Ngược phía Bắc 600km, bạn sẽ đến với Coffs Habour, một địa danh với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Nhưng đừng có “quá chân” sang biên kia biên giới tiểu bang Queensland, bạn sẽ bị “nhốt” 14 ngày theo như quy định hiện hành.
Sung sướng không hẳn là khi về đích, bạn có thể “nhởn nhơ” dọc theo vùng duyên hải từ thành phố Newcastle lên Nelson bay, Taree, Port Macquarie.
Newcatstle là thành phố lớn thứ nhì của NSW, cách Sydney 200km. Trước đây, khi đến trung tâm thành phố, bạn sẽ bị đập vào mắt “big penis” là một ngọn tháp cao 40 mét. Tuy nhiên do bị “bàn tán” nhiều quá, ngọn tháp đã bị “thiến” cách đây hai năm.
Anna bay trước đây rất hoang vu, nhưng giờ là một điểm vui chơi nằm ngay ngoại ô Newcastle. Mọi người có thể chơi trượt cát (sand boarding) và cưỡi lạc đà ở đây.
Kế bên, Nelson bay có thể coi là một cái hồ lớn hình bầu dục, nơi trú ngụ của 265 “cô chú” cá heo. Nếu bạn muốn coi cá voi thì phải lên tàu đi xa hơn một chút, vượt hẳn ra ngoài biển cả.
Murray’s Brewery nằm trong quần thể du lịch của Newcastle là một nhà máy rượu vang đồng thời là nơi thử rượu. Bình thường, sức chứa ở đây là hàng trăm khách, nhưng theo quy định giãn cách Covid thì chỉ được đón 50 người.
Nếu gặp ngày không quá lạnh hoặc quá nóng thì bạn đừng ngồi trong phòng mà ra ngoài Trời, giữa cánh đồng nho trắng “thẳng cánh cò bay”, hơi bị lãng mạn. Chẳng thế, đây cũng là địa điểm tổ chức đám cưới, vừa để chụp ảnh cho các đôi tân lang ghi nhớ lại một ngày quan trọng trong cuộc đời.
Tiếp tục hành trình 100km thôi và quẹo vào trong đường quốc lộ 10km nữa, đó là Taree, một thị trấn bên bờ sông Manning. Ở đây, chắc hẳn bạn sẽ thấy những di tích còn sót lại của vụ cháy rừng hồi đầu năm. Các đội cứu hỏa đã làm việc cật lực để cứu cho thị trấn xinh đẹp không bị “bà hỏa” thiêu đốt hoàn toàn, nhưng một phần nhà cửa, cây cối cũng không kịp thoát nạn.
Port Macquarie là một thị trấn có bãi biển đẹp và nhiều di tích lịch sử lâu đời như Nhà Thờ Anh giáo được xây dựng từ thế kỷ 19.
Nếu coi Port Macqurie và Coffs Habour là hai chị em thì Port Macqurie đương nhiên là chị, có điều cô em Coffs Habour, chỉ nằm cách chị 150km đang lớn nhanh như thổi, dân số “em” đã lên đến 70,000 so với 50,000 của “chị”.
Ở Coffs Habour rất ít người Châu Á, nhưng cũng không có gì khó nếu bạn muốn thưởng thức ẩm thực Á Châu, vì có tới hai Nhà hàng Việt và một nhà hàng Thái sẵn sàng phục vụ.
Đến với Coffs Habour, hai địa điểm “bắt buộc” bạn phải ghé thăm đó là Công viên “Chuối to” (Big Banana) và Nhà Bướm (Butterfly House). The Big Banana nằm ngay trung tâm thị trấn, có thể coi là một công viên nước với rất nhiều trò chơi mạo hiểm phục vụ thanh thiếu niên. Tất nhiên, trong công viên, được trồng rất nhiều chuối, bạt ngàn như một khu rừng.
Trong khi đó Butterfly House là nơi sưu tầm các loại bướm. Đã có bướm thì phải có hoa, và đây là nơi rất tuyệt vời để bạn trổ tài nhiếp ảnh.
Vào buổi tối hay sáng sớm, bạn có thể ngồi thưởng thức cà phê ở các hàng quán bên bờ biển. Cà phê đúng kiểu Úc, thơm ngon, bổ dưỡng, chắc chắn là một lý do để bạn nhớ mãi về một chuyến đi.
Ngọc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét