Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Nhiều uẩn khúc khi kết án 20 năm tù đối với mẹ “thiếu nữ giao gà”

Sau một ngày xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Điện Biên vừa tuyên phạt Trần Thị Hiền (44 tuổi, mẹ thiếu nữ giao gà bị cưỡng bức, sát hại) 20 năm tù, Bùi Văn Công (44 tuổi) 20 năm, Lường Văn Hùng (28 tuổi) và Vì Thị Thu (37 tuổi) cùng lĩnh án tù chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo Vì Văn Toán (37 tuổi, chồng Thu) án chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma tuý và 7 năm tù về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.

Mở đầu phiên xét xử, bị cáo Hiền nói: "Tôi bị oan". Bà Hiền cho rằng tòa chỉ dựa vào lời khai của nhóm người nghiện ma túy là Công, Toán, Hùng để kết tội bà mà không có căn cứ. Bà lập luận, nếu đi buôn ma túy bà sẽ "chẳng dại khai tên tuổi, địa chỉ thật" đồng thời cũng khẳng định mình và nhóm người trên không hề quen biết từ trước.
Trước HĐXX, bà Hiền đề nghị tòa chứng minh cáo buộc "mua bán trái phép chất ma túy" đối với mình. "Nếu tôi mua bán ma túy với Công, chắc chắn phải liên lạc qua điện thoại. Vậy hãy tìm lại các số điện thoại đó để chứng minh xem tôi có liên lạc với Công hay không là sẽ rõ", bị cáo Hiền nói đồng thời cho rằng đã bị nhóm Công cùng nhau lên kế hoạch để hãm hại bà. Bị cáo Hiền xin toà trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại để có cơ hội "được minh oan".
Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Hiền, luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng với các vụ án truy xét (nghĩa là vụ án xảy ra từ lâu, nay dựa vào lời khai báo mới lật lại để điều tra) thì các chứng cứ vật chất được xác định là quan trọng nhất. "Bởi vậy chỉ dựa vào duy nhất lời khai của các bị cáo trong vụ án để kết tội bị cáo Hiền là không có cơ sở", luật sư Hiển phân tích.
Ngoài bà Hiền, bị cáo Vì Thị Thu cũng liên tục phản cung, kêu oan tại tòa. Theo hồ sơ, sau khi được Công đặt mua bốn bánh ma túy, Thu chỉ mua được hai bánh với giá 90 triệu đồng một bánh, cất giấu ở nhà. Tại tòa hôm 27/11, Thu phản bác cáo trạng, khai không quen biết và cũng không mua bán ma tuý với Công. "Bị cáo bị điều tra viên bức cung nên mới phải thừa nhận. Những gì cáo trạng truy tố bị cáo về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý là không đúng sự thật", Thu nói.
Khi bị chủ tọa truy vấn về độ chính xác của lời khai, Công cho rằng việc làm của mình có Toán và Hùng biết và miêu tả khi nhận hàng bà Hiền "có mái tóc ngắn, đi xe máy Dream". Giải thích về 30 triệu đồng tiền mua ma tuý bà Hiền còn nợ đã gần hai năm, Công cho hay do trước đó "còn rủng rỉnh nên không đòi".
Trước toà, Toán tự nhận đã chứng kiến toàn bộ hành vi mua bán ma tuý của vợ (Vì Thị Thu) với Công và bà Hiền. Anh ta cũng khai từng bán hai bánh ma tuý cho Hiền từ năm 2009 nhưng bà Hiền mua bán không sòng phẳng, "lấy ma tuý mà không trả tiền".
Qua sự việc tóm tắt như vậy như vậy, nổi lên một số vấn đề chưa được làm rõ như sau:
1. Vì bà Hiền nợ tiền nên con gái mới bị bắt cóc, nhưng cụ thể là nợ bao nhiêu? Nếu là 300 triệu thì chủ nợ phải hiểu là trong một thời gian rất ngắn, từ khi bì bắt tối 30 Tết đến khi bị sát hại vào chiều mồng 2, chưa đầy hai ngày lại vào mấy ngày Tết, thì con nợ không thể thu xếp kịp. Hơn nữa, đây là khoản nợ từ cách đây mười năm, không có chút chứng cớ nào, ngoài lời khai vu vơ của Toán.
Nếu chỉ là khoản nợ 30 triệu, đó là số tiền mà bà Hiền có thể dễ dàng lo liệu được, không đến nỗi để con gái rơi vào vòng nguy hiểm. Tuy nhiên, chỉ với số tiền cỏn con đó có đáng để nhóm chín người tham gia vào một vụ án bắt cóc, hiếp dâm và giết người như vậy không?
2. Trước đây, Giám đốc CA Điện Biên, thiếu tướng Sùng A Hồng có nói rằng công an có thể cứu được “thiếu nữ giao gà” nếu bà Hiền nói thật là con gái bị bắt có thay vì khai mất tích. Nhưng đến phiên xét xử, Tòa phải thừa nhận bà Hiền không biết con gái bị bắt cóc nên không thể khép tội che dấu tội phạm. Ông Hường, chồng và cô Loan, con gái lớn bà Hiền cũng đều kêu oan cho vợ và mẹ là bà Hiền rất ghét ma túy và không hề quen biết với các đối tượng ma túy. Cô Loan còn nhận rằng chính cô là người nghe máy điện thoại khi nhóm bắt cóc gọi, nhưng không thấy nói gì vì lúc đó bà Hiền đi trình báo công an.
Không lẽ, bắt cóc để đòi tiền nợ lại không thể liên lạc được với con nợ?
3. Giả định bà Hiền mua được bánh ma túy thì không hề có chứng cứ rằng bà tiêu thụ chúng ở đâu, như thế nào. Đây là vấn đề rất quan trọng cần làm rõ, vì không thể có chuyện bỏ ra một số tiền lớn để mua xong rồi lại mang vứt đi.
Chồng bà từng dùng ma túy nhưng ông đã cai nghiện, mà có hút thì cũng không thể dùng hết số lượng lớn như thế trong thời gian từ giữa 2017 đến đầu 2019 được.
4. Bà Hiền cho rằng nhóm tội phạm bịa ra chuyện bà nợ tiền để bắt, hiếp, giết con gái mình. Với một tội ác bị đề nghị 5 án tử hình thì đây là kịch bản có thể coi là tình tiết giảm nhẹ cho nhóm tội phạm. Câu chuyện nợ nần này, dù là 300 triệu hay 30 triệu cũng không hề có tang chứng, vật chứng mà hoàn toàn chỉ là lời khai.
5. Trong vụ án này, chứng cứ vật chất chính là lịch sử các cuộc gọi và tin nhắn của nhóm bị cáo phạm tội. Cơ quan điều tra đã thu giữ 6 điện thoại di động, 14 chiếc sim của bà Hiền nhưng trong danh sách cuộc gọi, tin nhắn lưu trong máy và trích xuất từ nhà mạng đều không có mối liên lạc giữa bà Hiền và các đồng phạm.
Giả sử bà Hiền phạm tội mua bán ma túy với số lượng như vậy thì phải tử hình, chứ sao chỉ có 20 năm mà không có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào?
Những vấn đề như vậy hy vọng sẽ được làm rõ trong phiên xử phúc thẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét