Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Một góc nhìn về tháp nhu cầu Maslow

 


Làm người chỉ mong hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì thì lại được hiểu ngắn gọn là “thỏa mãn nhu cầu”. Vậy nhu cầu là gì?
Gần 80 năm trước, cụ thể là năm 1943, Maslow đưa là “tháp Maslow” để diễn tả các cấp độ của nhu cầu mà ngày nay, các nhà tâm lý học vẫn coi đây nhu một lý thuyết căn bản về nhu cầu của con người.
Ai đã học trong mái trường XHCN thì đều biết Mác cho rằng con người cần nhu cầu vật chất trước, khi thỏa mãn rồi mới cần đến tinh thần. Thật ra điều này các triết gia đi trước Mác đã nói rồi, ông chỉ nhắc lại thôi.
Tháp Maslow không phân chia hai tầng như vậy mà có đến 5 tầng, về sau có người còn sáng tạo thành 7 tầng. Nhưng thôi, mình thử đưa ra một cái nhìn về 5 tầng.
Nhu cấp thấp nhất là nhu cầu sinh lý ăn, uống, hít thở, ngủ, mặc...Khi con người phát minh ra tiền tệ thì đồng tiền có thể giải quyết được tất cả nhưng cái này.
Ngày xưa, Tào Sảng bị thua trong cuộc tranh giành quyền lực với Tư Mã Ý, đành “lùi” xuống và mong được thành một “ông già giàu”. Còn bây giờ, một ông già khác nhếch mép cười: tôi không cần tự do dân chủ, chỉ cần tiền thôi!
Đồng ý, tiền có thể mang lại cho ông ta ăn ngon, mặc đẹp, nhà lầu xe hơi, nhiều gái nữa...Mình không nghĩ người giàu có là ngu dốt, ngược lại, ít nhất họ cũng nhanh nhạy với thời cuộc để vượt lên, chiếm phần hơn.
Với ít nhiều trí tuệ như vậy, đáng lẽ họ phải suy nghĩ xa hơn một chút. Có tài sản rồi thì làm sao phải giữ được: đó là công lý, pháp luật để bảo vệ cho quyền tư hữu. Muốn vậy thì phải có đối lập chính trị, có đa nguyên, có bầu cử tự do. Và đó chính là tự do dân chủ, cũng có thể hiểu là tầng thứ hai của tháp Maslow: nhu cầu an toàn.
Không có điều này, các tỉ phú triệu phú đều có thể vào tù bất kỳ lúc nào, họ không hề an toàn, như cách Nguyễn Du từng nói: “chữ tài liền với chữ tai một vần”, tài ở đây là tiền tài.
Thực tế cho thấy không phải cứ thỏa mãn nhu cầu tầng 1 thì sẽ đòi hòi nhu cầu tầng 2. Nó còn phụ thuộc nguồn gốc xuất thân và chế độ giáo dục của mỗi người nữa. Người hậu duệ của bần cố nông, 3-4 đời đi ở mà bắt được một đống tiền thì chắc chắn phải choáng. Với đa số những người như họ, tiền là lẽ sống, là bầu trời, không còn nhìn thấy cái gì khác.
Khi bạn đã có đủ vật chất và sự an toàn, theo Maslow, sẽ phát sinh nhu cầu tình bạn, tình yêu, cảm xúc lãng mạn yêu đời, yêu người. Bạn sẽ có hứng thú ngao du, kết bạn, trò chuyện...thật là tao nhã và phong lưu. Chắc không có nhiều người trong số chúng ta đạt đến trình độ tầng 3 thế này.
Tiếp theo, ở tầng 4 là nhu cầu được kính trọng, ngưỡng mộ. Chắc chắn, phải là những nhân tài thực sự mới có thể làm được và mới dám có những nhu cầu này.
Tầng cao nhất, tầng 5 là nhu cầu thể hiện sự thăng hoa trí tuệ, làm những điều phi thường để lưu danh sử sách. Đây chỉ có thể là những vĩ nhân và rất hiếm hoi.
Bạn có hạnh phúc không? Rất nhiều tạp chí vớ va vớ vẩn đã làm các cuộc thăm dò. Nếu gặp các đối tượng ở tầng 1 thì con số hạnh phúc dễ dàng đạt tỉ lệ 100% hoặc 99%. Tuy nhiên, khi khảo sát ở các xã hội tiên tiến, những người hướng tới những giá trị cao cấp và vẫn chưa thành công thì tỉ lệ hạnh phúc sẽ rất thấp.
Bởi vậy, các cụ có câu “ngu si hưởng thái bình”. Còn những người tham vọng, có tầm nhìn lớn không chỉ lo cho bản thân, gia đình mà muốn làm điều gì đó cho cộng đồng, cho mọi người thì lại lao tâm khổ tứ.
Tầng Nhu cầu mỗi người khác nhau, do đó quan niệm về hạnh phúc cũng khác nhau.
Ps. Góc nhìn này chủ yếu nhắm vào những người quá chú trọng vật chất, tiền bạc mà quên đi những nhu cầu khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét