Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Thế sự năm qua, năm tới

 

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa đưa ra các con số về kinh tế thế giới theo đó năm nay 2022 mức tăng trưởng GDP chỉ có 3.2%, thấp hơn nhiều so với năm trước 2021 là 6%, với dự báo 2.7% cho năm 2023.
Theo chuyên gia kinh tế Daniel Lacalle, kinh tế thế giới đã trải qua vật lộn vì chiến tranh tại Ukraine và chính sách zero-Covid tại Trung Quốc, dẫn đến lạm phát tăng vọt và làm yếu đi các hoạt động.
Bước vào năm 2022, khi mà mọi người hy vọng có một sự phục hồi khi cơn đại dịch Covid dịu bớt thì cuộc chiến ở Ukraine đã bùng nổ ngỡ ngàng. Trên thế giới ngày nay, sự liên kết ngày càng trở nên chặt chẽ giữa các châu lục, quốc gia; giữa các yếu tố về kinh tế xã hội và môi trường thì các vấn đề chính trị, quân sự và kinh tế cũng tác động lên nhau mạnh mẽ.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã không đạt mục tiêu trong mũi tấn công vào thủ đô Kyiv và do đó đã thất bại trong ý đồ “giải phóng” nước láng giềng anh em. Nga đã đe dọa dùng vũ khí hạt nhân nhưng Trời không sụp khi cuộc chiến trở thành chuyện lấn chiếm đất đai và chiến tranh phá hoại mà thôi.
Các biện pháp trừng phạt của thế giới đối với Nga cũng không mạnh mẽ như hù dọa. Châu Âu chỉ áp giá trần dưới 5% vào dầu khí của Nga. Có thể hiểu Trung Quốc và Ấn Độ còn mua dầu khí của Nga thấp hơn 5% nhiều, như vậy “hai con cò” đục nước béo này đã chế tài Nga còn nghiêm khắc hơn cả các nước coi Nga là kẻ thù.
Sau hơn 10 tháng giao tranh, chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bởi vì lập trường của hai bên còn quá xa nhau. Nga vẫn còn mục tiêu thay đổi chính thể Ukraine còn phía Mỹ và phương Tây không nói ra nhưng không thể không tính đến việc bứng Putin ra khỏi quyền lực.
Nhớ lại cuộc chiến ở phía bắc Việt Nam vào năm 1979, tình trạng đối đầu chỉ kết thúc và mở lại biên giới vào năm 1991, tức sau 12 năm. Cuộc kháng chiến chống Indonesia xâm lược của người dân Đông Timor còn lâu hơn từ 1975 đến 1999, kéo dài 22 năm. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi “thủ phạm” chính của chiến tranh là Đặng Tiểu Bình và Suharto rời bỏ quyền lực.
Với cách lập luận như vậy, chiến tranh tại Ukraine sẽ kết thúc khi Putin rời ghế và điều này có lẽ chúng ta phải chờ đợi một sự đột biến và không nhanh được.
Không chỉ chiến tranh, năm 2022 cũng là năm hành tinh này này chịu đựng nhiều thiên tai như hạn hán ở Châu Phi, nóng kỷ lục ở châu Âu và hiện nay thì bão tuyết đang hành hoành tại Mỹ và Canada.
Năm 2022 cũng ghi nhận World cup bóng đá lần đầu tiên trong gần 100 năm được tổ chức “trái mùa” khi nó diễn ra vào mùa đông chứ không phải mùa hè như thường lệ. Đội đoạt quốc vô địch đến từ quốc gia đang sống dở chết dở với nạn lạm phát lên đến 100%, đó là Argentina.
Hồi xưa Lenin đã từng cho rằng nên xóa bỏ tiền tệ vì chắc ông biết trước rằng các chính phủ rất ưa in thêm tiền như một cách làm lạm quyền và móc túi người dân. Vòng xoáy là đây: với lý do Covid, các chính phủ vung tiền cứu trợ, sẽ làm thâm hụt ngân sách và in thêm tiền. Nhiều tiền quá sẽ dẫn tới lạm phát và để kiềm chế lạm phát thì phải tăng lãi suất. Lãi suất cao sẽ gây trì trệ sản xuất kinh doanh và tạo ra nạn thất nghiệp. Để trợ cấp thất nghiệp thì một lại có một chu kỳ phát hành tiền tái diễn...
Lãi suất đã tăng cao khắp nơi và sẽ tiếp tục tăng nữa. Riêng tại Úc lãi suất cơ bản hiện tại 3.1% còn khá thấp so với các nước đang phát triển nên vẫn còn “room” để gia tăng. Mọi người cũng không cần quá lo cho thị trường nhà đất vì tỉ lệ lãi suất cố định của Úc chỉ có 35%, so với 55% bên New Zealand và 90% của Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp tại Úc cũng đang thấp kỷ lục ở mức 3.4%.
Trong bối cảnh ”bầu trời thế giới u ám” thì Việt Nam cũng là một điểm sáng khác. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 lên đến 8%, cao hơn nhiều so với mức chung toàn cầu. Tuy nhiên, không hiểu tại sao vào mấy tháng cuối năm trong nước lại thiếu vắng đơn hàng nước ngoài; trong khi các nước như Bangladesh vẫn có đơn hàng may mặc rất dồi dào?
Trong cuốn “Câu chuyện Việt Nam: ước vọng của cha” đang gây xôn xao trên mạng của tác giả Mai Lan, một người sinh ra và lớn lên tại hải ngoại nhưng am hiểu rất sâu sắc về tình hình Việt Nam, anh cho rằng Kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phát triển tốt trong trung hạn vì đất nước còn nghèo, mức xuất phát vẫn thấp. Cũng có thể hiểu khi đại bàng chuyển ổ khỏi Trung Quốc thì chúng vẫn phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu và có thể cả nhân công từ đại lục và do đó rời sang Việt Nam là thuận tiện nhất. Nhận định về ‘trung hạn” của Mai Lan vào năm 2020, do đó thời gian cũng không còn nhiều.
Mỗi Giáng sinh và năm mới là dịp tiêu dùng lớn nhất trong năm và tiêu dùng là động lực dẫn dắt hàng hóa và dịch vụ, mang lại tăng trưởng kinh tế. Những số liệu sơ khởi cho thấy doanh số bán ra trong mùa tiêu tiền năm nay khá thấp, có thể dự đoán triển vọng 2023 không hề sáng sủa, như theo số liệu của IMF.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét