Năm 2004, khán giả truyền hình Việt Nam khá bất ngờ được xem một bộ phim 8 tập được dàn dựng khá công phu về cuộc đời Cựu Hoàng Bảo Đại, mang tên “Ngọn nến Hoàng cung". Điều thú vị ở đây là nhân vật Bảo Đại được mô tả khá lạ lẫm so với những định kiến trước đây, như một ông hoàng lịch lãm, am hiểu Đông Tây kim cổ, đặc biệt có những lời thoại sắc sảo. Chắc chắn, đây là một góc nhìn khách quan hơn và bao dung hơn về ông.
Nhân vật quan trọng thứ hai trong phim chính là Hoàng hậu Nam Phương. Tuy nhiên Nam Phương cũng không hoàn toàn giống với những tư liệu, bà có thiện cảm với cách mạng và nhiều lần khuyên chồng hợp tác với Hồ Chí Minh và cách mạng.
Một phụ nữ đẹp, con nhà giàu, có học thức, nhưng khi lấy chồng là hoàng đế thì lui về hậu cung để chăm sóc cho 5 người con. Đó đã quá đủ để ngưỡng mộ, không cần tỏ ra tài giỏi để can thiệp vào chuyện chính trị. Tuy nhiên, cũng nên thông cảm, để vượt qua kiểm duyệt ở quốc nội thì cần có những hư cấu như vậy.
Mặc dù bộ phim được làm sau khi Bảo Đại mất 7 năm nhưng phim không trọn đời mà kết thúc vào lúc ông ra nước ngoài sống lưu vong. Và do vậy, một nhân vật quan trọng khác của cuộc đời Bảo Đại, bà hoàng Monique chưa xuất hiện.
Bảo Đại là vị vua duy nhất ra lệnh giải tán chế độ cung nữ và theo đuổi chế độ một vợ một chồng. Sau khi vợ đầu là Nam Phương qua đời thì ông đi bước nữa với một phụ nữ Pháp, đó là bà Monique.
Sinh thời, Bảo Đại được cho là có 2 vợ và 6 nhân tình. Con số đó không hẳn là nhiều so với mức trung bình của đàn ông Việt Nam, họ có đến 10 bạn chăn gối.
Trong một bào phỏng vấn bằng tiếng Anh được đăng tải trên website Hoàng tộc Nguyễn, Monique đã nhắc lại việc bà và Bảo Đại gặp nhau lần đầu vào năm 1969, lúc đó Monique 23 tuổi, trong khi Bảo Đại đã 56 tuổi.
Monique làm việc trong bộ phận truyền thông của Đại sứ quán Công gô tại Pháp. Lúc đó, Bảo Đại sống trong cảnh rất túng thiếu và còn đau yếu. Sau khi bị Ngô Đình Diệm phản bội và phế truất, ông gần như bị trầm cảm, bị chứng mất ngủ và phải điều trị tại bệnh viện.
Monique là người đã giúp Bảo Đại xin tiền trợ cấp của Chính phủ Pháp, được có 7,000 franc/tháng (1,200 USD), là mức chỉ để sinh hoạt một cách tối thiểu. Về sau, Pháp đã nâng lên thành 12,000 franc thì đỡ hơn một chút.
Do rào cản ngôn ngữ, Monique ít tiếp xúc với người Việt. Nhưng mọi người lại vẫn nhắc đến một sự việc không hay liên quan đến bà. Năm 1982, Bảo Đại và Monique sang Mỹ. Trong một sự kiện, ban tổ chức hỏi Bảo Đại về mối quan hệ với người phụ nữ đi cùng. Cựu hoàng đáp: trong nhà là vợ, ra ngoài là Thư ký.
Khi thấy không được xếp ngồi cạnh chồng mà phải ngồi chung với đám người phục vụ, Monique đã nổi đóa, bà giật mạnh chiếc khăn trải bàn, làm ly chén nghiêng ngả. Đại diện chủ nhà đã phải khôn khéo nhận trách nhiệm là trải khăn không đúng.
Người có lỗi trong việc này chính là Bảo Đại. Một số người mắc bệnh “cuồng vĩ” nên không cho phép đàn bà được ngang hàng với mình, họ tìm cách tránh công khai mối quan hệ. Đó là điều bất hạnh và tội nghiệp cho những người phụ nữ dính với loại đàn ông như vậy.
Chắc Monique đã nhiều lần phải chịu đựng việc tương tự trước đây, nhưng lần này thì khác, lúc đó ông bà mới làm giấy đăng ký kết hôn chính thức. Lý do là vì Đức Từ Cung mẹ Bảo Đại không đồng ý khi cho rằng Hoàng đế mà lấy vợ người Phương Tây là không hợp với truyền thống. Phải chờ đến hết tang giỗ đầu mẹ, Bảo Đại mới chịu làm giấy hôn thú với Monique.
“Con Rồng nước Nam” là cuốn Hồi ký chính trị xuất bản vào năm 1980, bản gốc viết bằng tiếng Pháp nhưng đích thân Bảo Đại chỉnh sửa bản dịch tiếng Việt. Đây là một tư liệu có giá trị về lịch sử, đồng thời thể hiện quan điểm và tầm nhìn của Bảo Đại. Điều đáng chú ý, cuốn Hồi ký không đề cập đến chuyện riêng tư.
Có lẽ cựu hoàng thấy không cần thiết phải nói rõ về những điều đồn đại, thêu dệt, thậm chí là bịa đặt về những chuyện tình ái của mình, mặc dù nếu đề cập đến những chuyện đó thì cuốn sách sẽ rất ăn khách. Hồi ký chỉ phát hành với một số lượng rất nhỏ.
Dù sống trong hoàn cảnh tài chính chật hẹp, nhưng Cựu hoàng vẫn không tranh thủ cơ hội dùng sách để kiếm tiền. Bảo Đại là một chuyện, nhưng với Monique, rõ ràng bà cũng không hề ham vật chất như thói thường của con người.
Dường như ông bà bằng lòng với cuộc sống giản dị. Ông hoàng sống trong nhung lụa từ nhỏ đã nói đại ý: Tôi thoái vị lâu rồi, bây giờ chỉ là một công dân. Đa số người Việt vẫn còn có cuộc sống khó khăn thì tôi cũng vậy.
Bảo Đại mất khi Monique mới 51 tuổi nhưng bà không tái giá. Cũng trong bài phỏng vấn nói trên, Monique, lấy hiệu Việt là Thái Phương, khoe rằng thỉnh thoảng vẫn có các cộng đồng Việt mời bà đến nói chuyện về Cựu hoàng Bảo Đại. Theo bà, Bảo Đại là một người đàn ông có phẩm giá và đáng ngưỡng mộ.
Bảo Ân, sinh năm 1957 hiện sống tại Mỹ, hoàng tử duy nhất còn sống đã đánh giá Monique là người có công chăm sóc, cưu mang Bảo Đại trong suốt quãng thời gian tuổi già.
Chuyện Bảo Đại - Thái Phương là một chuyện tình đẹp và dài lâu. Trong khi phần lớn người Việt đã ruồng bỏ, xa lánh, đối xử tệ bạc với Vua của họ thì lại có một phụ nữ ngoại quốc hết lòng yêu thương, lo lắng về ông cho đến hết cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét