Sinh nhật của mình vào tháng 6. Cũng bình thường thôi, Trump và Tập đều sinh vào tháng này. Quê mình ở Nam đàn, chẳng có gì đặc biệt khi đây cũng là quê “bác”. Nói đùa vậy, mấy cái lẻ tẻ đó không phải là lý do để ái kỷ.
Từ năm ngoái, mình bỏ chế độ hiển thị ngày sinh để khỏi phải nhận những lời chúc mừng sinh nhật lặp đi lặp lại, rồi lại mất công đáp lễ, mất thời gian cho cả hai bên. Tính mình dở hơi cám hấp lắm.
Nhân dịp này, mình viết về hai người thân sinh quá cố, những điều có lẽ chỉ mình mới biết.
Bố mình sinh ở Vinh, sau khi ông bà nội chuyển ra từ quê gốc từ Nam Đàn. Ông nội là người có học, đỗ đạt và được bổ làm quan tại Quảng Trị. Ông mất khá sớm nên bác mình, bố mình và chú mình đều lần lượt đi theo “cách mạng”.
Bác mình mất năm 21 tuổi, đáng lẽ phải được công nhận liệt sĩ. Bố mình vào Đảng năm 18 tuổi. Có lẽ đó là lý do, mặc dù hiếu học nhưng vẫn bỏ tất cả để lên chiến khu Tây Bắc, thậm chí còn đi bộ mất cả tháng để đến địa bàn xa nhất là Lai Châu (tức tỉnh Lai Châu và tỉnh Điên Biên ngày nay).
Hồi đó người Kinh trên Tây Bắc rất hiếm, còn đồng bào dân tộc thì không nói được tiếng Kinh. Vì thế trong 8 năm sống với người Thái, bố mình nói được tiếng Thái trôi chảy. Người Mèo (giờ gọi là H’Mông) sống trên núi cao nên ít giao tiếp hơn, nhưng bố vẫn nói được chút ít tiếng Mèo.
Bố làm ngoại khoa, là cây mổ chính, nếu không muốn nói là duy nhất của cả vùng. Sau biến cố Điện Biên Phủ tháng 5/1954, chính quyền mới của tỉnh Lai Châu được thiết lập. Bố được bổ nhiệm làm Trưởng ty Y tế (tức Giám đốc Sở).
Sau chiến tranh, bố mình vẫn nhiều lần suýt mất mạng vì “Phỉ”. Phỉ là các tổ chức vũ trang của người dân tộc chống lại sự cai trị của người Kinh. Bố được phát súng để tự vệ và hình ảnh của bố là một người, một ngựa, một súng giữa các bản làng mênh mông.
Khu tự trị Hoa Nùng có từ thời Pháp thuộc, đến thời Quốc trưởng Bảo Đại (1949-1954) được đổi tên thành Khu tự trị Hải Ninh. Bà ngoại mình sinh ra và lớn lên ở Móng Cái, thủ phủ Hải Ninh và đã rời đi Hà Nội từ thập niên 1930.
Năm 1955, do đa số người Hoa Nùng chạy vào miền Nam, Hải Ninh mất quy chế tự trị, trở thành tỉnh Hải Ninh, đến năm 1962, Hải Ninh bị chia cắt để nhập vào tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Cao Bằng.
Cùng năm 1955, khu tự trị Thái Mèo (sau đổi thành khu tự trị Tây Bắc) được thành lập, tiếp theo là khu tự trị Việt Bắc vào 1956. Đến 1975, chế độ tự trị của cả hai khu đều bị bãi bỏ để phân chia theo mô hình tỉnh.
Việc thành lập khu tự trị Thái Mèo đã xóa bỏ đơn vị hành chính của ba tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ (tỉnh Nghĩa Lộ đã mất tên, chính là phần lớn diện tích của Yên Bái và Lào Cai ngày nay). Bố không còn là Trưởng ty nữa và chuyển sang làm Hiệu trưởng trường Y khoa khu tự trị. Thầy Hiệu trưởng rất trẻ, còn độc thân vẫn thường lên huấn thị học viên bằng tiếng Thái.
Nếu bố ở lại thì sẽ lên to, nhưng chắc bố không coi chuyện đó là quan trọng. Năm 1959, bố về Hà Nội, kết thúc 8 năm phiêu lưu ở núi rừng Tây Bắc.
Năm 1960, bố gặp mẹ lần đầu gặp gỡ tại nhà một người bạn của mẹ là cô Thục Anh. Cô Thục Anh là con gái ông Chu Bá Phượng, Tổng thư ký Quốc dân đảng và Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ liên hiệp 1946, người ta cho rằng ông bị thủ tiêu. Cô Thục Anh qua đời sau bố và mất trước mẹ.
Lúc đó mẹ là sinh viên Đại học Sư phạm. Vào cuối thập niên 1950, được nhận vào trường Trung cấp đã mừng, còn vào được Đại học là chuyện khá “kỳ lạ”. Về học lực, mẹ mình học không giỏi như hai dì nhưng cũng đủ thi một lần là đỗ.
Nhưng còn một yếu tố nữa là không vướng lý lịch, và đó là điều không hề đơn giản. Ông ngoại mình phải nhờ một người bạn cũ là ông Trần Huy Liệu giúp thì mẹ mình mới được vào Đại học.
Năm 1961, khi mới học hết năm thứ hai, do thiếu giáo viên, mẹ mình và các bạn cùng khóa đã viết “đơn tình nguyện”. Căn cứ vào đó, mẹ được phân công đi dạy học ở nông thôn.
Năm 1962, sau khi đón bà nội và cô từ Vinh ra Hà Nội, bố đi học trên đại học tại Đức và đi miết đến tận năm 1970, chỉ về nước một lần để làm đám cưới. Thời xưa, một người chưa có bằng đại học đi Nghiên cứu sinh là chuyện bình thường, cũng như rất nhiều người chưa học hết phổ thông, nhưng là “cốt cán” thì vẫn học đại học.
Mới là sinh viên được hai năm, mẹ chưa hề sẵn sàng để đi làm giáo viên. Những buổi đầu lên lớp vô cùng căng thẳng. Khi tiếng trống vang lên báo hiệu tiết học kết thúc, bước ra khỏi lớp là hai hàng nước mắt tuôn ra.
Từ một cô gái Hà Nội con nhà giàu, mẹ đã hoàn thành biến thành gái quê. Được Trời cho cái sức khỏe, mẹ gánh nước rất giỏi, cũng đi cấy đi cầy, “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời”, chỉ có điều sợ đỉa. Đáng lẽ bị đỉa cắn 1, 2, 3 lần thì sợ là đúng, chứ bị cắn thường xuyên thì còn gì nữa mà sợ?
Trong 12 năm, ngoài việc dạy học và đồng áng, mẹ đẻ ra ba đứa con là ba anh em mình. Mẹ phải chuyển địa bàn nhiều lần, tình cờ, lúc đẻ mình thì dạy học ở Thường Tín là quê ông ngoại và cũng là quê của vợ mình sau này.
Mình cảm thấy may mắn được đầu thai làm con của bố mẹ. Về tinh thần, mình ít bị đánh mắng so với nhưng đứa trẻ cùng lứa. Về vật chất lại là phần hơn vì từ khi lọt lòng, mình đã được uống sữa của Đức do bố gửi về.
Mình chẳng giống ai, chỉ giống bố mẹ. Bố đi Lai Châu 8 năm (1951-1959), mẹ đi Hà Tây 12 năm (1961-1973), còn mình đi Trung Đông 10 năm (2001-2011). Đó là những trải nghiệm vô cùng lý thú và quý giá.
Điều mình có thể hãnh diện về bố mẹ là các cụ luôn luôn thủy chung son sắt với nhau, cho dù phải sống xa nhau nhiều năm. Bố đi nước ngoài tổng cộng trên 10 năm, có lúc về nước thì mẹ vẫn chưa được về Hà Nội mà vẫn còn ở nông thôn.
Mẹ từng nói: “tao sống với bố mày trong như ngọc, trắng như ngà”. Bố là người quảng giao, có thành công ngoài xã hội nhưng cũng tuyệt đối không có chuyện gì khuất tất.
Đạo đức chẳng phải là cái gì ghê gớm, chỉ đơn giản là sự trung thực với bạn đời của mình. Và đó là tài sản quý, là tấm gương để con cháu noi theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét