Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Hậu Covid 19: Tương lai bất định của bóng đá thế giới

Covid 19 đã làm cho bộ môn bóng đá bị gián đoạn trong phạm vi toàn cẩu, mặc dù một số nước đã quay trở lại thi đấu, nhưng với những khán đài trống vắng hoặc gần như thế. Thực ra đây chỉ là việc chẳng đặng đừng nhằm giúp cho các đội bóng giữ được cam kết với các nhà tài trợ và bản quyền truyền hình, giữ lại được thu nhập để tránh phá sản. Đối với các Ban tổ chức thì họ tránh được các vụ kiện tụng, rắc rối pháp lý trong việc trao danh hiệu, lên xuống hạng cho các đội.
Trong lịch sử, bóng đá đã từng có hai lần bị gián đoạn, đó là Đại chiến thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Hồi đó, sự gián đoạn còn diễn ra lâu hơn, tuy nhiên lại không phải trong phạm vi toàn cầu mà chỉ gói gọn ở Châu Âu (ngoại trừ Vương quốc Anh). Bóng đá Nam Mỹ không bị ảnh hưởng vì Đại chiến không lan tới vùng này. Bóng đá Mỹ và Úc là nơi footbal được gọi là soccer chỉ mới chỉ có các câu lại bộ mà chưa có các giải vô địch quốc gia. Tình trạng tương tự  là ở châu Á và châu Phi.
Việt Nam là một trong những nơi bóng đá du nhập sớm nhất ở châu Á, trong đó Nam Kỳ, nơi có quy chế thuộc địa Pháp thì sự du nhập sớm hơn. Khi về nước năm 1939, Vua Bảo Đại, một người rất hâm mộ thể thao, mới cho phát triển bóng đá ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có giải ở tầm mức toàn quốc vào trước năm 1945, thậm chí chí làm điều đó lần đầu tiên vào năm 1980.
Sau năm 1945, bóng đá đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Người ta đã từng cho rằng, nhờ đam mê bóng đá mà loài người đã quên gây chiến tranh. Bóng đá không chỉ phát triển đỉnh cao ở Châu Âu và Nam Mỹ mà còn có bước phát triển “bề rộng”, lan tới Bắc Trung Mỹ, Châu Đại dương, Châu Á, Châu Phi. Ở các vùng đất mới, các tài năng bóng đá ngày càng nở rộ, các đội tuyển quốc gia “nhược tiểu” ngày nay đã thi đấu ngang ngửa với các cường quốc bóng đá.
Nước Anh, quê hương của bóng đá vẫn được coi là nơi có giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Các đội bóng ở đây đã đua nhau xây mới hoặc mở rộng khán đài sân vận động nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhưng người coi việc đến sân vận động vào dịp cuối tuần là một món ăn tinh thần không thể thiếu được. Các Câu lạc bộ Anh cũng đi tiên phong trong việc niêm yết thị trường chứng khoán để huy động được những nguồn vốn khổng lồ. Mạnh về tài chính, các câu lạc bộ Châu Âu đã thu hút các tài năng ở khắp nơi để đưa bóng đá thành một ngành công nghiệp giải trí hùng mạnh, có ảnh hưởng chính trị, xã hội rộng lớn.
Nhưng rồi Covid bất chợt ập đến và làm đảo lộn tất cả. Sau khi nghỉ chơi gần ba tháng, giải vô địch nước Đức đã “dũng cảm” khi quay lại những trận đấu dang dở. Thời gian nghỉ uá dài đối với các cầu thủ nhà nghề đã làm cho các khớp xương, dây chằng không được rèn lyện ở cường độ cao, điều chỉ có được khi thi đấu thường xuyên. Khi trở lại sân cỏ, chúng trở nên yếu đuối, mong manh và gây nên những sự cố rách, giãn ở các cơ khớp.
Những trận đấu không có khán giả cũng là một vấn đề, mặc dù ở một số nước khán giả vẫn được vào sân ở một tỉ lệ hạn chế. Tại Nga có quy định chỉ cho 10% khán giả vào sân. Chính phủ Anh không cho “ngoại lệ” việc cách ly 14 ngày đối với cầu thủ, đó là lý do làm cho hai cup Châu Âu chưa thể xếp lịch để quay trở lại.
Trong một cái nhìn dài hạn hơn, ông Wenger, cựu HLV Arsenal cho rằng bóng đá thế giới đang có những thay đổi lớn lao. Không chỉ Wenger, mọi người đều hiểu rằng, mọi thứ không thể như trước được nữa.
Trước hết, nguồn thu của các đội bóng sẽ bị giảm nhiều từ các cổ phiếu, nguồn bán vé của sân vận động, bán áo và đồ lưu niệm. Thu nhập từ bản quyền truyền hình và quảng cáo ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng khó ổn định.
Thứ hai, giảm thiểu năng lực tài chính, các đội bóng châu Âu không còn khả năng mua các tài năng lớn từ Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Á...như trước. Riêng đối với bóng đá Anh, việc Brexit ly khai khỏi EU cũng là đòn giáng mạnh vào việc thu hút cầu thủ giỏi từ các nước EU.
Thứ ba, các giải đấu quốc tế bị “hạn” nặng. Trong năm nay, Giải vô địch Châu Âu, Giải Olympic Tokyo dành cho đội tuyển U23 đã chính thức bị hoãn. Số phận của World cup 2022 cũng chưa rõ ràng khi mà các quốc gia Châu Âu vẫn còn de dọa tẩy chay vì giải diễn ra vào tháng 11-12.
Thứ tư là việc “ta về ta tắm ao ta”, với sự hạn chế hơn của thi đấu quốc tế, chuyển nhượng quốc tế thì khán giả sẽ tập trung vào các giải quốc nội. Một khi khán giả đến với các sân vận động sẽ không còn dễ dàng như trước thì có thể thấy xem bóng đá trên truyền hình sẽ là xu hướng.
Ngày 17/6 tới, trận đấu Manchester City với Arsenal sẽ mở màn cho việc quay trở lại của bóng đá Anh và chắc chắn đây là một trận đấu rất được mong chờ.
Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét