Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Nhìn lại diễn biến của Hội nghị thượng đỉnh G7

Hội nghị thường niên của bẩy nước công nghiệp phát triển năm nay diễn ra tại Biarritz, Pháp vào 24-26/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên một cao trào mới. Trước một ngày diễn ra cuộc họp, ngày 23/8, Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với 75 tỉ USD hàng Mỹ. Ngay lập tức, phía Mỹ trả đòn khốc liệt, tăng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỉ USD  và từ 10 lên 15% đối với 300 tỉ USD hàng còn lại của Trung Quốc.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc họp Đới Bắc Hà, cuộc họp hàng năm của lãnh đạo Trung Quốc với các nguyên lão vừa bế mạc. Điều có thể hiểu rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình không hề muốn leo thang cuộc chiến Thương mại với Mỹ nhưng ông đã chịu sức ép nội bộ. Đây cũng là dịp kỷ niệm 115 ngày sinh cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, một bài viết của ông Đặng đã được đăng lại theo đó cần giới hạn thời gian cầm quyền của lãnh đạo. Sau khi Mao Trạch Đông  cầm quyền đến “hơi thở cuối cùng” thì họ Đặng chiếm được quyền bính và yêu cầu các nhà lãnh đạo tiếp theo không được ở ngôi quá 2 nhiệm kỳ. Rõ ràng bài viết này ám chỉ vào việc ông Tập đã cho xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Mặc dù bài đăng sau đó đã được xóa nhưng nó đã phản ánh những bất ổn về nội bộ.
Trở lại cuộc chiến thương mại đang tác động nặng nề đến kinh tế toàn cầu, thì đây là một cuộc chiến không cân sức. Phía Mỹ có nhưng ưu thế áp đảo về quy mô, trình độ công nghệ, khả năng lôi kéo đồng minh. Mặc dù cuộc chiến tập trung vào vấn đề thương mại và thuế nhưng  liên quan đến mọi khía cạnh của kinh tế, đến tỉ giá, đầu tư, chứng khoán, sản xuất, việc làm...Trump từng là một doanh nhân thành công, không hiểu rất rõ các cơ chế vận hành của guồng máy kinh tế, của các doanh nghiệp. Một vị Tổng thống như Clinton hay Omaba xuất thân từ Luật sư, họ có thể giỏi về vĩ mô nhưng không thể thấu hiểu về kinh tế như Trump. Đó có lẽ là lý do Tổng thống Trump “dám” phát động cuộc chiến và có sự tự tin để chiến thắng.
Ngoài vấn đề kinh tế, chương trình nghị sự của cuộc họp còn đề cập đến vấn đề môi trường, đặc biệt là vụ cháy rừng lớn ở lưu vực sông Amazon, thuộc Brazil nơi được coi là lá phổi của thế giới. Tuy nhiên việc họp bàn gặp một cản trở là chuyện của Brazil nhưng đại diện của nước này là không được mời tham dự. Mặc dù vậy, cuộc học cũng kết luận được những cam kết hỗ trợ cho việc chống chát rừng và coi đây là một việc cấp bách.
Một điều bất ngờ là Ngoại trưởng Iran lại được mời đến dự họp với tư cách là khách mời. Ai cũng biết lập trường của Iran với các cường quốc có nhiều khác biệt nên khó lòng giải quyết chỉ trong chuyến công du vỏn vẻn có 5 giờ đồng hồ. Mặc dù vậy, Thủ tướng Đức, bà Merkel đã nói trong họp báo rằng cuộc thảo luận với Iran rất hữu ích và các nước G7 cũng tìm ra sự đồng thuận về vấn đề Iran.

Cuộc họp năm nay có ba vị khách mời chính thức là Thủ tướng Úc Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez.
Một trong những mục tiêu của ông Morrison khi phó hội là tìm kiếm một Hiệp định Thương mại tự do với EU. Khi làm việc về việc này, phía EU yêu cầu Úc phải đổi tên 172 loại hàng hóa và 236 loại rượu, bao gồm các loại pho mát kiểu Hy Lạp, Thụy Sĩ và Ý; rượu grappa chưng cất từ nho hay rượu uozo, v.v...mặc dù những nhãn hiệu này do nhưng người di dân từ Châu Âu sang Úc đặt ra.
Trong buổi gặp với Thủ tướng Anh Johnson, một người đã từng có thời gian sống và làm việc tại Melbourne, hai vị Thủ tướng cũng bàn đến viễn cảnh hợp tác Úc - Anh chặt chẽ hơn, nhất là việc Anh sẽ rời bỏ Châu Âu sau ngày 31/10 tới.
Khi làm việc với Tổng thống Mỹ Trump, ông Morrison cũng lưu ý đến những tác động tiêu cực từ cuộc Thương chiến Mỹ - Trung và ngỏ ý Úc sẵn sang hợp tác với Mỹ về tình hình căng thẳng tại Trung Đông.
Một vấn đề lớn được nêu ra trong Hội nghị G7 là vấn đề đưa Nga trở lại nhóm hay không.  Nga gia nhập G7 từ năm 1997 để nhóm trở thành G8 nhưng đã bị loại bỏ tư cách thành viện từ năm 2014 do việc Nga xâm chiếm bán đảo Cruime của Ukrana.
Tháng 8 năm nay cũng là thời điểm đánh dấu 20 năm Putin lên cầm quyền, mặc dù lúc đó ông mới giữ chức Thủ tướng nhưng có thể coi ông đã năm thực quyền do Tổng thống lúc đó là Yeltsin đau ốm và sắp hết nhiệm kỳ. Sau hai mươi năm, điều có thể nhận ra là vị thế nước Nga ngày càng trở nên bị cô lập trên trường quốc tế. Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), một thực thể liên kết các nước thuộc Liên Xô trở nên suy yếu, nhiều nước chính thức rút tư cách thành viên và CIS đã tan rã trên thực tế. Quan hệ với Châu Âu, đặc biệt với các nước Đông Âu và các cường quốc Tây Âu đều đi xuống, thậm chí nhiều nước như Ba Lan, Ukrana coi Nga như kẻ thù. Do đó, việc phục hồi tư cách tham dự G7 là một cơ hội tốt để nước Nga thêm bạn bớt thù.
Mặc dù vậy người phát ngôn điện Kremlin, ông Peskov lại bác bỏ việc trở lại G7 nếu đó không phải là sự đồng thuận chung mà chỉ là lời mời của một quốc gia. Mỹ sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị tiếp theo và với tư cách đó, Mỹ có quyền mời đại diện của Nga. Theo lịch trình, Hội nghị G7 2020 sẽ diễn ra chỉ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có ba tháng, và đó sẽ rất “nhạy cảm” nếu ông Putin xuất hiện tại Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét