Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Nếu làm người, xin hãy làm doanh nhân

Khác biệt văn hóa ? Người Á Đông, tức Viễn Đông thì đề cao việc học hành; người Ả Rập Trung Đông thì coi trọng buôn bán.
Từ ngàn xưa, Tàu hay Việt không có chế độ tập tước, con nối tước vị của cha, ngoại trừ Vua, như các nước châu Âu và Trung Đông. "Nguồn" của quan lại thông qua thi cử và tiến cử, cả hai nguồn này đều chuộng người có học. Mặc dù quan ngày xưa thanh liêm hơn bây giờ nhưng vẫn có câu "một người là quan cả họ được nhờ". Vì thế học hành mặc nhiên được coi là con đường tiến thân vinh quang nhất. Con cái nhà nào tối dạ, buộc phải rẽ ngang thì bị gọi bằng những từ ngữ như đi làm con buôn, kẻ chợ, đi làm cu li hoặc xướng ca vô loài...
Bên Ả Rập hoàn toàn ngược lại, buôn bán được coi là nghề cao quý nhất vì nó mang đến sự giàu có, được đi ngao du đó đây...và các gia đình đình làm ăn  thường chọn ra một người con nhanh nhẹn nhất để nối nghiệp. Những đứa chậm chạp, đần độn, không được việc gì thì cho... đi học. Học hành lấy bằng rồi xin làm thuê cho người ta, còn làm cho nhà mình thì phải giỏi, mới giữ được cơ nghiệp.
Theo mình, để làm thương mại, nói nôm na là đi buôn khó hơn học hành rất nhiều. Dù học giỏi đến mấy thì vẫn có thể coi là chưa cống hiến gì, còn doanh nhân là những người nuôi sống cả xã hội. Để học giỏi chỉ cần thông minh và chăm chỉ, còn để giỏi kinh doanh thì ngoài hai phẩm chất đó còn phải có nhiều yếu tố quan trọng khác về tính cách.

Người chủ doanh nghiệp là người đứng mũi chịu sào, không thể không có suy nghĩ độc lập, tự tin và quyết đoán. Đồng thời ông/bà đó cần phải quảng giao, nhậy cảm trong giao tiếp để "trông mặt mà bắt hình dong" để phán đoán và đánh giá đúng về con người. Họ cũng phải luôn luôn sáng tạo, tìm ra hướng đi, cách làm mới phù hợp với từng giai đoạn. Trong kinh doanh, "sai một li đi một dặm" nên rất cần các đức tính cẩn thận, chi tiết và tỉ mỉ. Người chủ phải biết bình tĩnh quản trị được những điều rủi ro không may, xử lý sao cho bớt tổn thất nhất.
Một chuyện nữa, làm kinh doanh còn phải thích ứng được với môi trường hoàn cảnh mới. Mình có người quen (không dám nhận là bạn) là một doanh nhân thành công ở Việt Nam mới qua Úc, cũng đòi loay hoay làm ăn. Trông thấy mặt là thấy anh phàn nàn về bọn Úc ngu quá, dốt quá. Chừng nào anh còn nghĩ như vậy thì chừng đó còn phải tiếp tục trả giá về thời gian và tiền bạc. Không hiểu sao, những người "miền ngược" sang xứ văn minh, kể cả bản thân mình trước kia đều tự cho giỏi hơn người ta, nhưng rồi càng ở lâu mới càng thấu hiểu được điều ngược lại.
Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra rầm rộ cho giới trẻ khắp nơi. Các bậc cha mẹ thử đánh giá con mình liệu có đủ hoặc có triển vọng hội đủ các tố chất làm doanh nghiệp không? Trong nhiều trường hợp, quý vị nắm giữ cái đầu tiên (tiền đâu) là cấp vốn cho con mình đi làm business. Nếu thấy không ổn thì có thể dừng lại và để chúng chui vào trường học cho nó lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét