Hai cháu nhà mình đang học lớp 12 và 11, chưa đến lúc kén rể nhưng là lúc chọn nghề được rồi. Các cháu lớn rồi, ăn gì mặc gì, đầu tóc giày dép thế nào mình không quan tâm nữa nhưng nghề nghiệp là chuyện lớn thì mình rất muốn can thiệp.
Hôm rồi, mình gặp một cô bạn kể chuyện có con học đại học mà học mãi không tốt nghiệp. Bọn trẻ bên này có khuynh hướng đang học rồi bỏ, chuyển trường và ngành khác. Chuyển vài lần luôn. Nhưng thà chuyển khi học chưa xong còn tốt hơn học xong rồi, khi đi làm thấy không hợp mới muốn thay đổi.
Con người bạn không phải thế, cháu chưa tốt nghiệp vì bận đi làm nên chuyển sang chế độ học part-time, sau khi chỉ học 1 kỳ full-time duy nhất. Nghe nói mà thấy ưng ý quá. Cách học lý tưởng là vừa học vừa chơi ở tuổi thiếu nhi và vừa học vừa làm ở tuổi trưởng thành. Người ta ví nó như chiếc bánh sandwhich, một lớp thời gian học đến một lớp thời gian làm, rồi lại học, lại làm...đan xem với nhau.
Theo kiểu cũ, học 4-5 năm sau đó đi làm 30-40 năm mà không sờ đến bài vở thì rõ ràng là lý thuyết và thực hành không gắn bó với nhau, không thể làm việc tốt được. Tệ hơn, làm không đúng với cái được học thì việc học còn vô ích.
Một điểm son của giáo dục Úc là cách tính điểm vào đại học hết sức hợp lý, không áp lực cho học sinh, không bao giờ sợ học tài thi phận. Trước hết, điểm tính theo rankings, tức là theo thứ hạng với nhiều hệ số phức tạp. Với quan niệm càng tỉ mỉ, chi tiết càng công bằng nên điểm phải tính bằng máy tính cực kỳ chính xác.
Điểm ATAR được tính bằng kết quả học tập ba năm lớp 10, 11 và 12 trung bình cộng với kỳ thi HSC. Trong khi điểm HSC cũng không chỉ là kỳ thi cuối mà lại còn có thể được chia nhỏ để thi một phần vào lớp 10 và 11. Vì thế nhiều cháu chưa thi HSC đã biết trước mình áng chừng được bao nhiều điểm và đã đủ đỗ vào các nguyện vọng hay chưa.
Đối với các cháu học khá thì để vào luật sư bác sĩ mới cần phấn đấu chứ các ngành nghề khác thì đã biết trước là đủ điểm, vấn đề là chọn ngành và trường nào mà thôi.
Ở tuổi các cháu, ý thích rất dễ thay đổi, như cháu lớn nhà mình lúc chọn ngành này, được một thời gian lại đòi sang ngành khác. Tuy nhiên, đến lúc này, cháu nhất trí với bố mẹ ở một điểm: không học double hay honor mà học cái gì có thời gian ngắn nhất với mục đích để được đi làm sớm.
Một yếu tố nữa cũng cần tính, học ít thì tiền HECS đỡ nặng, chứ tốt nghiệp xong có một khoản tiền vay đè lên người thì cũng khổ. Cũng may, hầu hết các khóa cử nhân của Úc chỉ có 3 năm.
Lý tưởng nhất, chỉ học 1 kỳ full-time rồi đi làm luôn như chị sinh viên kể trên, nhưng cái này không hề dễ. Đi làm rồi mới có thể hiểu đúng mình cần học thêm những gì. Chính phủ khuyến khích các khóa học miễn phí hoặc miễn giảm thuế cho chi phí đào tạo của các công ty.
Được công ty cử đi học là cách thăng tiến nghề nghiệp vững chắc và nhanh chóng để lên sếp và hưởng lương cao. Đời mình bỏ đi rồi, chỉ còn hy vọng con cái thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét