Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, cả
dầu Brent và WTI đều đánh mất mốc 60USD/thùng. Những tác động từ thương
chiến Mỹ - Trung đã và đang tác động tiêu cực đến mặt hàng được coi là
một hàn thử biểu của kinh tế thế giới này.
Phiên
giao dịch cuối tuần (ngày 24/8), trên sàn New York Mercantile
Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2019 đứng ở mức 53,97
USD/thùng, giảm 1,38 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent
giao tháng 10/2019 đứng ở mức 59,12 USD/thùng, giảm 0,80 USD/thùng trong
phiên và giảm tới 0,92 USD/thùng so với ngày 23/8.
Giá
dầu thế giới đồng loạt lao dốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ -
Trung bất ngờ “bùng nổ” dữ dội khi cả 2 bên đều đưa ra những biện pháp
thuế quan nhắm vào hàng hoá của nhau.
Qua
tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã “ra lệnh” cho các các
công ty Mỹ tìm kiếm lựa chọn thay thế Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến
một làn sóng bán tháo mạnh mẽ trong chứng khoán Mỹ và gây sức ép
lên đồng USD, đồng thời thúc đẩy nhu cầu các tài sản trú ẩn an toàn như
vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Kim
ngạch xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng này vọt lên
mức cao nhất trong 1 năm ở mức 300,000 thùng/ngày. Tuy nhiên triển vọng
hé ra này đã bị khép lại do việc thuế quan của Trung Quốc cũng sẽ đánh
vào dầu Mỹ.
Trong khi đó, dữ liệu
định kỳ hàng tuần về số giàn khoan tại Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất đã
suy giảm. Cụ thể, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số
giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 16 giàn xuống 754 giàn trong
tuần này, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2019.
Scott
Gecas, Giám đốc chiến lược thị trường tại Walsh Trading, nhận định.
“Với tất cả những dự đoán tiêu cực rằng nền kinh tế đang đối mặt với suy
thoái, đang làm tăng áp lực lên giá dầu”. Còn Cơ quan Thông tin Năng
lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 2.7 triệu thùng
trong tuần kết thúc ngày 16/08/2019, nhưng thấp hơn so với dự báo, và
sau 2 tuần tăng liên tiếp.
Các
chuyên gia tin rằng, dầu có thể sẽ giảm giá xuống còn 30 USD/thùng
trong tương lai gần. Ít nhất đã có 2 đơn vị là Công ty tư vấn PVM - Anh
và Ngân hàng Bank of America - Mỹ đưa ra nhận định về giá dầu 30
USD/thùng. Thực tế hiện nay, trên thị trường thế giới, nguồn cung khí
đốt đang vượt cầu đáng kể và giá khí đã giảm về mức thấp nhất trong vòng
10 năm qua, nhưng giá dầu lại không giảm tương ứng. Nếu xem xét mối
tương quan truyền thống giữa giá khí và giá dầu, mức giá hợp lý đối với
dầu sẽ là dưới 30 USD/thùng. Ngoài ra, nếu Trung Quốc phớt lờ lệnh cấm
mua dầu Iran, nghĩa là có thêm một nguồn cung đáng kể, giá dầu có thể
còn giảm sâu hơn nữa, về mức 20 USD/thùng.
Trong quá khứ, giá dầu đã là một vũ khí
lợi hại để đánh gục nền kinh tế Liên Xô trước đây, khi Saudi Arabia,
được Mỹ trợ giúp đã tăng sản lượng dầu từ 2 triệu thùng/ngày lên 10
triệu thùng/ngày. Cách đây 5 năm, khi giá dầu sụt giảm từ mức trên 100
USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng cũng làm kinh tế Nga điêu đứng, đời
sống người dân Nga đi xuống rõ rệt.
Nhưng
khác với Nga, Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu mà lại nhập khẩu
dầu, nên giá dầu giảm thì có lợi cho kinh tế của họ. Tuy nhiên, giá dầu
vẫn có ý nghĩa về tâm lý, phản ánh một nền kinh tế yếu đuối và thiếu
niềm tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét