Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Vì sao triều đại họ Lưu nhanh chóng sụp đổ?

 

Trong Tam Quốc, tác giả La Quán Trung đã khắc họa các ông vua Lưu Bị, Tào Tháo và Tôn Quyền hết sức sắc sảo.
Lưu Bị thất học, văn dốt võ nát nhưng vẫn ôm chí lớn khôi phục nhà Hán. Tào Tháo ngược lại, ngẩng đầu thông thiên văn, cúi xuống tường địa lý. Tôn Quyển không được miêu tả kỹ nhưng vẫn có thể thấy đáng gờm như thế nào qua một câu nói của Tào Tháo.
Khi chứng kiến Tôn Quyền dũng mãnh phi ngựa lên núi và thách Tào Tháo lên giao phong, Tháo than rằng: “Ước gì ta có một đứa con như Tôn Trọng Mưu”. Chắc ông cũng mường tượng được rằng, con cháu ông hèn kém, dần dần bị cha con nhà Tư Mã Ý lấn át.
Mưu sĩ hàng đầu của mình là Chu Du mất sớm, nhưng Tôn Quyền lần lượt tìm được người thay thế xứng đáng và họ Tôn là triều đại bền vững lâu dài nhất so với họ Lưu và họ Tào!
La Quán Trung cũng đã đề cao Gia Cát Lượng Khổng Minh như một bậc kỳ tài. Mỗi khi đấu trí với Chu Du hay Tư Mã Ý đều tỏ ra vượt trội.
Nhưng tác giả cũng “khéo léo” lộ ra những điểm yếu chết người của Khổng Minh, cho thấy ông chưa thể bằng Lưu Bị trong nhiều chuyện và không thể giúp gì cho vận mệnh nhà Hán.
Khi mới được Lưu Bị trao quyền cầm quân, một hôm Khổng Minh quát võ sĩ lôi tướng trẻ Ngụy Diên ra chém, với một lý do rất “mê tín dị đoan”: có tướng phản chủ. Rất may, Lưu Bị đã ngăn cản kịp thời và vì thế Ngụy Diên đã lập được nhiều chiến công sau này.
Sau khi bình định Mạnh Hoạch ở phía Nam, Khổng Minh bắt đầu tính chuyện lớn trong việc thu phục giang sơn đất Ngụy. Lúc này Ngụy Diên đã hiến kế nên tấn công qua đường Hán Trung, mặc dù đây là đường hiểm trở nhưng là đường ngắn nhất, khả thi và có tính bất ngờ cao.
Chắc Khổng Minh cũng hiểu đây là phương án hay nhưng vì sẵn ghét Ngụy Diên nên không nghe lời mà quyết định đi theo ngả Kỳ Sơn.
Trong điển tích “gạt lệ chém Mã Tốc” cũng cho thấy khả năng nhìn người của Khổng Minh không bằng Lưu Bị được.
Trong lần tiến quân ra Kỳ Sơn lần đầu tiên, Khổng Minh giao cho Mã Tốc giữ cứ điểm quan trọng Nhai Đình. Khi Mã Tốc cho triển khai dàn quân thì thấy ngu quá nên phó tướng Vương Bình đã can ngăn thì Tốc mắng rằng:
- Ta đây thuộc làu binh pháp từ thuở nhỏ, ngươi tuổi gì mà dám nói chuyện phải quấy với ta?
Khi nhận được tin về cách xếp quân này, Tư Mã Ý lập tức ra lệnh tấn công và đã phá vỡ phòng tuyến của quân Thục. Vào tình thế hiểm nghèo, Khổng Minh đành liều diễn cảnh “gẩy đàn đuổi giặc” làm quân Ngụy nghi ngờ giăng bẫy và dừng lại, nếu không Tư Mã Ý đã có thể bắt được Khổng Minh.
Theo quân pháp, Mã Tốc bị chém đầu nhưng điều đó đã làm Khổng Minh rơi lệ. Ông kể, Tiên Chủ (Lưu Bị) đã từng dặn, Mã Tốc có tính huyênh hoang, không có thực tài đừng nên tin dùng. Lưu Bị quả là người sáng suốt, nhìn xa trộng rộng, thấu lòng người.
Nửa đời chinh chiến, Lưu Bị vẫn chưa có người thừa kế nên Lưu Bị đã nhận Lưu Phong, lúc đó đã ngoài 20 tuổi, làm con nuôi. Lưu Bị chọn thì khó sai, Lưu Phong có tài năng và ý chí, không quản ngại vào sinh ra tử cùng với các tướng sĩ.
Về sau, A Đẩu, tức Lưu Thiện ra đời và lớn lên thì vấn đề truyền ngôi cho ai được đặt ra. Lưu Thiện hèn kém, Lưu Phong cũng có dòng máu họ Lưu nên Lưu Bị không ngại chuyện con nuôi con đẻ. Nhưng Khổng Minh là người cực lực phản đối Lưu Phong. Vì biết mình sẽ chết trước Khổng Minh nên Lưu Bị không thể không nghe lời.
Khi gặp Khương Duy lần đầu, Khổng Minh đã vội nói: từ khi ra khỏi lều tranh, ta vẫn tìm người nối nghiệp, nay gặp Bá Ước, thật thỏa lòng mong ước.
Lên thay Khổng Minh, Khương Duy không có sáng kiến gì khác ngoài việc liên tục kéo quân ra Kỳ Sơn. Thiệt tình, không chỉ năng lực hạn chế, ông còn mắc bệnh “ngáo”. Bằng con đường Từ Sơn, đến Khổng Minh còn không làm gì được quân Ngụy thì sức mấy đến lượt Khương Duy.
Mê mải với Kỳ Sơn và không kịp phòng bị, quân Ngụy lẻn qua đường núi Hán Trung và chiếm mất Thành Đô, bắt sống Lưu Thiện. Điều này làm mọi người phải nhớ đến Ngụy Diên, với tầm nhìn chiến lược và sự am hiểu về địa hình Hán Trung, nếu ông nắm quân thì không thể có chuyện kinh thành bị mất.
Ngụy Diên có phản chủ không? Đúng là khi Khổng Minh chết, ông đã không chấp nhận dưới quyền Khương Duy vì chắc hiểu rằng, Nhà Thục sẽ tan vỡ nhanh chóng bởi vua Lưu Thiện và tướng chỉ huy Khương Duy. Dưới góc độ đó, tìm cách đoạt lại binh quyền không có nghĩa là thiếu trung thành.
Để việc chuyển giao quyền lực được hanh thông, như Lưu Phong trước đây, Ngụy Diễn cũng bị sát hại.
Về phần Hậu Chủ Lưu Thiện, lúc nào cũng chỉ lo ăn chơi, hưởng lạc. Nếu ở trường hợp Lưu Phong, một người dày dạn kinh nghiệm chiến trường, thì việc phòng thủ trong một địa hình hiểm trở không quá khó.
Rõ ràng, nhà Thục tan vỡ nhanh chóng vì đã lầm người truyền ngôi và người chỉ huy quân đội. Lỗi này, oái oăm thay, người phải chịu trách nhiệm chính là Khổng Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét