. Hoặc họp từ theo tháng trở thành hàng tuần.
Những chơ thật xa, vùng nông thôn thì tần suất họp chợ vẫn thưa thớt, giống như chợ phiên ở các vùng miền xa của Việt Nam, theo đó mỗi tháng chỉ 1 lần chẳng hạn, tính theo lịch ngày âm, trong khi chợ của Úc luôn luôn vào cuối tuần.
Các chợ cuối tuần thường tổ chức phục vụ ăn uống, có nơi còn có cả ban nhạc sống. Trong khung cảnh Trời cao gió mát, dưới tán lá cây, nhưng khúc nhạc đồng quê có thể đưa quý khách tận hưởng những giờ phút ngây ngất khi vừa thưởng thức món thịt nướng, vừa xem trình diễn ca hát.
Chi phí cho một bàn bán hàng thường khoảng $40-50, phải đăng ký trước hoặc không cần, nhưng phải luôn đi thật sớm, từ 5 giờ sáng để lấy chỗ và chuẩn bị hàng. Các gian hàng cũng thu dọn khá sớm, khoảng 3-4 giờ chiều, hôm nào thời tiết xấu thậm chí còn sớm hơn. Thực ra, việc bán hàng như thế này cũng chẳng có lợi tức bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi. Một số du học sinh Việt Nam và các nước mà chăm chỉ, chịu dậy sớm vào cuối tuần cũng đã và đang tham gia vào loại hình này.
Nói đến bán hàng đồ cũ, không thể quên được loại hình “garage sale”. Ở đây, khi chuyển nhà thì người ta bán bớt hoặc bán hết các đồ cũ đi. Mọi người có thể thấy những mảnh giấy viết vội vàng được dán ở các đầu nút đường sá; trước cửa nhà thì có một tấm biển “Garage sale”, nếu chua thêm một dòng: “Everything must go” cho thấy mức độ hối hả càng cao. Lúc đầu mình cũng thắc mắc sao họ không thể viết chữ nghĩa cho nắn nót đôi chút? Nhưng lại nghĩ, nó không cần thiết, có thể do “truyền thống” hoặc cố tình cẩu thả như vậy để người mua cảm nhận được sự ngổn ngang và hối hả mỗi khi dọn nhà!
Mua ở những nơi như thế này dễ bắt gặp những loại đồ rất rẻ gần như cho không, kể cả Tivi, tủ lạnh, máy giặt. Nhưng vì đây là đồ của một gia đình nên nó không dồi dào, phong phú và người mua phải tự lo phương tiện chuyên chở. Người Úc có xu hướng dùng các đồ nội thất gọn nhẹ, nên các sản phẩm IKEA rất phù hợp và được ưu chuộng. Ngặt nỗi đồ IKEA mà tháo ra thì không lắp lại được nữa, vì nó sẽ bị vỡ hết mộng và ốc vít, chỉ còn cách phải khuân cả cụm thôi. Các tờ báo miễn phí của địa phương đều có đăng tải danh sách các địa chỉ garage sale cho mỗi tuần.
Thị trường đồ cũ còn rất nhộn nhịp trên mạng, nối tiếng nhất là ebay và gumtree, cũng như mọi người còn có thể liên kết qua các mạng xã hội. Lợi điểm của việc mua bán trên mạng không chỉ giá tốt mà internet cho phép tìm được những loại hàng, đặc biệt là các bộ phận đồ điện tử, lỗi mốt và không còn sản xuất và vì thế có thể coi là hiếm có khó tìm.
Người dân Úc ngày càng ưu thích đồ cũ, có lẽ vì vật giá lên cao quá, trong khi thu nhập có giới hạn ? Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Rất nhiều người muốn cung cấp, cho đi những đồ không dùng nữa, họ cũng không cần bán, với mục đích từ thiện, giúp đỡ cho những người nghèo.
Nhìn ở góc độ bao trùm hơn thì việc dùng đồ cũ là một cách giữ gìn và bảo vệ môi trường. Chúng ta sản xuất vô lối chính là sự lãng phí tài nguyên, dùng rồi lại xả rác sẽ gây ô nhiễm. Vì thế, dùng đồ cũ có thể coi là một việc làm tốt.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét