Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020
“Lại một mùa bóng tròn”
Có nên làm điều mình thích?
Hàng rong kiểu Úc
Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020
Sáng nay, mở trang Facebook ra đã thấy tràn ngập gạch đá ném "Wang phố cổ", tức Lê Đức Quang, Xướng ngôn viên Đài Truyền hình VN vì đã gọi những người bán hàng rong là "ký sinh trùng".
Cộng đồng mạng đặt câu hỏi ai mới thực sự là ký sinh trùng? Cái này quá nhiều ví dụ, khỏi cần bàn.
Trên Facebook cá nhân, Wang phố cổ gửi "Lời xin lỗi" đến "các quý vị". Một người viết chuyên nghiệp mà viết thế thì quả là buồn cười, bởi vì "quý vị" là số nhiều rồi, không cần "các" nữa.
Cậu ta tự biện hộ rằng đã "đọc" "nhịu", cũng sai. Chỉ có thể nói nhịu, đọc thì nhịu sao được?
Rồi giấu đầu hở đuôi nữa, "đọc" nghĩa là nội dung đã được duyệt, vậy không thể là lỗi cá nhân được.
Cứ như là cậu ấy xin lỗi trẻ con, không biết trong số hàng triệu khán giả, rất nhiều người có trình độ hơn hẳn thầy trò nhà cậu.
Cậu không nhận thức được cách ăn nói như vậy là miệt thị một tầng lớp con người mưu sinh, tần tảo và lương thiện, biểu hiện sự vô cảm, nhẫn tâm vô liêm sỉ.
Nếu thực tâm, cậu chỉ cần nói rất đơn giản, tôi chỉ là xướng ngôn viên đọc theo văn bản đã được duyệt. Nhưng cấp trên không nhận lỗi nên tôi đã xin nghỉ việc. Chắc chắn mọi người sẽ tha thứ như tha thứ cho một đứa con cháu tuổi trẻ bồng bột.
Điều này đã không xảy ra. Lý do có thể đoán được, "Wang phố cổ" bất tài, không thể kiếm được việc làm khác, nên chỉ còn cách bám vào "cơ quan" như một ký sinh trùng.
“Vì sao tôi cuồng Trump” (P 3)
Vào tháng 6 và 7 mình đã viết 2 kỳ về đề tài này. Tưởng thôi, nhưng lại “ngứa ngáy” nên tính mỗi tháng “gãi” một lần cho đến khi bầu cử.
Trong tháng qua, là thời gian Trump gặp nhiều trở ngại và cũng tung ra thật nhiều “chiêu” như Đề nghị hoãn bầu cử, ám sát hụt, đeo khẩu trang, tuyên bố Harris không đủ tư cách ứng cử phó tổng thống, cấm TikTok, đình chỉ đàm phán mậu dịch với Trung Quốc, v.v...Nhìn chung các chiêu trò là bất ngờ và làm cho các đối thủ chính trị trong và ngoài nước khó chịu.
Câu hỏi là vì sao ông già 74 tuổi lại nghĩ ra được nhiều chuyện như vậy. Vì mỗi quyết định đưa ra đòi hỏi phải xem xét, tính toán rất kỹ qua rất nhiều phương án một cách tỉ mỉ. Thôi để dành kỳ sau sẽ bàn cái này, còn bây giờ đề cập đến một chuyện nóng hổi hơn, đó là Hiệp định hòa bình giữa Israel và UAE.
Đây là Hiệp định thứ ba giữa Isreal với một nước Ả Rập. Hiệp định đầu tiên vào năm 1979 với Ai Cập, cái thứ hai với Jordan vào năm 1994. Thực ra rất nhiều nước trong số 22 nước Ả Rập đã có “ý định” làm chuyện này nhưng vẫn phải chờ đến 26 năm mới có ký kết thứ ba.
Trong quan hệ quốc tế, các nhà bình luận thường dùng từ nóng – lạnh (warm – cold) để mô tả và bình luận. Tiếng Việt có câu “bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc ngược lại, “trong lòng” không có gì nhưng bề ngoài lại tỏ ra thù địch. Một số nước Ả Rập không hề có xung đột lợi ích với Israel, nhưng về danh nghĩa lại vẫn coi nước này là “kẻ thù”.
Về lịch sử, bốn cuộc chiến Israel với khối Ả Rập vào các thập niên 1950, 1960, 1970 vì lý do bảo vệ lãnh thổ cho một nước Ả Rập là Palestin. Nhưng thực chất, đây chỉ là một phần, cái chính là ý đồ của Ai Cập muốn xưng bá ở khu vực, do đó chống Israel là cái cớ quy tụ và tập hợp các nước “đoàn kết”, nhất là khi Ai Cập đứng về phe Liên Xô để chống Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên sau cái chết bất ngờ của Tổng thống Ai Cập Nasser vào năm 1970, người kế nhiệm Sadad đã đảo ngược chính sách đối ngoại sang phe Mỹ và ký kết hòa bình với Isreal. Kẻ cầm đầu chống Israel đã thay đổi, vậy sao các nước khác không chịu thay đổi theo?
Thực ra, những năm gần đây, một số nước như Oman, Morocco đã có những đi lại với Israel, nhưng vẫn chưa thể vượt qua “lời nguyền” để đạt được những bước đi công khai.
Việc ký kết của UAE trước hết là một thành quả rất cần cho Trump trước kỳ bầu cử. Trước những lời chỉ trích ông đã hủy hoại các mối quan hệ đồng minh và từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ thì đây là câu trả lời. Việc Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã từng bị tố cáo hành động gây thêm căng thẳng trong khu vực Trung Đông, nhưng hóa ra cũng không phải.
Với những phản ứng tích cực ngay trong các nước Ả Rập, điều mọi người có tin rằng sẽ có thêm những nước Ả Rập, đặc biệt là các nước “anh em” thân cận như Saudi hay Bahrain, theo bước chân của UAE để ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel.
Một điều đáng chú ý khác, người thay mặt ký kết với Thủ tướng Israel là Thái tử Mohamed, 59 tuổi em trai khác mẹ của vua Khalifa, 72 tuổi. Theo những thông tin nội bộ, gần đây Mohamed đã bổ nhiệm con trai Khalid làm Chủ tịch Hội đồng hành pháp Abu Dhabi (Thủ tướng) và điều này rõ ràng là làm tắt hy vọng của Sultan, con trai cả Khalifa, người từng được truyền thông lăng xê, trong việc tham gia vào bộ máy quyền lực.
Động thái của Mohamed cho thấy ông muốn tỏ ra là một nhân vật nổi bật trên chính trường UAE cũng như các nước Ả Rập và đặt cược vào mối quan hệ với cá nhân Trump.
Xác chết treo trên cành cây Truyện ma của Ngọc Quang (fiction)
Sang Úc du học vào năm 1994, tôi ở Clayton, cách Melbourne 25 cây số về phía đông Nam trong hai tháng, rồi cùng mấy đứa bạn rủ nhau đi Sydney. Bốn thằng dắt díu, thuê chung một phòng ở Marrickville.
Một buổi tối, tôi đi chơi một mình dưới Cabramatta. Đi học, đi làm, cơm nước xong mới đi nên đến nơi đã muộn. Lâu ngày gặp người hàng xóm cũ từ trong nước, trò chuyện vài ba câu thì đồng hồ đã chỉ đến 12 giờ đêm.
Tôi chạy vội ra ga xe lửa thì vừa kịp có chuyến. Nhưng tiếng loa thông báo rằng đây là chuyến tàu cuối cùng, mà chỉ chạy đến Lidcome là dừng.
Lidcombe là một địa danh giống như Văn Điển của Hà Nội, nơi có một nghĩa địa lớn. Tôi đi bộ ra ngoài để bắt taxi thì thấy có một bóng người đi theo. Ra đường lớn, có đèn sáng thì mới nhìn rõ: một cô gái tóc vàng khoảng 17-18 tuổi, xinh đẹp.
Em nói với tôi rằng, có thể cho em đi nhờ taxi chung để về nhà không? Tất nhiên là được chứ!
Em tên là Fiona, nhà ở Regent Park, cũng tiện trên đường về nhà tôi. Trên xe, tôi hỏi, em còn đi học không hay đã đi làm thì Fiona bảo chẳng học mà cũng chẳng làm gì. Tôi hỏi tiếp, vậy ở Regent Park với ai, em Fiona bảo ở một mình.
Lạ quá, không biết hỏi gì nữa. Khi sắp xuống xe, tôi mới ngỏ ý xin số điện thoại thì em đáp: tao không có số, nhưng nếu mày muốn gặp tao thì cứ đến ga Cabramatta, ngày nào tao cũng ở đó. Tôi không còn cách nào là nhìn theo bóng em khuất dần sau tán cây to, tối thui vào ban đêm.
Mấy hôm sau, tôi đến ga xe lửa Cabramatta. Đây là lần thứ hai tôi đến đây và lần đầu tiên đến vào ban ngày. Vừa thấy có chuyến tàu mới thì một đám choai choai, trong đó có Fiona chạy ùa ra đón khách và chào bán “trắng”.
Tôi bước vào quán cà phê Việt Nam bên bến xe nên Fiona không nhìn thấy tôi. Khi hành khách đi xe lửa tản đi thì mấy cô cậu bắt đầu thản nhiên hành sự hút chích ngay trước mặt mọi người. Bọn đầu nậu sử dụng đội quân dưới 18 tuổi để né tránh sự trừng phạt của luật pháp vì rất khó kết tội buôn ma túy đối với trẻ vị thành niên.
Ở chỗ làm, tôi chơi với Simon, thường gọi là Si, cùng tuổi 28. Nó bảo, ngày nào tao cũng phải bắn một phát mới chịu được. Thật tình, kẻ ăn không kết, người lần không ra. Tôi hỏi, mày đi động nào?
- Tao chưa bao giờ chơi gái điếm cả!
Ô, chưa vợ, không đi gái, vậy thì lấy đâu ra? Si bảo cứ ra các club, many girls around.
Si nói đúng, ra các quán xá, mọi người có thói quen chỉ đi một mình, ra đây mới kết bạn. Dân đầu đen thì chúi mũi vào các máy đánh bạc. Tôi cũng đầu đen nhưng lại thích bắt chước Tây, làm mấy ly bia rồi ra sàn disco.
Từ hồi ở Việt Nam, tôi đã là một người đàn ông từng trải. Bây giờ tiếng Anh khá hơn, nói chuyện với phụ nữ, có thể đánh giá được mối quan hệ sẽ đi đến đâu.
Trong nhóm bốn thằng, tôi vào loại già nhất. Thằng trẻ nhất 18 tuổi thì mới đi với một con Tây rất xinh, ai cũng trầm trồ. Nhưng tôi nhìn thoáng là biết con này thuộc loại mặt hàng nào. Sau nó kể thật là vẫn phải mua thuốc cho người yêu hút, giai đoạn vẫn chưa chích thì vẫn còn nhẹ.
Lần lượt có bạn gái, hai đứa dọn ra ở riêng, nhưng vẫn còn tôi và một thằng nữa ở chung phòng. Nhà tôi có 4 phòng, nhồi được gần 10 đứa, toàn độc thân vui tính. Chủ nhà người Việt thu tiền mặt, giá mềm hơn so với mặt bằng thị trường. Nhưng để có một phòng riêng vẫn là chuyện phải suy nghĩ.
Tôi nhắm cái phòng nhỏ nhất, một anh hơn tôi vài tuổi, đã có vợ con ở Việt Nam cũng dân du học đang ở. Nhưng đến khi học xong, anh em tâm sự thì anh nói, anh tính ở lại để kiếm thêm ít tiền chứ về thì biết làm gì bây giờ. Ở lậu một vài năm thì cũng không sao.
Vậy là xong, âm mưu có được phòng riêng cho các cuộc tình một đêm đã tan. Đang chán thì anh chủ nhà đến rủ đi xem nhà mới. Anh chị chủ mới mua được một cái nhà quá rẻ, cũng là house 4 phòng ở Marrickville mà chỉ hơn $100k. Quang muốn chuyển sang thì anh chị chỉ thu $55/tuần như giá phòng nhỏ nhất, được sử dụng cả nhà.
Thêm vào đó, Quang giúp anh trông coi thợ sửa nhà. Nếu họ nhờ lấy cái búa, cái kềm hay xách xô cát thì cứ làm giùm, anh chị trả $8/giờ. Lúc đó tôi cũng muốn kiếm việc làm khác nhẹ nhàng hơn chút mà được việc ngon như vậy thì mừng quá.
Vào căn nhà mới thì biết ngay là ổ của bọn nghiện hút, kim tiêm, dụng cụ vẫn còn vứt la liệt. Có điều khác thường, cả bốn phòng ngủ đều bị đào bới. Hóa ra, chúng trồng cần, phá hỏng hết mấy cái sàn gỗ khá đẹp.
Ban ngày, thợ thuyền ra vào cũng vui, nhưng đến tối chỉ có một mình thì lại buồn. Sau mấy năm vừa học vừa làm vất vả, sức khỏe của tôi sa sút đáng kinh ngạc. Đặc biệt là tôi ngủ rất kém, thường bật tivi cả đêm, lúc tỉnh lúc thức.
Chương trình tivi mà tôi mê mẩn là Giải Ngoại hạng Anh. Bên Anh đá vào lúc 3 giờ chiều, rơi vào 12 giờ đêm giờ Úc. Hôm nào có bóng đá thì cứ vào 12 giờ đêm thì tôi lại tỉnh như sáo.
Hôm đó, 12 giờ đêm, tôi nhìn ra ngoài đường thì thấy láng máng một cái xác người đang treo lủng lẳng trên cành cây.
Tất nhiên, tôi không tin và nghĩ đó là ma quái.
Tôi cuốn vào trận đấu bóng đá và quên chuyện đó đi. Xem xong trận bóng, nhìn ra ngoài thì lại không thấy gì nữa!
Mấy hôm sau, đúng 12 giờ, xác người treo lên cành cây lại xuất hiện, nhưng đến hết trận bóng thì cũng là lúc cái xác biến mất. Lần này, vào lúc nghỉ giữa hai hiệp, tôi ra hẳn ngoài đường, rõ ràng một cái xác đàn ông, đầu niễng một bên, râu ria xồm xoàng. Sợ quá, tôi chạy vào trong nhà.
Hết trận đấu, cái xác người lại biến mất, đúng là như có ma!
Khoảng một tháng sau, tôi vào club cuối tuần thì gặp một cô gái trông quen quen. Hóa ra cô hàng xóm mà tôi chưa bao giờ có dịp trò chuyện. Chúng tôi tán tỉnh nhau một lúc, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không còn hứng thú với gái Tây nữa.
Cô hàng xóm kể, cái thằng treo cổ con nhà giàu, được cha mẹ cho cái nhà đó. Nhưng dính ma túy ngày càng nặng. Bí bách tiền tiêu, nó trồng cần ngay trong nhà, nhưng bị lộ. Vào đúng ngày nhận trát ra Tòa thì nó treo cổ luôn vào ban đêm.
Khi chết, 45 phút sau hồn mới lìa khỏi xác, người trở nên lạnh và cứng. Bởi vậy, sau một hiệp đấu vẫn nhìn thấy, còn hết trận thì nó cũng biến mất.
Think Big (Ý kiến phản biện về chuyện học hành của con cái)
Trong mấy ngày, diễn đàn Hội Phụ huynh đã bàn luận thật sôi nổi về chuyện học hành của con cái. Theo đó, con nhà mình khó có thể tiến thân bằng con đường đi đá bóng hay đi hát hò mà chỉ có học thôi. Cố vào các trường chuyên, trường tuyển, để đạt điểm thi đại học cao, vào các ngành hot thì mới dễ xin việc làm. Rồi thế nào nữa?
Hôm nay rảnh rỗi quá nên mình xin nêu một ý kiến trái chiều.
Xã hội loài người hàng ngàn năm qua là một xã hội phân chia giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Ông tổ Kalr Marx đưa ra luận điểm xóa bỏ giai cấp đã làm nhiều người thích thú. Tuy nhiên, 200 năm trôi qua, điều đó vẫn chỉ nằm trên lý thuyết chứ chưa đi được vào cuộc sống.
Think Big ở đây là con cái mình nên phấn đấu để trở thành “bề trên” và suy nghĩ này cũng chẳng có gì sai trái cả.
Có hai hướng đi: trở thành chính khách hoặc thành doanh nhân. Để làm chính trị, cần rất nhiều dối trá, tàn nhẫn và hèn hạ mới có thể thành công. Còn để muốn thành Giám đốc (manager, MD, CEO) cũng không hề dễ dàng.
Mình từng là Giám đốc Trung tâm Thương mại VN tại Dubai, nhưng thú thật là cũng không hiểu để trở thành một cấp chỉ huy thì cần những phẩm chất gì. Dù sao cũng có hai điều tâm đắc.
Thứ nhất, bạn hay con bạn nên trở thành một kẻ lãng du (wanderer). Đi nhiều nơi, sống nhiều nơi, môi trường hoàn cảnh khác nhau không phải để khám phá thế giới mà chính để khám phá bản thân muốn gì và có năng lực gì. Khi đi, đó là cơ hội để được quan sát, giao du kết bạn, để được lắng nghe và chứng kiến số phận muôn hình vạn trạng của con người, để được thử thách và ứng biến vượt qua.
Cháu Sissy nhà mình rất lười học, khi bị nhắc nhở thì cháu hỏi: “Học giỏi để làm gì?”.
- Thì để sau này nhận những lời khen “tốt lắm” của các cấp trên.
Vậy sao không Think Big rằng, mình sẽ là người ban ra các khen ngợi đó?
Học từ trường lớp, thầy giáo, sách vở là thứ yếu, tự học mới là cái quan trọng. Muốn vậy vẫn phải có môi trường tốt vì trẻ vị thành niên chịu ảnh hưởng bởi bạn bè rất nhiều. Học OC hay selective có cái hay là tạo ra một môi trường trong lành, ganh đua cho con cái mình.
Thứ hai, cần biết kiếm tiền từ khi còn nhỏ. Kiếm tiền và tiêu tiền là hai vấn đề khác hẳn nhau.
Mình tin rằng, phẩm chất quan trọng của một CEO là nhậy cảm với “hơi tiền”, biết ở đâu sẽ sinh ra lợi nhuận mà kỹ năng này chỉ có thể đạt được sau một quá trình lâu dài. Nửa đời người chỉ quen bú mớm, ngửa tay xin các thể loại tiền để tiêu, mà bây giờ bảo khởi nghiệp thì quên đi, không làm được đâu.
Với suy nghĩ đó, vợ chồng mình để cháu Kelly đi làm từ lúc 14 tuổi, nay cháu đã tiết kiệm được một mớ để mua chứng khoán.
Ở Úc, lương staff thông thường chỉ có $50k/năm, trong khi thu nhập của manager, MD, CEO thì từ 100k, lên đến 500k, 1 triệu, thậm chí 20 triệu plus, còn bên Mỹ thì đến 100 triệu plus. Đó là mức giá rất đáng để Think Big.
Ảnh: Think Big là tên con ngựa đua hai lần thắng Melbourne cup vào các năm 1974 và 1975.
Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020
Người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời Cựu hoàng Bảo Đại
Năm 2004, khán giả truyền hình Việt Nam khá bất ngờ được xem một bộ phim 8 tập được dàn dựng khá công phu về cuộc đời Cựu Hoàng Bảo Đại, mang tên “Ngọn nến Hoàng cung". Điều thú vị ở đây là nhân vật Bảo Đại được mô tả khá lạ lẫm so với những định kiến trước đây, như một ông hoàng lịch lãm, am hiểu Đông Tây kim cổ, đặc biệt có những lời thoại sắc sảo. Chắc chắn, đây là một góc nhìn khách quan hơn và bao dung hơn về ông.
Nhân vật quan trọng thứ hai trong phim chính là Hoàng hậu Nam Phương. Tuy nhiên Nam Phương cũng không hoàn toàn giống với những tư liệu, bà có thiện cảm với cách mạng và nhiều lần khuyên chồng hợp tác với Hồ Chí Minh và cách mạng.
Một phụ nữ đẹp, con nhà giàu, có học thức, nhưng khi lấy chồng là hoàng đế thì lui về hậu cung để chăm sóc cho 5 người con. Đó đã quá đủ để ngưỡng mộ, không cần tỏ ra tài giỏi để can thiệp vào chuyện chính trị. Tuy nhiên, cũng nên thông cảm, để vượt qua kiểm duyệt ở quốc nội thì cần có những hư cấu như vậy.
Mặc dù bộ phim được làm sau khi Bảo Đại mất 7 năm nhưng phim không trọn đời mà kết thúc vào lúc ông ra nước ngoài sống lưu vong. Và do vậy, một nhân vật quan trọng khác của cuộc đời Bảo Đại, bà hoàng Monique chưa xuất hiện.
Bảo Đại là vị vua duy nhất ra lệnh giải tán chế độ cung nữ và theo đuổi chế độ một vợ một chồng. Sau khi vợ đầu là Nam Phương qua đời thì ông đi bước nữa với một phụ nữ Pháp, đó là bà Monique.
Sinh thời, Bảo Đại được cho là có 2 vợ và 6 nhân tình. Con số đó không hẳn là nhiều so với mức trung bình của đàn ông Việt Nam, họ có đến 10 bạn chăn gối.
Trong một bào phỏng vấn bằng tiếng Anh được đăng tải trên website Hoàng tộc Nguyễn, Monique đã nhắc lại việc bà và Bảo Đại gặp nhau lần đầu vào năm 1969, lúc đó Monique 23 tuổi, trong khi Bảo Đại đã 56 tuổi.
Monique làm việc trong bộ phận truyền thông của Đại sứ quán Công gô tại Pháp. Lúc đó, Bảo Đại sống trong cảnh rất túng thiếu và còn đau yếu. Sau khi bị Ngô Đình Diệm phản bội và phế truất, ông gần như bị trầm cảm, bị chứng mất ngủ và phải điều trị tại bệnh viện.
Monique là người đã giúp Bảo Đại xin tiền trợ cấp của Chính phủ Pháp, được có 7,000 franc/tháng (1,200 USD), là mức chỉ để sinh hoạt một cách tối thiểu. Về sau, Pháp đã nâng lên thành 12,000 franc thì đỡ hơn một chút.
Do rào cản ngôn ngữ, Monique ít tiếp xúc với người Việt. Nhưng mọi người lại vẫn nhắc đến một sự việc không hay liên quan đến bà. Năm 1982, Bảo Đại và Monique sang Mỹ. Trong một sự kiện, ban tổ chức hỏi Bảo Đại về mối quan hệ với người phụ nữ đi cùng. Cựu hoàng đáp: trong nhà là vợ, ra ngoài là Thư ký.
Khi thấy không được xếp ngồi cạnh chồng mà phải ngồi chung với đám người phục vụ, Monique đã nổi đóa, bà giật mạnh chiếc khăn trải bàn, làm ly chén nghiêng ngả. Đại diện chủ nhà đã phải khôn khéo nhận trách nhiệm là trải khăn không đúng.
Người có lỗi trong việc này chính là Bảo Đại. Một số người mắc bệnh “cuồng vĩ” nên không cho phép đàn bà được ngang hàng với mình, họ tìm cách tránh công khai mối quan hệ. Đó là điều bất hạnh và tội nghiệp cho những người phụ nữ dính với loại đàn ông như vậy.
Chắc Monique đã nhiều lần phải chịu đựng việc tương tự trước đây, nhưng lần này thì khác, lúc đó ông bà mới làm giấy đăng ký kết hôn chính thức. Lý do là vì Đức Từ Cung mẹ Bảo Đại không đồng ý khi cho rằng Hoàng đế mà lấy vợ người Phương Tây là không hợp với truyền thống. Phải chờ đến hết tang giỗ đầu mẹ, Bảo Đại mới chịu làm giấy hôn thú với Monique.
“Con Rồng nước Nam” là cuốn Hồi ký chính trị xuất bản vào năm 1980, bản gốc viết bằng tiếng Pháp nhưng đích thân Bảo Đại chỉnh sửa bản dịch tiếng Việt. Đây là một tư liệu có giá trị về lịch sử, đồng thời thể hiện quan điểm và tầm nhìn của Bảo Đại. Điều đáng chú ý, cuốn Hồi ký không đề cập đến chuyện riêng tư.
Có lẽ cựu hoàng thấy không cần thiết phải nói rõ về những điều đồn đại, thêu dệt, thậm chí là bịa đặt về những chuyện tình ái của mình, mặc dù nếu đề cập đến những chuyện đó thì cuốn sách sẽ rất ăn khách. Hồi ký chỉ phát hành với một số lượng rất nhỏ.
Dù sống trong hoàn cảnh tài chính chật hẹp, nhưng Cựu hoàng vẫn không tranh thủ cơ hội dùng sách để kiếm tiền. Bảo Đại là một chuyện, nhưng với Monique, rõ ràng bà cũng không hề ham vật chất như thói thường của con người.
Dường như ông bà bằng lòng với cuộc sống giản dị. Ông hoàng sống trong nhung lụa từ nhỏ đã nói đại ý: Tôi thoái vị lâu rồi, bây giờ chỉ là một công dân. Đa số người Việt vẫn còn có cuộc sống khó khăn thì tôi cũng vậy.
Bảo Đại mất khi Monique mới 51 tuổi nhưng bà không tái giá. Cũng trong bài phỏng vấn nói trên, Monique, lấy hiệu Việt là Thái Phương, khoe rằng thỉnh thoảng vẫn có các cộng đồng Việt mời bà đến nói chuyện về Cựu hoàng Bảo Đại. Theo bà, Bảo Đại là một người đàn ông có phẩm giá và đáng ngưỡng mộ.
Bảo Ân, sinh năm 1957 hiện sống tại Mỹ, hoàng tử duy nhất còn sống đã đánh giá Monique là người có công chăm sóc, cưu mang Bảo Đại trong suốt quãng thời gian tuổi già.
Chuyện Bảo Đại - Thái Phương là một chuyện tình đẹp và dài lâu. Trong khi phần lớn người Việt đã ruồng bỏ, xa lánh, đối xử tệ bạc với Vua của họ thì lại có một phụ nữ ngoại quốc hết lòng yêu thương, lo lắng về ông cho đến hết cuộc đời.
Lại chuyện Covid 20
Mấy hôm nay truyền thông dậy sóng về Covid 19, mà bây giờ đã có người dùng sang tên gọi mới là Covid 20.
Mình cho rằng cô Vy không đến nỗi quá nguy hiểm, mọi người vô cùng sợ hãi vì đã bị thổi phổng quá mức. Có ba thành phần "chém gió" đã làm cô Vy bị hiểu sai lệch là:
1. Truyền thông: với mục đích câu views, họ đã làm tình hình rối tinh rối mù.
2. Chính trị gia: ăn lương của dân không lẽ không làm gì nên đã quan trọng hóa vấn đề, ra vẻ thương dân và trách nhiệm lắm.
3. Khoa học gia: dọa nạt vì mục đích xin tiền tài trợ để tiêu và cũng nhân cơ hội tự đề cao.
Sự thật thì sao? Nếu nhìn vào số liệu thì có thể thấy cô Vy tái xuất hiện ở một số quốc gia như Úc hay Việt Nam, nhưng ở phạm vi toàn thế giới thì số ca bệnh vẫn tăng đều. Như vậy, một số nước giảm cùng lúc với một số nước khác tăng.
Số ca bệnh tăng “ổn định” nhưng tỉ lệ tử vong giảm mạnh. Đặc biệt, tỉ lệ của trẻ em chỉ có 0.2%, thấp hơn rất nhiều so với các loại bệnh khác. Một điều kỳ lạ, các nước châu Á “da vàng” có chủng tộc Mông Cổ như Mông, Hoa, Hàn, Nhật, Việt, Thái, Campuchia, Lào, Myanmar tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong đều thấp. Ngay tại Úc, người gốc Á nhiễm bệnh cũng rất ít.
Sáu tháng qua, số người chết trên toàn thế giới là 30 triệu vì các lý do khác nhau, chết vì Covid là 670k chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Tổng thống Belarus tuyên bố nước ông có 97% dân số nhiễm bệnh, còn Tổng thống Iran cho rằng 25 triệu đồng bào của ông đã dương tính mà không có triệu chứng. Nếu các số liệu này đúng thì tỉ lệ chết vì cô Vy còn thấp hơn nữa.
Nỗi sợ hãi đã làm kinh tế thế giới dự báo giảm khoảng 8-10% trong năm nay 2020. Sau một giai đoạn bùng nổ liên tục trong 75 năm liền (sau Đại chiến 1945) thì điều này cũng không đến nỗi quá tệ. Tuy nhiên, nếu năm 2021 mà kinh tế “bật lò so” tăng lại cũng chưa hẳn là hay, khi thói tham lam và độc ác của con người chưa bị đánh gục thì nó đã có cơ hội quay lại.
Nhưng tiếp tục rớt thì cũng nguy mà lý tưởng nhất là đi ngang, không thêm bớt gì cả. Muốn vậy thì phải làm sao xóa đi được nỗi hãi hùng mà bệnh tâm lý là loại bệnh không hề dễ chữa.
Tin tức về vaccine cũng liên tục được phát ra, theo đó có thể đến cuối năm hoặc đầu năm tới thì vaccine sẽ được sản xuất đại trà và được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, kháng thể cô Vy chỉ giữ được 2-3 tháng, do đó mỗi năm phải tiêm 4-6 lần? Giá thành một liều là 60 USD, thì về mặt kinh tế sẽ không khả thi cho các nước đông dân và nghèo?
Nhưng dù sao, có vaccine sẽ giúp cho đa số mọi người vượt qua được nỗi khiếp nhược. Guồng máy kinh tế về sản xuất dịch vụ vẫn tiếp tục được duy trì, trong khi du lịch, giải trí bị thuyên giảm. Tập quán sinh hoạt và làm việc cũng dần dần được thay đổi theo hướng giãn cách xã hội.
Có sao đâu nhỉ?
Ngôi nhà hoang bị bỏ quên
Hồi nhỏ, mình không hiểu nổi tại sao tất cả mọi nhà đều đi sơ tán thì ông ngoại lại ở lại Hà Nội một mình.
Mình đi sơ tán cùng với bà ngoại, bố mẹ, em gái mới một tuổi rưỡi và em trai thì đang trong bụng mẹ. Được vài tháng, em trai ra đời, rồi bố mình bắt chuyến tàu lửa đi ngang qua Trung Quốc để đi làm việc ở Châu Âu hai năm liền.
Đầu năm 1973, từ nơi sơ tán, bốn mẹ con nhà mình về sống ở ngôi nhà biệt thự của ông bà. Mình ngạc nhiên với khu vườn 500m2, vẫn còn đó cây hồng, cây ổi, cây dâu, đu đủ nhưng cỏ và cây dại mọc cao um tùm. Mình và thằng em họ thường hay chơi đùa, thích đi bắt chuồn chuồn cao bộ, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim, còn các loại bọ ngựa, châu chấu cào cào cũng rất nhiều.
Sau đợt ném bom B52, nhiều ngôi nhà ở Hà Nội bị sập. Nhưng chắc vì chủ nhân không có tiền làm lại nên tình trạng nhà cứ bị bỏ không như thế nhiều năm.
Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, khi làn sóng vượt biên diễn ra, mỗi đêm Hà Nội lại có thêm hàng chục ngôi nhà vô chủ.
Mọi thứ đã thay đổi mau chóng từ khoảng năm 1986 -1987, với công cuộc đổi mới, có thể hiểu là toàn dân xuống đường, nhà nhà, người người làm kinh tế. Các ngôi nhà trống vắng nhanh chóng bị xóa sổ để mọc lên những ngôi nhà mái bằng là xu hướng thời thượng vào lúc đó.
Nhưng đến tận đầu thập niên 1990, một ngôi nhà khá đẹp, hai tầng ở phố Triệu Việt Vương thì vẫn bị bỏ hoang. Người ta đồn ngôi nhà có ma nên mọi người đều sợ.
Lúc này mình đã lớn và đi làm, công ty mình là cơ quan nhảy vào ngôi nhà đó. Trong khi chờ xây dựng lại, công ty phải có trách nhiệm bảo vệ, đề phòng có người làm bậy thì tranh chấp sẽ rất mệt và giao việc này cho đoàn thanh niên.
Là Bí thư, mình có nhiệm vụ phân công trực đêm cho ngôi nhà. Thực sự không ai muốn đến đến ngủ đêm cả,nên mình đành tự xung phong cho đêm đầu tiên.
Hôm đó, mình ăn cơm sớm rồi chở theo chăn chiếu đến ngôi nhà. Đó là một ngôi nhà vườn, lâu ngày không được chăm sóc nên cành lá sum suê, lá rụng đầy trên sân, trên vườn. Mùi hoa dạ hương rất thơm trong một không gian yên tĩnh, tiết Trời vào thu se lạnh.
Dắt chiếc xe máy mới mua vào phòng khách trong nhà, mình còn khóa càng lại cho cẩn thận. Đương nhiên rồi, phải tìm hiểu thăm quan một chút. Đồ đạc trong các phòng vẫn còn, nhưng không nguyên vẹn, không còn cái gì có vẻ giá trị cả.
Lên trên gác, mình hơi rợn người như nhìn thấy một cái bàn thờ nhỏ, có bức di ảnh một chàng thanh niên. Những nén nhang cuộn tròn trên bát hương.
Chắc chắn, ngôi nhà này không hề bỏ hoang như mọi người tưởng mà thỉnh thoảng vẫn có người lẻn vào, ít nhất là để thắp hương.
Nghĩ vậy, mình chạy xuống dưới nhà. Quay lại phòng khách, mình trải chiếc chiếu lên nền gạch, đắp chiếc chăn mỏng và bắt đầu đọc sách.
Bỗng có tiếng gõ lộc cộc vào cửa sổ. Trần nhà rất cao, nên cửa sổ cũng cao. Mình kiễng chân ngó ra, Trời đã tối hoàn toàn, đèn đường không có, chỉ thấy một cái cây lớn gần như bao trùm.
Mình quay lại nằm đọc sách thì lại nghe tiếp tiếng gõ. Mình quay sang, bỗng thấy một chàng thanh niên trông quen quen, hắn cười nhe hàm răng trắng xóa.
Hoảng quá, chưa biết tính sao thì ảnh ảo biến mất. Tiếng lộc cộc còn tiếp tục một hai đợt nữa nhưng mình không dám nhìn ra. Đêm đó, mình ngủ chập chờn, chỉ mong sao Trời sáng.
Mấy tháng sau, ngôi nhà được động thổ, người ta tìm thấy một bộ xương người ngay ở trong vườn, canh gốc cây và bên cửa sổ!
....
Năm 1994, mình đi du học rồi định cư tại Úc. Người Hà Nội ở Úc không nhiều nên gặp đồng hương thì rất quý. Có lần mình đến chơi nhà một bà lão người Hà Nội, lúc bà đã xấp xỉ chín mươi, còn ông thì mới mất.
Khi nhìn vào các bức ảnh gia đình, mình nhận ra một khuôn mặt rất quen. Không thể tin được, ông bà là chủ nhân của ngôi nhà phố Triệu Việt Vương.
Bà kể, cậu con trai út khi mất năm 1972 khi mới 24 tuổi, khoảng bằng tuổi mình hồi đầu thập niên 1990. Cả nhà đi sơ tán, nhưng nó gan lắm, không chịu đi. Nó trúng mảnh bom và mất ngay trước vỉa hè, được mọi người đưa vào trong vườn nhà chôn.
Ông bà vượt biên, mang theo đầy đủ văn bằng sở hữu nhà mang tên ông bà. Khi ông bà đến tuổi gần đất xa Trời thì đã gửi giấy tờ về cho gia đình chú con trai cả, không biết có đòi nhà được không.
- Cái này làm sao cháu biết được, Chú út sống khôn thác thiêng thì may ra sẽ trả lời.
Những trò đùa của bóng đá Anh Quốc
Đêm qua, những trận đấu của bóng đá nước Anh đã cho ra các kết quả thật tức cười (ridiculous).
Bóng đá Anh quốc có 10 hạng, từ hạng 5 đến hàng 10 là bán chuyên và nghiệp dư. Nhà nghề bao gồm Hạng danh dự (Premier League) gồm 20 đội, trong khi Hạng vô địch (Championchip), hạng Nhất (Division 1) và Hạng Nhì (Division 2) mỗi hạng có 24 đội.
Vòng đấu cuối cùng của hạng vô địch đã kết thúc với rất nhiều trận bất ngờ, đó là các đội đang cần điểm đề thăng hạng hay trụ hạng thì lại mất điểm đau đớn trước các đội mà thắng hay thua cũng không còn ảnh hưởng gì nữa.
Hai đội Chalton và Hull city đã bị xuống hạng “oan” khi để thua Leeds Cardiff là hai đội đã đủ điểm lên hạng hoặc vào vòng vé vớt. Đau nhất là Brenford đã thua trận cuối trên sân nhà trước đối thủ yếu để mất suất lên hạng và phải vào vòng đấu một vé vớt cùng ba đội khác là Fullham, Cardiff và Swansea. Đáng chú ý, Ngoại hạng Anh hiện đã sạch bóng các đội xứ Wales thì nay sẽ có hai niềm hy vọng là Cardiff và Swansea.
Ở vòng 37 (vòng áp chót) Premier League, Watford đã thua trên sân nhà với tỉ số ”dã man” 0-4 trước Manchester city, mặc dù đội này đã không còn cơ hội tranh chức vô địch với Liverpool. Phái chi, nếu chỉ thua 1 bàn thì Watford không bị mất lợi thế hiệu số bàn thắng thua với đối thủ Anston Villa trong trận cuối vào đêm chủ nhật tới.
Trong khi đó, Westham đã đủ điểm trụ hạng mà vẫn lấy mất 2 điểm quý giá của Manchester United trong trận hòa 1-1. May cho Man Utd, hai đối thủ chạy đua vào top 4 là Chelsea và Leicester lại còn tệ hại hơn khi toàn thua.
Ba kết quả điên rồ này đẩy ba đội vào vòng đua cuối đầy gay cấn, đặc biệt là cuộc đối dầu trực tiếp giữa Leicester với Man Utd. Từ vị trí thứ ba khá ung dung trong bảng xếp hạng một thời gian dài, Leicester đã rớt xuống hạng 5 và chỉ có trận thắng mới giúp họ thoát được tình cảnh này. Nếu điều này xảy ra, Chelsea phải hòa với Wolves thì mới giữ được vị trí thứ 4, đẩy Man Utd xuống thứ 5. Man Utd chỉ còn cửa vô địch Europa để lấy vé dự CL châu Âu mùa bóng tới.
Nếu Man Utd hòa và Chelsea thua thì thứ tự ba tư năm sẽ là Man Utd, Leicester và Chelsea, tình hình sẽ trở nên khá “phức tạp”. Chelsea vẫn có thể dự Cup vô địch Châu Âu nếu vô địch Champion League năm nay. Nếu Chelsea vô địch đồng thời với việc Wolves cũng vô địch Europa thì Leicester sẽ mất suất vì mỗi quốc gia chỉ được phép tối đa 5 đội dự CL.
Trong trường hợp này, Leicester sẽ xuống chơi ở Europa và đội thứ 7 của Giải Ngoại hạng Anh sẽ mất suất. Bởi vì Wolves thắng Chelsea, nghĩa là họ chiếm thứ hạng 6, vị trí thứ 7 thuộc về Tottenham. Tuy nhiên, một tình huống vị trí 7 mất quyền dự Europa khác có thể coi là đỡ rắc rối và dễ xảy ra hơn là khi Arsenal vô địch FA Cup.