Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Mối quan hệ trắc trở giữa Nga và Saudi khiến giá dầu lửa rơi tự do

Mấy ngày qua, giá dầu lửa thế giới đã "rơi như chưa bao giờ được rơi", xuống mức thảm hại 25-26 USD /thùng. 
Không phải chỉ là vấn đề cúm China, "mối tình" đầy trắc trở trong hơn chín mươi năm qua một lần nữa đổ vỡ giữa hai cường quốc xuất khẩu dầu lửa lớn nhất mới là nguyên nhân chủ yếu. 
Quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Vương quốc Hejaz và Nejd (tên của nhà nước Saudi cho đến năm 1932) là Liên Xô vào năm 1926. Khi đó, Xtalin mới lên thay Lenin và nhà nước Xô Viết non trẻ khá bị cô lập về ngoại giao trong khi vua Abdulaziz mới về nước với tham vọng lập nên một Nhà nước Hồi giáo rộng lớn trên bán đảo Ả Rập.
Tổng lãnh sự đầu tiên là Karim Khakimov, một người Hồi giáo gốc Tatar, người vào tháng 2 năm 1926 đã lái xe qua tiếng súng từ Jeddah đến nơi ở của Abdulaziz trên sa mạc để trao một thông báo chính thức công nhận ông là vua.
Mối quan hệ được cải thiện hơn nữa khi vào tháng 6 năm 1926, Đại hội Hồi giáo Mecca của Hồi giáo được kêu gọi để giải quyết tranh chấp về quyền kiểm soát các thánh địa của Mecca và Medina. Liên Xô, đất nước có 30 triệu người Hồi giáo, đã ủng hộ Abdulaziz bằng cách gửi sáu học giả Hồi giáo Liên Xô tham gia đại hội, trái với hệ tư tưởng vô thần của họ. 
Hoàng tử Faisal (người lên làm thủ tướng vào năm 1953 và ngôi vua năm 1964) đã đến thăm Liên Xô năm 1932 với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao. Khakimov trở lại Jeddah trong vai trò là Trưởng phái đoàn ngoại giao năm 1935. 
Khakimov được gọi trở lại Moscow năm 1937 và bị bắt vì lời tố cáo làm gián điệp; ông và đồng nghiệp Turyakulov trở thành nạn nhân của những vụ khủng bố chính trị của Stalin đối với nhiều Ủy viên Bộ chính trị, Nguyên soái, cán bộ cao cấp thời ấy. Turyakulov bị xử tử vào tháng 10 năm 1937 và Khakimov vào tháng 1 năm sau.
Quốc vương Abdulaziz cũng như hoàng tử Faisal đã phẫn nộ vì vụ giết hai nhà ngoại giao Liên Xô mà hai cha con coi là bạn của mình. Hai tháng sau khi Khakimov bị xử tử, các nhà địa chất Mỹ đã phát hiện ra các mỏ dầu thô lớn nhất thế giới ở Dhahran khiến Liên Xô phải bổ nhiệm một người đứng đầu phái bộ mới ở Jeddah vào năm 1938. Vua Abdulaziz từ chối chấp nhận bất kỳ ai khác ngoài Khakimov hoặc Turyakulov và nhiều tháng sau đó đã phá vỡ quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đồng thời cáo buộc Moscow kích động một cuộc cách mạng trong thế giới Hồi giáo.
Quan hệ hai nước chỉ tái lập khi Liên Xô tan ra bởi chính quyền của tổng thống Elsin. Tháng 12/2007, Tổng thống Vladimir Putin đã gặp Quốc vương Abdullah tại Riyadh trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nga đến Vương quốc. Chuyến thăm là cơ hội để Moscow cải thiện mối quan hệ với Riyadh về các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, quan hệ Saudi và Nga chỉ thực sự nồng ấm sau hai cuộc gặp vào năm 2016 giữa Putin và Mohammed. Sau khi chiếm Crume,  nước Nga bị Mỹ và Phương tây cấm vận kinh tế nên rất muốn có sự đột phá ngoại giao,  trong khi chàng trẻ tuổi Mohammed đang trên đà thâu tóm mọi quyền hành của vua cha già yếu cũng cần có dịp tự thể hiện. 
"Tình cũ không rủ cũng đến", hậu quả của việc tái hôn này là thỏa thuận hợp tác giữa OPEC do Saudi cầm đầu với Nga trong việc cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu. Thỏa thuận có giá trị trong ba năm và sẽ đáo hạn vào 31/3 tới. 
Trước bối cảnh thị trường trở nên khó khăn do dịch cúm China, Saudi đề nghị Nga cắt giảm 1.5 thùng/ ngày. Sự từ chối thẳng thừng của Nga có thể hiểu được là nước này đang cạn kiệt ngân sách sau thời gian dài bị cấm vận. 
Đáp lại, Saudi cùng các đồng minh như UAE, Kuwait, Bahrain lập tức tăng mức sản suất và giá dầu cứ thế rớt tự do. 
Cuộc chiến này không ảnh hưởng nhiều đến Mỹ như người ta tưởng vì nhờ cải tiến kỹ thuật, giá thành dầu phiến đá của Mỹ vẫn còn cao hơn của Saudi nhưng đã thấp hơn Nga. Quan trọng hơn, Mỹ là nước tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới nên trước mắt nước này chưa cần tham gia vào thị trường xuất khẩu. 
Đợt sóng giảm giá gần đây nhất xảy ra vào năm 2015 bởi Mỹ bất ngờ công bố sản phẩm dầu phiến đá của mình tăng vọt trong khi Nga đã không chịu hợp tác cắt giảm sản lượng. 
Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch sẽ làm nhu cầu dầu lửa xuống rất thấp. Để xem cuộc "thi gan" giữa Nga và Saudi lần này kéo dài được bao lâu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét