Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Người Ai Cập có còn nhớ Mubarak?

 

Nói theo kiểu huề vốn, mình và gia đình đã sống tại Ai Cập không dài nhưng cũng chẳng ngắn: ba năm ba tháng, gói gọn trong thời kỳ Mubarak làm tổng thống. Tụi mình rời Ai Cập khi biểu tình bắt đầu được 3-4 ngày và kéo thêm 2 tuần nữa thì kết liễu chế độ 30 năm (1981-2011) của ông.
Hôm nay là giỗ đầu của Mubarak cũng là thời gian tròn 10 năm bị lật đổ khỏi chiếc ghế tổng thống.
Mấy người hàng xóm cũ của mình ở phố Kambiz cho rằng cần biết ơn Mubarak, vì có ông thì mới có “cái lọ, cái chai...”. Ngược lại, mấy ông “doanh nhân, trí thức” mỗi khi gặp mình đều dành một thời lượng kha khá để chửi Mubarak, khi coi ông là tội đồ để đất nước bị tụt hậu. Nếu bảo, “chuyện của các ông, tôi không quan tâm” thì e rằng bất lịch sự nên mình đành ngoan ngoãn ngồi nghe, thỉnh thoảng chêm vào một hai câu vô thưởng vô phạt.
Vào một ngày đầu năm 2010, mình nhận được một cú điện thoại từ Bộ đầu tư Ai Cập nói rằng Bộ trưởng Mohieldin muốn gặp mình “càng sớm càng tốt”.
- Ôi chời, sao bỗng dưng tui lại có giá thế này?
Ông Mohieldin là một Bộ trưởng trẻ (hơn mình 1 tuổi) và là một ngôi sao đang lên trên chính trường đất nước Kim tự tháp. Mình đã gặp trước đó 1 lần, ông nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Được cái mình lúc nào cũng rảnh rỗi nên buổi gặp có thể tiến hành ngày hôm sau. Phòng làm việc của Mohieldin có một bức chân dung Mubarak khổ lớn, hơi phản cảm đối với khách ngoại quốc. Ông bảo thư ký ra ngoài rồi đóng cửa phòng lại.
Thì ra Bộ trưởng đầu tư sắp đi Việt Nam nên muốn nắm một số thông tin về kinh tế thương mại. Cái này thì mình thuộc rồi, chỉ việc mở máy như đã mở y chang như thế vài chục lần. Nói kiểu chung chung như vậy không giúp ích gì lắm nhưng biết sao được, khác đi lại “chệch hướng” thì sao?
Sau đó vài tháng, đột nhiên Mohieldin thôi chức và nghỉ việc, hiện ông là Phó Chủ tịch Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Rất có thể, ông “đánh hơi" được điều gì đó bất ổn trong nội bộ?
Việt Nam và Ai Cập đều là những nước có ngàn năm văn hiến, dân số cũng gần bằng nhau. Tuy nhiên, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân hai nước thì khác hẳn nhau.
Nhìn chung Người Việt sung túc, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn người Ai Cập. Về quan hệ xác thịt, người Việt cũng phóng túng hơn nhiều. Nhưng về cuộc sống tinh thần thì ngược lại.
Người Ai Cập có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận cao hơn. Có lẽ vì được cởi trói tư duy và người dân ở nước Bắc Phi này có nhiều nhân tài hơn. Cùng với 1/3 dân số mù chữ thì họ có nhiều người đạt giải thưởng Nobel khoa học, những người làm cho các đại công ty toàn cầu và các tổ chức quốc tế đông như kiến.
Trong lĩnh vực văn hóa thể thao, Ai Cập cũng rất mạnh. Tiết mục múa nón thực sự đặc sắc, có thể coi là đỉnh cao nghệ thuật. Cầu thủ Salah là một trong những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới, nhiều lần là vua phá lưới giải ngoại hạng Anh.
Về tham nhũng của Ai Cập, mình kể một câu chuyện.
Một lần, ông Nabil, Thứ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế đến văn phòng của mình. Lý do “rồng đến nhà tôm” chỉ là ông muốn hỏi phi vụ làm ăn giữa một công ty Ai Cập và một công ty Việt Nam có kết quả ra sao?
Bên Trung Đông có những người làm môi giới thương mại rất chuyên nghiệp và họ kiếm được rất nhiều thu nhập từ tiền hoa hồng. Nhưng với những phi vụ cò con như vụ này thì nói thật là mình không quan tâm, trong khi ông lại có vẻ quá cần.
Khi tiễn ông ra cửa, mình thấy ông đi chiếc xe cà tàng, rõ ràng ông không hề giàu có, khi đã ở tuổi 65.
Người ta cho rằng Mubarak và vợ Suzanne cũng sống khá thanh bạch. Tuy nhiên, người con trai lớn Alaa được coi là một tỉ phú, con thứ hai Gamal được chuẩn bị kế vị bố. Chính điều này làm Mỹ không bằng lòng và họ đã bơm tiền cho các tổ chức chống đối để lật đổ một đồng minh cũ quan trọng.
Khi bắt đầu nổ ra biểu tình ở quảng trường Tahir (tiếng Ả Rập nghĩa là Tự do) tại thủ đô Cairo, mọi người nghĩ quân đội và cảnh sát sẽ ra tay dẹp loạn. Mình thấy mọi người bàn tán khá sối nổi về vấn đề “nhân sự”, rằng nếu Mubarak không trụ được thì Đảng cầm quyền sẽ cử ai thay?
Khi về Việt Nam, mình gọi điện nói chuyện với một doanh nhân người Ai Cập, quốc tịch Úc và đang làm ăn ở Việt Nam. Mình đã ngỡ ngàng khi anh này nói Mubarak sẽ ra đi trắng tay! Hình như người bên ngoài sáng nước hơn những người trong nước.
Sau đó Tivi chiếu cảnh những người lính được lệnh đi đàn áp thì lại ra ôm hôn lấy những người biểu tình. Quả là một hình ảnh đẹp của tình cá với nước, quân cũng từ dân mà ra! Mubarak không bàn giao cho Phó tổng thống hay Thủ tướng mà chuyển giao quyền lực cho quân đội rồi bay về “Mubarak city” thành phố nhỏ có ngôi nhà của vợ chồng ông.
Công tố viên đề nghị án tử hình đối với Mubarak, tuy nhiên ông chỉ bị kết án chung thân. Khi phe quân đội của tổng thống Sisi lên, Mubarak được xử lại, còn ba năm tù, bằng với thời gian tạm giam. Ông sống thêm được gần 7 năm nữa mới chết ở tuổi 92.
Liên hệ với một vấn đề thời sự hiện nay: biểu tình chống lại chế độ quân sự ở Myanmar. Liệu cuộc đấu tranh của người dân Miến có được Mỹ chống lưng như người Ai Cập và bên nào sẽ giành phần thắng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét