Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Chuyện Tây nguyên, Tây bắc và giải pháp

 


Mình đã có ba lần đến với Tây nguyên. Lần đầu năm 1993 đến Đà Lạt với trải nghiệm không ngờ khi gặp thời tiết lạnh quá, cuống cả lên để đi tìm mua quần áo ấm.
Năm 2003, mình đến Tây nguyên hai lần. Vào tháng 6 đến Play Cu tình cờ vào lúc mới xảy ra cuộc bạo loạn còn lớn hơn cuộc tấn công vào hai trụ sở công an tuần trước. Vào cuối năm, sau đám cưới tụi mình tuần trăng mật ở miền Nam, ghé chơi nhà bác vợ ở Bảo Lộc hai đêm.
Đến Tây nguyên nhưng toàn ở thành phố, chưa đến các buôn làng nên chưa hiểu gì về vùng đất này. Điều kỳ lạ, vùng dân tộc thiểu số mà mình lại chủ yếu gặp những người nói giọng Nghệ An, thực sự người khu tư vào đây khá đông.
Bố mình mới là người có nhiều gắn bó với Tây bắc và khi bố ở đây (1951-1959) thì rất ít người Kinh, hầu hết là người Thái và người Mèo. Khi mới 22 tuổi, bố mình đã được bổ nhiệm làm Trưởng ty Y tế Lai Châu, tương đương với Giám đốc Sở bây giờ.
Nhưng sau đó tỉnh Lai Châu bị giải thể để thành lập Khu Tư trị Thái Mèo, sau đổi tên là Khu tự trị Tây Bắc, bố mình làm Hiệu trưởng Trường Y khoa khu tự trị. Vì sống chung với người Thái lâu năm và ham học hỏi, bố mình nói tiếng Thái khá tốt, thậm chí có thể dùng tiếng Thái để “huấn thị” với các học viên. Có lẽ đến tận bây giờ cũng rất hiếm người Kinh dùng được tiếng Thái như bố mình.
Khu tự trị Tây Bắc nằm kế bên Khu tự trị Choang và Trung Quốc vận động bà con thiểu số để sáp nhập hai khu tự trị. “Các cụ” hoảng quá nên lại phải xóa khu tự trị và tách trở lại thành tỉnh.
Theo lời bố kể mà mình còn nhớ, cuộc sống hoang dã hồi đó rất nguy hiểm, đi đâu cũng phải mang súng theo và bố đã nhiều lần suýt chết vì “Phỉ”. “Phỉ” là những nhóm người thiểu số có vũ trang, sống trong rừng sâu và luôn tìm cách tấn công người Kinh.
Đến năm 1976, trong lần đầu đi vào Nam bằng xe hơi qua đoạn Trung phần gần Tây nguyên cũng bị Fulro đe dọa. Bố mình được phát một khẩu súng lục. Sau chuyến đi, không ai thu hồi và lúc phát súng cũng chẳng có giấy tờ gì nên bố cứ thế giữ lại.
Về sau bố mình được lên chức, cấp bậc của bố được phát súng, vì thế bố có hai khẩu, đến khi về hưu mới trả lại cả hai.
====0===
Bản đồ bên dưới là lãnh thổ nước Đại Nam trước khi có Thực dân Pháp, phần màu hồng là hai vùng lãnh thổ tự trị, vua không bổ nhiệm quan cai trị mà các tù trưởng địa phương tự quản. Khi Pháp vào đã thành lập Liên bang Đông dương theo đó cắt bớt một phần lãnh thổ Việt cho Lào và Campuchia, đồng thời sáp nhập các vùng tự trị vào Việt Nam.
Theo số liệu hiện nay, dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng dân số, rơi vào khoảng 15 triệu người, một con số không nhỏ. Người thiểu số tại Việt Nam có hai vùng chính: vùng Tây Bắc là các sắc dân có nguồn gốc “Bách Việt”, đông nhất là Thái, Mèo, Tày. Ở Tây nguyên, bà con ta đông nhất là Gia Lai, Ê đê...gần gũi và chủng tộc và ngôn ngữ với người “Nam đảo” như người đảo Torres Stait của Úc.
Một thực tế là các dấu tích và tập quán sinh hoạt của người thiểu số đang bị mai một nghiêm trọng. Người thiểu số ngày nay phải nói tiếng Kinh và quên dần đi ngôn ngữ của họ. Về đất đai, người dân tộc đang bị mất dần đi các mảnh đất cội nguồn của cha ông họ và người Kinh đã tràn vào và trở thành người đa số trong các khu vực tự trị trước đây như Tây nguyên hay Tây bắc. Trong quá khứ, từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp, thời Việt Nam cộng hòa và thời XHCN đều có những cuộc nổi dậy chống lại người Kinh.
Ở các nước, chuyện xung đột sắc tộc cũng khá phổ biến, thậm chí còn nghiêm trọng hơn Việt Nam. Vấn đề ở chỗ các nước lớn rất ưa sử dụng con bài sắc tộc để mà cả, đổi chác và can thiệp vào các quốc gia. Họ cung cấp tài chính, vũ khí và huấn luyện cho các sắc dân thiểu số để họ chống lại chính phủ trung ương.
Thực tế là nhiều nước Châu Phi đang có rất nhiều các vùng cát cứ đặt dưới sự quản lý của các nhóm phiến loạn có vũ trang.
Để giải quyết vấn đề sắc tộc một cách lâu dài, công bằng, nhân văn và hòa bình phải chăng chúng ta nên có chính sách tôn trọng văn hóa truyền thống, đặc biệt là quyền sở hữu đất đai của người thiểu số.
Nguyện vọng tự trị cũng phải được coi là chính đáng và đó cũng là cách hầu hết các nước, kể cả Trung Quốc hay Nga vẫn còn duy trì đối với các cộng đồng thiểu số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét