Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Làm ăn làm giàu (P 4): Làm gì thời Covid


Hồi trước bà xã bảo mình mở công ty du lịch. Báo hại mình đi học lấy bằng lái xe buýt, học xong biết trước sắp có Covid (nói phét tí) nên mình không mở nữa.
Các công ty du lịch của người Việt tại Úc chủ yếu chăn dắt khách từ trong nước sang, chẳng giàu được, chỉ kiếm ăn qua ngày. Tuy vậy, bà con mình nhào vô ghê quá, toàn chỗ anh em bạn bè không lẽ tranh cướp của nhau.
Sẽ đến lúc mọi người hiểu rằng vaccine không giải quyết được vấn đề cúm Tầu. Cũng như cúm Tây Ban Nha, đâu cần vaccine, nó tự biến mất. Năm ngoái bằng giờ, Úc bị cháy rừng liên tục 7-8 tháng không thể dập tắt, nhưng một cơn mưa lớn bất ngờ ập đến, tự dưng hết cháy.
Trời mang lửa đến rồi trời cũng mang nước đến. Tuy nhiên con virus Corona có phải của trời không thì lại chưa biết. Nhiều khả năng không phải, và do đó chỉ có thể xử lý được nó nếu tìm ra thủ phạm nhân tạo. Điều này còn khó và lâu hơn tìm ra vaccine, hoặc chẳng bao giờ.
Hiện nay, giá vé “thị trường” 1 chiều đi Việt nam là $6,000/người. Bạn đang đi với giá $600 thì sẽ giẫy nẩy và không chịu, nhưng rồi sẽ phải chấp nhận thực tế mới trong tương lai. Ai cũng hiểu với giá này thì ngành du lịch inbound từ Việt Nam không có cửa gì ngóc đầu lên nổi.
Cuộc sống vẫn tiếp tục, không làm cái này thì làm cái khác. Chắc mọi người đều thấy giá bất động sản lên cao trên toàn thế giới. Một lĩnh vực khác cũng bùng nổ nhu cầu là lương thực thực phẩm.
Thực phẩm của Úc và Việt Nam khác nhau, vì thế có thể tính chuyện làm xuất nhập khẩu. Kim ngạch ngoại thương có trị giá lớn, điều này sẽ mang lại một niềm vui bất ngờ nếu cần lấy điểm doanh thu khi làm visa kinh doanh đầu tư.
Bán có thể bán tôm hùm, rượu vang, cherry, thịt bò, thịt cừu, thực phẩm chức năng...sang Việt Nam. Mình ít khi đi Việt Nam nên không rành chuyện này lắm.
Ở chiều ngược lại, bạn nhập hàng thực phẩm thô và chế biến từ Việt Nam qua, rồi đi bỏ mối cho các shop thực phẩm và nhà hàng. Về thị trường bên này, hơi bất ngờ ở chỗ kênh tiêu thụ của người Việt là khá nhỏ nếu so với người Tàu và người Ả Rập.
Nếu bạn bỏ mối thực phẩm thì sẽ thấy các shop hoặc nhà hàng của người Tầu ăn hàng mạnh hơn của người Việt rất nhiều. Đối với nông sản thô như hồ tiêu, hoa hồi, quế, thảo quả, nghệ...thì bọn Ả Rập và Ấn Độ tiêu thụ rất mạnh.
Trong kinh doanh, không nói chuyện chung chung được mà cần vô cùng tỉ mỉ và chi tiết. Ví dụ hồ tiêu có hai loại đen và trắng. Mỗi loại chia ra nguyên hột, bột và nghiền (crushed), riêng nghiền cũng có mấy thứ kích cỡ...và phải biết người ta ưu chuộng loại nào?
Bạn sẽ nói rằng nếu ta “chuyên nghiệp” thì sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh. Người ta có base customers hàng chục năm không ăn ai, mới làm nghĩa là phải trả một đống “ngu phí” làm sao hạ giá thành nổi.
Tuy nhiên, vẫn có cách châu chấu đá voi. Người ta chào giá 100 mà bạn hô 110 thì khách hàng sẽ bảo bạn bị điên, bạn không thể len vào thị phần. Khi làm du lịch chẳng hạn, có rất nhiều multiple incomes như về di trú, di học, nhà đất, hàng hóa khác... thì bạn dám đưa giá 90 mà không sợ bị lỗ, thậm chí vẫn thắng lớn. Tất nhiên, lấy được đa thu nhập cũng không hề dễ dàng và đây là cái tài nhanh nhạy của bạn.
Thương trường là chiến trường, không chà đạp người ta thì người khác cũng chèn ép mình. Đi ăn cướp 1000 đồng rồi làm bộ từ thiện 10-20 đồng, đó là cuộc đời.
Nghĩ lắm thì chỉ còn cách đừng mơ làm giàu nữa. Mình biết kiếm tiền từ khi 17 tuổi, từ đó đến nay chưa bao giờ thiếu tiền tiêu nên việc gì phải mưu mô cho khổ, sống thanh thản vẫn hơn. Vì thế mình xác định bây giờ chỉ đi làm thuê, ai muốn ganh đua thì xin nhường.
Lời kết: loạt bài “Làm ăn làm giàu” xin phép kết thúc.
Mình không muốn hô hào chung chung không có ích gì, chỉ làm mất thời gian của mọi người. Còn viết cụ thể quá thì lại đụng chạm, lộ mánh làm ăn. Tuy nhiên, các bạn muốn trao đổi riêng tư thì cứ inbox.
Ảnh: Nhiều tiền để làm gì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét