Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Bâng khuâng với câu chuyện Cộng đồng chung

 

Chuyến đi thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam đã để lại nhiều nỗi bâng khuâng khó tả trong những ngày năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Trước tiên, khi cụ Tổng Biden vừa rời gót ngọc chẵn 3 tháng thì đến lượt cụ Chủ Tập bén gót vàng. Có lẽ là một kỷ lục guiness vì có lẽ chưa có nước nào trên thế giới được đón nguyên thủ của hai siêu cường đến thăm song phương sát thời gian nhau như vậy. Việt Nam yêu dấu của chúng ta có giá quá ha!
Riêng với Chủ tịch Tập, đây là lần thứ ba đến thăm Việt Nam với tư cách là lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, chưa kể một lần đến thăm khi còn là “thái tử”. Phải chăng ông là người “cuồng Việt”? Thực tế lại trái ngược, quan hệ Việt – Trung xấu đi sau khi Tập lên ngôi với những hành động hung hăng trên biển đông, cụ thể là cho kéo dàn khoan ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cũng như các hoạt động quân sự ở Trường Sa.
Mọi người đều biết chính sách “ẩn mình chờ thời” từ thời Đặng Tiểu Bình đã bị Tập chính thức xóa bỏ khi Trung Quốc đã tỏ rõ những tham vọng lớn trên bàn cờ chính trị thế giới. Ông nói về “giấc mơ Trung Hoa”, các sáng kiến “Vành đai con đường”, “Cộng đồng chung vận mệnh”...
Chữ vận mệnh (destiny) nghe ghê quá, chung vận mệnh nghĩa là sống chết có nhau, vậy còn hơn cả cha con, mẹ con, vợ chồng? Tuy nhiên, trong bản thông cáo chung bằng tiếng Việt sau chuyến đi, chúng ta chỉ thấy chữ “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, mà cụm từ này có ý nghĩa khác hẳn. Hiểu theo nghĩa rộng, tất cả mọi người đều chia sẻ tương lai, kể cả người dưng nước lã không quen biết!
Theo đồn đại, văn bản bằng tiếng Trung vẫn dùng chữ “chung vận mệnh” như ông Tập từng nói, hai đảng cộng sản của hai nước có chung lý tưởng thì đương nhiên phải chung vận mệnh thôi. Mình không biết tiếng Tàu nên không biết có sự nhập nhằng như thế không?
Bỏ qua trò chơi chữ nghĩa, hãy thử xem 36 ký kết giữa hai nước có những nội dung thiết thực gì không? Về vấn đề vành đai con đường, không nhắc đến đường sắt cao tốc hay đường bộ xuyên Bắc Nam mà chỉ là tuyến đường Vân Nam - Hải Phòng. Cái này không có gì mới, đúng ra còn quá cũ vì từ thời Pháp thuộc đã có tuyến đường này.
Đại dự án Vành đai con đường dự kiến mất 8,000 tỉ USD, sau khi tiêu hết 1,000 tỉ USD mà hiệu quả rất thấp, mới đây Trung Quốc đã có điều chỉnh theo hướng tập trung vào các dự án nhỏ lẻ. Nguyên nhân sâu xa hơn, nền kinh tế Trung Quốc đang bị chững lại sau những đổ vỡ trong lĩnh vực bất động sản và không còn nhiều vốn để đầu tư ra bên ngoài.
Đảng CS Trung Quốc luôn phải chứng minh với người dân rằng không cần nhiều dân chủ tự do như các nước Tây phương thì Trung Quốc vẫn phát triển tốt, mang lại đời sống tốt đẹp. Trước đây, “tính ưu việt” đã được thể hiện rất rõ với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-12%. Tỉ lệ ước năm nay 3,5% không phải quá tệ những vẫn là một cái ngưỡng đáng báo động đối với sự tồn vong của chế độ.
Trung Quốc hiểu hơn ai hết, khi bộc lộ tham vọng họ sẽ phải đối mặt với chính sách ”bao vây” của Mỹ và đồng minh, sẽ bị cấm vận về công nghệ và mất dần nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khác với Mỹ, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp nên thị trường nội địa yếu, vì thế không đủ để làm động lực vực dậy nền kinh tế, chưa kể người giàu còn tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Đó là lý do Tập Cận Bình đã phải “muối mặt” sang thăm Mỹ song phương và cầu xin sự hòa dịu. Những động thái và lời lẽ của ông khi sang Việt Nam cũng nhũn nhặn một cách bất thường. Tập rất muốn Việt Nam chấp nhận “Cộng đồng chung vận mệnh”, nhưng rồi chỉ có “Cộng đồng chia sẻ tương lai” cũng không sao.
Có tin phía Trung Quốc muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác đất hiếm, nhằm duy trì sự độc quyền và khống chế nguồn nguyên liệu quan trọng này. Tuy nhiên, trong Thông cáo chung không đề cập, cũng không có ký kết và như vậy Việt Nam đã khước từ sự chung đụng trong việc này.
Giống như Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam cũng đang gặp khó về bất động sản và xuất khẩu, do đó đang rất cần một lối đi bền vững để thoát ra. Trong buổi tiếp tân của hai TBT, hình tượng cây tre uốn lượn khó hiểu đang được bàn ra tán vào, có lẽ là biểu hiện của những “bâng khuâng” giữa hai làn nước mà em chưa biết chọn lối nào.

Nhật Bản – Người bạn chân thành, tin cậy

 

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Thưởng, quan hệ Việt – Nhật đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, mối quan hệ có cấp độ cao nhất, ngang bằng với Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Hơn nữa, báo chí “cách mạng” còn coi Nhật Bản là một người bạn “chân thành, tin cậy” của Việt Nam.
Trong quá khứ, Nhật là một trong ba “đế quốc to” mà “ta” đã đánh thắng. Chúng ta có quyền tự hào đánh thắng Nhật, Mỹ, Pháp hoặc gì cũng được nhưng không được phép tự hào đánh thắng Tàu. Từ một đất nước theo đuổi chủ nghĩa phát xít, Nhật Bản đã lột xác trở thành một xã hội tự do, dân chủ, có nền kinh tế tiên tiến. Đối với tâm lý người Việt, những người cuồng Tây, Mỹ, Tàu, Nga, Úc...đều có nhưng có lẽ những người cuồng Nhật là đông nhất.
Cũng là dân mũi tẹt da vàng, người Nhật đã làm cho tất cả phải kinh ngạc khi họ có “đẳng cấp” không kém gì các nước phát triển cao nhất ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Dù dân số và diện tích chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút nhưng quy mô kinh tế của Nhật đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và đất nước 1,4 tỉ dân là Trung Quốc.
Sự thay đổi của Nhật Bản, đó là việc xóa bỏ đêm trường lề thói cũ để tiến mạnh theo hướng hiện đại hóa và Âu hóa được coi là bắt đầu từ năm 1868 với việc chính thức lên ngôi của Nhật hoàng Minh Trị. Nghĩ đến chuyện này, người Việt nên rất nhiều nuối tiếc khi đã bỏ qua những cơ hội trong quá khứ.
Thái tử Cảnh và hoàng tôn Đán là hai hoàng tử châu Á đầu tiên từng được sống và học tập ở châu Âu. Vua Gia Long là người có công thống nhất giang sơn nhưng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi Thái tử Cảnh không may qua đời thì vua đã bỏ qua hoàng tôn Đán để cho Minh Mạng nối ngôi.
Mặc dù mất sớm và bị phế bỏ nhưng hai cha con Cảnh và Đán đều được các quan tướng nhà Nguyễn yêu mến, chứng tỏ họ có rất nhiều tài đức. Đặt giả định một trong hai ông trở thành vua vào năm 1820 (năm Gia Long băng hà) thì Việt Nam đã có thể cải cách và đi trước Nhật Bản 48 năm!
Nếu coi dân chủ có nhiều cấp độ, các nước như Thái Lan, Malaysia có dân chủ ở mức độ thấp; Đài Loan, Hàn Quốc dân chủ nhiều hơn; riêng Nhật Bản thì một mình một chiếu trên đỉnh của Châu Á. Nhật có tam quyền phân lập, Vua giữ vai trò biểu tượng, Chính phủ điều hành trong khi lưỡng viện quốc hội là nơi thực thi quyền làm chủ của người dân qua việc giám sát thực chất đối với hoạt động của chính phủ.
Với một thể chế minh bạch, pháp quyền và hiệu lực là nguyên nhân để Nhật bản đạt được những thành công rực rỡ trong xây dựng kinh tế, kỹ thuật và văn hóa.
Khi sang Việt Nam, tổng thống Biden có nói muốn Việt Nam trở thành một nước hùng mạnh. Điều có chưa đáng tin. Nếu Tập Cận Bình cũng nói như vậy lại càng không thể tin được. Nhưng với Nhật Bản thì khác, trong vài chục năm qua đất nước mặt trời mọc là nước đã cho Việt Nam nhiều nhất qua nguồn vốn ODA không hoàn lại. Nhật cũng là nước thu nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, với 520,000 người và tất nhiên kèm theo đó là nguồn kiều hối lớn từ Nhật.
Đối với Úc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhưng không thể coi nước này là đồng minh mà chỉ có thể là Nhật như đồng minh duy nhất của Úc trong khu vực. Giữa Úc và Nhật có nhiều lý do để đồng cảm, trao đổi dựa trên những nền tảng về hiểu biết và nhân sinh quan.
Nếu Việt Nam và Úc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thì Việt Nam vẫn chưa thể thành đồng minh của Úc. Tuy nhiên điều có ý nghĩa ít nhiều là Úc có nới lỏng chút nào các điều kiện về visa du học và làm việc cho Việt Nam hay không mà thôi.
Nói một cách hình ảnh, Nhật là đàn anh đáng kính phục ở Châu Á khi đã bao bọc không chỉ cho Việt Nam mà còn các nước phát triển chậm hơn ở Đông Nam Á. Đặc biệt, Nhật là nước có thể tin rằng chấp nhận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước có khác biệt về chế độ chính trị.
Điều không khó nhận ra, ”người bạn chân thành tin cậy” Nhật Bản lại là một đối thủ cạnh tranh dữ dội với Trung Quốc. Đó chính là điều khó xử cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Ba chàng ngự lâm của pháo thủ

 

Sáng sớm nay, một trận đấu điên rồ với 7 bàn thắng đã diễn ra với ba diễn viên chính của Arsenal là ba tân binh của mùa bóng năm nay: Raya, Havertz và Rice. Raya là tội đồ của 2 bàn thắng; Haverts ghi bàn gỡ hòa 3-3; bàn thắng ghi ở những giây cuối cùng của Rice đã mang về thắng lợi đầy kịch tính trước đội bóng mới thăng hạng Luton.
Thật ra, năm nay Pháo thủ phá két hơn 200 triệu bảng (kỷ lục mùa chuyển nhượng) để mang về 4 tân binh, nhưng Timber bị chấn thương nặng ngay từ trận đấu mở đầu nên chỉ còn ba. Chắc chắn đây là sự nâng cấp đáng kể để phục vụ cho tham vọng của Arsenal sau khi vồ hụt chức vô địch.
Ba cầu thủ đang ở độ tuổi sung sức, đều là những tài năng hàng đầu. Raya đã từng là “mơ ước” của Arsenal từ hai mùa bóng trước vì rất phù hợp với triết lý phát triển bóng từ tuyến sau của HLV Arteta, nay mới có điều kiện ra nhập đội.
Thế nhưng TM Ramsdale có quyền tức giận khi những gì thể hiện trên sân của TM người Tây Ban Nha không tốt, nếu không muốn là kém cỏi hơn tuyển thủ Anh quốc. Nhìn dưới góc độ tích cực, nếu không có hai sai lầm của Raya, trận đấu có thể kết thúc với tỉ số 2-1 hoặc 3-1, không cần tìm cơ hội ghi bàn thắng thứ tư. Có bàn thắng quyết định ở thời gian tận cùng như vậy mang lại rất nhiều cảm hứng và hưng phấn tâm lý cho toàn đội.
Dù mới cùng 24 tuổi, Rice và Havertz đều trưởng thành sớm, nên rất dầy dạn kinh nghiệm. Rice đã có trên 200 trận Premier League, Havertz mới chuyển sang Ngoại hạng Anh được hơn 3 năm nhưng cũng đã có trên 100 trận dắt lưng.
Rice là cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử với 105 triệu bảng, được coi là đáng giá đến từng xu khi anh liên tục tỏa sáng từ đầu giải đến nay. Có thể nói không ngoa, “lực điền” Rice là “chén cơm” quan trọng giúp cho Arsenal đang ung dung dẫn đầu bảng xếp hạng, đồng thời kết thúc vòng bảng Champion League với vị trí nhất bảng.
Trong bối cảnh đội trưởng Odegaard và Zinchenko có vấn đề về thể lực nên chưa ổn định thì Rice hiện là nhạc trưởng mới của đội, là người cầm nhịp điệu, thỉnh thoảng còn có những bàn thắng quan trọng như bàn thắng sáng nay.
Havertz là một cầu thủ đa năng, trong thời gian ngắn ngủi anh đã thử sức ở ba vị trí gồm tiền đạo, tiền về tấn công lệch trái và lệch phải. Sau khi chơi đủ ba thể loại thì mọi người mới nhận ra vị trí sở trường của cầu thủ người Đức là tiền vệ lệch phải. Đáng tiếc đây chính là vị trí của Odegaard!
Khi Odegaard nghỉ dưỡng thương, Havertz được trám vào thì anh trở nên tự tin hẳn lên, bắt đầu ghi bàn và kiến tạo cho đồng đội. Niềm tin đã trở lại, Havertz có thể làm được tất cả như sáng nay, đã thể hiện bản lĩnh và sự bình tĩnh tuyệt vời để ghi bàn gỡ hòa 3-3 cho đội nhà.
Theo những gì thể hiện từ đầu giải, Arsenal đã trở thành một đội bóng khác với lối chơi kiểm soát bóng mạnh mẽ từ tuyến dưới, có khả năng chuyển trạng thái nhanh chóng từ phòng ngự sang tấn công bằng các miếng tấn công đa dạng, biến hóa như thời Wenger.
Một trận đấu vất vả ngoài dự đoán trước một đối thủ mới lên hạng, song đây lại là dịp để mọi người chợt nhận ra vai trò của các tân binh theo những ý nghĩa khác nhau.

Thất vọng với TNP 135 và nhạc Việt


Thuy Nga Paris 135 có chủ đề “Trên Ngọn Tình sầu” để vinh danh Nhạc sĩ Từ Công Phụng là cuốn đầu tiên đánh dấu thời kỳ hậu Nguyễn Ngọc Ngạn. Vì thế mọi người chú ý đến các MC mới, đó là Nhạc sĩ Châu Đình An, Quỳnh Giang và Hồng Sâm.
Nhận xét đầu tiên của các khán giả là thất vọng với các MC chắc bởi cái bóng quá lớn của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. NS Châu Đình An đã diễn ở mức tròn vai. Ông cũng cố hài hước nhưng chưa thể có cái duyên như NNN. NS cũng có nhiều câu chuyện để kể nhưng đó cũng là dịp để để mọi người thấy khoảng cách quá xa so với đẳng cấp của NNN.
Với hai MC nữ Quỳnh Giang và Hồng Sâm, đơn giản là chưa đạt. Họ không phải quá trẻ, chắc đã có kinh nghiệm làm MC mà sao vẫn tỏ ra thiếu tự tin và linh hoạt cần thiết. Giá mà Thuy Nga Paris mời các MC nữ giỏi như Thùy Dương hay Quỳnh Châu của Asia cũ thì đâu đến nỗi, nhưng nghe nói sẽ mời lại Kỳ Duyên. Đây cũng thể hiện sự bế tắc khi mà Kỳ Duyên cũng sắp sang tuổi 60.
Dàn ca sĩ chỉ có 16 người, ít hơn các chương trình trước nên mỗi ca sĩ đều phải hát 2-3 bài. Cô Thủy Tô, Giám đốc có nói rằng nhiều ca sĩ đã bỏ Thuy Nga, vì đã “hết duyên” với nhau. Mình không hiểu sao lại như vậy nhưng thực sự khó chịu khi sân khấu dành quá nhiều thời gian cho quảng cáo phát tiền trúng thưởng. Xem ra Trung tâm quá phụ thuộc vào tiền quảng cáo của các nhà tài trợ.
Nhạc Từ Công Phụng có nhiều bài xuất sắc như “Bây giờ tháng mấy”, “Nằm nghe em hát”, “Giữ đời cho nhau”...Dòng nhạc TCP lãng mạn, hơi buồn, câu chữ đẹp.
So sánh là điều khó, nhưng theo ý kiến cá nhân, nhạc TCP chưa đa dạng nồng nàn như nhạc Trần Thiện Thanh, chưa đặc sắc như Lê Uyên Phương và không thể ngút ngàn, đồ sộ như Anh Bằng và Phạm Duy. Tuy nhiên trong hàng ngũ những nhạc sĩ “hàng đầu” thì chỉ có Từ Công Phụng vẫn còn sống, dù đã 81 tuổi và trải qua thời gian điều trị ung thư. Điều bất ngờ là Từ Công Phụng vẫn hát và hát rất có hồn, giọng hát của ông từng không thua kém gì các ca sĩ chuyên nghiệp.
Thất vọng với TNP 135 nhưng vẫn phải nói TNP là Trung tâm duy nhất ở trong và ngoài nước có khả năng thực hiện được một đại nhạc hội hoành tráng, lộng lẫy thu hút cho một khán phòng gần chục ngàn khán giả.
Điều làm mình suy nghĩ là nội dung âm nhạc vẫn chỉ là những bài hát xưa cũ. Nhưng nếu không là những bài đó thì bây giờ có bài mới nào cho ra hồn không?
Trong bối cảnh ngành âm nhạc giải trí phương Tây không ngừng lớn mạnh, thăng hoa lên những đỉnh cao mới, những tài năng kiệt xuất liên tục xuất hiện. Ở châu Á, nhạc Hàn Quốc cũng đang nổi lên thu hút được chú ý. Thấp hơn thì nhạc Philippine hay Thái Lan cũng không ngừng phát triển.
Âm nhạc Việt đang tụt hậu, thiếu vắng sáng tạo và những tác phẩm hay.

Chém gió ngày mưa

 

Mưa thối đất thối cát, mấy anh già không còn chuyện gì để nói.
- Mỗi tuần ông còn làm được mấy cái?
Tuổi này rồi, chuyện đó có gì quan trọng nữa đâu. Ông không quan tâm nhưng tui quan tâm. Đúng là có người coi nhẹ chuyện này, nhưng với nhiều người khác, lại là lẽ sống, là nguồn vui tột cùng!
Ờ, mà ở cái tuổi sắp hết xí quách thì khác, chứ khi trẻ nó chẳng chiếm đến quá nửa tâm trí của ông hay sao?
Có người nói, trong tình yêu, tình dục chiếm đến 50%? Cũng tùy thôi, có thể 70% hoặc 30%, nhưng đúng là nó tùy thuộc vào nhu cầu từng người, từng giai đoạn trong cuộc đời. Cuộc đời ngắn lắm, mỗi người chỉ có hai lít “sữa”, xong sớm thì nghỉ chơi sớm. Đối với phụ nữ có thì, không dùng thì nó cũng expire, vậy sao không mang “thóc” ra mà đãi gà rừng?
Mình không thể khuyên mọi người cứ “thoải mái” vì nó liên quan đến những yếu tố khác nữa như lòng kiêu hãnh hay tư cách đạo đức. Ngay cái vụ demand cao hay thấp cũng phụ thuộc vào lý trí có kiềm chế được con lợn lòng hay không?
Có người phụ nữ cả cuộc đời không bao giờ lên đỉnh, nhưng họ vẫn hạnh phúc khi có một gia đình để thương yêu, nơi bạn được trân trọng và thấu hiểu cho những hy sinh của mình.
Vừa rồi mình có đọc 11 tiêu chí tuyển chồng của một cô hoa hậu: ví dụ như về tài sản, mức lương, nhà to, chiều cao tối thiểu, tuổi tối thiểu và tối đa...mà thấy buồn cười. Đúng là lối suy nghĩ theo kiểu mua bán đổi chác, nghĩa là tôi có sắc đẹp thì tôi có quyền đòi hỏi những thứ có giá trị tương đương.
Bạn sẽ rất xúc động khi nhìn thấy các anh chị tây già lụ khụ vẫn luôn nắm tay nhau, trao cho nhau những cái ôm hôn và nhìn nhau trìu mến. Ở tuổi xế chiều, khi sự hấp dẫn xác thịt không còn, nhưng họ vẫn gắn bó với nhau bởi họ coi nhau là những người bạn.
Trong trường hợp này tình bạn còn cao hơn tình yêu, đó là sự đồng cảm, chia sẻ vui buồn, cùng chí hướng và quan niệm sống... Chỉ đến tuổi nào đó thì bạn mới cảm nhận được sự sâu sắc của tâm đầu ý hợp, nhưng tất nhiên không phải ai cũng có may mắn đó.
Có lẽ tình bạn còn là giải pháp cho các mối quan hệ quan trọng khác như quan hệ cha mẹ - con cái, anh em, đồng nghiệp...Vì nó là tình người và tình yêu thương.
Vậy là ông vẫn chưa trả lời cái vụ “mấy cái”? Ngu gì mà nói!

Đọc sách: A Vietnamese Royal exile in Japan Prince Cường Để (1882-1951)

 

Tác giả sách là PGS Trần Mỹ Vân, Giảng viên ĐH Nam Úc. Mình không được hân hạnh quen biết cô Mỹ Vân, chỉ được tặng sách thông qua một người bạn.
Điều dễ thấy đây là tác giả Việt, viết về nhân vật lịch sử Việt, hướng đến độc giả Việt nhưng sách lại được viết bằng tiếng Anh. Hồi ký “Con Rồng nước Nam” của Bảo Đại được viết bằng tiếng Pháp, do đích thân cựu hoàng hiệu dính bản dịch tiếng Việt. Hồi ký “Viên sỏi trắng” của Trần Lệ Xuân cũng viết bằng tiếng Pháp, tác giả tự dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý.
Tất nhiên có dụng ý, phải chăng trước hết nhằm chọn lọc người đọc. Thứ hai nhằm mục đích có thể kiểm chứng nội dung dễ hơn bằng các tài liệu nước ngoài, do đó khách quan hơn.
Ngoại Kỳ hầu Cường Để là cháu đích tôn 5 đời của vị Vua đầu tiên triều Nguyễn Gia Long, là hậu duệ của 4 đời của Thái tử Cảnh, con trưởng của Vua. Thái tử Cảnh mất sớm, người con thứ hai cũng đã mất nên Hoàng tử thứ ba tên Đảm mới được chọn, tức Minh Mệnh.
Sau khi lên ngôi, Minh Mệnh đưa ra quy định con cháu trực hệ của mình, gọi là Đế hệ mới được quyền lên ngôi Vua; còn con cháu của các anh em bao gồm con cháu của Thái tử Cảnh và hơn 10 người em khác được gọi là Phiên hệ, sẽ không được quyền nối ngôi. Quy định này thực chất nhắm vào dòng trưởng của Thái tử Cảnh, những người có nhiều ảnh hưởng trong các quan tướng.
Sau khi phong trào Cần Vương theo lời kêu gọi chống Pháp của vua Hàm Nghi tan rã, Hàm Nghi bị đi đầy ở Châu Phi, nhà lãnh đạo khởi nghĩa Phan Đình Phùng muốn tìm một nhân vật hoàng gia để làm ngọn cờ mới. Ông đã tìm đến Hàm hóa Hương công Tăng Du, người được thừa hưởng tập tước của dòng Thái tử Cảnh. Tự thấy đã già yếu, Tăng Du đã giới thiệu con trai mình là Cường Để. Tuy nhiên, chưa kịp làm gì thì Phan Đình Phùng đã qua đời.
Cường Để cũng được các tổ chức chống Pháp liên hệ trong chiều hướng tôn vinh làm minh chủ, trong đó có Phan Bội Châu. Bản thân cụ Phan cũng đã tìm hiểu một số hoàng thân khác nhưng rồi qua các buổi đàm đạo thì Phan và Cường Để đã “bén duyên” để hẹn ước nhau cùng làm chuyện lớn.
Quyển sách là một tư liệu quý khi đã theo dấu chân Hoàng thân Cường Để từ lúc bắt đầu đi ra nước ngoài, với những chi tiết đáng kinh ngạc về những cuộc gặp gỡ, viếng thăm nhiều nước đầy hiểm nguy và cũng rất mưu lược.
Phan Bội Châu và cộng sự đã tổ chức chuyến xuất dương bí mật cho Cường Để vào ngày mồng ba Tết Bính Ngọ, lúc đó vị hoàng tử trẻ 24 tuổi, để lại vợ và ba người con thơ, trong đó một đứa còn trong bụng mẹ.
Tháng 2/1906, con thuyền của Cường Để cập bến Hongkong, từ đó đi sang Nhật. Lúc này phong trào Đông Du đã quy tụ được hàng trăm sinh viên sang Nhật du học, đương nhiên họ rất vui mừng khi lãnh tụ mới của phong trào là một hoàng thân thuộc dòng chính thống. Bản thân Cường Để cũng tham gia các khóa học với các đồng hương bằng một cái tên Trung Quốc giả.
Sau một thời gian chuẩn bị, Việt Nam Quang phục Hội chính thức được thành lập vào ngày 19/6/1912 coi như một chính phủ lâm thời với các thành viên lãnh đạo là nhân sĩ trí thức hàng đầu như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thượng Hiền, Đăng Tử Mân, Nguyễn Hải Thần...Cường Để giữ vai trò Tổng Đại biểu (Chủ tịch), còn Phan Bội Châu là Phó Chủ tịch kiêm Ngoại trưởng. Quang Phục Hội có quân đội để hoạt động võ trang và có đồng tiền riêng.
Sau những hoạt động tại Trung Quốc, Singapore và Thái Lan, Cường Để đã về Việt Nam trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 6/1913. Sở dĩ phải liều mình trong sự săn đuổi của giặc Pháp như vậy vì Quang Phục cần thêm nhiều sự ủng hộ từ các thành phần trong nước, trong đó có vấn đề tài chính.
Cũng trong mục đích tìm kiếm đồng minh và sự ủng hộ, Cường Để đã có chuyến đi Châu Âu trong 8 tháng từ tháng 9/1913 đến tháng 4/2014. Tháp tùng hoàng thân là những thanh niên trẻ, thạo ngoại ngữ như Trương Duy Toàn (tiếng Pháp), Đỗ Văn Y (tiếng Đức) và Lâm Tỷ (tiếng Anh).
Chuyến đi bằng tàu thủy xuất phát từ Thượng Hải, tiếp đến Singapore rồi Bangkok. Thành phố Châu Âu đầu tiên mà nhóm cập bến là Naples (miền Nam nước Ý) rồi đi đường bộ đến Berlin. Trong hai tháng ở đây, có tin Cường Để đã gặp thủ tướng Đức Bismarck nhưng thực ra không phải, ông chỉ có các tiếp xúc với các quan chức chính phủ, được tài trợ 1000 Yên nhưng không phải thành công như mong đợi. Ông rời Đức qua Bỉ rồi tới London và ở đó trong hơn năm tháng.
Trở lại Nhật Bản, Cường Để giao du với các chính khách như Inukai Tsuyoshi (người sau này trở thành thủ tướng), Buntaro và Iwane (đại tướng). Những người này có thể coi là những người bạn của Cường Để, đã ủng hộ ông và phong trào rất nhiều về tinh thần và tài chính.
Năm 1925, có kẻ bán thông tin để lấy thưởng cho Pháp khiến Phan Bội Châu bị bắt, bị giam lỏng tại quê nhà. Cường Để tiếp tục làm lãnh tụ của Việt Nam Quang Phục Hội.
Năm 1939, Việt Nam Quang Phục hội được cải tổ thành Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội, chủ yếu hoạt động ở miền Trung với các nhân sĩ tham gia như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Cữ, Lê Toàn...
Năm 1945, Nhật thắng Pháp và tìm người để trao trả độc lập cho Việt Nam và Đông dương. Theo “kế hoạch”, bước 1 Nhật công nhận Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim; bước 2 Cường Để sẽ được mời làm tổng thống Đông Dương và Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Tuy nhiên Nhật đã đầu hàng đồng minh nên lộ trình này bị bỏ dở.
Năm 1949, Bảo Đại hồi hương làm quốc trưởng, Cường Để lúc này đã già yếu, ông dành mọi sự ủng hộ cho Bảo Đại, trước khi sống những năm tháng cuối đời ở nhật Bản.
Cuộc đời Cường Để thọ 69 tuổi thì đã có 45 năm lưu vong ở nước ngoài nhằm đấu tranh vì độc lập cho đất nước. Tên ông đã được đặt cho đường phố ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng không hiểu sao bây giờ không còn nữa.

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Tạm ngưng cuộc chiến giữa hai loài hoa


Dường như mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Hoa đã được hàn gắn sau chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm trong hơn 4 giờ đồng hồ, không tính thời gian “hai đứa tay trong tay” đi dạo trong vườn như một đôi tình nhân trước hàng trăm ống kính trong và ngoài nước.
Hơn 4 giờ đồng hồ là một thời gian dài, chưa rõ họ đã nói với nhau những gì. Tuy nhiên, điều có thể thấy là hai bên đều có chung nhu cầu làm dịu căng thẳng vì nhiều lý do. Về phía Mỹ, hiện quá bận rộn với hai cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông lại có vấn đề ngân sách nội bộ và cuộc bầu cử tổng thống trong chưa đầy 12 tháng tới. Trung Quốc cũng đang thấm đòn với những khó khăn chưa từng có về kinh tế, thậm chí đã có thể coi chấm dứt sự thần kỳ kéo dài 40 năm qua.
Tuần trăng mật của mối quan hệ Trung - Mỹ có thể tính bắt đầu từ chuyến thăm Mỹ đầu năm 1979 của Đặng Tiểu Bình và kết thúc vào biến cố Thiên An Môn tháng 4/1989. Cuộc đàn áp sinh viên đẫm máu làm mối quan hệ xấu đi nhưng sự hợp tác vẫn là dòng chảy chính chứ họ chưa coi nhau là đối thủ.
Bước ngoặt là sau khi Tập Cận Bình lên ngôi cách đây 12 năm. Bằng sáng kiến “vành đai, con đường”, Trung Quốc đã tỏ tham vọng đóng một vai trò lớn hơn trên thế giới, và điều này đương nhiên đụng chạm đến Mỹ.
Cựu tổng thống Trump là người đã nổ súng chiến tranh thương mại khi áp thuế bổ sung đánh vào hàng Trung Quốc. Sau đó, truyền thông Mỹ và phương Tây ra sức đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra Đại dịch covid-19, mặc dù không có bằng chứng.
Đến nay, mọi người đang chứng kiến cảnh con gấu Trung Quốc đã tỏ ra hụt hơi khi nền kinh tế giảm tốc rõ rệt, chỉ còn khoảng 3.5% trong năm nay. Nền kinh tế Trung Quốc dựa trên hai cột trụ chính, đó là bất động sản và xuất khẩu thì cả hai đều gặp khó khăn. Trong khi nguồn vốn FDI lũ lượt bay đi thì đại dự án “vành đai, con đường” hao tiền tốn của làm cho gánh nợ thêm chồng chất.
Nhưng phải nói nền kinh tế trị giá 18 ngàn tỉ đô (chi xếp sau Mỹ 25 ngàn tỉ đô) không thể sụp đổ. Trung Quốc vẫn nắm giữ chuỗi cung ứng của thế giới mà không dễ gì thay thế. Ngay cả khi thị trường tiêu điều thì ngân sách vẫn không thiếu, chính phủ Trung Quốc đã vẫn tài trợ cho ngành ô tô điện để ngành này có bước tiến nhảy vọt, đáng tiếc đây không phải là điều hay vì ô tô điện đã đi quá xa so với nhu cầu khách hàng.
Chính quyền độc tài có hai chiêu kiếm tiền khá dễ dàng, một là bán đất sở hữu toàn dân, hai là đi ăn cướp của các tỉ phú. Với hệ thống luật pháp không rõ ràng, đại gia dễ dàng chăn và lùa tiền của dân, và đến lượt chính quyền sẽ không khó gõ cho các con lợn béo phải ói ra những thứ đã lấy.
Nếu bảo thương chiến với Mỹ làm cho kinh tế Trung Quốc suy yếu thì chưa hẳn đúng. Chính quyền Biden đã gỡ bỏ phần lớn các khoản thuế phụ trội. Hiện Trung Quốc đã rớt xuống chỉ là nhà cung cấp lớn thứ ba vào thị trường Mỹ sau Mexixo và Canada. Nhưng đây là vì Mễ và Ca đã phát huy ưu thế địa lý của họ và Hiệp ước NAFTA, chứ kim ngạch xuất khẩu cũng như xuất siêu từ Trung Quốc vào Mỹ hầu như chưa thay đổi.
Đến nay, thuyết âm mưu cho rằng Trung Quốc reo rắc Covid-19 không còn đứng vững vì hóa ra nước này mới là nước chịu tổn thất nhiều nhất vì đại dịch. Không hiểu sao trong khi các nước chỉ cách ly khoảng 12 tháng thì Trung Quốc đóng cửa đến 3 năm, làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế giới cũng khác đi nếu “vành đai, con đường” thành công và dự án này đổ bể cũng vì Covid.
Một dự báo được nhiều người đồng ý rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong khoảng 2-5% trong thời gian tới và đây là kịch bản các bên đều hài lòng. Theo tin tức rò rỉ từ cuộc họp Biden - Tập, Trung Quốc cũng đã hứa và thực hiện đúng việc không viện trợ quân sự cho Nga. Họ cũng tỏ ra hòa hoãn hơn về vấn đề Đài Loan, thậm chí khẳng định không tấn công nước này.
Chưa có tin cuộc họp có bàn gì đến Việt Nam và Biển Đông nhưng đây chắc chắn là chủ đề khó tránh khỏi. Mình có đọc một bình luận cho rằng Mỹ - Trung mà đối đầu với nhau thì có lợi hơn cho Việt Nam. Bằng chứng là mươi năm qua Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ ưu ái từ Đầu tư Thương mại của Mỹ và đồng minh. Ngược lại, vào giai đoạn Mỹ Trung “yêu nhau” 1979 - 1989 thì Việt Nam đã khốn khổ như thế nào.
Từ nhiều tháng qua, tin đồn Tập đi Việt Nam vẫn chưa thành sự thật trong khi ông ta lại đi Mỹ. Điều này có liên quan gì đến việc Intel hoãn đầu tư, Vinfast bị điều tra vi phạm luật chứng khoán, hàng điện tử bị chặn ở hải quan và Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ?

Tiếng gọi lúc nửa đêm

 

Truyện ma của Ngọc Quang
Chỉ sau khi đẻ được vài ngày tuổi, mình đã được mẹ bế đi sơ tán ở Chương Dương. Sau đó, hai mẹ con như mèo tha chuột đi thêm mấy nơi khác trong tỉnh Hà Tây, nơi mẹ dạy học. Gần 4 tuổi, bố mình về nước, nhưng mình cũng chỉ sống ở Hà Nội khoảng 2 năm rồi trở lại cuộc sống nông thôn ở Phùng để đi sơ tán theo cơ quan bố.
Vào cuối mùa xuân ấm áp, em gái mình hơn một tuổi, còn em trai đang trong bụng mẹ. Được vài tuần, em trai ra đời tại trạm xá xã.
Bố mình làm sếp, lại có con nhỏ nên được ưu tiên ở một ngôi nhà tranh vách đất nhưng rộng rãi thoáng mát nhất xóm. Cứ sáu giờ rưỡi tối hằng ngày, các cô chú trong cơ quan sang nhà mình nghe đài BBC để theo dõi tình hình máy bay Mỹ ném bom, mọi người tụ tập hết ngoài sân cũng vui.
Bác chủ nhà làm nghề chọc tiết lợn, thỉnh thoảng mang về một cái đuôi lợn cho cô con gái út, mình vẫn nhớ tên là Quý, bằng tuổi với mình. Mình muốn xin một mẩu đuôi lợn luộc nhưng Quý không cho nên các lần sau bác phải mang về hai cái đuôi.
Bố mẹ cũng khá bận rộn với em nhỏ nên mình được tự do đi chơi với tụi trẻ con nhà quê. Chỉ chưa đầy sáu tháng, mình nói chuẩn giọng Phùng y như người dân ở đây.
Thích nhất là được đi theo các anh chị chăn trâu ở gần bờ đê. Chăn trâu nhàn hạ lắm, trâu thì miệt mài gặm cỏ, còn người muốn làm gì thì làm. Mình nhìn thấy một anh tụt quần một chị ra, chị mặc quần chun màu đen, bên trong không có đồ lót. Có vẻ chị không giận mà dường như còn cười.
Đùng một cái, cả nhà mình về Hà Nội. Một hôm, bố đi đâu về với vẻ mặt nghiêm trọng và nói với mẹ điều gì đó. Một cảm giác trống vắng và buồn khi bố lại sắp đi nước ngoài tiếp.
Trời vào đông, cả Hà Nội lại đi sơ tán một lần nữa. Lần này chỉ có bốn mẹ con bồng bế nhau đi Thượng Cát, nơi mẹ mình đã từng dạy học.
Sau đoạn đường dài bằng xe buýt và đi bộ, bốn mẹ con cũng đến một ngôi nhà cạnh một quả đồi, trước cổng có một cây mận trổ bông trắng toát rất đẹp. Hình như lâu ngày không có người ở nên mùi mốc meo nồng nặc.
Buổi tối rét mướt, nhà dột mà không biết nó dột ở chỗ nào nữa. Nhưng rồi buồn ngủ quá mình vẫn lăn ra ngủ như chết.
Có hôm, mẹ gọi mình dậy để giúp mẹ pha sữa cho em. Đến khi quay lại giường, mình nghe thấy tiếng khóc, khóc thảm thiết tan nát ruột gan . Mẹ mình cũng nghe thấy nhiều lần rồi mà chưa nói với mình, mẹ còn nói, tiếng khóc rất gần mà không biết ở đâu.
Cũng may có thêm bà ngoại đến nên căn nhà trở nên ấm cúng hơn. Bà răng đen, ăn trầu, lúc đó chưa đến sáu mươi mà mọi người đều gọi bà bằng “cụ”.
Nhưng mình chẳng biết chơi với ai vì quanh nhà không có trẻ con như hồi ở Phùng. Mấy nhà hàng xóm của mình cũng bỏ hoang mà không có người ở.
Mẹ mình bảo rằng có hai mẹ con ma vẫn thường xuất hiện dưới cây đa cách nhà mình không xa. Mình hỏi sao mẹ biết đó là ma?
Mỗi khi mẹ vừa ra khỏi cửa để đi chợ thì thấy hai con ma đang ngồi bắt chấy cho nhau dưới gốc cây đa. Dù có những hàng rễ đa buông dài nhưng mẹ nhìn thấy rất rõ. Đến nơi, không thấy hai ma đâu nữa. Trên đường đi chợ về, mẹ lại thấy nhưng rồi đến gần chúng lại biến mất!
Mình vẫn thường đi mua kê cho cả nhà ăn sáng vào sáng sớm, khi trời vẫn còn tối. Từ khi nghe mẹ kể thì không dám đi thêm một lần nào nữa.
Một hôm, một bà lão trong xóm nói với mẹ mình sao cô giáo lại để cụ và các cháu ở ngôi nhà đó. Mẹ mình hỏi sao bác lại hỏi thế thì bà kể:
Cả dãy nhà đó là mấy gia đình bà con ở thành xóm với nhau nhưng tất cả bị trùng tang chết hết rồi. Mỗi khi có người chết, vong hồn hiện về lúc nửa đêm, gọi tên người nào mà người đó thưa thì quả nhiên hôm sau người đó đều đi.
Sáng hôm sau, có thể là chị vợ vừa bước xuống ao để vớt con cá thì hai chân nặng như chì, không thể nào nhấc lên được rồi cả người cứ thế lún xuống bùn mà chết. Rồi anh thanh niên trèo lên cây ổi, cành ổi rất cứng nhưng lần này đột nhiên gẫy, nó chọc vào hậu môn mà chết. Có người không trèo cây, không lội ao, ngồi một chỗ mà cũng lăn đùng ra. Già trẻ, lớn bé cũng đều vậy.
Bà lão dặn nếu có ai gọi lúc nửa đêm thì đừng thưa, thưa là đi đời đó. Mẹ mình bảo nhà cháu ở cả tháng nay mà chưa có tiếng gọi, chỉ có tiếng khóc lúc nửa đêm. Chẳng qua là phúc còn dầy nên các ngài chưa cho nên họ chưa được phép bắt thôi.
Mình ra khu vườn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhưng thấy mấy cái ụ đất. Sau mới biết đó chính là các ngôi mộ của những người chết chùm trong ngôi nhà.
Lâu quá, mình không nhớ vì sao mà mấy mẹ con bà cháu vẫn còn nguyên vẹn để trở về...

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Ganvie là một ngôi làng nằm trong hồ Nokoué, Benin. Với lịch sử 400 năm và dân số 20.000 người, đây là "Vernice" của châu Phi.

 

Dù đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa, làng Ganvie không sống bằng nghề du lịch mà lại chủ yếu là đánh bắt cá trong hồ như truyền thống.

Thử tìm nguyên nhân của hai cuộc chiến hiện nay


Thế giới đang chứng kiến hai cuộc chiến lớn ở Ukraine và Gaza. Chiến tranh hay bất kỳ vấn đề gì đều có hai loại nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.
Nguyên nhân sâu xa mang đến cái Tất nhiên không thể cưỡng lại. Cái Tất nhiên thể hiện qua điều mà mọi người thường gọi là “giọt nước tràn ly” bằng cái Ngẫu nhiên.
Nước Đức từng gây ra hai cuộc thế chiến. Nguyên nhân không thể tránh khỏi là vì Đức là nước đi sau, để phát triển nó phải tìm cách phân chia lại bản đồ thuộc địa và đã dùng đến chiến tranh. Người ta kể rằng, nhiều mệnh lệnh quân sự được đưa ra trong những “cơn điên” của Hitler.
Đặc biệt, khi mặt trận phía Tây được mở, nhìn thấy viễn cảnh hai gọng kìm siết chặt, đó là lúc Hitler không còn giữ được bình tĩnh, hắn đã đưa ra những quyết định ngược lại các lời khuyên của các cố vấn quân sự. Thất bại của phát xít Đức mang tính tất nhiên và thể hiện bằng những quyết định quân sự ngẫu hứng sai lầm.
Trong bóng đá, bàn thắng sẽ xảy ra nếu có khoảng trống, khe hở. Để bộc lộ những điểm yếu chết người đó người ta dùng chiến thuật dồn ép (pressing) và hệ thống phòng ngự buộc phải xảy ra sơ hở.
Vì sao “khôn ba năm, dại một giờ”? Với “nhu cầu” thầm kín và sâu thẳm của chị em ta và các đòn tấn công tới tấp biến hóa của anh em ta, điều phải đến đã bùng phát dữ dội.
Hai cuộc chiến Ukraine và Gaza dường như có chung một nguyên nhân ruột, đó là vấn đề năng lượng hóa thạch hay biến đổi khí hậu.
Vào đầu thể kỷ 20, Mỹ là nước đầu tiên phát hiện và khai thác dầu lửa. Vì dùng sớm nên cạn sớm, Mỹ đã phải lệ thuộc vào nguồn dầu lửa Trung Đông.
Sau Thế chiến 2, thế giới chia hai phe. Phần lớn các nước Trung Đông là thuộc địa cũ của Anh, Pháp nên chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây. Liên Xô là nước tích cực nhất trong việc vận động thành lập Nhà nước Israel với hy vọng người dân đất nước non trẻ này chủ yếu từ Đông Âu và Liên Xô hồi hương thì Liên Xô sẽ có một điểm tựa trong vùng. Khi Israel ra đời năm 1948, Liên Xô là nước đầu tiên công nhận.
Tuy vậy, Israel không đi theo XHCN mà thiết lập chế độ dân chủ đa đảng. Chuyện không ngờ đã diễn ra, trong cuộc đối đầu giữa Israel và các nước Ả Rập thì Mỹ và phương Tây đứng về phía Israel trong khi phe XHCN hậu thuẫn cho Ả Rập.
Các cuộc đảo chính lật đổ chế độ phong kiến liên tiếp nổ ra trong khu vực tại Ai Cập, Iraq, Lybia và Iran. Các chính quyền mới đều có xu hướng thân thiện với phe Liên Xô và chống phương Tây. Đầu thập niên 1970s, các nước Ả Rập đã đẩy giá dầu lửa tăng vọt dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ.
Về sau, với kỹ thuật khai thác dầu phiến đá, Mỹ đã tự túc được dầu lửa nhưng các đồng minh của Mỹ như Châu Âu, Nhật Hàn vẫn phải ăn dầu của Trung Đông, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ tìm nguồn cung cấp từ Nga.
Ngày nay vấn đề biến đổi khí hậu được nói nhiều, đại khái để tránh việc trái đất ấm lên thì chúng ta phải từ bỏ nhiên liệu hóa thạch là dầu khí và than. Mình không hiểu điều này có đúng không vì những thông tin đa chiều mang tín hỏa mù (spin) không biết đường nào mà lần. Có điều khi Trump coi nhẹ vấn đề môi trường thì nhất loạt mọi người trong giới tài phiệt, chính khách và đồng minh nước ngoài đều chống lại ông.
Biden đánh bại Trump để trở thành tổng thống, cuộc chơi mới đã hình thành rõ rệt, đó là việc thế giới phương Tây chuyển mình sang kinh tế xanh với nguồn “nhiên liệu sạch” như năng lượng pin và năng lượng mặt trời.
Bị cấm vận do chiếm Crimea từ năm 2014, nền kinh tế Nga chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là bán dầu lửa. Nay nguồn sống này lại có nguy cơ bị đe dọa, đó chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến Ukraine.
Nguyên nhân trực tiếp là ý định gia nhập NATO của Ukraine, sau khi một loạt đồng minh và chư hầu cũ của Nga đã là thành viên của khối quân sự này.
Cũng để chuẩn bị cho cuộc sống kinh tế kỷ nguyên hậu dầu lửa, một loạt nước Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Israel. Bước tiếp theo là Saudi, nước mạnh nhất về dầu lửa và điều này sẽ khiến Iran cảm thấy lo lắng khi hai kẻ thù trong khu vực lại bắt tay với nhau.
Đó là “giọt nước” mà Hamas, tổ chức được Iran nuôi dưỡng, đã tấn công 5000 quả tên lửa vào đất Do Thái, mở màn cho cuộc chiến mới nhất ở Trung Đông.
Là những người khơi mào cho chiến tranh, cả Nga lẫn Hamas đều phạm sai lầm lớn về chiến lược, cái giá phải trả là Nga bị bao vây cô lập và Hamas sẽ bị diệt vong.

Gap year

 

Ở nhà mình từ mấy năm nay, Kelly, lớp 12 luôn trăn trở xem nên học ngành nghề gì cho phù hợp. Sissy, lớp 11 thì ngược lại, nói đến chuyện chọn nghề thì đánh trống lảng, tảng lờ đi.
Hôm rồi cô nàng mới hé lộ nguyên do, đó là muốn nghỉ 1 năm sau lớp 12 để đi du lịch. Đối với các gia đình Tây, điều này bình thường thôi, họ gọi là gap year, còn ta gọi những người như thế là “Tây ba lô”, nhưng đối với người Việt thì đây là điều quá mới mẻ.
Theo Sissy, để thực hiện ước mơ chu du thế giới, con sẽ đi làm 6 tháng để kiếm tiền rồi mới đi. Về nguyên tắc, vợ chồng mình ủng hộ ý tưởng này của con. Sau 13 năm (tính cả vỡ lòng kindy) đèn sách thì đây là lúc nên dừng lại để khám phá những điều mới mẻ hơn, những bí ẩn, nhưng điều kỳ lạ mà chỉ có ra đi thì mới biết được.
Cá nhân mình là người đã hai lần đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Toán ở cấp độ quận Ba Đình và thành phố Hà Nội thì thấy rằng những điều học ở trường đời giá trị và bổ ích gấp bội phần so với học ở trường lớp. Tụng kinh gõ mõ để đạt điểm cao chẳng có gì là hay ho mà nên có những hoài bão lớn hơn.
Hồi mới qua du học Úc, mình đã từng ở chung 4 thằng một phòng và đi làm mười mấy giờ mỗi ngày. Bây giờ nhìn mấy đứa trẻ lúc nào cũng khổ sở vì tiện nghi hay miếng ăn manh áo mà thấy chúng nó yếu đuối tội nghiệp quá. Về kiến thức, nay chúng ta đã có google hay AI, nên cái cần hơn là những trải nghiệm, các kỹ năng mềm, các đức tính bền bỉ, bất khuất. Mình tin rằng, con người ta sẽ trở nên mạnh mẽ nếu từng nếm mật nằm gai, chịu đựng qua các thăng trầm.
Chắc chắn xã hội đã, đang và sẽ cần những con người dám đương đầu và giải quyết được các vấn nạn của cuộc sống thay vì chưng khoe những bằng cấp trống rỗng. Thủ tướng Luxon mới được bầu của New Zealand là một người đã bôn ba hàng chục năm ở nước ngoài. Các tấm gương về những người thành công và hành phúc thường là những người đã có quá khứ hết sức thú vị và hấp dẫn.
Những liệu Sissy đã đủ “trình” để thực hiện một cuộc ngao du thiên hạ chưa? Đẻ ở Dubai, 3 tháng được ẵm ngửa về Việt Nam, mấy tháng sau đi Ai Cập, rồi học mẫu giáo ở trường quốc tế bên Ai Cập; ba tuổi cùng gia đình đi mấy nước châu Âu; bốn tuổi sang Úc định cư.
Một lần lúc 5 tuổi, Si bị mẹ đánh đòn, con bé kéo quần xuống cho hở mông và bảo: mẹ đánh mạnh vào, đánh thế chưa đau! Vậy mẹ cháu có dám đánh nữa không?
Đến lớp 5, không cho bố đưa đón đi học, để rồi có cơ hội đi xe lửa lang thang khắp Sydney. Từ tiểu học nhiều lần ngủ đêm ở nhà bạn, vì mình đọc báo nói ngủ nhà người khác là tốt, để có quan sát và học hỏi. Cuối năm lớp 7, đi cùng bạn chơi xa dài ngày ở Byron bay, cách Sydney 800km, rồi còn nhiều chuyến đi chơi xa nữa.
Nhiều lần thử uống rượu và hút cần sa. Mình đã chứng kiến Sissy nói chuyện với con trai, nó mở cassette từ đầu đến cuối, chứ chẳng khép nép e lệ gì cả. Ở trường, Sissy được bầu vào Ban đại diện học sinh (SRC) và còn là prefect nữa.
Mười ba tuổi rưỡi Sissy đã đi làm kiếm tiền và đã trải qua nhiều công việc khác nhau và hiện đã có một việc làm tốt. Số tiền kiếm được con chơi chứng khoán, tính cả gốc lẫn lãi đã lên đến chục ngàn.
Sissy là mẫu người có thể xoay sở được trong các tình huống của cuộc sống. Điều này khác với Kelly, thích học và chăm học. Thành tích của em thậm chí còn hơn chị trước đây, bây giờ cũng không kém hơn, có điều Si có nhiều những mối quan tâm khác.
Có thể sau khi đi ra nước ngoài, Sissy sẽ không học đại học nữa, nếu vậy tụi mình cũng sẽ không can thiệp vì con đã hiểu con cần phải làm gì. Con đã thành một người khác rồi, bản lãnh, can trường, dám làm những điều mình cho là đúng.
Thế hệ hiện tại người Việt đang thua kém người Tây. Chỉ mong thế hệ các con phải thay đổi thế nào thì mới mong theo kịp họ được.
Tuy nhiên, ý tưởng Sissy nêu ra trước hết để thăm dò ý kiến bố mẹ. Bố mẹ đã ủng hộ, nhưng để thực hiện, con còn phải chờ phản hồi của bạn bè nữa. Nếu có bạn đi cùng, tụi mình hoàn toàn yên tâm, những nếu con đi một mình thì thú thật là hơi lo. Điều mình có thể làm được là chuẩn bị tiền bạc và thời gian để sẵn sàng hỗ trợ con khi cần.

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Một góc nhìn về cuộc chiến Israel – Hamas

 

Ngày 8/5/2008, lần đầu tiên mình đến Israel. Chuyến bay Cairo – Tel Aviv chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ nhưng đã khiến mình như lạc vào một thế giới khác. Khi xe chạy vào thành phố là đã thấy ngay một cuộc sống ngăn nắp, tinh tươm, khác hẳn một xã hội lộn xộn và bẩn thỉu. Một bên là những “người khổng lồ” với trọng lượng trên dưới một tạ, nam cũng như nữ và một thế giới với những con người nhanh nhẹn, gọn gàng. Đó là những gì đập vào mắt chứ không phải yêu hay ghét ai, vì thực ra mình còn gắn bó với người Ả Rập nhiều hơn người Do Thái.
Cậu lái xe đón mình từ sân bay là một người Ả, anh nói tiếng Anh tốt hơn hẳn những người Ả Rập bên Ai Cập. Nghe kể chuyện, mình hơi ngạc nhiên về số lượng người Ả Rập sống tại Israel, lúc đó là trên 2 triệu, còn bây giờ cỡ 3 triệu người. Về nguồn gốc chủng tộc, có lẽ người Do Thái và người Palestin là một, họ là Do Thái nếu vẫn theo Do Thái giáo, còn những người cải đạo sang Hồi giáo (một tôn giáo xuất hiện sau 1600 năm) thì trở thành Palestin.
Điều gây ấn tượng nhiều nhất là đất nước Israel giống hệt như ...Úc về thời tiết khí hậu và cảnh quan. Chính vì thế chưa xong chuyến đi đầu mà mình đã tính phải có chuyến tiếp theo, và lần này dành cho gia đình.
Lúc đó cháu Si mới tròn 1 tuổi nên không thể đi được, vậy mình với bà xã và Kelly (còn gọi là Bi) sẽ đi. Mà đi đường bộ luôn nên mình đã hẹn bạn đón mình ở thị trấn Eilot cực nam Israel, theo tuyến đường số 90 sẽ đi dọc theo chiều dài đất nước, đi giữa Bờ tây ở phía Tây và Dải Gaza về phía đông của Palestin.
Nhưng rồi phải 9 tháng sau, chuyến đi mới thu xếp được. Vì Sissy ở lại với cô giúp việc, thú thật là tụi mình không hoàn toàn yên tâm nên thôi hủy bỏ kế họach đi đường bộ, chỉ sợ có gì trục trặc không về được đúng theo kế hoạch thì rất phiền.
Cả hai chuyến đi, mình đều đã sống trong khung cảnh thanh bình, an toàn, không hề lo lắng gì, như những gì xảy ra trong khoảng thời gian dài sau cuộc chiến cuối cùng vào năm 1973 đến nay. Vậy mà...cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào trong lãnh thổ Israel đêm 7/10 được ví như một sự kiện 11/9 của năm 2011 bên Mỹ.
Thủ hiến Minns của NSW đã cảm thấy “kinh hoàng” trước những cuộc biểu tình giận dữ của người Ả Rập và Palestin tại khu vực Nhà hát Con sò, nơi Opera House được chiếu màu cờ của Israel để tỏ tình đoàn kết với người dân Do Thái; khu vực Town Halls, nơi làm làm việc của Chính phủ NSW và Lakemba, khu vực nhà mình, nơi sinh sống của nhiều người Hồi giáo.
Vì lý do nhân đạo, Úc đã thâu nhận khá nhiều người Palestin đến tị nạn chiến tranh trong vài chục năm qua. Một sắc dân cũng được chiếu cố là Lebanon, cũng vì nội chiến ở nước này. Một điều ít người để ý là khi tổ chức Huynh đệ hồi giáo bị cấm ở Ai Cập thì một số thành viên của nó cũng chạy sang Úc.
Theo như bảng “phong thần”, người gốc Ả Rập chiếm tỉ lệ cao nhất trong việc xin trợ cấp an sinh xã hội (hơn cả người Việt). Để xin trợ cấp, trong nhiều trường hợp là “ăn gian” về thu nhập cá nhân và doanh số trong kinh doanh và đây là một điểm yếu chết người nếu như nhà chức trách quy kết tội “trốn thuế”. Chính vì thế, có thể dự đoán các cuộc biểu tình ủng hộ Palestin sẽ hạ nhiệt nếu được chính quyền “khuyên” là không nên.
Với thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình” Israel đã trả lại Dải Gaza cho phía Palestin mà không xong và nay vùng đất bé nhỏ này lại trở thành căn cứ để đánh vào đất nước Do Thái giáo. Tại anh hay tại ả thì thật khó nói, mình chỉ muốn thử làm tiên tri đoán thời vận sẽ ra sao.
Thứ nhất, Israel đã chuẩn bị 300,000 quân để tái chiếm Gaza, nhằm vào hang ổ và tiêu diệt tận gốc Tổ chức Hamas. Sự kiện 11/9 đã làm Tổ chức Al Qadar và bin Laden bị xóa sổ thì nay một tình huống tương tự sẽ sắp diễn ra. Hệ lụy của việc này là sẽ nổ ra một loạt các vụ khủng bố khủng mẹ nhắm vào Israel và những người bạn của họ, nhưng Israel không có lựa chọn nào khác.
Dự trong tương lai, Gaza sẽ một lần nữa được trao trả lại cho phía Palestin thì đó mới là lúc hòa bình có hy vọng được vãn hồi.
Thứ hai, có thể coi Iran đã thành công trong việc làm Hiệp định hòa bình Israel – Saudi Arabia bị đình hoãn vô thời hạn. Đến nay đã có 6 nước Ả Rập bình thường quan hệ với Israel. Nếu Saudi, một nước giàu mạnh trong thế giới Ả Rập ký kết với Israel thì triển vọng hòa bình tại Trung Đông sẽ rất sáng sủa, nhưng lại là điều Iran sợ hãi nhất vì các nước Ả Rập đều theo giáo phái Sunni không coi Israel là kẻ thù nữa thì họ sẽ chĩa mũi nhọn là sang giáo phái Shia của Iran. Về tư tưởng, Hamas chịu ảnh hưởng của Huynh đệ hồi giáo, nhưng mọi người đều biết Iran “nuôi” Hamas từ khi Hamas thành lập năm 1987 đến nay.
Bên cạnh đó kế hoạch “con đường tơ lụa” từ Ấn Độ đi Châu Âu qua ngả Trung Đông mà Tổng thống Biden đề xướng tại hội nghị G20 tháng 9 vừa qua cũng bị phá sản hoặc đình hoãn. Tương tự là các dự án phát triển kinh tế đầy tham vọng của Saudi trong việc “hóa rồng hóa hổ” từ nguồn vốn dầu lửa khổng lồ chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Ảnh: Màu cờ Israel trên Nhà hát Con sò.