Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Nhìn lại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á

Trong các ngày 3 và 4/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN và Đông Á đã diễn ra tại Thái Lan. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hội nghị các nhà lãnh đạo các nước Diễn đàn hợp tác Châu Á – TBD (APEC) bất ngờ bị hủy bỏ vì lý do nội bộ của nước đăng cai là Chi Lê. Mặc dù cuộc họp APEC chưa biết có được tái lập hay không nhưng điều mà mọi người quan tâm hơn là một Thỏa thuận giai đoạn 1 về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ được ký kết trong tháng này, hoặc muộn nhất là đầu tháng 12.
Những dấu hiệu rõ ràng của việc hưu chiến giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tỏ ra hết sức nhanh nhậy và đã ngay lập tức “lên đỉnh”, xác lập một chỉ số mới cao nhất từ trước đến nay.
Vì lý do bầu cử Tổng thống Mỹ, sau thỏa thuận thương mại này thì để có một cuộc chiến mới thì nó không thể sớm hơn thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới vào tháng 1/2021. Trong thời gian từ nay đến lúc đó, những kẻ được người mất của Thương chiến sẽ  cần có nhìn nhận đánh giá và phán đoán cho phù hợp.
ASEAN bao gồm 10 nước thành viên và 2 nước quan sát viên (Đông Timor và Papua New Guinea). Mỗi cuộc họp thượng đỉnh hàng năm, ASEAN đều có một chủ đề, mà chủ đề của năm nay là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Quả thật, đây là một loại khẩu hiệu mà như cách nói của dân gian “hiểu chết liền”.
Mọi người đều biết, “truyền thống” của ASEAN chỉ tập trung vào kinh tế, không bàn chính trị. Do đó đây không phải là nơi để giải quyết những vấn đề gai góc, nổi cộm về biển Đông, về quân sự. Ngay cả những chuyện nhỏ lẻ hơn như việc đàn áp sắc tộc Rohingya (ở Mianma) hay về vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng bị coi là những vấn đề nội bộ mà ASEAN không bao giờ can thiệp.
Trong Thương chiến Mỹ - Trung, ASEAN là những nước được hưởng nhiều lợi thế, cả về thương mại lẫn đầu tư. Để tránh thuế suất cao đánh vào Trung Quốc, các nhà đầu tư đã chuyển dịch nguồn vốn đáng kể sang Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, những nơi có nguồn nhân lực dồi dào. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị sụt giảm 11.3%, theo số liệu của Bloomberg, tính từ đầu năm đến nay so với cùng ký năm ngoái thì có thể hiểu, ASEAN là nguồn cung để bù đắp vì chủng loại hàng của họ khá giống với hàng Trung Quốc.
Với gần hai năm thương chiến thì cũng chừng ấy năm các nước ASEAN được hưởng lợi. Tuy nhiên, nên thận trọng nhìn nhận rằng, những thành quả đạt được chưa thể coi là “đột biến”. Cũng không rõ, các nhà lãnh đạo khi gặp nhau thì có tìm ra được những biện pháp gì gọi là “phối hợp hành động” nhằm thúc đẩy “quan hệ đối tác” hay không?
Các nước ASEAN + 6 gồm ASEAN và 6 nước có thỏa thuận Thương mại tự do (gồm Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã không đạt được thỏa thuận về một Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (gọi tắt là RCEP). Theo tin tức loan ra, Ấn Độ là nước đã từ chối tham gia một liên minh như vậy do không đạt được sự nhất trí về các điều khoản, trong đó tình trạng nhập siêu của Ấn Độ với các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc chưa được giải quyết.
Mặc dù không nằm trong ASEAN + 6 cũng như không thuộc Đông Á nhưng Mỹ vẫn được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh. Tuy nhiên, năm nay Mỹ chỉ cử một quan chức thấp hơn đến dự, do Cố vấn an ninh quốc gia O’Brien dẫn đầu. Ông O’Brien đã chuyển lời của Tổng thống Mỹ mời các nhà lãnh đạo ASEAN sang gặp Tổng thống Mỹ vào năm sau 2020. Nếu cuộc họp diễn ra thì đây là cuộc họp lần thứ hai giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Mỹ, sau cuộc họp đầu tiên vào năm 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét