Như tin đã đưa, đảng Bảo thủ của Thủ tướng “tạm quyền” Boris Johnson đã thắng lớn trong cuộc Bầu cử vừa diễn ra tại Anh với số ghế tăng đến 50 so với cuộc bầu cử 2017.
Đảng Lao động đối lập đã có một sai lầm tai hại khi “để ngỏ” khả năng tổ chức lại một cuộc Trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong khối EU. Thủ lãnh đảng này, ông Jeremy Corbyn đã xin từ chức để nhận trách nhiệm về thất bại này.
Đã hơn ba năm kể từ khi người Anh bỏ phiếu ly khai khỏi EU nhưng vấn đề đi ở ra sao vẫn chưa giải quyết xong. Liệu có phải nước Anh thiếu sự “đồng thuận” (harmony) nên cần giải quyết qua một cuộc bầu cử trước niên hạn?
Khi một người lên làm Thủ tướng mà không thông qua một cuộc Tổng tuyển cử mà chỉ bằng sự lựa chọn trong nội bộ Đảng thì phải hiểu đó giống như một Thủ tướng “tạm quyền”. Vì thế, dù có lập trường mạnh mẽ về việc nước Anh sớm ra khỏi khối EU nhưng ông Johnson vẫn không đủ vị thế mạnh để làm việc này.
Tạm bỏ qua vấn đề Brexit, cuộc bầu cử trước hết nhằm xác định lại tư cách Thủ tướng cho ông Johnson, sau khi cô Theresa May từ chức giữa nhiệm kỳ. Thực ra ông Johnson “đáng lẽ” đã lên sớm hơn từ năm 2016 khi Thủ tướng lúc đó là David Cameron rút lui vì thất bại trong việc thuyết phục người dân bỏ phiếu ở lại EU.
Trong vai trò Ngoại trưởng và một thành viên cao cấp trong Đảng Bảo thủ, Johnson lại có lâp trường ngược lại với “sếp” của mình, một hành động bị coi là phá bĩnh, vô hình chung dẫn đến việc Cameron đã phải đau đớn từ giã sự nghiệp chính trị ở tuổi 49.
Nhiệm kỳ của Thủ tướng và Chính phủ Anh là bốn năm, nhưng khi thay ông Cameron giữa chừng như vậy, cô May đã tổ chức bầu cử sớm vào năm 2017. Với cuộc bầu cử ngay trước Lễ Giáng sinh 2019, một lần nữa, nước Anh lại tốn tiền và tốn thời gian để đi bầu cử sớm.
Ở đây cần phân biệt “sự đồng thuận” giữa các chính khách và của người dân Anh. Cần hiểu rằng người dân Anh đã “đồng thuận”, đoàn kết nhất trí từ lâu cho việc ra khỏi EU. Trong khi các chính đảng và quốc hội vẫn còn tiếp tục bất đồng với nhau nên mới cần giải quyết “đúng, sai” thông qua bầu cử.
Ở các nước thiếu dân chủ, nhà lãnh đạo có thể bị lật đổ ngay sau khi được “bầu” với số phiếu cao ngất ngưởng như trường hợp ông Morales của Bolivia mới đây. Nhưng ở các nước dân chủ, sau bầu cử thường có một giai đoạn “sóng yên biển lặng” mà các nhà bình luận thường gọi là “tuần trăng mật”, đó là lúc Chính phủ ít bị chống đối nhất. Vì thế, các chính khách thường tranh thủ những lúc này để giải quyết những việc gai góc, khó khăn nhất.
Xuất hiện để nhận chiến thắng, Johnson đã nói đùa là “Done Brexit first” rồi sửa thành “Done Breafast first”. Thời hạn của việc này là 31/1/2020 cũng là điều ưu tiên hàng đầu của ông Johnson muốn thực hiện bằng được.
Ra khỏi EU rồi sẽ sao? Tổng thống Mỹ Trump lập tức “hứa” rằng Mỹ và Anh sẽ nhanh chóng có một thỏa thuận thương mại “tuyệt vời”. Ông Johnson đã từng có thời gian sống tại Melbourne (Úc) vậy thì một sự xích lại gần hơn với Úc là một điều có thể tiên đoán.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Khi mà người dân tỏ ý phản đối các dự án phát triển của Chính phủ, ví dụ như đường cao tốc Bắc-Nam, các Đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc thì phải hiểu đó chính là sự thiếu “đồng thuận”, cao hơn là thiếu niềm tin.
Người ta đã từng tính toán rằng, việc Anh ra khỏi EU sẽ làm nước Anh thiệt hại hàng chục tỉ USD. Điều đó có thể đúng nhưng bên cạnh cái “mất” còn là cái “được”, đó là sự đồng thuận, trên dưới đồng lòng, cả nước ra sức và đó chính là một sức mạnh khủng khiếp để đi đến thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét