Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Cuộc ly hôn của ông bà chủ Trung Nguyên nhìn từ lăng kính quyền bình đẳng nam nữ

Chiều ngày 5/12, TAND Cấp cao tại Sài Gòn đã tuyên án đối với vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ là ông bà chủ của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Trong khi ông Vũ tới tòa từ sớm thì bà Thảo không xuất hiện để nghe tuyên án, có lẽ là do đoán biết được phần kết luận sẽ bất lợi cho bà. Quả vậy, sau đó, bà Thảo đã tuyên bố không chấp nhận bản án phúc thẩm mà sẽ kháng cáo lên Giám đốc thẩm.
Vụ ly hôn nổi đình đám kéo dài hơn 4 năm của ông bà chủ Trung Nguyên không giống như các cuộc ly hôn bình thường khác. Các cuộc ly hôn khác thường chỉ có tranh chấp và phân định về vấn đề con cái và tài sản, nhưng điều gay cấn nhất của cuộc ly hôn này là quyền điều hành cho một Tập đoàn có thương hiệu lớn, đó là Trung Nguyên.
Thực tế, ông Vũ cũng nhanh chóng đồng ý cho bà Thảo chịu trách nhiệm chăm sóc cả bốn đứa con. Về tài sản, hơi phức tạp vì nó có nhiều loại hình, vừa cổ phiếu, bất động sản, tiền mặt và cả tài sản ở nước ngoài, nhưng xem ra cũng không quá gay cấn mà dường như hai bên đã đồng ý với nhau.
Nói một cách hình ảnh, Thương hiệu Trung Nguyên được ví như cái cần câu, nên những con cái đã câu được thì không cần thiết “chiến đấu” tranh giành làm gì, muốn câu tiếp thì phải có cần.
Cái tên Trung Nguyên không phải bỗng dưng có mà trải qua một quá trình trên hai mươi năm. Hồi đó, ông Vũ từng ra báo chí mà nói rằng Trung Nguyên được tạo dựng từ con số “Không”, nhưng bằng lao động miệt mài, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn mà có được.
Thực ra Vũ không phải con nhà nghèo, ông đã được cha mẹ cho vốn để làm ăn. Tuy nhiên, ông đã phá gần như sạch sẽ số tiền đó. Tiền mất nhưng vẫn có cái còn, đó là kinh nghiệm, kiến thức và quan trọng hơn, khi Vũ lấy Thảo thì đó chính là một nguồn năng lượng mới để theo đuổi hoài bão kinh doanh.
Một điều Thảo kể có thể kiểm chứng được như khi Vũ đầu tư làm ăn ở Miền Tây bị thua lỗ thì Thảo đã chuyển hướng về Sài Gòn và từ đó cơ nghiệp Trung Nguyên mới được mở mang và lớn mạnh.
Với những thông tin được đăng tải như vậy thì khó có thể khẳng định công sức ai nhiều hơn và ai tài năng hơn trong hai vợ chồng. Đặc biệt hơn, với những phát ngôn hết sức quái gở thời gian gần đây về Thượng đế, về đạo giáo thì mọi người đều dễ dàng nhận thấy ông Vũ có thần kinh không bình thường. Sáu năm qua, Vũ đã lên núi để tu luyện và đã từng nhịn ăn 49 ngày. Nhưng tại sao Tòa vẫn giao Trung Nguyên cho Vũ, thay vì Thảo?
Nhớ lại phiên xử sơ thẩm thì một Thẩm phán đã khuyên bà Thảo nên lui về hậu trường, lo chăm sóc con cái mà nhường lại Trung Nguyên cho chồng ? Đó là một lời khuyên sặc mùi trọng nam khinh nữ, điều tưởng chừng đã lùi vào dĩ vãng mà vẫn còn hiện hữu một cách trơ tráo ngay trong Tòa án như vậy.
Đến phiên xử phúc thẩm vừa qua, khi bà Thảo đang phát biểu thì ông Vũ đột nhiên ngắt lời và mắng “cô đừng có diễn”. Một chi tiết nhỏ đã chứng tỏ thói gia trưởng trong con người Vũ vẫn còn rất nặng nề.
Để ý một điều, trước đây vùng nông thôn Việt Nam thường có tình trạng thiếu nam thừa nữ vì đàn ông đi lính và đi xa để gánh vác việc xã hội, phụ nữ chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng. Ngày nay thì ngược lại, đàn ông thừa rất nhiều ở nông thôn, bởi vì phụ nữ mới là người dễ dàng hơn khi kiếm việc làm ở các thành phố lớn, thậm chí ra nước ngoài. Đó cũng là một bằng chứng cho thấy năng lực làm việc của phụ nữ không còn thua kém đàn ông như trước.
Ở NSW, tiểu bang đông dân nhất Úc, các vị trí chủ chốt nhất như Thủ hiến, Thủ lãnh đối lập và Toàn quyền đều do phụ nữ đảm nhiệm. Còn trong nội các tiểu bang đông thứ nhì là VIC, 50% thành viên nội các (tức 11/22 người) là đại diện phái đẹp.
Một bình luận trên mạng cho rằng, nếu phiên xử này ở nước ngoài thì Tòa án sẽ không phán quyết như vậy. Phải chăng, phiên tòa ly hôn Trung Nguyên chính là một phép thử của vấn đề bình quyền nam – nữ ở Việt Nam?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét