Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Góc nhìn khác: Thương chiến Mỹ Trung như chưa hề diễn ra

Cơ quan NBER của Mỹ vừa chính thức xác nhận nước này lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế. Mọi người sẽ dễ dàng đổ lỗi cho Thương chiến với Trung Quốc và Covid 19. Nhưng sự thật, Thương chiến không hề liên quan đến chuyện này.
Sau ba năm rưỡi "hầm hè", nhiều người nghĩ rằng Thương chiến đang lên đỉnh. Nhưng đó chỉ là media và các miếng võ mồm là chính.
Hãy nhìn vào thực tế. Lý do gây chiến là việc thâm thủng Thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, khoảng 550 tỉ USD/ năm. Số liệu các năm 2019, 2018, 2017 cho thấy con số này chưa hề dịu đi.
Các số liệu GDP của Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt trong thời gian này với mức từ 6.1 đến 6.6%, không khác biệt so với mấy năm trước đó. Kinh tế Mỹ còn tốt hơn nữa, với các kỷ lục về chứng khoán và tăng trưởng.
Nghĩa là chiến tranh chưa xảy ra hoặc nếu có thì chưa ai sứt đầu mẻ trán!
Vào 25/1 năm nay, hai nước ký thỏa thuận Phase 1 về "đình chiến", theo đó, Mỹ không tăng thêm thuế đổi lại việc Trung Quốc mua thêm hàng Mỹ để giảm thâm hụt Thương mại.
Mức thuế Mỹ đánh thêm hiện tại có hai mức 15% và 25% đánh vào khoảng một nửa tổng trị giá hàng nhập khẩu, tạm coi là "nhẹ" và Trung Quốc chấp nhận được và thấp hơn nhiều so với mức 45% mà ông Trump đã từng "dọa" khi tranh cử.
Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD, cũng còn rất xa để cân bằng cán cân thương mại.
Khách quan mà nói, không phải chỉ riêng Trung Quốc được hưởng lợi trong mối quan hệ mậu dịch trong bốn thập kỷ qua. Mỹ và các nước cũng được hưởng rất nhiều lợi ích. Chẳng thế, các đời tổng thống Mỹ không dám đụng đến Trung Quốc, bởi vì nếu gây chuyện thì kinh tế xuống, chưa làm được gì thì đã bay ghế!
Đối với Trump, một người đã lăn lộn rất thành công trong thương trường suốt 50 năm (từ lúc 20 đến lúc 70 tuổi), ông hiểu sâu sắc, cặn kẽ những khúc mắc của các doanh nghiệp. Dưới sự lèo lái của Chính quyền Trump, không phải ngẫu nhiên mà việc làm được kiến tạo, sức mua tăng, giá cả bình ổn và tất cả các chỉ số vĩ mô khác đều rất tốt đẹp. Có thế chê Trump nhiều điểm, nhưng về điều hành kinh tế thì ông là nhất trong các đời tổng thống Mỹ.
Oái oăm, bao công sức sau ba năm nay thì mọi chuyện đã tan tành khi đại dịch Covid xảy ra. Đằng nào cũng “toang”, đây mới là lúc Tổng thống Trump cần có những hành động mạnh tay.
"Cô Vy" đã làm thay đổi tất cả mọi thứ. Cái thay đổi khủng khiếp là Mỹ và đồng minh nhận ra rằng cần phải tái cơ cấu nguồn cung ứng, tránh phụ thuộc quá mức vào hàng Trung Quốc.
Dường như người Tàu đã biết sợ viễn cảnh bị tẩy chay khi họ đang âm thầm gia tăng lượng mua hàng nông sản Mỹ. Có lẽ đây là lý do làm chứng khoán Mỹ vẫn một sắc xanh rờn, mặc cho Covid làm trên 100,000 người chết hay biểu tình bạo động "black lives matter" diễn ra khắp nơi.
Việc Trump "nói ngả nói nghiêng" cũng chỉ nhằm bắt Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện thỏa thuận Phase 1, giúp cho cơ hội tái cử của ông.
Sau khi thắng cử, quan hệ với Trung Quốc sẽ căng hơn hay Trump sẽ nối lại tình bạn với Tập Cận Bình, điều này rất khó đoán đối với tính cách của đương kim Tổng thống. Hoặc Biden lên thì lại càng khó biết. Biden từng làm Phó Tổng thống, nhưng ở Mỹ chức này khá mờ nhạt nên mọi người vẫn chưa hiểu rõ chính sách của ông.
Giả sử có chuyện Mỹ và đồng minh rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc thì nơi ưu tiên chuyển về sẽ là chính quốc. Vì các nước này giá nhân công cao, nên sẽ phải thiết lập một hàng rào thuế quan để bảo vệ và nâng đỡ sản xuất.
Bức tranh việc làm tại Mỹ, Nhật, Hàn, Úc New Zealand nhiều triển vọng trở nên khả quan. Các nước Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam... sẽ tiếp tục "lót ổ" chờ đại bàng.
Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét