Vào tháng 6 và 7 mình đã viết 2 kỳ về đề tài này. Tưởng thôi, nhưng lại “ngứa ngáy” nên tính mỗi tháng “gãi” một lần cho đến khi bầu cử.
Trong tháng qua, là thời gian Trump gặp nhiều trở ngại và cũng tung ra thật nhiều “chiêu” như Đề nghị hoãn bầu cử, ám sát hụt, đeo khẩu trang, tuyên bố Harris không đủ tư cách ứng cử phó tổng thống, cấm TikTok, đình chỉ đàm phán mậu dịch với Trung Quốc, v.v...Nhìn chung các chiêu trò là bất ngờ và làm cho các đối thủ chính trị trong và ngoài nước khó chịu.
Câu hỏi là vì sao ông già 74 tuổi lại nghĩ ra được nhiều chuyện như vậy. Vì mỗi quyết định đưa ra đòi hỏi phải xem xét, tính toán rất kỹ qua rất nhiều phương án một cách tỉ mỉ. Thôi để dành kỳ sau sẽ bàn cái này, còn bây giờ đề cập đến một chuyện nóng hổi hơn, đó là Hiệp định hòa bình giữa Israel và UAE.
Đây là Hiệp định thứ ba giữa Isreal với một nước Ả Rập. Hiệp định đầu tiên vào năm 1979 với Ai Cập, cái thứ hai với Jordan vào năm 1994. Thực ra rất nhiều nước trong số 22 nước Ả Rập đã có “ý định” làm chuyện này nhưng vẫn phải chờ đến 26 năm mới có ký kết thứ ba.
Trong quan hệ quốc tế, các nhà bình luận thường dùng từ nóng – lạnh (warm – cold) để mô tả và bình luận. Tiếng Việt có câu “bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc ngược lại, “trong lòng” không có gì nhưng bề ngoài lại tỏ ra thù địch. Một số nước Ả Rập không hề có xung đột lợi ích với Israel, nhưng về danh nghĩa lại vẫn coi nước này là “kẻ thù”.
Về lịch sử, bốn cuộc chiến Israel với khối Ả Rập vào các thập niên 1950, 1960, 1970 vì lý do bảo vệ lãnh thổ cho một nước Ả Rập là Palestin. Nhưng thực chất, đây chỉ là một phần, cái chính là ý đồ của Ai Cập muốn xưng bá ở khu vực, do đó chống Israel là cái cớ quy tụ và tập hợp các nước “đoàn kết”, nhất là khi Ai Cập đứng về phe Liên Xô để chống Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên sau cái chết bất ngờ của Tổng thống Ai Cập Nasser vào năm 1970, người kế nhiệm Sadad đã đảo ngược chính sách đối ngoại sang phe Mỹ và ký kết hòa bình với Isreal. Kẻ cầm đầu chống Israel đã thay đổi, vậy sao các nước khác không chịu thay đổi theo?
Thực ra, những năm gần đây, một số nước như Oman, Morocco đã có những đi lại với Israel, nhưng vẫn chưa thể vượt qua “lời nguyền” để đạt được những bước đi công khai.
Việc ký kết của UAE trước hết là một thành quả rất cần cho Trump trước kỳ bầu cử. Trước những lời chỉ trích ông đã hủy hoại các mối quan hệ đồng minh và từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ thì đây là câu trả lời. Việc Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã từng bị tố cáo hành động gây thêm căng thẳng trong khu vực Trung Đông, nhưng hóa ra cũng không phải.
Với những phản ứng tích cực ngay trong các nước Ả Rập, điều mọi người có tin rằng sẽ có thêm những nước Ả Rập, đặc biệt là các nước “anh em” thân cận như Saudi hay Bahrain, theo bước chân của UAE để ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel.
Một điều đáng chú ý khác, người thay mặt ký kết với Thủ tướng Israel là Thái tử Mohamed, 59 tuổi em trai khác mẹ của vua Khalifa, 72 tuổi. Theo những thông tin nội bộ, gần đây Mohamed đã bổ nhiệm con trai Khalid làm Chủ tịch Hội đồng hành pháp Abu Dhabi (Thủ tướng) và điều này rõ ràng là làm tắt hy vọng của Sultan, con trai cả Khalifa, người từng được truyền thông lăng xê, trong việc tham gia vào bộ máy quyền lực.
Động thái của Mohamed cho thấy ông muốn tỏ ra là một nhân vật nổi bật trên chính trường UAE cũng như các nước Ả Rập và đặt cược vào mối quan hệ với cá nhân Trump.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét