Giao dịch mua Toà nhà Sirius nổi tiếng ở Sydney với giá 150 triệu AUD (110 triệu USD) của một nhà đầu tư Việt Nam đã đánh dấu một làn sóng vốn mới từ Châu Á tấn công vào thị trường bất động sản Úc. Một giao dịch mua bán lớn gần đây nữa của người Việt là ba trang trại chăn nuôi gia súc tại Lãnh thổ Bắc Úc của Tập đoàn TH trị giá 135 triệu AUD vào tháng 1 năm 2019.
Theo công ty bất động sản thương mại toàn cầu Colliers International, trong khi đầu tư từ Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây, hơn 450 triệu AUD đã được đầu tư vào bất động sản Úc từ các nhà đầu tư Việt Nam trong hai năm qua. "Việt Nam đã trở thành tay chơi lớn mới gia nhập thị trường Úc, với giao dịch hơn 150 triệu AUD riêng tại Colliers International, đầu tư vào văn phòng, dự án nhà đất, khu thương mại, vườn nho hoặc các trang trại nông nghiệp". Ông Harry Bùi, Giám đốc thị trường Châu Á tại công ty Colliers International cho hay.
"Trong buổi Triển lãm Đầu tư Úc 2019, chúng tôi đã gặp nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và các gia tộc giàu có đến từ Việt Nam, những người đã đầu tư vào Úc và có mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư thêm. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ các nhà đầu tư Singapore và Hồng Kông, những người cũng có mong muốn tương tự như các nhà đầu tư Việt Nam”. Hiện nay, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông đang dẫn đầu về số lượng vốn đầu tư của Châu Á vào Úc, với thị phần lần lượt là 46%, 30,5% và 13,2%.
Ông Harry cho biết thêm, ban đầu các nhà đầu tư này chỉ nhìn vào Sydney và Melbourne, nhưng khi niềm tin của họ vào thị trường Úc tăng lên, họ đã bắt đầu hướng sự quan tâm đến các thành phố lớn khác như Brisbane và thậm chí đã mở rộng ra các thị trường ngoại ô.
Những thông tin về đầu tư từ các doanh nhân Việt Nam vào Úc dường như đã trùng khớp với các số liệu từ trong nước. Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy trong 11 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 458,82 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã đầu tư sang 31 quốc gia, trong đó Úc dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 141,3 triệu USD, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Mỹ với 26 dự án, tổng vốn đầu tư là 93,4 triệu USD và tiếp theo lần lượt là các nước Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada…
Điều đáng chú ý trong nhiều năm trước đây, Lào hay Campuchia liên tục dẫn đầu về số vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam thì nay vị trí này đã chuyển sang Úc và các nước được coi là hấp dẫn về di trú như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha. Trên thực tế, vốn đầu tư từ Việt Nam vào Úc không chỉ có bất động sản mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cũng trong thời gian qua, khách du lịch Việt Nam sang Úc cũng có sự đột biến về khách tự đi cá nhân hay theo gia đình chứ không cần đi thành đoàn đông như trước. Một bộ phận không nhỏ của dòng khách này là tìm kiếm cơ hội định cư và đây là vấn đề “nhạy cảm” rất riêng tư và chỉ những người rất thân cận mới được biết.
Hai loại visa nhập cư được những người giàu có tại Trung Quốc và Việt Nam ưa thích đó là Visa 188 và visa 132 vì sự chắc chắn và hiệu quả. Visa 188 có các loại: Visa 188A, Visa 188B, Visa 188C và Visa 188C* nhằm mục đích cho những di dân từ nước ngoài, có tiền và có tài kinh doanh, được mang gia đình đến Úc định cư và làm ăn đóng góp cho sự phát triển của nước Úc.
Visa 132 gồm 2 diện:
• Visa132 A là loại dành cho những người di dân có quá khứ thành công tốt đẹp trong việc thành lập và điều hành những doanh nghiệp thành công ở nước ngoài.
• Visa 132 B là loại visa sành cho những người được các nhà đầu tư Úc góp vốn cùng đầu tư tại Úc .
Nhằm điều tiết thị trường bất động sản, Chính phủ Úc đề ra những quy định về đầu tư ngoại quốc, theo đó người nước ngoài không được mua nhà cũ mà chỉ được mua nhà mới xây và nhà đất thương mại như nông trại, văn phòng, cửa tiệm, nhà kho. Tuy nhiên, các nhà đầu tư được góp cổ phần vào các dự án với các ngành nghề khác nhau và cũng được tính vào tổng mức đầu tư khi duyệt xét visa.
Do việc Chính phủ Úc cho phép các cá nhân có thu nhập cao đầu tư vào bất động sản thương mại, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp khởi nghiệp ở bất kỳ mức giá nào trong khoảng 500 ngàn đến 15 triệu AUD nên số lượng người Việt đăng ký các loại visa kể trên đã tăng lên 177% trong năm qua. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ nhì trong việc xin visa đinh cư theo diện đầu tư kinh doanh, chỉ sau Trung Quốc.
Theo ông Anh Khôi Phạm, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn chiến lược tại công ty Colliers International: "Úc dự kiến sẽ vẫn là nền kinh tế vững mạnh trên thế giới với 28 năm tăng trưởng không ngừng, và thị trường bất động sản Úc là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Á đang có ý định mở rộng thị trường ra toàn cầu và bảo toàn tài sản."
Ông nói: "Trong những năm tới, khi các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, và đặc biệt là Việt Nam, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thì những chiến lược đầu tư thông minh sẽ dịch chuyển từ việc tích lũy tài sản từ những thị trường nóng sang bảo toàn nguồn vốn tại những thị trường an toàn. Việc này khiến chúng tôi tin rằng ngày càng nhiều vốn sẽ chảy vào Úc từ những nền kinh tế mới nổi này, bên cạnh sự hiện diện mạnh mẽ của các thị trường đã phát triển của châu Á."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét