Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Khi tiền gửi của “khúc ruột ngàn dặm” trở thành trụ cột của nền kinh tế

Hằng tháng, Joy Kyakwita, một Luật sư ở London bấm những cái nút quen thuộc trên điện thoại để gửi một khoản tiền về cho gia đình cô ở Uganda. Cô chỉ là một trong số 270 triệu người tha hương cầu thực trên khắp hành tinh, nhưng người đã làm nên một con số “ngỡ ngàng”. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), kiều hối toàn cầu năm nay đã lên đến 689 tỉ USD, vượt lên trên khoản đầu tư nước ngoài (FDI) để trở thành dòng tiền lớn nhất cho các nước đang phát triển.
Theo Dilip Ratha, một quan chức WB, trước đây kiều hối thường khiêm tốn đứng đằng sau FDI và các khoản đầu tư khác, nhưng ngày càng trở nên quan trọng như đã ghi nhận. Kiều hối đã giúp cho nhiều nền kinh tế lấy lại thăng bằng trong cán cân thanh toán, chi trả cho các khoản nợ của chính phủ, công ty và gia đình. Như tại Philippines, dòng “tiền tươi” lên đến 34 tỉ mỗi năm đã giải quyết biết bao vấn đề như thâm thủng tài khoản vãng lai lên đến 10% so với Tổng thu nhập quốc nội. Tương tự, thật không hiểu tình trạng sẽ ra sao nếu không có kiều hối ở Ai Cập và Nigeria.
Một trong những nước phụ thuộc vào kiều hối lớn nhất có thể kể đến Li Băng khi đa số người dân sống ở nước ngoài đã mang lại sự “phồn vinh” cho bộ mặt kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó là các tiểu quốc ở Thái Bình dương như Tonga, nơi các “Tonga kiều” từ Mỹ, Úc và New Zealand chiếm đến một nửa nhân lực ở độ tuổi lao động.
Theo WB, có một thực tế là khoảng cách thu nhập quá chênh lệch giữa các nước phát triển và các nước nghèo, cụ thể là mức trung bình 43,000 USD/ người so với 800 USD/người. Vì thế, có thể nhận định số lao động ở các nước đang phát triển ra nước ngoài sẽ gia tăng chứ không giảm đi. Một lý do khác, dân số các nước phát triển đang có xu hướng già đi và không tránh khỏi việc cần thêm nhân công ngoại quốc.
Trong khi đó, FDI, theo truyền thống, được hiểu là yếu tố quyết định mang lại sự phát triển lại có sự sa sút mạnh, nhất là từ năm nhà đầu tư lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật và Anh. Điều này có thể hiểu là sự toàn cầu hóa vẫn tiếp tục nhưng đã có những mạch nước ngầm còn lấn át cả bề nổi.

Ở Việt Nam, Kiều hối và FDI sau giải ngân chính là hai “cột trụ” mang lại dòng tiền chảy vào đất nước hình chữ “S”. Nếu tính thêm các nguồn tiền khác như vốn viện trợ và vay ODA cũng như Đầu tư gián tiếp (FII)... thì tổng số tiền từ bên ngoài lên đến xấp xỉ 40 tỉ USD. Trong đó riêng kiều hối là 13.8 tỉ USD, lớn nhất từ Mỹ (7.7 tỉ USD), Úc (1.2 tỉ USD), Canada (953 triệu USD) và Đức (748 triệu USD).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét