Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

THÍCH HỌC TOÁN




Về Việt Nam đợt này mình thích thú được lục lại hai “báu vật” đó là Giấy khen Giải khuyến khích toán lớp 7, Quận Ba Đình và Giấy khen Giải Ba toán lớp 12, Thành phố Hà Nội. Chắc các bạn cũ của mình đều không nhớ những việc này và đây chính là điều ấm ức của mình mấy chục năm nay.

Đối với các học sinh chuyên toán, mấy giải như thế là những chuyện nhỏ, nhưng ở các trường thường thì lại là thành tích rất hiếm, không phải năm nào cũng có. Vậy mà mình đã được trao giấy khen một cách dấm dúi, không tuyên dương, quà cáp gì cả.

Sinh nghề tử nghiệp, khi thi đại học, mình thiếu nửa điểm đi Tây, lỗi lại do môn toán. Trong các bài thi thử, điểm toán của mình thường ổn định ở điểm 9, nhưng thi thật chỉ có 6,5.

Cây vợt Biorn Borg sau khi thua liền 4 trận chung kết ở giải US mở rộng đã đập nát vợt và giải nghệ ở tuổi 26. Với hai uất hận này, mình đã từ bỏ không học toán nữa khi vào đại học. Vì thế, mình đã bị trượt kiểm tra một môn toán. Đến môn Xác suất thống kê, lớp có hai điểm 9 và mình là một trong hai người được điểm đó. Học thế để phục thù cho bài trượt chứ lúc đó mình đã tắt lửa lòng với môn toán rồi.

Nhưng đến khi sang Úc, lại phải học toán thì mình là người giỏi nhất lớp, hơn tụi Ấn Độ và Tây, còn Thái Lan thì không thèm chấp, mình lấy điểm high distinction. Bây giờ già rồi, mình vẫn có thể dậy toán cho các cháu. Dù có bằng master Úc nhưng từ vựng tiếng Anh của mình chỉ bằng 1/3, ¼ của con gái, nhưng chúng không thể coi thường bố được vì toán lớp 7, 8 selective thì bố cháu vẫn giải bình thường.

Con cái của quí vị có thể thích chơi games, chơi đá bóng, thích đờn ca sáo nhị, nhưng có vẻ buồn cười nếu bảo chúng thích học hành. Khủng khiếp hơn, việc thích học lại là thích một môn khó nhằn nhất là môn toán. Nhưng đối với bản thân mình và một số bạn bè cùng lứa khi xưa, toán học không chỉ là sự thích thú mà còn từng là say mê, đam mê tột bậc.

Ai đã từng mê toán thì thấy những hứng thú khác chẳng có nghĩa lý gì. Những lúc chuẩn bị thi qua các vòng học sinh giỏi toán, mình giải toán mỗi ngày 10-15 giờ và liên tục như thế trong vài tháng. Dì mình là Biên tập viên sách toán nên mình có rất nhiều sách toán để làm một cách say sưa. Nhiều lần mình đã tìm ra lời giải trong giấc mơ. Nằm ngủ nghĩ đến toán là một cách tìm ra lời giải rất hiệu quả vì khi đó hướng suy nghĩ sẽ khác đi.

Mình tự nhận đủ trình độ để học chuyên toán nhưng rất tiếc là không được học. Mình có tật nói lắp nên điểm tập đọc thấp, điểm thủ công cũng thấp vì chân tay vụng về. Tính điểm trung bình cộng thành ra kém hơn, nên mình không được cử đi thi học sinh giỏi toán. Những bạn được đi thi, sau này có bạn được vào chuyên toán, mặc dù trong bụng nghĩ nó chẳng hơn gì mình. Đến tận lớp 7 mình mới lần đầu tiên được đi thi học sinh giỏi toán, nhưng chưa bao giờ đăng ký và đi thi tuyển vào lớp chuyên toán chứ không phải thi trượt. Cũng không sao, em trai mình và hai cháu trai đều từng học chuyên toán.

Kể lể những trải nghiệm và cảm xúc như vậy, mình không có ý cho rằng những người không giống mình là sai hay dốt.

Mình để ý một điều, những người giỏi toán thì quá nửa là dốt ngoại ngữ; ngược lại những người giỏi ngoại ngữ thường dốt toán. Thực tế, người giỏi tiếng Anh lại gặt hái nhiều lợi ích và thành công hơn, mặc dù vẫn có nhiều tỉ phú Việt, Tàu, Hàn, Nhật rất kém tiếng Anh. Mỗi người một thiên hướng do cấu tạo của bộ não khác nhau, như cháu Sissy nhà mình có thể nhớ được 140 số thập phân “pi”, đó là cái không thể chỉ do thích hay “cố gắng” mà có được.

Để ý nữa, các Tiến sĩ toán học thường xưng danh đầy đủ còn các vị GSTS (Gà Sống Thiến Sót) các thể loại khác như GSTS Xây dựng Đảng, vân vân thì thường dấu đuôi đi. Điều đó cho thấy tâm lý người Việt vẫn phục người giỏi toán và toán học vẫn là một đam mê và điều đáng hãnh diện.

Ảnh: Giấy khen Giải Ba toán lớp 12 cho Đặng Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét