Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

 


Turning point

 

Cuối năm học, mình không theo nổi trào lưu các cha mẹ post lên facebook thành tích học tập của con cái. Ở Úc ai đi học cũng đều có giấy khen vì cháu nào cũng đều có mặt mạnh, cái hay. Nhưng để giành huy chương (medal) mới quý thì các cháu nhà mình lại không đủ tốt.
Tuy nhiên vợ chồng mình cho rằng học không phải là cái đích mà chính là “hành”. Đây mới là điều cần thiết cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bạn muốn con mình nên người, không ăn bám và dựa dẫm mà tự chủ trong cuộc sống, điều cho dù học giỏi đến mấy cũng không thể có được.
Trên thực tế, có những người ở tuổi hăm, tuổi băm hoặc hơn nữa mà vẫn không biết cách và không có khả năng kiếm tiền, phải xin cha mẹ hoặc xin trợ cấp chính phủ. Đối với mình, những người đó chưa trưởng thành.
Luật pháp Úc cho phép 14 tuổi được đi làm có lương. Cháu lớn nhà mình đã đủ tuổi và đã đi làm 3 buổi/tuần, còn cháu bé sẽ đủ 14 tuổi trong vòng vài tháng nữa. Người Ả Rập rất giỏi làm ăn buôn bán, có thể vì họ tham gia vào xã hội ở tuổi còn nhỏ hơn.
Có lẽ tuổi 14 là turning point để không chỉ chúi mũi vào sách vở mà đã đến lúc ngẩng đầu lên để nhìn ra bên ngoài, bắt đầu những điều thú vị và đáng sống hơn rất nhiều.

Làm ăn, làm giàu

 

Một người bạn mới quen trên facebook hỏi mình: anh bảo anh từng ở bên Trung đông 10 năm thì anh làm gì bên ấy?
- Làm thương mại
Làm thương mại là làm gì? Chuyện lang bạt kỳ hồ 10 năm sao trả lời ngắn gọn được. Thật ra mình đã viết 2 quyển sách về những công việc đã làm thời gian đó.
Hội cựu sinh viên của chúng ta có rất nhiều người làm kinh doanh nói chung và ngoại thương nói riêng. Mình tính trình bày một số vấn đề về ngoại thương, may ra có chút thông tin để các bạn tham khảo.
Mọi người đều biết các doanh nghiệp trong nước muốn bán hàng ra nước ngoài.
Việc đầu tiên là nghiên cứu thị trường. Đó là việc phân tích SWTO (thế mạnh, nhược điểm, mối đe dọa và cơ hội) về nguồn cung và nhu cầu thị trường.
Thị trường có nhu cầu thế nào về dung lượng, quy cách, mẫu mã, phẩm chất, kiểm dịch, bao bì, nhãn hiệu, thời hạn, chất liệu, màu sắc, thị hiếu...?
Nguồn cung của thị trường từ đâu, những đối thủ cạnh tranh nào, sự khác biệt giữa hàng của ta và của đối thủ, có rào cản gì về thuế và phi thuế...
Những vấn đề về ký kết hợp đồng, giao nhận, kho bãi, giá cả, thanh toán...Mỗi ngành hàng có một đặc thù riêng, nếu bạn check số liệu hải quan sẽ thấy hàng Việt Nam qua Úc chủ yếu là hàng gì, cũng như chiều ngược lại.
Thực tế cho thấy, nếu việc buôn bán suôn sẻ thì các công ty trong nước không cần gì anh em ở bên ngoài. Họ chỉ liên hệ với bạn khi có sự cố, và những vấn đề này thì muôn hình vạn trạng, dù bạn có trí tượng tượng phong phú đến đâu thì cũng không thể nghĩ ra.
Để xử lý vấn đề này cần rất nhiều kinh nghiệm và quan trọng hơn, bạn phải có mối quan hệ đúng người, đúng việc. Mình hay lang thang ở cảng Dubai nên chứng kiến nhiều vụ việc rất kỳ khôi, nhưng không thể kể ra được mà đành phải “sống để bụng, chết mang theo”.
Cuộc đuổi bắt Cô Vy sắp kết thúc, vaccine sẽ bắt đầu được chích tại Úc từ tháng 3 tới. Quên năm 2020 đi, năm mới cũng đã bắt đầu gõ cửa.
Tuy nhiên, muốn làm ăn với nhau thì điều trước hết các cựu sinh viên Úc phải tin nhau và yêu quý nhau, không thể khác được.
Cá nhân mình có tuổi rồi, không đủ sức sốc vác nữa nhưng nhiều doanh nhân là anh chị em bên Úc và các nước khác rất sẵn sàng làm cầu nối với các doanh nghiệp trong nước, trong cả hai chiều xuất khẩu, nhập khẩu, rồi đầu tư, bất động sản, di trú...rất nhiều việc để làm.
Mọi người hãy cố (giàu) lên và mình sẽ còn quay lại chủ đề “Làm ăn, làm giàu” này.

Bạn sẽ tiêm vaccine Covid 19 chứ?

 

Những mũi tiêm vaccine Covid 19 đầu tiên đã bắt đầu được lên nòng ở Anh, Mỹ, Đức... Ở các nước tiên tiến này, hiệu năng của vaccine được công bố lên tới 90-95%.
Tuy nhiên, các khoa học gia khuyến cáo rằng vaccine có thể mang lại những di hại về lâu về dài cho cơ thể người được tiêm.
Di hại thể nào thì bây giờ chưa biết và sau một thời gian sử dụng đại trà khá lâu mới có thể phát lộ ra.
Vì lý do chính trị, vaccine Covid đã được "hoàn thành" trong một thời gian ngắn kỷ lục. Đối với các bệnh tương tự, tốc độ chế tạo vaccine lâu hơn nhiều, do đó người ta suy đoán vaccine Covid 19 đã bị cắt giảm một số quy trình cần thiết.
Chính vì thế, nhiều phong trào phản đối vaccine đã dấy lên khắp nơi, với sự khởi xướng của các nhân vật nổi tiếng.
Nhưng mình vẫn sẽ tiêm vaccine Covid 19. Mình hưởng lộc Trời hơi nhiều rồi, không cần tính lâu dài làm gì. Đối với bà xã mình khuyên nên tiêm cho "có đôi", hơn nữa tụi mình cũng không có dự kiến sinh đẻ nữa.
Tụi mình đồng ý với nhau, không cho hai cháu nhà mình tiêm. Chúng đều dưới 18 tuổi nên cha mẹ có quyền quyết định việc này.
Theo mình, nên luật hóa không bắt buộc trẻ em tiêm vaccine Covid 19 cho đến khi nó được thực nghiệm đầy đủ và chỉ với những loại vaccine đời mới có độ an toàn tuyệt đối.
Trẻ em mà tiêm loại vaccine chưa rõ biến chứng ra sao sẽ mang lại nguy cơ cho loài người. Đó là những thế hệ tiếp theo của con người sẽ trở nên dị dạng, đột biến trong cơ thể.
Ảnh: chích lộn

Văn ôn võ luyện

 

Học sinh phổ thông Úc sắp bước vào kỳ nghỉ hè 6 tuần. Ngoài nghỉ hè, các cháu còn được nghỉ thu, đông, xuân, mỗi lần 2-2.5 tuần, tổng cộng vẫn là 3 tháng như Việt Nam.
Nghỉ chia nhỏ ra thì đỡ quên bài vở.
Trong kỳ nghỉ, các cháu có nên học hay nghỉ hẳn? Ý kiến mình là vẫn nên ôn tập bài ở nhà.
Các cụ có câu "văn ôn võ luyện". Bạn không nên ngừng exercise, nếu ngừng có nghĩa là cơ thể của bạn không được rèn luyện thường xuyên, không có lợi cho sức khỏe và xóa bỏ công sức quãng thời gian đã tập luyện.
Cuối tuần, kỳ nghỉ không phải là các lý do ngừng vận động cơ thể. Ngay trong một ngày, cũng không nên ngồi yên trong nhà một chỗ quá lâu mà cần ra ngoài hít thở không khí trong lành, được di chuyển, hoạt động thể chất.
Bộ nhớ của trí óc cũng vậy, nó cần lặp đi lặp lại thì mới duy trì được. Não không hoạt động, nó sẽ bị teo đi, trí lực giảm sút.
Mình mới đăng ký học thêm vào năm tới cho cháu Kelly. Nhìn vào thời khóa biểu lớp 10 thì thấy cả năm chỉ nghỉ 3 tuần hè và học 49 tuần.
Các cháu nhà mình học rất ít nhưng mình yêu cầu sự đều đặn. Hồi hai đứa ôn thi selective, cả nhà đi chơi xa cũng phải mang sách đi theo để mỗi ngày học một tiếng. Mặc dù trên thực tế chỉ đi được 45-50 phút, nhưng vẫn còn hơn không.
Cách học tốt nhất là vừa học vừa chơi. Học mà chơi, chơi mà học thì không bị nhàm chán. Mình tin rằng những người học giỏi, họ có thể giải toán trong lúc ngủ, hoặc lúc đi chơi, cái đó chính là đam mê.
Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không cần học giỏi, thế thì thôi, miễn bàn.

Truyền thông thời thổ tả

 

Không thể tưởng tượng nổi truyền thông và báo chí đã trở nên vô cùng bậy bạ và láo toét.
Với công nghệ dễ dàng hiện nay, các trang mạng tin tức mọc lên như nấm, đọc không xuể và đọc rồi cũng chẳng biết có đúng hay không. Mọi người tìm đến các cơ quan truyền thông lớn, có bề dày lịch sử, nhưng chính những nơi này lại là những “ổ” tin giả.
Tin mới nhất, James O’Keefe, người phụ trách tổ chức phi lợi nhuận Project Veritas đã lật bộ mặt lưu manh của CNN khi đăng tải một đoạn băng ghi âm cho thấy Tổng giám đốc và các cộng sự của đài này đã bàn mưu tính kế chống Tổng thống Trump.
Mình tin rằng trong quá khứ, báo chí đã từng là một tiếng nói trung thực, khẳng khái và nghề báo đã từng là một nghề thiêng liêng, cao quý. Báo chí phương Tây đã từng làm rất tốt chức năng phản biện, đấu tranh với những gì sai trái trong xã hội mà không hề sợ hãi trước thế lực nào.
Trong thời kỳ “hai phe bốn mâu thuẫn”, báo chí phe Nga Sô hoàn toàn là bộ máy bưng bô ca ngợi đảng, ca ngợi lãnh tụ. Chỉ khi nào lãnh tụ chết đi như trường hợp của Xtalin, Mao Trạch Đông thì báo chí ở đây mới dám viết ra những mặt trái của họ. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình vốn là một bề tôi của Mao nên cũng chỉ cho phép hé lộ phần nào và không hề muốn đánh sập cả bức tượng đài.
Ngược lại, báo chí dân chủ phê phán các chính khách khi đương chức và thường khen ngợi khi họ đã qua đời.
Nhưng không có cái gì vĩnh viễn, ngoại trừ sự thay đổi. Trong cuộc chiến kéo dài ở Việt Nam, báo chí Mỹ đã không đứng về chính phủ nước mình mà lại tỏ ra “khách quan”.
Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ, còn một nửa sự thật không phải sự thật. Báo chí không thể có đầy đủ các thông tin về quân sự, cho nên khi phản ánh nó ắt hẳn có những sai lệch.
Vô hình trung, báo chí Mỹ và phương Tây đã tạo ra một phong trào phản chiến “make love, no war” trên toàn thế giới. Hậu quả của nó, các nhà lãnh đạo Mỹ, để giữ sinh mạng chính trị đã đành phản bội đồng minh, cắt toàn bộ việc trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, dẫn đến bức tử miền Nam Việt Nam.
Sau sự việc này, Mỹ và phương Tây thấy cần phải chấn chỉnh lại truyền thông, cụ thể là hạn chế tự do ngôn luận và phần nào định hướng đối với báo chí. Mối quan hệ giữa quyền lực thứ tư (truyền thông) với quyền lực hành pháp không còn như trước nữa mà đã nhuốm màu ganh đua, đố kỵ.
Cuộc chiến Iraq có thể coi là một “thành công” khi những tin tức “lề trái”như tội ác chiến tranh rất ít bị lọt ra ngoài. Mọi người sẽ không bao giờ biết được sự thật về cái chết của công nương Diana, chỉ biết rằng nó không đúng như những gì mà báo chí đã miêu tả.
Truyền thông không trực tiếp tham gia vào các hoạt động gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hướng điều tra hiện nay đang nhắm vào một số nhân vật trong bộ máy an ninh, cảnh sát và quân đội. Gian lận, nếu có, ắt phải cần những người tiếp tay trong thành phần này thì mới thực hiện được.
Điều mà truyền thông và giới công nghệ Mỹ đã làm trong 4 năm qua và đang tiếp tục chính là việc chống lại chính phủ đương nhiệm. Từ đó, có thể suy diễn, nếu chính quyền Biden lên thì chưa biết chừng, cũng sẽ bị nhóm này chống phá hoặc bị thao túng.

Arsenal: thử kêu đốt xịt


Rạng sáng nay, một bất ngờ xảy ra tại Champion League khi Real Madrid thất thủ trước Shakhar với tỉ số 2-0, đẩy đội xuống hạng 3 trong bảng. Khi vòng bảng chỉ còn 1 lượt đấu nữa thì nguy cơ Real Madrid bị loại đã trở nên “sáng”.
Là một fan của Arsenal, mình không còn đủ tư cách hướng về CL nữa vì phong đội tệ hại của đội nhà. Sau 10 vòng đấu tại Premier League, Arsenal thua tới 5 trận, chỉ thắng 4, được 13 điểm, xếp thứ 14, chung chiếu với những đội đang vật lộn với cuộc đua trụ hạng.
Cựu danh thủ Roy Keans, hiện là bình luận viên nhận định rằng, Arsenal đủ thực lực để không bị xuống hạng. Nghe mà đau xót!
Đúng ra Arsenal đang có hai bộ mặt, một là yếu kém như nói ở trên nhưng vẫn chơi tốt ở hai cup. Trong cup Liên đoàn, Arsenal thắng cả hai trận trước các đối thủ mạnh như Liverpool và Leicester. Trong cup Europa, đội chơi 4 trận thắng cả 4, vượt qua vòng bảng trước hai lượt đấu. Nhưng đây chỉ là sân chơi giành cho các cầu thủ trẻ và dự bị.
Tháng 12 này đánh dấu tròn 1 năm Arteta tiếp quản đội bóng khi Emery bị cách chức cũng sau 10 vòng đấu. Lúc đó, Arsenal được 15 điểm và xếp hạng 9, tức là khá hơn bây giờ. Thay ngựa giữa dòng, Arteta đưa Arsenal kết thúc mùa giải với vị trí thứ 8. Tuy nhiên, nhờ thành tích vô địch FA, đội đã hiên ngang giành một suất Europa.
Thành công đến sớm với Arteta hóa ra không hay, khiến ông đã phạm nhưng sai lầm nghiêm trọng. Thành tích yếu kém hoàn toàn không phải do kém may mắn mà sự thực Arsenal đã chơi rất tồi. Tạm quên thời kỳ hoàng kim đi, ngay hai năm cuối trào Wenger và 1,5 năm của Emery thì Arsenal cũng không bao giờ chỉ ghi 10 bàn trong 10 trận cả.
Mọi người sẽ trách Auba và Laca, hai chân sút chủ lực đã tịt ngòi, nhưng vì đâu nên nỗi? Danh thủ Wilshere đã mách nước đưa Ozil trở lại vì Auba và Laca là những khẩu đại bác xịn, nhưng không được tiếp đạn, và hiện nay không ai làm điều đó tốt hơn Ozil.
Có thể nói, khi ra đi Wenger đã để lại ba báu vật, đó là Ozil, Auba và Laca. Đây là bộ ba tấn công đắt giá và cũng là ba cầu thủ giỏi nhất đội.
Thông thường, HLV mới hay tỏ vẻ uy quyền và do đó rất dễ va chạm với các ngôi sao và công thần cũ. Emery đã va chạm với đội trưởng Kocialny và Ozil, ông mua về “bom tấn” Pepe với ý định thay thế. Tuy nhiên Pepe không đạt phong độ như ý nên đã làm thành tích của đội đi xuống, dẫn đến việc Emery phải ra đi.
Arteta gạt Laca ra khỏi đội hình và đôn cầu thủ trẻ Nketiah lên. Tuy nhiên Nketiah chơi không tốt nên đã phải đưa Laca quay trở lại, nhưng đó là một Laca không còn như xưa. Đối với Ozil, không được trọng dụng dưới thời Emery những vẫn còn thỉnh thoảng vào sân. Arteta đã làm mọi người kinh hãi khi loại hẳn Ozil khỏi danh sách đăng ký.
Rất có thể, quyết định này gây bất mãn cho Auba, Laca và các trụ cột khác trong đội. Ngay như thủ môn Leno, đồng hương Đức với Ozil cũng mới để lọt lưới 5 bàn bởi những chân sút tầm thường của Volves và Leeds. Nhìn những trận đấu gần đây thì dễ dàng thấy rằng, họ chơi như những người mất hồn, rất thiếu cố gắng. Mùa giải năm ngoái Auba ghi được 22 bàn tại PL, năm nay chỉ là 2 bàn bằng 2 quả phạt đền.
Khi trận đấu tỏ ra bế tắc về tấn công, Arteta chuyển từ sơ đồ chiến thuật 3-4-3 sang 4-3-3 nhưng đây là sơ đồ cần có một nhạc trưởng thật sự sáng tạo. Thật buồn cười khi sự đột biến trên hàng công lại phải trông chờ vào một cậu bé 19 tuổi như Saka.
Giải PL mới trải qua khúc dạo đầu và còn nhiều thời gian. Arteta là HLV trẻ và khi người ta trẻ thì người ta dễ thay đổi để phục thiện. Đội Arsenal hiện đang quá “kỷ luật” và cứng nhắc, điều cần thay đổi hiện nay là phải ngẫu hứng nhiều hơn, các ngôi sao được tự do cống hiến nhiều hơn.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Màu xanh Sydney

 


Người lãnh đạo trong xã hội dân chủ

 

Trong xã hội nói chung, ai là người “xứng đáng” giữ các vị trí lãnh đạo?
- Người già nhất như các bản làng miền núi?
- Người được vua ban phát trong chế độ phong kiến?
- Người nhiều tiền nhất như các vua dầu lửa ở Trung Đông?
- Người nhiều bằng cấp nhất như ...Việt Nam?
- Người có tài nhất, đức nhất, nhưng thế nào là tài đức?
Trong xã hội dân chủ, “giai cấp thượng tầng” có hai loại, những người trải qua bầu cử và những người được bổ nhiệm bởi những người được bầu. Ví dụ, toàn dân bầu tổng thống, rồi tổng thống bổ nhiệm bộ trưởng.
Nói đến bầu bán, mọi người thường nghĩ đến bầu tổng thống, nhưng thật ra đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Những ai sống đủ lâu trong xã hội dân chủ đều biết rằng những người được bầu gồm rất nhiều thành phần, cấp liên bang, cấp tiểu bang và cấp địa phương.
Trong địa phương mình ở, hạt Bankstown- Canterbury có 15 councillor, tạm dịch là nghị viên. Đây là những chức vụ dân cử và do đó họ có quyền bổ nhiệm các chức vụ trong mảng công việc phụ trách.
Người ta không quan tâm Nghị viên có phải là người tài năng nhất hay đức độ nhất hay không, nhưng là người chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương. Nói cách khác, họ được dân ủy quyền.
Những người được bổ nhiệm các không cần căn cứ vào bằng cấp, ngoại ngữ, cao cấp lý luận, đi luân chuyển...Một bộ trưởng cũng không nhất thiết phải kinh qua thứ trưởng, vụ trưởng, vụ phó...miễn là được tin tưởng về phẩm chất và năng lực.
Xã hội dân chủ có tham nhũng, mua quan bán chức không?
Có lẽ có, nhưng rất hiếm. Trước khi ra làm chính trị, cựu thủ tướng Turnbull của Úc có gia sản hàng trăm triệu đô nên thật khó tin ông ấy lại đi tham nhũng. Bạn đã từng vi phạm giao thông thì chắc chắn biết rằng hoàn toàn không có chuyện hối lộ cảnh sát để tha tội.
Muốn biết những người lãnh đạo “xứng đáng” đến đâu thì hãy nhìn vào thành quả kinh tế, xã hội, môi trường, đó có phải là một đất nước đáng sống hay không?
Trong giai đoạn 2013-2018, mỗi năm nước Úc thay một ông/bà thủ tướng. Tuy nhiên, đối với một xã hội pháp trị, có phân cấp nên việc này cũng không hề ảnh hưởng gì đến sự phát triển của xã hội.
Mọi người có thể tranh luận công khai, minh bạch và gay gắt nhưng không bị bỏ tù về tội bất đồng chính kiến, hay âm mưu lật đổ.
Có thể nói, bầu cử là một phương thuốc tạo ra sự đồng thuận cho xã hội, giải quyết mọi tranh chấp, phân định đúng sai. Nhưng nếu xảy tranh chấp bầu cử như tại Mỹ thì sao?
Câu trả lời là: không sao cả, trong gần 100 cuộc bầu cử tổng thống, đây mới là lần thứ tư có kiện tụng. Mọi việc sẽ được giải quyết vì đã có pháp luật, hơn nữa những người đang tranh chấp đều là những người có trách nhiệm và lòng tự trọng.

Người Châu Đại dương

 


Thái bình dương mênh mông vốn là nơi sinh sống của bốn nhóm người: Thổ dân Úc Aboriginal, Melanesia, Micronesia và Polynesia.
Về nguồn gốc, loài người có bốn đại chủng chính gồm đại chủng Á, Âu, Phi và Úc. Người da đỏ châu Mỹ thuộc đại chủng Á, di cư qua eo biển Bering, khi chỗ này còn là đất liền.
Xưa kia, lục địa Úc và vùng Đông Nam Á cũng “dính” với nhau bởi những vùng đất ngày nay là đáy đại dương, nhưng khá nông. Sau nhiều đợt đại hồng thủy, mà lần gần nhất cách đây 8,000 năm, nước biển dâng cao, nhấn chìm một số vùng đất, chia cắt vùng đông Nam Á thành hàng ngàn đảo, chính là Indonesia, Malaysia và Philipinnes hiện nay. Lục địa Úc và đảo Papua cũng bị tách ra, sau đó Papua cũng bị tách khỏi Úc qua eo Torres.
Người Đại chủng Úc không kịp rút về lục địa Úc và đảo Papua, họ ở lại giao lưu với người đại chủng Á mà sinh ra người Nam đảo (Austronesia). Địa bàn chính của người Nam đảo là hàng ngàn đảo ở Đông Nam Á, họ di cư sang phía Tây, đông nhất ở các đảo Madagasca, Mauritius, Reunion...(thuộc châu Phi). Về phía đông, chính là bốn nhóm người Châu Đại dương nói trên.
Lục địa Úc có diện tích gấp 10 lần đảo Papua nhưng dân số người Aboriginal chỉ bằng 1/20 dân số người Melanesia. Người Melanesia chủ yếu sống trên đảo Papua, nhưng một nửa phía đông của đảo này thuộc về Indonesia ngày nay, còn phần tây là Papua Newguinea, một quốc gia mới thành lập từ năm 1975.
Melanesia còn là người bản địa của Solomon, Fiji, Caledonia (tân thế giới), Vanuatu (tân đảo)...Người đảo Torres của Úc cũng thuộc nhóm Melanesia.
Điều khá đặc biệt là người Aboriginal và Melanesia có nước da đen, đôi mắt đen hoặc nâu nhưng tóc lại màu đen hoặc vàng giống như người da trắng. Họ đã sinh sống tại các mảnh đất của họ ít nhất 60,000 năm, nhưng đối với người Micronesia và Polynesia thì khác.
Hiện chưa rõ nguồn gốc và niên đại của người Micronesia, bao gồm Liên bang Micronesia, Palau, Marshall, Nauru, Guam...Có thể họ di cư từ lục địa Úc và đảo Papua trong khoảng 5,000 đến 10,000 năm về trước, nhưng chưa có bằng chứng về việc này. Đây là những đảo rất nhỏ với dân số rất ít ỏi, ngày nay chỉ chưa đầy 100,000 người.
Khác với ba nhóm người có nước da đen, người Polynesia lại có nước da khá sáng, mà nhiều khi gọi là da nâu. Đây là thành phần “thổ địa” mới nhất của châu đại dương vì họ mới di cư đến đây khoảng 2,000 năm, từ các đảo Đài Loan và bắc Philipinnes.
Người Polynesia sinh sống tại Hawaii, Tahiti, Polynesia, Tonga, Samoa... và đông nhất tại New Zealand, chính là người Maori. Người Maori đến New Zealand khoảng 1,250 năm về trước, họ có tính tổ chức cao, văn hóa phát triển, có một kho tàng về chuyện dân gian, ngôn ngữ có chữ viết...
Khi người da trắng đến New Zealand, người Maori đã biết mua súng để...bắn giết nhau. Ngày nay dân số Maori vào khoảng 700,000 người, ít hơn Aboriginal một chút nhưng chiếm đến 15% dân số New Zealand.
Ngoại trừ Úc và New Zealand, các quốc đảo ở Thái bình dương khá biệt lập với thế giới bên ngoài, và đó là lý do họ gần như miễn nhiễm với Covid.
Biết đâu đấy, một khi “tự kỷ” trở thành lối sống mới thì các nước này sẽ được cả thế giới săn đón thì sao?

Nhìn lại quần vợt 2020: bên bờ cuộc chuyển giao thế hệ

 

Vì Covid, Wimbledon bị hủy, 3 grand slams còn lại chia đều cho 3 cây vợt đạt thứ hạng cao nhất là Djokivic, Nadal và Thiem.
Djokovic san bằng kỷ lục 6 lần kết thúc năm ở vị trí số 1 của Sampras. Chiến công này được đánh giá cao hơn vì thời của Djo có hai cây vợt được coi là vĩ đại nhất với 20 grand slams mỗi người là Federer và Nadal.
Trong 17 năm qua, ngoại trừ 1 năm của Murray, bộ ba Djokovic, Nadal và Federer ngự trị đỉnh cao 16 lần.
Cũng trong thời gian đó, big 3 giành tất cả 57 grand slams, chỉ để “sổng” 10 giải.
Cuối cùng, sau 3 lần vào chung kết, Thiem đã đoạt grand slams đầu tiên, sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của bộ ba.
Federer rớt xuống hạng 5, Djokovic và Nadal đều thua ở bán kết trong giải Bát hùng cuối cùng trong năm, hứa hẹn một cuộc đảo lộn ngôi thứ trong năm tới.
Top ten năm nay có đến 5 cây vợt ở độ tuổi 22-24, nhưng chưa ai từng giành grand slams. Nên nhớ, ở độ tuổi như các cậu này, big three đã giắt lưng mỗi người vài chiếc grand slams.
Chưa hết, Shapovalov, cây vợt số 12 mới 21 tuổi cũng có nhiều triển vọng vào top ten trong năm 2021.
Cuộc đua sẽ rất gay go, nhưng tin rằng, big three vẫn còn có khả năng giành thêm grand slams để đi vào lịch sử.

Nước Úc trong thời kỳ vật lộn với Cô Vy



Từ hôm nay, người dân hai tiểu bang NSW và VIC đã được đi qua lại “thoải mái” mà không hề có một điều kiện gì. Nhưng đối với QLD, tiểu bang đông dân thứ ba, nơi ít “ca” hơn thì lại khác à nha, muốn đến với đất Nữ hoàng vẫn phải điền form xin và có thể bị cách ly.
Gladys Berejiklian, Thủ hiến NSW tỏ ra bức xúc khi kể rằng, cô đã nhắn tin cho cô Annastacia Palaszczuk, Thủ hiến QLD để thảo luận về việc mở biên giới thì Anna ngó lơ, không trả lời!
Annastacia Palaszczuk là ai mà coi bộ làm dữ như vậy? Annastacia Palaszczuk vừa dẫn dắt đảng Lao động thắng lớn trong cuộc bầu cử tiểu bang, trở thành người phụ nữ duy nhất đã thắng trong ba kỳ bầu cử. Cái tên Palaszczuk là do bố cô gốc Ba Lan, sinh tại Đức và di cư sang Úc từ nhỏ. Thực ra trước đây, Đức và Ba Lan đều nằm trong đế quốc Phổ.
Ông Henry Palaszczuk vốn là một Bộ trưởng và Dân biểu của khu vực Inala, nơi được coi là thủ phủ của người Việt tại QLD. Năm 2006, Henry xin nghỉ hưu và con gái Anna ra ứng cử tại Inala. Anna trúng cử và từ đó trở thành một nữ chính khách.
Về đời tư, Annastacia Palaszczuk, 51 tuổi đang độc thân, mặc dù đã trải qua 2 đời chồng và không có con.
Trong thể chế dân chủ đại nghị, Thủ hiến (cấp tiểu bang) hay Thủ tướng (cấp liên bang) là người có người quyền lực nhất, nhân vật có quyền lực thứ nhì là Thủ lãnh đối lập (opposition leader). Thủ lãnh đối lập của QLD cũng là một phụ nữ, cô Deborah Frecklington.
Ở NSW, cặp đôi quyền lực cũng là hai phụ nữ Gladys Berejiklian và Jodi McKay. Ngoài ra, toàn quyền (governor) của NSW cũng thuộc phái yếu luôn, cô Margaret Beazley.
Úc có sự phân cấp về quyền lực giữa ba cấp chính quyền, theo đó mỗi lĩnh vực chỉ do một cấp phụ trách. Ví dụ, vấn đề An toàn thực phẩn do cấp địa phương (council) quản lý, thì tiểu bang và liên bang không có cơ quan nào phụ trách vấn đề này cả. Còn ngoại giao thuộc cấp liên bang thì không có bộ ngoại giao hay cơ quan ngoại vụ ở cấp tiểu bang và địa phương.
Chính quyền liên bang có được quyết định chuyện đi lại giữa các tiểu bang không? Thông thường, các thủ hiến được ủy quyền làm việc này, ngoại trừ khi chuyện trở nên nghiêm trọng, liên quan đến an ninh quốc gia hay vấn đề khẩn cấp thì Thủ tướng mới can thiệp.
Thủ tướng Morrison đang bị cách ly sau chuyến đi công cán Nhật Bản trở về. Trong mùa dịch bệnh, các nhà lãnh đạo rất ít khi đi ra ngoài nhưng chuyến đi này rất cần thiết, hai nước đã cam kết thắt chặt bang giao về quân sự và chính thức trở thành “đồng minh” của nhau. Nghĩa là khi nước này bị xâm lăng thì nước đồng minh cũng coi như bị xâm lược và có trách nhiệm bảo vệ.
Morrison đã nhiều lần kêu gọi các tiểu bang mở cửa biên giới và mọi người đã hứa dỡ bỏ vào trước dịp Giáng sinh, ngoại trừ Tây Úc. Để ý về lịch sử, Úc Đại lợi (Commonwealth of Australia) đến năm 1901 mới thành lập được chỉ vì Tây Úc đã tìm cách phá bĩnh. Mặc dù miễn cưỡng vào liên bang nhưng một bộ phận không nhỏ người Tây Úc vẫn nuôi ý nghĩ tách tiểu bang thành một nhà nước độc lập. Vụ Covid này cũng chứng tỏ Tây Úc hành xử chẳng giống ai cả.
Một điều thú vị là du học sinh Việt Nam từ Úc về nước khá ít, chỉ có 10% so với con số chung du học các nước là 20%. Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam từ Mỹ và Châu Âu lại về với tỉ lệ rất cao. Phải chăng người Việt vẫn còn quá tin vào báo chí và truyền thông nên đã bị tác động đến việc ở hay về rất khác nhau như vậy.
Mình nghĩ rằng Covid không quá nguy hiểm như truyền thông đưa tin, vì thế các tiểu bang không nên cùm kẹp dân chúng nữa.
Ảnh: ScoMo đang bị cách ly khi từ nước ngoài trở về