Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Những tình tiết lắt léo trong Phiên tòa vụ AVG

Phiên tòa xử vụ đại án AVG đã bước sang ngày thứ ba với những diễn biến khá hồi hộp.
Trong số 14 bị cáo, hai bị cáo có cấp bậc cao nhất là các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Tuy nhiên ông Tuấn đã tỏ ra đổ lỗi cho người sếp cũ của mình khi nêu ra 5 bút phê của ông Son và nói rằng, với tư cách Thứ trưởng vào lúc đó, ông chỉ làm theo chỉ đạo của Bộ trưởng.
Quá trình xét hỏi, HĐXX đặt nhiều câu hỏi đối với ông Tuấn về việc ký quyết định phê duyệt dự án trái quy định. Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thừa nhận bộ có trách nhiệm phê duyệt dự án sau khi Thủ tướng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc ký quyết định phê duyệt dự án không thuộc chức năng, nhiệm vụ của ông Trương Minh Tuấn nhưng bị cáo nói cấp trên trực tiếp là ông Son chỉ đạo nên ông ký theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan.
“Bị cáo không phụ trách nên không biết dự án phải làm theo Luật đầu tư và Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước. Tôi chỉ nghĩ hoặc theo cái này, hoặc theo cái kia. Sau này làm việc cơ quan điều tra, tôi nhận thức phải tuân theo cả 2 luật”, ông Tuấn trình bày.
Các bị cáo khác cũng muốn "trăm dâu đổ đầu tằm" khi cho rằng ông Son đã quyết liệt chỉ đạo thương vụ mua bán gây thất thoát cho nhà nước lên đến 6,590 tỉ đồng. Ông đã có hàng trăm cuộc điện thoại và nhắn tin với ông Vũ, Chủ tịch AVG để thúc đẩy việc mua bán.
Theo cáo buộc, khi MobiFone ra chiến lược tham gia lĩnh vực truyền hình, ông Nguyễn Bắc Son đã giới thiệu, định hướng đơn vị này mua cổ phần AVG. Dự án trị giá hơn 8.000 tỷ sẽ do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, khi dự án chưa được thẩm định, chưa có quyết định chấp thuận từ lãnh đạo chính phủ, ông Son đã chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án.
Sau 5 lần đàm phán, tháng 10/2015, AVG và MobiFone đã thống nhất việc mua bán 95% cổ phần, tương đương gần 8.900 tỷ đồng.
Thương vụ thành công theo đúng mong muốn và có lợi nên Phạm Nhật Vũ đã đưa cho ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, đưa ông Trương Minh Tuấn 200.000 USD (mà theo vợ ông là không mang về nhà), Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone) 2,5 triệu USD (trong một thùng các tông hoa quả) và Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone) 500.000 USD.
Ông Vũ cũng hoàn trả lại số tiền thất thoát cộng với tiền lãi ngân hàng phát sinh là 400 tỉ đồng. Được biết, ông Vũ là em trai của Tỉ phú giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng.
Các bị cáo bị tố nhận hối lộ đã khai nhận "khớp" với số tiền  được cáo buộc và đã giao nộp lại số tiền "bẩn" như là một cách để khắc phục hậu quả vụ việc.
Tuy nhiên, người được coi là cầm đầu và chủ mưu, ông cựu Bộ trưởng Son thì vẫn tỏ ra quanh co với số tiền tổng cộng lên đến gần 4 triệu USD. Ông thừa nhận cầm của ông Hải 200.000 USD, nhưng với lời khai của ông Trà đưa ông 700.000 USD thì ông chỉ chấp nhận 200.000 USD.
Đặc biệt, với món tiền 3 triệu USD thì lời của ông thay đổi như chong chóng: có, không, rồi có. Theo tường thuật của báo chí trong nước, ông Son đưa cho "bà" Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, tổng cộng 3 triệu USD. Ở đây, Nguyễn Thị Thu Huyền không phải vợ mà là con gái ông.
Tuy nhiên, cô Huyền đã phủ nhận hoàn toàn việc này. Quả thật như vậy đây là điều đáng để suy ngẫm, khi một ông bố, đôi khi làm những việc liều lĩnh cũng chỉ vì con cái, chứ ông đã 66 tuổi thì còn sống được bao nhiêu để mà hưởng thụ nữa. 
Theo điều luật 354, Bộ luật hình sự, nếu nhận hối lộ từ mức 1 tỉ đồng trở lên thì có thể bị tử hình. Tuy nhiên, nếu khắc phục hậu quả tối thiểu 3/4 thì sẽ có thể được giảm án. Như vậy, cô Huyền không chịu trả lại tiền đồng nghĩa với việc đẩy bố cô vào chỗ chết.
Theo lời khai mới nhất của ông Son, ông đã chịu thừa nhận về khoản 3 triệu USD và hứa sẽ "trả lại trong thời gian sớm nhất". Như vậy, mọi người có thể sẽ được chứng kiến cuộc thử thách về tình cha con của cô con gái đối với ông bố cựu Bộ trưởng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét