“Con chết vì không thở được”, lời nhắn tin cuối cùng cho mẹ của cô gái trẻ Phạm Thị Trà My đã trở thành một châm ngôn gây bàng hoàng và thương cảm tột cùng cho tất cả những người Việt Nam có lương tri.
Trà My, 26 tuổi, quê ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một trong 39 người đã tử nạn trong chiếc container đông lạnh định mệnh đang đi vào miền Nam nước Anh. Thử tưởng tượng xem, những giờ phút cuối cùng của các anh chị em, trong đó có một thiếu niên chắc hẳn vô cùng hoảng loạn và lạnh giá, trước khi kết thúc cuộc đời.
Container đã từng mang lại một cuộc cách mạng trong ngành ngoại thương khi chúng được sử dụng rộng rãi từ thập niên 90 của thế kỷ trước vì nó có những ưu thế tiện ích cho hàng hóa. Có hai loại container chính, loại nhỏ 20 feed và loại to 40 feed. Theo hình chụp, chiếc thùng hàng chở 39 người thuộc loại bự, như vậy kích cỡ sẽ là 11.56m x 2.28m x 2.25m, thể tích trong lòng là 59m3.
Một người bình thường cần 200 lít không khí để thở mỗi giờ, với 39 người thì xấp xỉ 8,000 lít, tức 8m3. Với 59m3 thì nhóm người sẽ chỉ tồn tại trong khoảng 7-8 giờ. Hành trình của chiếc container từ cảng Zeebrugge (Bỉ) trên chiếc phà kéo vào cảng Purfleet (Anh) là 10 giờ, theo lịch trình, nó nằm thêm khoảng 1 giờ để chờ được xe tải kéo, xe lại chạy thêm 35 phút, tổng cộng lên đến 11-12 giờ. Như vậy, theo tính toán, nhóm người bị nạn sẽ không đủ dưỡng khí và chết ngạt, nếu trong khoảng thời gian 11 giờ của hành trình không hề được “nới” cánh cửa container. Tiêu chuẩn bảo quản đồ đông lạnh là tối thiểu -18*C, kể cả ở nhiệt độ -25*C mà đủ áo ấm thì con người vẫn có thể chịu đựng được. Điều này khớp với nhắn tin của em Trà My “con không thở được”.
Vào lúc 1.40 sáng sớm ngày 23/10, tài xế của xe Robinson, 25 tuổi đã hốt hoảng gọi điện cho cảnh sát quận Essex để báo tin 39 người đã chết trên xe. Anh đã bị cảnh sát bắt giữ và sẽ ra Tòa án vào thứ hai tới đây cho tội ngộ sát. Cho đến nay đã có tổng cộng 5 người liên quan đến vụ việc đã bị cảnh sát Anh Quốc bắt giữ.
Người viết bài này đã từng đặt chân đến những mảnh đất tạm coi là “khỉ ho cò gáy” như Barhrain, Qatar, Oman, Saudi, Sudan, đảo Kish,...và đi đến đâu cũng được gặp người Việt Nam sinh sống ở đó. Câu hỏi đặt ra là trong vài thập niên qua, tại sao người Việt lại cứ đi khắp mọi nơi trên thế giới như vậy?
Lý do thì nhiều lắm, tị nạn giáo dục, tị nạn y tế, tị nạn môi trường...Mình từng nghe một bà chị thuộc loại có tiền nói rằng, ở Việt Nam, đi đâu cũng phải kè kè cái phong bì, nếu không thì không có cửa nào lọt, và đó là lý do chị đưa con cháu sang định cư tại Úc.
“Còn niềm tin thì còn tất cả, mất niềm tin là mất hết”. Có bao giờ niềm tin và hy vọng xuống thấp như hiện nay không? Hình như người Việt đã và đang tìm cách từ bỏ quê hương đất nước bằng mọi giá. Dù biết mọi hiểm nguy rình rập, không chỉ mất tiền mà còn là chính sinh mạng, họ cũng chẳng từ.
Nghĩ đến bản thân mình cũng vậy, cuộc sống tha hương không hẳn là cầu thực, mà chỉ vì “không thể” chịu đựng được trong nước mà phải ra đi. Không ai chọn được nơi sinh ra, nhưng mọi người đều có quyền sống và lựa chọn một nơi sinh sống có nhiều phẩm giá làm người hơn.
Tự do là thứ vô cùng đắt đỏ, nhưng xứng đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét