Bài báo nhắc đến ông ngoại từ tháng 5, bây giờ mình mới tình cờ đọc được.
Trong bản chụp báo Tin tức của Mặt trận bình dân, dòng trên cùng bên phải ghi rõ “Sáng lập Lương Văn Tuân”. Còn trong bức ảnh có đủ các nhân vật chủ chốt của báo như ông ngoại mình Lương Văn Tuân, Trần Huy Liệu, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh).
Ông mình người Thường Tín, ra Hà Nội học trường Bưởi từ năm 14 tuổi. Học xong, ông được bổ đi dạy học tại Nam Định. Được một thời gian, ông lấy người vợ đầu, người mà mẹ mình và hai dì gọi là “Mẹ già”. Bà, ông Liệu, ông Khu đều thuộc loại con nhà giàu của Nam Định, tỉnh được coi là đất học hồi đó.
Ông bà sinh được một con trai, nhưng đến 3 tuổi thì bác bị bệnh mất, còn bà đã mất trước đó vì hậu sản. Ông bỏ việc, về Hà Nội, làm nghề đánh máy chữ kiêm thông ngôn tiếng Pháp ở Vườn hoa Con Cóc (cạnh Bờ Hồ).
Những lúc ế khách, ngồi nghĩ đến vợ con đã khuất, hai hàng nước mắt ứa ra, ông viết chuyện. Chuyện của ông đăng ở “Tiểu thuyết thứ bẩy” khá ăn khách vì đó là câu chuyện từ nỗi niềm có thật.
Năm 1936, ông mở tờ Tin tức. Một trong những bút danh của ông là Bích Ngọc, tên mẹ mình, sinh năm 1938, con gái đầu lòng của ông và bà ngoại mình.
Một lần ông bị kiện ra Tòa vì bức tranh châm biếm trên báo của ông. Tòa hỏi tại sao bức tranh vẽ Thống tướng Petain xấu xí và đang khóc như vậy. Ông trả lời, Petain già rồi (lúc đó đã ngoài 80 tuổi) nên mặt mũi nhăn nheo, còn khóc là vì thương dân. Tòa xử trắng án.
Tháng 9/1939, Pháp bắt cả bộ sậu của báo và Mặt trận. Có lẽ vì không phải Đảng viên CS, ông được thả sớm. Ra tù, ông không làm báo nữa mà trở thành một doanh nhân thành công.
Nếu ông Khu không trốn thoát lên miền núi thì có thể bị xử tử như các Tổng Bí thư tiền nhiệm. Lên trên đó, ông cũng không dám liên lạc với tổ chức vì sợ lộ và do đó, có thể coi là bị mất tích hơn một năm. Khi trở về vào đầu năm 1941, Đặng Xuân Khu có bí danh mới là “anh Thận”, Thận nghĩa là thận trọng.
Ông Liệu bị án tù khổ sai, đến tận tháng 3/1945 mới thoát ra được. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, tiền thân của Chính phủ lâm thời. Ông dẫn đầu nhóm 3 người, thêm Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận đi thương thuyết với triều đình Huế.
Trần Huy Liệu vốn là một Đảng viên cao cấp của Quốc dân Đảng, Nguyễn Lương Bằng vốn là đảng viên của Việt Quốc, Cù Huy Cận không phải đảng viên CS, sau này gia nhập đảng Dân chủ. Có lẽ vì thế Bảo Đại, cũng như mọi người, không biết Việt Minh là Cộng Sản nên mới đồng ý thoái vị.
Từ đó, Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch được thành lập, ông Liệu được cử làm Bộ trưởng Tuyên truyền.
Sau năm 1954, ông bà mình hiến nhà, cửa hàng và xưởng sản xuất cho Cách mạng. Ông chuyển sang làm nghề bắt mạch bốc thuốc Đông y.
Ông mất năm 1976 khi vẫn còn đang làm việc ở phố Lãn Ông. Đúng ra hôm đó ông đang bị cảm nhưng vì hẹn với khách nên vẫn đi làm và mất ngay tại nơi làm việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét