Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Cấp phó cần có hay không

 

Mọi người đều biết ở Việt Nam có rất nhiều chức phó, dù là Chính quyền hay bên Đảng, đoàn thể. Về lý thuyết, phó để giúp việc trưởng, chỉ đâu đánh đấy nhưng phó vẫn rất thực quyền. Vì thế các cấp phó vẫn phải vào lò và phải chịu trách nhiệm về các quyết định của họ.
Đại đa số dân Úc chỉ biết đến thủ tướng và đại đa số không biết có chức phó thủ tướng hay không, nếu có thì cũng không biết là ai. Thực tế Úc có một phó thủ tướng, còn hầu hết các bộ không có Thứ trưởng. Ở cấp Tiểu bang và địa phương cũng vậy, hầu như mọi người không quan tâm đến cấp phó.
Tại Mỹ, dù tổng thống Biden đã ngoài 80 nhưng ông vẫn nổi bật hơn hẳn “em” Harris, vì công việc của phó tổng thống chủ yếu là ngồi chơi xơi nước, thỉnh thoảng được tổng thống gọi để sai vài việccho có.
Ở Việt Nam hiện có 4 phó thủ tướng thì bỗng gẫy mất ba, đó là các bác Thành, Minh và Đam. Bác Thành học cùng khóa với mình ở Đại học KTQD, đi bộ đội về nên hơn tuổi, được coi là đang lâm trọng bệnh và không làm việc.
Nay bầu bổ sung thêm 2 phó thì thực chất mới có 3, có lẽ là con số ít nhất kể từ khi có “cách mạng”. Lúc nhiều vào đầu thập kỷ 1980x có đến 9 vị Phó CT HĐBT. Tuy nhiên một số vị kiêm nhiệm Bộ trưởng nào đó nên không tham gia nhiều vào công việc chung.
Người kiêm nhiệm đầu tiên có lẽ là ông Võ Nguyên Giáp, Phó TT kiêm Bộ trưởng Quốc phòng từ 1955. UB Kế hoạch là nơi là người đứng đầu hầu như kiêm phó TT như các ông Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Võ Văn Kiệt. Tương tự là Bộ Ngoại giao với Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch và Phạm Bình Minh.
Các phó kiêm có thể kế đến ông Đỗ Mười kiêm Bộ trưởng Xây dựng, Đồng Sĩ Nguyên Bộ Giao thông VT, Võ Chí Công Bộ Thủy sản, Phạm Hùng Bộ Công an, Trần Phương Bộ Nội thương, Đoàn Duy Thành Bộ Ngoại thương, Nguyễn Tấn Dũng Thống đốc Ngân hàng.
Theo quy định hiện hành, cấp trung ương có 4 phó nhưng ở tỉnh thành lại nhiều hơn như Hà Nội hay Sài Gòn có thể có đến 6 phó CT UBND. Các Bộ Quốc phòng, Công An, Ngoại giao cũng được nhiều thứ trưởng hơn con số 4.
Các ban của Đảng không có quy định về số lượng phó nên thoải mái nhưng lại có tiền lệ xấu dành cho phó ban Kinh tế (của ông Đinh La Thăng) hay phó Ban Tuyên giáo (của ông Trương Minh Tuấn).
Trong chính phủ, các phó TT thường được giao phụ trách các mảng lớn như Kinh tế, Văn xã hay Nội chính.
Trước đây mảng nội chính do đích thân Thủ tướng phụ trách chỉ gần đây được giao cho các ông Trương Hòa Bình và Phạm Bình Minh và nay có lẽ lại phân công cho Thủ tướng.
Nhóm Văn xã được ông Vũ Đức Đam nắm khá lâu, sau các người tiền nhiệm Nguyễn Thiện Nhân và Phạm Gia Khiêm.
Mảng kinh tế thường được chia làm hai khối nhỏ hơn là quản lý ngành như Tài chính- Kế hoạch- Ngân hàng và bên kia là khối “Sản xuất” như Công nông nghiệp, Xây dựng, Giao thông.
Các nước Châu Âu có thể có nhiều phó TT nhưng theo ý nghĩa khác. Vì là thủ lĩnh một Đảng trong liên minh cầm quyền nên họ có “hàm” phó nhưng công việc chính là một bộ trưởng nào đó.
Trung Quốc và nhất là Liên Xô cũ cũng có rất nhiều cấp phó mà trước khi giải thể Liên Xô có đến 11 Phó CT HĐBT. Bởi vì có đến trên 100 cơ quan ngang Bộ nên phải cần nhiều phó để phụ trách.
Úc cũng có trên 100 cơ quan trực thuộc chính phủ, nhưng người phụ trách đa ngành đa lĩnh vực được gọi là “Minister”, nếu dịch thoát nghĩa phải là “Tổng trưởng”. Như vậy về thực chất giống nhau, có điều bên Úc bớt đi được một cấp, tinh gọn hơn, ít ghế hơn. Biên chế công chức của các nước tiên tiến như Úc cực kỳ nhỏ.
Theo những đồn đoán ngoài luồng, Việt Nam sẽ tiếp tục bổ sung phó thủ tướng, không loại trừ khả năng thay đổi một số Bộ trưởng. Hãy chờ xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét