Hồi thập niên 1990s, mình sống hơn 4 năm trong một ngôi nhà nhiều phòng ở Marrickville. Trong nhà có khoảng 7-8 người, tất cả đều độc thân, có trai có gái, du học sinh và người ở đây với độ tuổi từ khá trẻ cho đến hơi già.
Về tiện nghi thì chung đụng tủ lạnh, máy giặt, tivi thì nhặt được một cái ở ngoài đường để cả nhà xem. Hồi đó mát hơn bây giờ hay sao mà không phòng nào có máy lạnh, đến cái quạt cũng không cần luôn. Kỳ lạ, chỉ có một toilet nên nhiều khi cánh con trai ra ngoài vườn tưới cây luôn cho nhanh.
Mỗi người có một cái nồi cơm điện, còn bếp chung có 6 cái lò đun, mỗi người một lò. Thế cũng đủ vì mỗi người hầu như chỉ nấu 1 món hoặc mua thức ăn sẵn bên ngoài.
Vào giờ nấu ăn, mọi người xúm xít quanh cái bếp, rồi lần lượt người trước người sau bê đồ ăn ra phòng khách, trong đó có một cái bàn rộng để ngồi chung. Mọi người vừa ăn vừa chia sẻ thức ăn cho nhau. Thi thoảng cuối tuần mới ăn chung.
Lúc đó club RSL chưa bị dỡ nên đó là địa điểm ưa thích đi chơi tối của cả nhà. Có điều không bao giờ dắt díu rủ nhau cùng đi theo kiểu Việt Nam mà người xong trước đi trước, không ai phải chờ ai, đỡ phiền hà, ra đó rồi cũng gặp nhau thôi.
Nếu bạn chưa nghiện club hay còn gọi là hộp đêm nghĩa là bạn chưa hòa nhập với cuộc sống Úc. Ở đó có muôn vàn trò vui: showtimes, các trò chơi, đánh máy bạc, bia rượu, dancing và những cuộc tình một đêm. Riêng mình thì mình chôn chân ở sân khấu chính để coi hát, hàng tuần còn có 2-3 buổi diễn topless.
Vì có “yếu tố” gái nên đúng ra có một cặp đôi. Ban đầu mỗi người một phòng nhưng về sau hai anh chị dồn vào một phòng cho đỡ tốn tiền. Như mọi phụ nữ trên thế gian, cô ấy tên L, tạm gọi là L1, câu chuyện trở nên ồn ào khi L2 xuất hiện.
Một hôm L2 đến bất thình lình, vì là người quen nên được mở cổng để vào. Lúc đó L1 đang ở trong phòng với anh C, mọi người trợn tròn mắt khi L2 không gõ cửa mà mở thẳng cửa đi vào, rồi đóng cửa lại.
Một lúc sau, tiếng cãi vã phát va, một lúc nữa là cao trào mang dao kéo ra dọa nhau hết cả hồn, vui đáo để. Sau cơn dông tố mọi chuyện lại đâu vào đấy vì khi ta độc thân thì chẳng có vấn đề gì là ghê gớm cả.
Độc thân nghĩa là no dồn đói góp, khi nằm chổng c. chẳng ma nào thèm rờ, còn có lúc vài ba em cùng “khều”. Bạn thích một dòng sông phẳng lặng êm ả hay những cơn bão tố sóng cuồn cuộn?
Để ý một điều, người Việt tại Úc có tỉ lệ sống độc thân cao hơn hẳn so với trong nước. Trai gái ngày xưa mỗi khi nhìn thấy nhau thì mắt tròn mắt dẹt, nhỡ chạm tay vào nhau thì tóe lửa như điện giật. Bọn trẻ bây giờ có vẻ thờ ơ với nhau quá!
Mình biết có một đôi vợ chồng trước khi lấy nhau thì hai gia đình hai bên đã phải dồn ép cật lực, nếu không sẽ không thể có cuộc hôn nhân hạnh phúc đó.
Khi sang Úc, mọi giá trị bị đảo lộn, những điều bạn thờ phụng thì nay lại thấy tầm thường hoặc ngược lại, vì thế vợ chồng dễ có những hướng ngã khác biệt trong suy nghĩ và không còn đồng cảm với nhau nữa, đó là một lý do để ly dị.
Ở Việt Nam, kể cả chuyện tày trời như ngoại tình vẫn có thể chín bỏ làm mười vì ảnh hưởng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nhưng lại là những chuyện bên Tây không thể chấp nhận và cũng không có ai khuyên can, giải hòa cả.
Có người có đến hai vợ hoặc hai chồng nhưng sự thật phũ phàng vẫn là chăn đơn gối chiếc, đó là cảnh lấy vợ giả hoặc chồng giả, còn người thật vẫn còn kẹt ở trong nước. Những trường hợp thế không ít mà là nhiều...
(còn nữa)
Cuộc sống độc thân ở Úc (P2)
Khi chúng ta độc thân thì chắc hẳn sẽ thành thạo hoặc biết chút ít về đồ chơi người lớn. Tuy nhiên ngay cả búp bê tình dục vẫn chưa thể phổ biến vì những bất cập của nó, xinh đẹp thì có nhưng lại thiếu hẳn cảm xúc.
Nhưng anh chị em ta đừng lo, với sự phát triển của AI, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ có những “người” như thật, thậm chí thông minh hơn, nói được vài ngôn ngữ theo lập trình, biết ứng xử làm vui lòng mọi người. Những Jenny, Fiona...rất dịu dàng, nồng nàn, không phải lo nằm như khúc gỗ và đặc biệt không bao giờ cằn nhằn than vãn các quý ông.
Thôi cứ đợi, còn bây giờ là thì hiện tại, phải nói cuộc sống độc thân rất vất vả. Mình là người lấy vợ muộn nên đã nếm trải cuộc sống độc thân như thế nào, đặc biệt là có thể so sánh giữa hai cảm giác một mình và có gia đình.
Ở bên Úc đến tỉ phú cũng không dùng osin, nghĩa là bạn phải lo toan tất cả mọi thứ từ đi cầy như trâu như chó, cơm nước, đưa đón con, bên cạnh đó là áp lực tiền bạc do giá cả rất đắt đỏ. Có hai mình cũng còn khốn đốn huống chi là chỉ có một.
Thực tế cho thấy con cái bây giờ làm chúng ta nhức đầu rất nhiều và để đối phó với chúng, chắc chắn cha mẹ kẻ tung người hứng sẽ đỡ hơn đơn độc một mình.
Bố mẹ bạn con gái mình nhà rất giàu có nhưng mới chia tay nhau. Tụi Tây ly dị không có gì lạ, nhưng mình để ý một điều hình như họ chờ con cái lớn một chút mới chính thức tan đàn sẻ nghé. Nghe chuyện người ta mà mình cũng cảm thấy buồn, thôi thì không thể hạnh phúc được thì cũng nên giải thoát cho nhau và còn hơn sống hai mặt giả dối với nhau.
Bên Úc có quy định, khi ly hôn, con cái vẫn được gặp cả cha lẫn mẹ, chẳng hạn chỉ ở với mẹ 5 ngày trong tuần, còn 2 ngày cuối tuần thì ở với bố. Nếu con còn bé thì phải mang đi “trao trả tù binh’ gặp nhau hằng tuần, biết đâu chạm trán cả bạn trai hay bạn gái mới thì cũng phiền nên khi con đã lớn có thể tự đi lại thì tiện hơn.
Tây hay ta thì cũng đều có một cuộc chiến ngầm để tranh giành tình cảm của con cái và kết quả là các con xa lánh cả cha lẫn mẹ. Mình không rõ khi vào đời sớm thì có dễ thành công hơn hay không, có điều bọn trẻ dễ yêu đương sớm vì thiếu thốn tình cảm gia đình.
Nhìn những cha mẹ đơn thân đôi khi mình nghĩ giá mà đừng ly hôn thì tốt hơn, bởi vì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ở vậy đến hết đời, hoặc đi bước nữa cũng rất khó tìm được người phù hợp.
Rất có thể những người trong cuộc nghĩ khác. Vì còn trách nhiệm với con, họ không thể sống một cách bệ rạc, sa đọa mà ngược lại còn mạnh mẽ hơn. Ví dụ nhiều phụ nữ Việt Nam không lái xe ở Úc, nhưng nếu đơn thân thì hầu như đều lái. Họ còn biết làm nhiều việc của đàn ông nữa như sửa điện nước, quét sơn nhà...rất đáng cảm phục.
Một anh bạn độc thân cho mình xem mấy trang mạng hẹn hò rất hấp dẫn, đủ thể loại Úc có, Việt Nam có. Công nhận, thời buổi từ khi có mạng mọi thứ đều kết nối dễ dàng hơn, thảo nào các anh các chị vẫn cứ cười tươi yêu đời lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét