Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Đôi điều với tân Bộ trưởng công thương


 

Vậy là anh Diên đã chính thức trở thành Bộ trưởng Công thương. Hơi buồn, anh là người mà quốc hội phê chuẩn ghế Bộ trưởng với tỉ lệ phiếu áp chót và có đến 59 đại biểu không bỏ phiếu cho anh Diên.
Có lẽ các đại biểu “lăn tăn” về cái bằng Cử nhân sử của anh. Thật ra sử là một môn học thú vị nhưng nhiều người lại thành kiến mà quên rằng Cử nhân sử còn có thể làm được cả chức to hơn như chị Mai là Trưởng ban Tổ chức TW.
Nhớ lại hồi năm 1985, do thất bại về cải cách Giá Lương Tiền, ông Tố Hữu, PCT thường trực Hội đồng bộ trưởng đã bị bãi nhiệm. Lúc đó có người nói, sao lại để nhà thơ đi làm kinh tế. Ý kiến bênh vực thì cho rằng, ông Tố Hữu biết làm thơ, còn hơn người khác chẳng biết làm gì!
Nguyễn Huy Thiệp, một cử nhân sử khác từng nói “khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức”.
Bên Úc có đến 5 bộ trưởng không có bằng đại học, không có ai là tiến sĩ, trong khi anh Diên có vài chiếc các loại, trong đó có một cái tiến sĩ. Mình nghĩ không nên lấn cấn chuyện bằng cấp mà nên nhìn vào thực tế công việc. Anh Diên đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc, “chắc phải thế nào” mới được bổ nhiệm chứ.
Trong buổi lễ nhận chức hôm qua, anh Diên đã tỏ ra khiêm tốn khi nói rằng: “không có bộ trưởng nào giỏi mọi lĩnh vực, tôi cũng không phải ngoại lệ”. Đúng quá, không riêng gì Bộ trưởng mà chẳng có bất kỳ ai giỏi mọi thứ, giỏi vài ba lĩnh vực thì có.
Hôm nay, trong hội nghị cán bộ công chức, anh Diên lại nhấn mạnh đến việc phân cấp phân quyền. Điều này cũng phù hợp với tình hình mới. Trước đây, thời anh Hoàng có lúc đó đến 10 thứ trưởng, thời anh Tuấn Anh có 6. Bây giờ chỉ còn 4 thứ trưởng.
Một vị bộ thứ trưởng từng than rằng, có ngày phải ký hàng trăm văn bản. Cơ chế như thế đẩy các vị lãnh đạo bộ thành những người quan liêu vì nhiều văn bản như thế làm sao đủ sức nắm bắt hết. Lối thoát bắt buộc là phải phân cấp, việc của Vụ Cục thì Vụ Cục phải giải quyết, không đẩy lên Bộ.
Với tư cách là một người đã từng dây mơ rễ má trong ngành công thương, mình mạo muội bàn thêm vài vấn đề nữa.
Thứ nhất về tổ chức và nhân sự. Biên chế hiện nay quá đông nhưng sẽ không thực tế để giảm xuống một cách đáng kể. Tuy nhiên có nhiều cơ quan rõ ràng không nên nằm trong bộ như 10 viện nghiên cứu, 31 trường, nhiều cơ quan xuất bản, tạp chí báo. Nếu chuyên nghiệp hóa như các nước thì các bộ không bao giờ làm “chủ quản” các cơ quan này.
Đây là những đơn vị có thu nhưng vẫn sống chủ yếu bằng ngân sách. Mà ngân sách nào chịu nổi với những bộ máy cồng kềnh như vậy. Cửa sống của các viên chức là dựa vào hơi nhà nước để nhũng nhiễu các doanh nghiệp, gây mất uy tín.
Đương nhiên, đây là vấn đề của “hệ thống”, cá nhân bộ trưởng không đủ thẩm quyền để thay đổi. Tuy nhiên, bộ trưởng có thể giảm thiểu một phần tình trạng ôm đồm khi giải thể hoặc sắp nhập bớt.
Thứ hai, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần có các biện pháp mang tính đột phá đổi mới các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại. Xưa nay chỉ tiêu thi đua là doanh số nhưng lợi nhuận mới là mục đích và thước đo hiệu quả. Điều này đã được bàn nhưng dường như chưa có chuyển biến?
Do chạy theo thành tích doanh số, hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh dần dần cụt hết vốn lưu động, chỉ còn lại các các tài sản cố định và phải mang chúng ra cầm cố ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, tài sản cũng mất nốt và dẫn tới phá sản.
Trong kinh tế thị trường, lợi nhuận mới là động lực là yếu tố giữ cho sự phát triển bền vững lâu dài. Đây là vấn đề hệ trọng về lý luận và thực tiễn, cần nhiều quyết tâm và dũng cảm mới thay đổi được.
Thứ ba, dường như chúng ta đang ngây ngất và ngủ quên với việc kim ngạch xuất khẩu lên cao kỳ lục mà quên rằng gần 80% số đó có nguồn gốc từ đầu tư nước ngoài FDI. Trong hơn 20% thuần Việt thì lại chủ yếu là hàng thô như dầu thô, khoáng sản thô, nông sản thô.
Thực sự đây là điều nhức nhối và rất cần suy nghĩ về hàng xuất khẩu mũi nhọn và có hàm lượng tri thức kết tinh cao. Mình cảm thấy hãi hùng khi báo chí kêu gọi xuất khẩu phần mềm. Thế mạnh của Việt Nam không phải là công nghệ cao hay công nghiệp nặng.
Ngay như Trung Quốc cũng chưa xuất khẩu được nhiều về công nghệ cao, thậm chí họ không mạnh về ngôn ngữ máy tính như Ấn Độ. Trung Quốc cũng không ưu thế về xuất khẩu máy bay hay ô tô nhưng chỉ bằng công nghiệp hàng tiêu dùng đã đủ chinh phục thế giới.
Hàng hóa của Việt Nam đang bị chèn ép, cạnh tranh không bình đẳng ngay trên sân nhà vì hàng ngoại nhập được trợ giá. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại, nên chăng chúng ta phải xem xét lại, phải cấm hoặc đánh thuế cao đối với những mặt hàng mà trong nước đang phát triển sản xuất.
Việt Nam đã có nhà máy lọc dầu, do đó có nguyên liệu cho sản xuất đồ nhựa, vậy nên có biện pháp bảo vệ cho ngành hàng này. Cũng nên tính đến các mặt hàng công nghiệp nhẹ khác có khả năng lại lợi nhuận tốt như rượu bia đồ uống, thuốc lá, trái cây chế biến, cà phê hòa tan, vật liệu xây dựng...
Thứ tư, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn nhất của bộ, đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm của thế giới. Nếu bộ trưởng kêu gọi sự giúp sức của kiều bào thì không thiếu người đòi về nhưng đó là những kẻ thất nghiệp và chưa thành công, còn những người có việc làm ổn định, con cái đang học hành tử tế thì họ sẽ nói không.
Vì thế hãy quên đi nguồn lực từ nước ngoài. Nhưng không sao, Bộ công thương có 51 thương vụ ở các nước, nhiều hơn bất kỳ bộ ngành nào khác, ngoại trừ cơ quan đại diện ngoại giao.
Xưa nay, công việc chiếm nhiều thời gian của các thương vụ là hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều này nên xem lại. Trên thực tế, những doanh nghiệp lớn, đội ngũ nhân lực có trình độ thì họ không cần gì các thương vụ, mà chỉ các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập thì mới hay nhờ vả.
Trước đây, có một số ít các doanh nghiệp được quyền làm ngoại thương thì nay lại chạy sang thái cực khác, đó là “mở toang” tất cả đều được xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, các doanh nghiệp Việt Nam dẫm chân lên nhau và đứng về góc độ vĩ mô là không có lợi.
Vì thế việc “hỗ trợ doanh nghiệp” sao cho hợp lý, nên chăng chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin mà không nên làm các việc như giới thiệu đối tác, ký hợp đồng. Nếu vì mối quan hệ để cả nể giới thiệu cho các công ty ngoại những doanh nghiệp không tiêu biểu và không xứng đáng của Việt Nam thì đó là việc làm lợi bất cập hại.
Khi thoát ra khỏi các công việc sự vụ, anh em tham tán và cộng sự có thể tập trung thời gian vào việc nghiên cứu thị trường, chính sách của nước sở tại. Nguồn thông tin từ bên ngoài rất phong phú, thiết thực, không có trên mạng internet, đó là thông tin cập nhật từ các cơ quan hải quan, cảng khẩu, chợ đầu mối, các thư viện, các sự kiện hội nghị hội thảo...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét