Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Trao đổi: Thiết lập công cụ ứng xử với con cái

 

Trước đây những người làm cha làm mẹ không cần tìm công cụ nào cả vì nó đã có sẵn, đúng là gọi là “vũ khí”: đó là cái roi. “Mày không nghe lời tao thì tao đánh cho mày chết”, đó là cách dạy con của hàng trăm năm hay hàng ngàn năm, bên phương Đông cũng như phương Tây.
Thời xưa, người dân phải đầu tắt mặt tối lo miếng ăn đút vào mồm, hơi đâu mà lo dạy con (tức là mất dậy). Sinh ra mười đứa mà nuôi được bẩy đứa là mừng rồi. Trời sinh voi thì trời sinh cỏ, từ tấm bé đã phải lo đi mót lúa hoặc đi đánh rậm chứ nhiều khi cha mẹ nuôi không nổi.
Trong các gia đình phong lưu mới có cái gọi là “gia giáo nề nếp”, phú quý sinh lễ nghĩa, khi có của ăn của để và có thời gian thì mới lo đến chuyện dậy con. Có điều công cụ truyền thống vẫn là cái roi.
Điều rất “buồn” là bây giờ chúng ta không được phép đánh trẻ em với bất kỳ lý do gì. Thế hế hệ con cháu sẽ sống một cuộc sống khác hẳn với chúng ta. Trong kỷ nguyên AI, không chỉ chỉ là cuộc cạnh tranh người với người mà là cuộc cạnh tranh việc làm giữa người với người máy, cùng lúc hàng loạt ngành nghề đang mất đi là vô số ngành nghề mới ra đời.
Bên cạnh sự phát triển của kỹ thuật là mối quan hệ xã hội cũng thay đổi, con người cần được tôn trọng và bảo vệ về thân thể, tài sản và danh dự, mọi người đều có quyền bình đẳng, không được phép áp đặt, áp bức.
Về mặt pháp lý, cha mẹ có quyền hạn và trách nhiệm chăm sóc con, nhưng thực sự là mình cảm thấy rất lúng túng không biết ứng xử với con cái ra sao. Rất nhiều việc bảo chúng không nghe, rất bực bội, đôi khi phải tự hỏi mình có gì sai không?
Không, những điều mình nói đều đúng đấy chứ: mùa lạnh phải mặc ấm, nếu không sẽ bị ốm. Cần tập luyện thể dục thể thao cho khỏe mạnh. Không nên thức khuya hoặc dùng đồ điện tử quá nhiều. Mẹ cháu còn nhắc con gái thì nên ăn mặc kín đáo, lịch sự. Những điều đó có cần thiết không và liệu có lỗi thời không?
Cứ như ngày xưa, đánh cho một trận là giải quyết tất cả nhanh gọn, nhưng bao giờ cho đến ngày xưa...
Mình để ý một điều là trẻ em châu Á sinh trưởng ở xã hội phương Tây như xã hội Úc có khuynh hướng xung đột với cha mẹ nhiều hơn so với việc nếu chúng sống ở Việt Nam, hoặc so với các gia đình người Tây. Cũng dễ hiểu, trẻ tân thời không thể chấp nhận lối giáo dục khắc nghiệt cũ kỹ và vì thế khi chúng lớn thì dễ xa lánh cha mẹ.
Lại phải khen Tây, cái gì họ cũng hơn và luôn luôn đi trước chúng ta. Hồi trước mình đi cháu đến một nhà bạn Tây chơi thì mới biết nhà bạn có luật không được dùng ipad, iphone sau 6 giờ chiều. Có lẽ đó là lý do tại sao trẻ con tây không bị cận thị nhiều như trẻ con Việt Nam.
Mình đọc sách, họ khuyên nên thiết lập rules, và đó là cơ sở để hướng con mình vào nề nếp kỷ luật. Sẽ có người nghĩ rằng chúng ta đưa ra quy định rồi bắt con thực hiện? Xin thưa, nếu thế thì không phải là luật mà là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Rules nghĩa là các bên cùng tham gia thảo luận để đi đến khế ước với nhau. Thế hệ mình không có tư duy pháp lý, nhưng bọn trẻ thì khác, đối với chúng “by the laws”, cha mẹ có quyền khi con chưa đủ 18 tuổi là một cách nói để chúng phải chấp nhận các điều khoản thỏa thuận. Mục đích của luật không phải để trừng phạt mà là giáo dục, làm sao để bọn trẻ từng bước tự giác và sống có trách nhiệm.
Tụi trẻ thừa sức hiểu những điều cha mẹ nói là đúng nhưng chúng không nghe vì muốn thể hiện cái tôi. Một bản thỏa thuận bằng miệng hoặc viết giấy là một giải pháp giữ thể diện cho cả hai mà không bên nào cảm thấy "thiệt thòi".
Chẳng hạn, mỗi năm vào dịp sinh nhật hay năm mới thì “rules” sẽ được đưa ra bàn thảo và sửa đổi theo hướng “con lớn rồi thì việc này con được tự ý quyết”.
Cái khó nữa là làm sao chúng ta có cơ hội nói chuyện với chúng nó? Mình thì nghĩ là vào dịp bữa ăn tối, đó là cơ hội có thể coi là duy nhất trong ngày, mọi người cần dành thời gian và ngồi đúng giờ với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét