Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Có nên làm điều mình thích?

 


Trên thực tế có hai loại người: người chỉ làm điều mình thích và người có khả năng làm việc không thích, mà vẫn làm tốt.
Người lớn, hoặc già như mình thì không thể thay đổi "model" được nữa. Nhưng đối với với bọn trẻ, như tờ giấy trắng, là lúc bắt đầu định hình tính cách.
Là cha mẹ, có nên khuyên hay giáo dục con cái làm điều mình thích?
Mình để ý trong một tổ chức hay doanh nghiệp, ai chỉ làm cái tâm đắc, thích thú thông thường không được mọi người ủng hộ và khó tạo được mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên, cấp dưới và ngang cấp.
Ngược lại, người biết chiều theo ý thích của mọi người thì dễ được quý mến và do đó sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Ví dụ, hết giờ làm việc, bạn muốn về nhà nghỉ ngơi, để tưới cây hoặc cho chó ăn. Một lựa chọn khác: đi chơi thể thao hoặc đi nhậu với bạn bè. Chắc bạn có thể đoán được việc nào "có lợi" hơn.
Có người cho rằng, được làm điều mình thích mới sướng, nếu không là bất hạnh. Không, cái họ được bù lại là sự thăng chức, lên lương và thành công, chả lẽ không đáng mãn nguyện hay sao?
Hơn nữa, ý thích của mỗi người cũng dễ thay đổi, lúc thích nọ, lúc thích kia, ai mà chiều được. Làm theo ý người khác thể hiện sự quan tâm, thương yêu chứ không phải giả dối hay đóng kịch.
Để làm được điều hài lòng đa số cũng không dễ dàng. Nó đòi hỏi biết tôn trọng, biết lắng nghe, tính bao dung và hòa đồng. Nó cũng cần tài năng, nghị lực và kiên nhẫn rất nhiều.
Người như vậy cũng rất xứng đáng được hưởng thành công và hạnh phúc.

Có nên làm điều mình thích? (P 2)
Hai cháu nhà mình bắt chước nhau chọn học hai ngoại ngữ là tiếng Nhật và tiếng Pháp. Mình khuyên chúng chỉ nên học một, và đó là tiếng Việt. Vào tuổi teen hai đứa đều bướng bỉnh và muốn làm theo ý thích.
Sáng nay anh Kun Nguyen đăng bài nói có nên đánh con, đúng là đánh thì giải quyết được nhiều việc, nhưng mình vẫn “không”. Mình cũng không gay gắt về chuyện học hành hay chuyện nào khác mà chỉ chú trọng đến những gì liên quan đến sức khỏe.
Mình quan niệm, muốn có sức khỏe thì cần có nề nếp sinh hoạt điều độ. Do đó không được phép đi ngủ quá muộn, phải uống sữa tươi hằng ngày, không dùng phone trong thời gian 3 bữa ăn, không được mang đồ điện tử vào phòng ngủ.
Cần phải giữ gìn và quan tâm đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Ai đó cụt tay, cụt chân, bệnh tim, bệnh phổi thì đều dễ nhận ra, nhưng sự khiếm khuyết về tinh thần thì rất khó thấy. Ví dụ người nghiện cờ bạc, nghiện rượu, nghiện tình dục...dễ bị mọi người ghét bỏ mà không nghĩ họ là những bệnh nhân.
Ở Úc, số lượng người nhận trợ cấp tàn tật vì bệnh “tâm thần” (mental) tương đương với người tàn tật “physical”. Một vấn đề hay gây tranh cãi đâu là ranh giới giữa những người “yếu” thần kinh và những người đủ tiêu chuẩn “tàn tật” để nhận trợ cấp?
Viết đến đây mình nhớ đến một câu chuyện cách đây 20 năm tại Dubai. Lúc đó, một ông chủ quán cà phê kể một nhân viên mới người Việt, không hiểu sao cứ đứng nấp vào cột nhà để khóc, nên nhờ mình nói chuyện hộ. Em gái ấy cho biết khóc vì nhớ nhà. Mình có hỏi còn chuyện gì nữa không thì em bảo, tự dưng thấy tủi thân vì phải sang đây làm việc vất vả, không như ở trong nước sướng lắm.
Câu chuyện này không phải của riêng Dubai mà chung cho những người mới ra hải ngoại. Có nhiều người rất yếu đuối, luôn buồn bã, bất mãn, phàn nàn; bên cạnh đó, nhiều người khác tỏ ra mạnh mẽ, chịu khó giao tiếp, hòa nhập vào cuộc sống và mau chóng thành công.
Nghề làm chính trị hoặc những nghề phơi mặt ra public luôn đòi hỏi “mặt dày”, phải làm sao chịu đựng được việc thiên hạ chửi rủa, nếu không thì chỉ có cách bỏ nghề. Cái này cần tâm lý rất tốt.
Thực sự mình muốn con cái phải mạnh mẽ, dù con gái thì cũng không nên ủy mị, không để cảm xúc lấn át lý trí, dám làm những cái mình không thích. Nhưng vẫn chưa biết làm sao để giáo dục con theo hướng như vậy nên mong được trao đổi góp ý cùng các phụ huynh.

Có nên làm điều mình thích (P 3)
Chỉ có hai mụn con gái, vậy mà mình cứ hô hào phải sống mạnh mẽ, có lý trí. Sao phải khổ như vậy?
Có rất nhiều câu chuyện buồn cho người phụ nữ. Lúc lấy chồng thì trẻ đẹp, đến khi già xấu thì chồng đi với người khác. Đau đớn ở chỗ, con cái đứng về phe bố vì bố có tiền, có quyền mà không hiểu rằng mẹ chúng không hề có lỗi cho việc gia đình tan vỡ!
Bởi vậy, phụ nữ vẫn cần tạo lập sự nghiệp cho riêng mình, không nên phụ thuộc và không thể để chồng coi thường.
Nữ Thủ tướng Úc Gillard từng cho rằng cánh đàn ông thường chống đối và tìm cách lật đổ cô vì họ không muốn bị phụ nữ lãnh đạo. Ở tiểu bang Victorria, dù 50% nội các là nữ thì top job Premier vẫn là “dictator” Andrews, thuộc phái đực rựa.
Thôi không bàn đến giới thượng lưu xa xôi quá, mình quan tâm đến vùng từ trung lưu trở xuống. Ở khu vực này, phải nói chuyện bình đẳng nam nữ là có thật ở các nước văn minh như Úc.
Nếu bạn là người di dân sang Úc thì đều biết một thực tế, vợ kiếm việc làm dễ hơn chồng. Dưới con mắt của các chủ nhân, phụ nữ chăm chỉ, có trách nhiệm và trung thành hơn đàn ông. Quý ông dễ mắc bệnh “ngáo” không biết mình là ai khi lúc nào cũng nghĩ mình tài giỏi lắm.
Nếu không bị phân biệt đối xử, phụ nữ không hề thua kém đàn ông. Trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tại Úc, điểm trung bình của học sinh nữ luôn cao hơn học sinh nam.
Trong năm tài chính vừa qua, cô Shemara, CEO tập đoàn Macquarie là người hưởng lương cao nhất tại Úc, với mức lương cứng $18 triệu/ năm chưa kể tiền thưởng và tiền hoa hồng. Cô là người gốc Sri Lanca, sinh tại Anh, đã sống ở nhiều quốc gia trước khi sang Úc.
Nên nhớ rằng, mức lương của Thủ tướng Úc chỉ là $600,000 mà thôi. Thực sự, những người tài năng nhất chưa chắc đã đi làm chính trị.

Có nên làm điều mình thích (P 4 và hết)
Kinh dịch là một trong những triết lý cổ xưa nhất. Theo đó, âm dương là hai thành phần cơ bản, như đêm với ngày, như vơi và đầy, nóng - lạnh, cao - thấp, bảo thủ - cấp tiến...
Về phương diện chăm sóc con cái, có lẽ mình theo quan niệm cấp tiến mà xin trình bầy dưới đây để trao đổi với quý vị phụ huynh.
Xã hội thay đổi rất nhanh, con cái mình phải khác mình, không nên có tư duy, nhận thức và hành xử giống như cha mẹ chúng. Những điều mà mình cho là đúng hay sai, tôn thờ hay nguyền rủa thì đối với thế hệ con cái chưa chắc đã là như vậy.
Hồi nhỏ mình bị cấm đoán đủ thứ, trong đó là cấm nói tục. Thật ra đó là điều không cần thiết, tụi mình không nói bậy trước mặt người lớn nhưng vẫn thường xuyên nói với nhau. Còn bên Úc, nếu bạn ngồi trong xe lửa vào giờ tan học thì sẽ thấy tụi Tây con và cả Tây lớn nói bậy đến cỡ nào.
Mình sống ở xã hội Ả Rập trong 10 năm thì thấy dân bên ấy hầu như không nói bậy, chỉ có làm bậy thôi. Theo luật Sharia, đàn ông được lấy bốn vợ, khái niệm “vợ” là phải có đám cưới, đi nhà thờ và ngày nay phải có giấy hôn thú.
Một ông Ả Rập ở Dubai kể với mình là mới “mua” một cô vợ 15 tuổi từ Jordan với giá khá rẻ và khẳng định rằng đàn ông được phép như vậy vì đó là truyền thống đạo Hồi.
Hóa ra tôn giáo lại là cái cớ để nhiều đàn ông đi chung chạ với các phụ nữ khác, thậm chí còn viện dẫn “Luật” có thể lấy cô thứ năm nếu ly dị một trong bốn cô cũ. Mình cũng biết nhiều người hồi giáo không hề tôn trọng Luật Sharia khi vẫn uống rượu và ăn thịt heo.
Tinh trạng là, nói một đằng làm một nẻo, lý sự đạo đức và triết học rất hay nhưng hành động không khác gì một con súc vật! Thực sự, nói bậy không có hại như nhiều người nghĩ, chứ làm bậy thì quá tồi tệ.
Cuộc chiến Việt Nam là một trong những cuộc chiến lâu dài và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Mình cảm thấy không cần thiết phải giải thích nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của nó cho con cái bởi vì chúng giỏi tiếng Anh hơn, đọc sách nhiều hơn và dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin đa chiều hơn.
Bắt con cái theo “khuôn vàng thước ngọc” mà mình tạo ra thì thật là tội nghiệp cho chúng. Ngược lại, con cái có cha mẹ open mind, có đầu óc khoan dung, độ lượng, cho phép con được “tự do” hơn thì chúng sẽ có nhiều cái lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét