Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Một số nhận định về tình hình Myanmar

 

Myanmar có dân số bằng già nửa nhưng lại sinh sống trên một lãnh thổ rộng hơn gấp đôi Việt Nam. Địa hình nước này có nhiều đồi núi, hệ thực vật, động vật phong phú.
Myanmar có đến hơn 100 sắc tộc, trong đó người Miến là đông nhất chiếm đến 68%. Nếu nhìn vào nét mặt của người Miến và người Kinh, chúng ta thấy rất giống nhau. Dễ hiểu thôi, hai dân tộc có sự gần gũi về chủng tộc và hệ ngôn ngữ.
Cũng giống như người Thái, người Miến có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc di cư xuống phía Nam vào khoảng thế kỷ thứ 9. Sau khi chinh phục các bộ lạc và tiểu quốc nhỏ, người Miến đã lập ra được ba nhà nước qua các thời kỳ, đó là Vương quốc Pagan (TK 9 đến TK 13) đã bị sụp đổ do sự xâm lăng của để quốc Mông Cổ. Đế quốc Taungoo (TK 16 đến TK 18) có lãnh thổ rộng lớn, bao trùm Myanmar ngày nay, phần lớn Thái, Lào, Bangladesh và một phần nhỏ của Trung Quốc.
Năm 1823, vua Miến là Bagyidaw của vương triều Konbaung (TK 18-19) đã đến thăm Sài Gòn cùng với một đoàn thương nhân Anh Quốc. Lúc đó triều đại vua Minh Mạng cũng đang cường thịnh nên vua Miến muốn xây dựng đồng minh với Đại Nam trong việc chống lại nhà Xiêm.
Tuy nhiên không lâu sau đó, Miến bị thôn tính bởi người Anh và Việt Nam bị Pháp đô hộ. Trong Đại chiến II, hai nước lại chung kẻ thù Phát xít Nhật.
Về sau, Việt Nam và Myanmar đều bị cấm vận nên bị tụt hậu so với các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam được xóa bỏ cấm vận sớm hơn nên đã phát triển khá nhanh và đến khi Myanmar mở cửa thì các doanh nghiệp hai nước đã như diều gặp gió, giao lưu hợp tác với nhau nhanh chóng.
Với những diễn biến mới nhất trong mấy ngày qua, câu hỏi mà giới làm ăn quan tâm là liệu Myanmar có bị cấm vận trở lại hay không? Điều này liên quan đến lịch sử mối quan hệ quốc tế rất phức tạp của hai phe tranh chấp hiện nay tại Myanmar.
Người Myanmar nổi tiếng nhất chính là bà Aung San Suu Kyi, người từng được giải Nobel hòa bình, biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ. Cha bà, ông Aung San là anh hùng giải phóng dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản và quân đội. Có lẽ vì gốc gác đó, đảng NLD do bà lãnh đạo có khuynh hướng thiên tả.
Trước cuộc đảo chính ngày 01/2 vừa qua, Myanmar đang ở một tình trạng “quá độ” chẳng giống ai khi thủ lĩnh đảng NLD cầm quyền không được nắm chức tổng thống vì bà Suu Kyi vướng quy định có chồng con là người nước ngoài nên phải chỉ định trợ lý là ông Htin Kyaw giữ chức trên danh nghĩa. Đồng thời chính phủ không có quyền chỉ đạo bộ máy quân sự và an ninh.
Cũng theo thỏa hiệp, phe quân đội được chỉ định 25% ghế nghị sĩ. Điều đó có nghĩa là Đảng USDP do quân đội hậu thuẫn chỉ cần chiếm thêm 25% nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua thì Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing có thể trở thành tổng thống.
Tuy nhiên kết quả cho thấy NLD đã chiếm áp đảo số ghế với trên 80% và như vậy tình trạng “nửa dơi nửa chuột” nói trên chưa thể giải quyết được. Lý do để quân đội tiến hành đảo chính và thiết quân luật trong 1 năm là cáo buộc có gian lận bầu cử.
Trong nhiều thập niên qua Trung Quốc luôn tìm cách ve vãn Myanmar nên Trung Quốc đã “bỏ qua” tất cả như việc giới cầm quyền quân sự cấm Đảng cộng sản, rồi cuộc hành quân do chính tướng Min Aung Hlaing chỉ huy (khi chưa phải là tổng tư lệnh) để xua đuổi 50,000 người Trung Quốc về bên kia biên giới vào năm 2008.
Sau này Trung Quốc mới lộ rõ lý do cần Myanmar chính là “con đường tơ lụa” đi qua đất Miến, thì sẽ rút ngắn được một đoạn đường biển dài và phức tạp ở khu vực Ấn Độ và Mỹ có thể khống chế. Điều có vẻ “ngẫu nhiên” là các dự án lớn với Trung Quốc bị bãi bỏ khi bà Suu Kyi lên nắm chức “Cố vấn”, nhưng thật ra một vấn đề hệ trọng thế này thì Suu Kyi không có quyền, mà chính là chủ trương của phe quân đội!
Con đường tơ lụa và vấn đề chiến lược, một cuộc đấu trí cam go giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể mạnh dạn dự đoán rằng, nếu Myanmar ủng hộ Trung Quốc xây dựng Cảng và đường vận tải qua đất của mình thì Mỹ và đồng minh sẽ áp đặt lệnh cấm vận khắt khe nhất. Bằng không, Mỹ cũng chỉ trừng phạt chiếu lệ và sẽ trở về bình thường khi 1 năm thiết quân luật hết hiệu lực.
Xa hơn, tình trạng bất ổn về chính trị tại Myanmar lại chính là phương án tối ưu nhất đối với Mỹ vì Trung Quốc không thể có con đường tơ lụa trong điều kiện như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét